1. Tên gọi của điều ước quốc tế
Thuật ngữ “điều ước quốc tế” là một thuật ngữ chung, dùng để gọi các văn kiện pháp lý quốc tế được ký kết giữa hai hay nhiều chủ thể của luật quốc tế. Trong thực tiễn, tùy theo tính chất của từng văn bản mà điều ước quốc tế có những tên gọi khác nhau như sau:
- Hiến chương: Thông thường là điều ước quốc tế nhằm mục đích xây dựng nên một tổ chức quốc tế;
- Hiệp định: Thông thường là điều ước quốc tế song phương trong một lĩnh vực nhất định.
- Hiệp ước: Thông thường là điều ước quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ - Công ước: Thông thường là điều ước quốc tế đa phương toàn cầu
Ngoài ra, điều ước quốc tế còn có nhiều tên gọi khác như: Hoà ước, Tuyên bố, Thỏa ước, Cam kết, Nghị định thư, Thoả thuận sơ bộ,…
Theo pháp luật Việt Nam, tên gọi của điều ước quốc tế được quy định tại Điều 2, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14/6/2005 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể như sau:
“Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là
thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.”
2. Cơ cấu, hình thức tồn tại và ngôn ngữ của điều ước quốc tế
a. Cơ cấu của điều ước quốc tế: Thông thường, điều ước quốc tế gồm ba phần chính,
đó là: Lời nói đầu; nội dung của điều ước quốc tế và điều khoản cuối cùng của điều ước quốc tế.
+ Phần lời nói đầu: Đây là phần đầu của văn kiện pháp lý. Phần này không chia ra thành chương, điều, khoản cụ thể mà chỉ là những căn cứ và lý do cho sự tồn tại của điều ước. Nội dung của phần này thường đề cập đến lý do, mục đích, và nguyên tắc của điều ước quốc tế…
+ Phần nội dung của điều ước quốc tế: Đây là phần chính của điều ước. Phần này xác định quyền và nghĩa của các bên và được ghi nhận tại các chương, điều, khoản cụ thể.
+ Phần cuối của điều ước quốc tế: Phần này thường đề cập đến các điều kiện để điều ước có hiệu lực, thời điểm bắt đầu và kết thúc hiệu lực, vấn đề bảo lưu, giải thích và trình tự, thủ tục sửa đổi bổ sung, bảo quản và các phụ lục đính kèm,…
b. Hình thức tồn tại của điều ước quốc tế
Hiện tại, không có văn bản pháp lý quốc tế nào quy định buộc các bên tham gia điều ước phải sử dụng ngôn ngữ của quốc gia nào cả. Vấn đề xác định ngôn ngữ cho điều ước được quyết định bởi chính các thành viên tham gia đàm phán, ký kết điều ước. Tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia thường sử dụng ngôn ngữ cho điều ước quốc tế của mình tham gia theo quy tắc sau:
- Đối với điều ước quốc tế song phương: Ngôn ngữ của cả hai bên ký kết sẽ được sử dụng trong văn kiện pháp lý. Bên cạnh đó, trong thực tiễn ký kết, một ngôn ngữ thứ ba nào đó cũng có thể được hai bên thỏa thuận để làm chuẩn trong việc giải thích các vấn đề liên
quan nếu như quan điểm của hai bên chưa nhất quán với nhau. Tuy nhiên, quy tắc này không có ý nghĩa bắt buộc. Do đó, hai bên có thể sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào để làm ngôn ngữ cho điều ước quốc tế của mình.
- Đối với điều ước quốc tế đa phương: Các bên có thể thỏa thuận thống nhất một hoặc một số ngôn ngữ trong điều ước của mình. Tuy nhiê, đối với các điều ước đa phương có tính phổ cập thì được các quốc gia thoả thuận sử dụng một hoặc một số ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên hiệp quốc như: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc và tiếng Ả Rập.