Phân loại dựa trên phạm vi chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ 21

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 29)

Theo pháp luật của Anh, tùy vào mức độ chuyển giao quyền đòi nợ các bên tham gia giao dịch mua bán nợ có thể lựa chọn: Thực hiện mua bán nợ để chỉ chuyển giao quyền đòi nợ (assignment); hoặc thực hiện mua bán nợ để chuyển giao quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ (novation) [28].

i) Chuyển giao quyền đòi nợ (assignment): Thực chất đây là cơ chế chuyển giao quyền yêu cầu, cơ chế này cho phép bên bán nợ chuyển giao quyền đòi nợ và các quyền liên quan của mình cho bên mua nợ. Khi thực hiện theo cơ chế này các bên phải tuân thủ các điều kiện như: (i) Việc mua bán nợ phải lập thành văn bản; (ii) Việc chuyển giao quyền đòi nợ và các quyền liên quan phải mang tính tuyệt đối và vô điều kiện, bên bán nợ phải chuyển giao đầy đủ quyền đòi nợ và các quyền liên quan của bên bán nợ cho bên mua nợ; (iii) Bên bán nợ phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho bên nợ và các bên liên quan biết về việc bên bán nợ đã chuyển giao quyền đòi nợ của mình cho bên mua nợ [28]. Việc chuyển giao quyền đòi nợ trong pháp luật của Anh có đặc điểm nổi bật là chỉ cho phép bên bán nợ chuyển giao quyền đòi nợ và các quyền liên quan chứ không cho phép bên bán nợ chuyển giao nghĩa vụ của mình cho bên mua nợ. Khi chuyển giao quyền đòi nợ, bên bán nợ không cần có sự đồng ý của bên nợ mà chỉ có nghĩa vụ thông báo cho bên nợ biết.

ii) Chuyển giao quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ (novation): Đây thực chất là cơ chế chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ, theo đó, cơ chế này cho phép bên bán nợ được chuyển giao quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của mình cho bên mua nợ. Bên mua nợ sẽ thay thế bên bán nợ bằng việc tiếp nhận quyền đòi nợ cùng với nghĩa vụ của bên bán nợ. Khi đó, quan hệ hợp đồng giữa bên bán nợ và bên nợ hết hiệu lực, được thay thế bằng một quan hệ hợp đồng giữa bên mua nợ và bên nợ [28], trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc bán nợ có truy đòi. Khi thực hiện theo cơ chế này, bên bán nợ phải được sự chấp thuận của bên nợ trên cơ sở một thỏa thuận trước tại hợp đồng, giao dịch làm phát sinh khoản nợ hoặc thỏa thuận độc lập.

Tại Việt Nam, đối với hoạt động mua bán nợ của các TCTD, việc chuyển giao khoản nợ được mua, bán tiến hành đồng thời với việc chuyển giao các nghĩa vụ của bên nợ và các bên có liên quan đến khoản nợ (kể cả các quyền gắn liền với các bảo đảm cho khoản nợ) từ bên bán nợ sang bên mua nợ [42, Điều 5, Khoản 3]. Toàn bộ quyền và lợi ích gắn liền với các biện pháp bảo đảm cho khoản nợ được mua, bán như thế chấp, cầm cố, bảo lãnh được giữ nguyên hiện trạng và được bên bán nợ chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ [42, Điều 12, Khoản 1]. Trong hoạt động mua, bán nợ giữa VAMC và TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ [46, Điều 7, Khoản 1]. Khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, bên bán nợ phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan đến khoản nợ được mua, bán biết [42, Điều 9, Khoản 3] - giống với đặc trưng của việc chuyển giao quyền yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 309 BLDS. Do vậy, quy định về mua bán nợ tại Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN [42] có nhiều dấu hiệu giống với cơ chế chuyển giao quyền đòi nợ (assignment) trong pháp luật của Anh.

Đối với việc mua bán nợ của DATC, pháp luật của Việt Nam quy định mua bán nợ được hiểu là việc chủ nợ có nợ phải thu bán cho DATC. DATC trở thành chủ nợ mới của khách nợ [2, điểm 3.6 mục 3]. Toàn bộ quyền và nghĩa vụ của chủ

nợ (bên bán nợ) được chuyển giao cho DATC (bên mua nợ), DATC được kế thừa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ nợ đối với khoản nợ đã mua. Với các quy định này, có thể thấy, nội hàm khái niệm mua bán nợ trong hoạt động mua bán nợ của DATC có nhiều dấu hiệu giống với việc chuyển giao quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ (novation) được quy định trong pháp luật của Anh. Điểm khác biệt duy nhất là trong khi pháp luật của Anh yêu cầu việc mua bán nợ (có chuyển giao nghĩa vụ) phải nhận được sự đồng ý của bên nợ, thì pháp luật của Việt Nam chỉ quy định bên bán nợ thông báo cho bên nợ biết (giống với cơ chế chuyển giao quyền đòi nợ) [2, mục 5 phần I].

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, có thể thấy, các quy định của pháp luật Việt Nam bước đầu đã có việc phân loại hợp đồng mua bán nợ và dù còn có một số điểm khác biệt, nhưng cách phân loại hợp đồng mua bán nợ có nhiều dấu hiệu giống với cách phân loại của pháp luật Anh. Theo đó, trên cơ sở mức độ chuyển giao quyền đòi nợ, hợp đồng mua bán nợ có thể được chia thành từng loại hợp đồng khác nhau dưới những khía cạnh và phương diện pháp lý như:

Thứ nhất, hợp đồng mua bán nợ nhằm mục đích chỉ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ của bên bán nợ cho bên mua nợ: Trong hợp đồng mua bán nợ, bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ và các quyền liên quan cho bên mua nợ. Bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ và các quyền liên quan cho bên mua nợ, không chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ. Khi thực hiện theo hợp đồng mua bán nợ dạng này, bên bán nợ có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho bên nợ biết mà không cần có sự đồng ý của bên nợ. Sau khi nhận được thông báo về việc ký hợp đồng mua bán nợ của bên bán nợ, bên nợ có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ cho bên mua nợ. Ngoài ra, mọi biện pháp bảo đảm của khoản nợ hay quyền của bên bán nợ đối với bên bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm cũng được chuyển giao cho bên mua nợ cùng với việc chuyển giao quyền đòi nợ [28]. Trên thực tế, hợp đồng mua bán nợ nhằm mục đích chỉ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ được áp dụng phổ biến, thường xuyên cho các trường hợp bên bán nợ không còn nghĩa vụ nào đối với bên nợ. Sau khi bên bán nợ đã thực hiện

đầy đủ các nghĩa vụ đối với bên nợ (giao tiền, cho vay, giao hàng...) mà chưa thu hồi được khoản nợ từ bên nợ thì bên bán nợ thực hiện bán khoản nợ này cho bên mua nợ. Đối tượng của hợp đồng mua bán nợ trong trường hợp này thường là các khoản nợ xấu, các khoản nợ không có khả năng hoặc ít có khả năng thu hồi, các khoản nợ mà bên bán nợ vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ từ bên nợ.

Thứ hai, hợp đồng mua bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ sang bên mua nợ:

Trong trường hợp này, bên bán nợ không chỉ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cho bên mua nợ mà còn chuyển giao cả nghĩa vụ của mình cho bên mua nợ. Hợp đồng mua bán nợ trong trường hợp này được coi là giải pháp giúp bên bán nợ chuyển giao một cách đầy đủ cả quyền đòi nợ, quyền liên quan và nghĩa vụ vẫn đang tồn tại của mình đối với bên nợ cho bên mua nợ. Khi đó, bên mua nợ sẽ thay thế bên bán nợ bằng việc đảm nhiệm toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ. Có thể thấy, đối tượng của hợp đồng mua bán nợ trong trường hợp này không chỉ là các khoản nợ xấu mà bao gồm tất cả các khoản nợ tồn tại cùng với nghĩa vụ của bên bán nợ đối với bên nợ. Hợp đồng mua bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ cùng với việc chuyển giao nghĩa vụ của bên bán nợ sang cho bên mua nợ được áp dụng cho trường hợp bên bán nợ vẫn đang có một nghĩa vụ đối với bên nợ, nhưng không thể tiếp tục theo đuổi và tham gia thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Trên thực tế, do môi trường kinh doanh luôn có những biến động khi một bên đã có quyền đòi nợ đối với bên khác nhưng vẫn có nghĩa vụ kèm theo quyền đòi nợ, thì việc này vẫn có thể trở thành gánh nặng với một trong các bên do không còn mong muốn hoặc phương tiện để tiếp tục thực hiện nó. Khi một bên thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không còn mang lại lợi ích mong muốn, bên đó sẽ tìm cách “tự giải phóng” thông qua việc mua bán nợ [6]. Ví dụ, Công ty B có hạn mức 100 tỷ tại Ngân hàng A theo hợp đồng tín dụng hạn mức đã ký giữa các bên. Ngân hàng A đã giải ngân cho Công ty B 80 tỷ, còn 20 tỷ chưa đến hạn giải ngân. Trong số 80 tỷ đã giải ngân, Công ty B liên tiếp không thanh toán tiền gốc và tiền lãi, dẫn đến phát sinh khoản nợ xấu, nên

Ngân hàng A không muốn tiếp tục giải ngân số tiền 20 tỷ còn lại. Khoản nợ xấu của Công ty B ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Ngân hàng A, nên Ngân hàng A muốn bán khoản nợ của Công ty B sang cho Ngân hàng C để có nguồn vốn tiếp tục kinh doanh. Trong trường hợp này, khi Ngân hàng A bán khoản nợ cho Ngân hàng C thì sẽ chuyển giao quyền đòi nợ 80 tỷ đồng mà Ngân hàng A đã cho Công ty B vay cùng với nghĩa vụ tiếp tục giải ngân hàng cho Công ty B 20 tỷ đồng.

Khi ký hợp đồng mua bán nợ theo dạng này, bên bán nợ phải được sự chấp thuận của bên nợ. Thông thường ngay khi thực hiện giao dịch phát sinh nợ (ký hợp đồng tín dụng) các bên thường quy định trước việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ khi xảy ra một sự kiện cụ thể. Việc này nhằm mục đích hạn chế trường hợp bên nợ cố tình không đồng ý, thực hiện cản trở việc mua bán nợ giữa bên bán nợ và bên mua nợ [28]. Trên thực tế, bên nợ cũng tham gia cùng bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng mua bán nợ, qua đó khẳng định bên mua nợ đã biết và đồng ý với giao dịch mua bán nợ có chuyển giao nghĩa vụ.

1.4. Cơ sở lý luận của hợp đồng mua bán nợ

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán nợ theo pháp luật Việt Nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)