Các quy luật chuyển nghĩa của từ

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đại học sư phạm hà nội Thiết kế tài liệu dạy học các lớp từ vựng cho giờ học tự chọn môn Tiếng Việt lớp 5 (Trang 25)

10. Bố cục luận văn

1.2.3.4.Các quy luật chuyển nghĩa của từ

a) Mở rộng và thu hẹp nghĩa

 Mở rộng ý nghĩa là quá trình phát triển ý nghĩa từ cái riêng đến cái chung từ cụ thể đến trừu tượng. Ý nghĩa được hình thành từ quá trình này được gọi là nghĩa rộng.

Ví dụ : “đẹp” là tính từ ban đầu có nghĩa nói về hình thức bên ngoài của người hay vật, nay nó được mở rộng chỉ cả về tình cảm, tinh thần, quan hệ. Chẳng hạn : tình yêu đẹp, đẹp ý đẹp lời

 Thu hẹp là quá trình ngược lại, ý nghĩa của từ phát triển từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái cụ thể.

Ví dụ : “ mùi” có nghĩa chỉ cảm giác do cơ quan khứu giác thu nhận được, chẳng hạn ngửi thấy mùi thức ăn. Nay từ “ mùi” có sự thu hẹp nghĩa khi chỉ

một loại mùi đặc trưng của thực phẩm bị hỏng. Ví dụ “Miếng thịt này có mùi rồi.”

b) Chuyển tên gọi bằng ẩn dụ hoặc hoán dụ

 Ẩn dụ là sự chuyển đổi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hiện tượng được so sánh với nhau.

Người ta dựa vào tính chất của những sự giống nhau này mà chia ra các kiểu ẩn dụ khác nhau.

Sau đây là một số kiểu phổ biến nhất: - Sự giống nhau về hình thức. Ví dụ:

Răng : 1) răng người 2) răng lược

- Sự giống nhau về chức năng. Ví dụ: Đèn: 1)đèn dầu lạc

2) đèn hoa kì 3) đèn điện

- Sự giống nhau về vị trí. Ví dụ: Tai: 1) tai người

2) tai ấm

- Sự giống nhau về âm thanh. Ví dụ: Hú: 1) tiếng người hú

2) tiếng còi hú, gió hú

- Sự giống nhau về thuộc tính, tính chất Tươi: 1) hoa tươi

2) nét mặt tươi

 Hoán dụ: hiện tượng chuyển tên gọi từ sự vật hiện tượng này sang sự vật hiện tượng khác dựa trên mối quan hệ gần nhau chúng trong không gian và thời gian. Sau đây là một số kiểu chuyển nghĩa theo quy luật hoán dụ phổ biến.

- Mối quan hệ giữa toàn thể và bộ phận, tức là lấy tên gọi chỉ cái toàn thể để chỉ cái bộ phận hoặc ngược lại.Ví dụ:

Miệng:1) miệng nhai trầu bỏm bẻm, 2) nhà năm miệng ăn - Lấy cái đựng thay cho cái được đựng

Bát: 1) cái bát, 2) ăn được ba bát cơm

- Lấy không gian địa điểm thay cho người sống Nhà: 1) ngôi nhà, 2) cả nhà thương nhau

- Lấy chất liệu thay cho tên sản phẩm Bạc: 1) nhẫn bạc, 2) có nhiều bạc thế

Ngoài ra còn rất nhiều dạng ẩn dụ, hoán dụ khác nữa. Ở đây cũng cần lưu ý rằng có sự phân biệt giữa ẩn dụ và hoán dụ từ vựng học với ẩn dụ, hoán dụ tu từ học. Ẩn dụ, hoán dụ từ vựng học tạo nên những nghĩa mới thực sự của từ. Ý nghĩa này ổn định và đi vào hệ thống ngôn ngữ. Các trường hợp chuyển nghĩa được nói đến trên đây là những ẩn dụ, hoán dụ từ vựng học. Trái lại, ẩn dụ và hoán dụ tu từ học không tạo ra ý nghĩa mới của các từ mà chỉ là những trường hợp sử dụng từ có hình ảnh , mang tính cá nhân giúp câu văn sinh động hơn.

Để chỉ ra được một từ chuyển từ nghĩa nào sang nghĩa nào theo các dạng quy luật chuyển nghĩa ở trên, cần phải xác định được đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển.

Ví dụ: Nghĩa của từ răng khi chỉ răng người, răng động vật là nghĩa gốc, khi chỉ răng bừa, răng lược là nghĩa chuyển. Giữa hai nghĩa này của từ răng có mối liên hệ với nhau theo quy luật chuyển nghĩa ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về hình thức của các sự vật.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đại học sư phạm hà nội Thiết kế tài liệu dạy học các lớp từ vựng cho giờ học tự chọn môn Tiếng Việt lớp 5 (Trang 25)