Hình thức của hợp đồng mua bán nợ là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung của nó hợp đồng mua bán nợ dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN [42], hợp đồng mua bán nợ phải được ký kết bằng văn bản. Tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 19/2013/TT-NHNN [46] quy định hợp đồng mua bán nợ được lập thành văn bản do VAMC, TCTD và các bên liên quan (nếu có) ký kết. Hơn nữa, theo khoản 2 Điều 9 Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN [42] thì việc công chứng hoặc không công chứng hợp đồng mua, bán nợ do hai bên mua, bán nợ thỏa thuận. Do vậy, có thể thấy, các quy định pháp luật hiện hành không bắt buộc bên mua nợ và bên bán nợ phải thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nợ mà việc công chứng được thực hiện khi các bên thấy cần thiết. Pháp luật chỉ quy định bên mua nợ và bên bán nợ phải ký kết hợp đồng mua bán nợ dưới hình thức văn bản. Trong văn bản đó bên mua nợ và bên bán nợ ghi nhận đầy đủ những nội dung đã thỏa thuận, cùng ký tên xác nhận vào văn bản. Văn bản là hình thức ngôn ngữ viết, được trình bày trên một chất liệu hữu hình nhằm thể hiện một nội dung xác định mà người ta có thể đọc, lưu giữ và bảo đảm được sự toàn vẹn nội dung đó. Hợp đồng bằng văn bản đảm bảo sự thể hiện rõ ràng ý chí các bên cũng như nội dung của từng điều khoản hợp đồng mà các bên muốn cam kết. Đối với các trường hợp bên mua nợ và bên bán nợ là tổ chức có tư cách pháp nhân, ngoài việc người đại diện hợp pháp ký vào, hợp đồng mua bán nợ còn được đóng dấu của tổ chức đó. Trên thực tế, văn bản hợp đồng mua bán nợ thường được lập thành hai hay nhiều bản gốc giống nhau, đều phải có chữ ký của các bên, mỗi bên được giữ một bản. Việc này ngoài đảm bảo các bên có căn cứ chứng minh hợp đồng mua bán đã được xác lập còn nhằm mục đích giúp các bên dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình được ghi nhận tại hợp đồng mua bán
nợ.
Việc thể hiện nội dung hợp đồng mua bán nợ dưới hình thức văn bản hướng đến các mục đích như: i) Công bố công khai chính thức mối quan hệ pháp lý giữa bên mua và bên bán nợ; ii) Hợp đồng mua bán nợ là bằng chứng pháp lý cụ thể cho việc chuyển giao quyền đòi nợ từ bên bán nợ sang cho bên mua nợ và là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên có liên quan; iii) Hợp đồng mua bán nợ là cơ sở để các cơ quan công quyền căn cứ vào đó để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc mua, bán nợ. Ngoài ra, hình thức hợp đồng mua bán nợ bằng văn bản còn tạo tiền đề, cơ sở và bằng chứng pháp lý cho các bên có liên quan tiến hành các hoạt động hạch toán, kế toán một cách minh bạch, công khai và đúng pháp luật.