Cơ sở để xác định các khái niệm lịch sử cần hình thành cho học

Một phần của tài liệu Hình thành khái niệm trong dạy học lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại lớp 10 THPT (chương trình chuẩn) (Trang 51)

9. Cấu trúc của luận văn

2.1. Cơ sở để xác định các khái niệm lịch sử cần hình thành cho học

sinh trong dạy học lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại, trung đại lớp 10 THPT (Chương trình Chuẩn)

2.1.1. Vị trí, mục tiêu khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại

2.1.1.1. Vị trí của khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy cổ đại và trung đại

Khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại lớp 10 THPT (chương trình Chuẩn) là giai đoạn bản lề chuyển tiếp trên con đường nhận thức của HS, khi từ cấp THCS lên THPT, là bước khởi đầu trên con đường nhận thức lịch sử của HS ở cấp THPT. Khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại được đưa vào giảng dạy ở lớp 10 với yêu cầu cung cấp những kiến thức cơ bản và tương đối về ba thời kỳ lịch sử thế giới là thời kỳ xã hội nguyên thủy, kể từ khi xã hội loài người (người tối cổ) xuất hiện (khảo cổ học gọi là thời Tiền sử) đến khi xã hội có giai cấp - Nhà nước ra đời; thời kỳ Cổ đại là thời kỳ xã hội có giai cấp đầu tiên, gồm xã hội cổ đại phương Đông và xã hội Cổ đại ở phương Tây - Hy Lạp và Rô-ma; đến thời kỳ Trung đại là thời kỳ hình thành, phát triển và suy vong của chế độ phong kiến. Lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại trải qua một khoảng thời gian rất dài (có thể trải qua hàng triệu năm từ khoảng 4 triệu năm trước đây khi người tối cổ bắt đầu xuất hiện đến khoảng thế kỉ XVI, khi phong trào văn hóa phục hưng diễn ra tiếp đó là chiến tranh nông dân và cải

cách tôn giáo bùng nổ mở màn cho các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại [56; 04-68], đã thể hiện những bước phát triển vượt bậc của xã hội loài người từ sự hình thành “xã hội nguyên thủy” đến sự hình thành giai cấp và nhà nước với những thành tựu vượt bậc trong sản xuất, kinh tế. Từ sự hình thành “các quốc gia cổ đại đầu tiên” ở phương Đông và phương Tây đến sự hình thành và phát triển của “chế độ phong kiến” ở phương Đông và cả phương Tây. Qua đó, giúp HS nhận thức sự phát triển hợp quy luật của lịch sử, bắt đầu từ khi con người và xã hội hình thành.

2.1.1.2. Mục tiêu của khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại

- Về kiến thức

Khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại ở lớp 10 THPT (chương trình Chuẩn) nhằm:

Giúp HS nắm được những kiến thức cơ bản về các sự kiện, các KNLS cơ bản trên cơ sở củng cố, phát triển và hoàn thiện những nội dung kiến thức lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại đã học ở THCS.

Giúp HS nâng cao những hiểu biết đã học một cách một cách có hệ thống, sâu sắc hơn, về những sự kiện cơ bản, nhân vật tiêu biểu, thời gian, không gian, các biểu tượng, KN, thuật ngữ và quy luật chung thể hiện trong khóa trình này.

Bổ sung, nâng cao một cách có hệ thống, sâu sắc hơn những kiến thức mà các em đã tiếp thu được ở cấp THCS nhằm giúp các em tiếp tục củng cố vững chắc những kiến thức đó.

Giúp HS hiểu rõ hơn quy luật phát triển của xã hội loài người, những tác động, những ảnh hưởng của lịch sử thế giới thời kỳ này đến lịch sử nước ta. Trên cơ sở đó, HS còn được nâng cao và hoàn chỉnh hơn những nhận thức của chủ nghĩa duy vật lịch sử về lịch sử - xã hội (lịch sử của sản xuất; sự thay

thế nhau của các phương thức sản xuất đầu tiên và phương thức sản xuất sau luôn cao hơn phương thức sản xuất trước, trong mỗi phương thức sản xuất trước luôn tồn tại mầm mống, tiền đề của phương thức sản xuất sau; khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp thì lịch sử thời kỳ này đã bắt đầu lịch sử đấu tranh giai cấp...).

Bên cạnh đó, còn giúp HS nhận thức được quá trình phấn đấu gian khổ, sáng tạo, xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, xã hội cụ thể để vươn lên đạt được những thành tựu mới, rực rỡ của nền văn minh nhân loại trong thời kỳ đầu. Thấy được vai trò, tác dụng của lao động trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

Quan trọng nhất là phải giúp HS hình thành được các KN cơ bản quan trọng trong toàn bộ khóa trình để các em có thể hiểu được bản chất của các sự kiện, hiện tượng, quá trình lịch sử.

- Về thái độ

Bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống lịch sử của các dân tộc phương Đông trong đó có Việt Nam.

Thấy được và biết quý trọng những di sản văn hóa, những thành tựu văn hóa rực rỡ, các công trình kiến trúc huy hoàng mà nhân dân các dân tộc trên thế giới đã xây dựng nên, qua đó hiểu được những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ đối với văn hóa Việt Nam và mối quan hệ gắn bó lâu đời cùng tính chất tương đồng về địa lí - lịch sử văn hóa với các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Từ đó có tinh thần đoàn kết hợp tác lẫn nhau giữa các dân tộc cùng ý thức tôn trọng các di sản văn hóa, các tôn giáo của các dân tộc trên thế giới, để biết quý trọng và giữ gìn những di sản văn hóa của dân tộc mình.

Đặc biệt, khi hiểu được sự phát triển kinh tế dẫn tới sự phân hóa giai cấp làm mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, dẫn tới đấu tranh giai cấp, sự hình thành nhà nước, và sự thay thế nhau của các phương thức sản xuất. Qua

đó, HS sẽ hiểu được sự chuyển biến của lịch sử xã hội loài người qua các mô hình xã hội từ cổ đại đến trung đại (công xã nguyên thủy, chiếm nô, phong kiến), trên cơ sở đó hiểu được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc HTKN đối với việc nắm vững kiến thức trong toàn bộ khóa trình này và cả các khóa trình sau.

- Về kĩ năng

Tiếp tục hoàn thiện những kỹ năng cần thiết cho HS trong học tập lịch sử đã được hình thành và rèn luyện ở THCS như khi xem xét các sự kiện, nhân vật, làm việc với SGK và các nguồn tư liệu, đặc biệt biết phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp, khái quát hóa và trừu tượng hóa trong quá trình nhận thức các KNLS cơ bản, vẽ sơ đồ, lập niên biểu... có năng lực tự học, phát hiện đề xuất, giải quyết vấn đề, nâng cao năng lực tư duy và khả năng thực hành. Đặc biệt là khả năng sử dụng và nắm vững các KN cơ bản trong khóa trình vào việc lĩnh hội, tiếp thu các kiến thức lịch sử ở các khóa trình sau, cũng như vận dụng vào việc nắm lịch sử dân tộc.

2.1.2. Nội dung của khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại

Khóa trình này gồm ba phần và được chia ra làm sáu chương: chương I - Xã hội nguyên thủy; chương II - Xã hội cổ đại; chương III - Trung Quốc thời phong kiến; Chương IV - Ấn Độ thời phong kiến; chương V - Đông Nam Á thời phong kiến; chương VI - Tây Âu thời trung đại được dạy trong 17 tiết, (gần toàn bộ phân phối chương trình của học kì I - 18 tiết).

Phần lịch sử xã hội nguyên thủy (gồm bài 1-2) cung cấp cho HS những kiến thức về sự hình thành con người và xã hội loài người. Động lực của sự phát triển xã hội là lao động của con người để chế tạo và sử dụng công cụ lao động qua các giai đoạn phát triển của lịch sử với những đặc trưng về sinh hoạt, lao động và tổ chức xã hội của con người.

Phần lịch sử xã hội cổ đại (gồm bài 3-4) với những kiến thức về các quốc gia cổ đại phương Đông và các quốc gia cổ đại Địa Trung Hải, cung cấp cho HS về: Đặc điểm của điều kiện tự nhiên và kinh tế sông ngòi, đất đai, khí hậu, công cụ kim khí,... đã chi phối và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Sự phân hóa xã hội trong các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây. Thể chế chính trị với sự thống trị của chủ nô đối với nô lệ, gây nên mâu thuẫn rất gay gắt và cuộc đấu tranh của nô lệ chống chủ nô. Bên cạnh đó là những thành tựu rực rỡ về văn hóa.

Phần Lịch sử xã hội trung đại gắn với “chế độ phong kiến” (Gồm bài 5- 11) thể hiện những nét chung của xã hội phong kiến ở các nước: chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và đấu tranh gay gắt giữa nông dân và địa chủ phong kiến... Cùng những sự kiện chủ yếu ở các nước phong kiến phương Đông và phương Tây trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt chú ý đến những thành tựu văn hóa rực rỡ, các công trình kiến trúc huy hoàng mà nhân dân đã xây dựng nên. Cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản ra đời, chủ yếu ở châu Âu, dẫn tới thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản mà kết quả là chế độ phong kiến sụp đổ, chế độ tư bản thắng lợi.

Phần ôn tập ở bài 12, chủ yếu ôn củng cố, ôn tập lại các kiến thức mà HS đã tích lũy được trong cả khóa trình đã học từ bài 1-11.

Khóa trình này có kênh hình khá đa dạng với 28 hình các loại, gồm: 4 lược đồ và 24 tranh ảnh. Hệ thống kênh hình có ý nghĩa hết sức to lớn, trước hết nó bổ sung minh họa sinh động cho kênh chữ, là cơ sở để giúp HS tạo biểu tượng lịch sử. Bên cạnh đó, kênh hình còn bổ sung cho những kiến thức còn thiếu, kênh hình trong SGK chính là nguồn tri thức thứ hai, khi khai thác kênh hình sẽ giúp HS tìm ra được những kiến thức mới mẻ, bổ ích, mặt khác còn thể rèn luyện khả năng tư duy và thái độ cho HS.

Câu hỏi và bài tập là một bộ phận hữu cơ trong khóa trình lịch sử thế giới thời nguyên thủy cổ đại và trung đại lớp 10 THPT với khoảng 76 câu hỏi

và bài tập phân bố trong toàn bộ khóa trình. Các câu hỏi và bài tập thường ở hai dạng: Dạng xen kẽ trong bài sau mỗi mục và dạng đặt ở cuối bài. Các câu hỏi có vận dụng trí nhớ để kiểm tra mức độ hiểu biết của bài học, tập trung vào các vấn đề trọng tâm của chương trình. Có câu hỏi giúp phát triển tư duy cho HS, yêu cầu HS lí giải, suy luận các vấn đề nêu ra trong bài. Có các câu hỏi và bài tập giúp rèn luyện kĩ năng như vẽ sơ đồ, lập niên biểu... Các câu hỏi và bài tập cuối bài có tác dụng giúp HS hệ thống hóa tri thức và củng cố các KN đã hình thành được.

Một phần của tài liệu Hình thành khái niệm trong dạy học lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại lớp 10 THPT (chương trình chuẩn) (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)