phải đủ điều kiện của một vịnh thiên nhiên. Một cơ sở lý luận và pháp lý duy nhất để xác định vịnh lịch sử là vũng lõm này có vị trí địa lý đặc biệt, liên quan trực tiếp về an ninh, chính trị , kinh tế... đối với quốc gia ven biển. Nó gắn liền với các hoạt động của quốc gia trong nhiều lĩnh vực và đã được quốc gia hoặc các quốc gia ven biển chiếm hữu, sử dụng từ lâu mà không có tranh chấp.
- Vùng nước lịch sử: Vùng nước lịch sử có nghĩa rộng hơn vịnh lịch sử. Vùng nước
này có thể là các vùng nước thuộc các biển vịnh, vũng đậu tàu, eo biển... Qua thực tiễn quá trình khai thác, sử dụng biển đã hình thành một số tiêu chí nhất định để xác định tính chất “lịch sử” cho các vùng nước có danh nghĩa lịch sử và có vị trí địa lý đặc biệt gắn liền với lãnh thổ quốc gia và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, nó có ý nghĩa đặc biệt về an ninh quốc phòng, kinh tế v.v... đối với quốc gia ven biển và phải ở cách xa đường hàng hải quốc tế.
Ở Việt Nam, trong Tuyên bố của Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/1982, đã xác định Vịnh Bắc bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong vùng nước này, không có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và biển cả.
Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia ngày 07/7/1982, có quy định vùng nước biển nằm giữa được giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên (Việt Nam) và Campot (Campuchia), đảo Phú Quốc và các đảo ngoài khơi thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) và nhóm đảo Poulowai (Campuchia) là vùng nước lịch sử chung của cả hai nước.
Đối với các quốc gia quần đảo, Công ước 1982 có những quy định riêng trong phần IV của Công ước. Do địa hình lãnh thổ của những quốc gia này rất đặc biệt nên toàn bộ vùng
thể hiểu một cách thuần túy là vùng nội thủy: “Ở phía trong vùng nước quần đảo, quốc gia
quần đảo có thể vạch những đường khép kính để hoạch định ranh giới nội thủy của mình theo đúng các Điều 9,10 và 11 “ ( Điều 50 Công ước 1982 ).
b. Quy chế pháp lý của nội thủy
Do vị trí địa lý của nội thủy, nằm ngay sát bờ biển của quốc gia, nên luật biển quốc tế và pháp luật của các quốc gia đều xác định tính chất chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối cho vùng nước nội thủy. Tính chất chủ quyền này áp dụng luôn cả phần đáy, lòng đất dưới đáy của vùng này và không phận phía trên vùng nước nội thủy.
Đặc trưng cho tính chất chủ quyền tuyệt đối của quốc gia ở vùng nội thủy là chế độ xin phép của tàu thuyền nước ngoài khi muốn vào nội thủy và việc thực hiện quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với các hành vi vi phạm của tàu thuyền nước ngoài trong vùng nội thủy.
Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thủy được quy định rõ ràng, cụ thể và chủ yếu trong các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia. Tuy nhiên, những quy định cụ thể cho hoạt động của tàu thuyền nước ngoài và việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của tàu thuyền là không giống nhau mà phụ thuộc vào từng loại tàu thuyền. Công ước 1982 phân chia tàu thuyền thành 4 loại sau đây:
- Tàu quân sự : Là con tàu thuộc chủng loại quân sự và lực lượng cảnh sát của một quốc gia, được điều khiển bởi một thuyền trưởng là một sĩ quan quân đội trong danh sách sĩ quan của quốc gia mà tàu mang cờ và tất cả thuyền viên trên tàu phải tuân thủ theo một mệnh lệnh quân sự của chính quốc gia mà tàu mang cờ.
- Tàu dân sự Nhà nước được sử dụng vào mục đích không thương mại, - Tàu dân sự Nhà nước được sử dụng vào mục đích thương mại
- Tàu dân sự tư nhân (tàu buôn).
Trong thực tiễn, hầu hết các quốc gia đều quy định tàu thuyền nước ngoài muốn vào khu vực nội thủy của quốc gia ven biển đều phải xin phép trước. Khi được phép của quốc gia ven biển thì tàu thuyền nước ngoài mới được vào. Điều kiện xin phép đối với từng loại tàu thuyền, thời gian xin phép, ra, vào, đậu lại và hoạt động ở vùng nội thủy của quốc gia thường được quy định rất chặt chẽ và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia liên quan.
+ Đối với tàu dân sự nước ngoài : Khi đi vào nội thủy để đến cảng của nước ven biển
thường phải đến một địa điểm quy định để các lực lượng như biên phòng, y tế, hải quan kiểm tra và làm các thủ tục bắt buộc trước khi vào cảng. Đồng thời phải sử dụng hoa tiêu dẫn đường của quốc gia ven biển. Việc sử dụng hoa tiêu của nước ven biển là một điều kiện bắt buộc đối với tàu thuyền nước ngoài khi vào cảng, nhằm đảm bảo an ninh của quốc gia và sự an toàn cho phương tiện đó.
Các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, nếu không được phép của quốc gia ven biển như cập mạn, tiếp xúc với các tàu thuyền khác, đưa người, hàng hóa lên hoặc xuống tàu, đo đạc, khảo sát, thăm dò, chụp ảnh, quay phim, vẽ hoặc ghi chép thông tin ở cảng, những cơ sở quân sự, kinh tế, cơ sở nghiên cứu khoa học... thậm chí việc tự động nhổ neo di chuyển vị trí trong cảng, cũng bị coi là vi phạm pháp luật của nước ven biển. Các loại thuyền máy, ca nô trên tàu thả xuống để làm nhiệm vụ liên lạc cũng chỉ được đi lại trong khu vực mà nước ven biển tại cho phép.
Khi ở nội thủy của quốc gia, các tàu thuyền nước ngoài không được vứt các chất thải, chất độc gây ô nhiễm môi trường xuống biển và đất liền. Trong trường hợp có nguy cơ xảy
ra ô nhiễm nghiêm trọng, nước ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp xử lý để ngăn chặn hậu quả.
Nếu tàu thuyền nước ngoài vi phạm những quy định của pháp luật quốc gia ven biển thì các cơ quan có thẩm quyền của nước ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự và các lợi ích của mình. Các biện pháp này bao gồm cả việc bắt giam, truy tố, xét xử những cá nhân và tàu thuyền vi phạm trên biển và các thủy thủ vi phạm pháp luật trên bờ. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì tàu thuyền có thể bị giữ lại hoặc tịch thu làm vật bảo đảm cho án kiện dân sự, trừ trường hợp tàu thuyền thuộc quyền sở hữu nhà nước nước ngoài hoặc trường hợp pháp luật hay điều ước quốc tế mà quốc gia ven biển ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Việc khám xét, bắt giữ và tiến hành các thủ tục tư pháp đều do pháp luật của quốc gia ven biển quy định.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ven biển có thể chuyển giao vụ án cho cơ quan tư pháp của nước có tàu để xét xử theo yêu cầu của thuyền trưởng hoặc lãnh sự của quốc gia có tàu.
+ Đối với tàu quân sự : Việc xin phép vào, thời gian vào, đậu lại hoặc hoạt động trong
vùng nội thủy không những phải chấp hành đầy đủ các quy định chung như đối với tàu dân sự, mà còn phải tuân thủ những điều kiện riêng chặt chẽ của quốc gia ven biển.
Ví dụ: Ở Việt Nam, tàu thuyền quân sự (bao gồm cả tàu chiến và tàu hộ tống) nước ngoài vào nội thủy Việt Nam phải xin phép trước Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qua con đường ngoại giao ít nhất là 30 ngày. Trước và sau khi được phép vào phải thông báo cho nhà đương cục quân sự Việt Nam 48 giờ trước khi được phép vào vùng lãnh hải Việt Nam; Tàu thuyền quân sự của một nước được phép vào lãnh hải hoặc nội thủy Việt Nam không được trú đậu quá 3 chiếc trong cùng một thời gian và thời gian trú đậu của mỗi tàu không được quá 1 tuần, trừ trường hợp được Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩaViệt Nam cho phép. Các vũ khí cố định và vũ khí lưu động trước khi vào nội thủy (kể cả lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải) phải đưa toàn bộ vũ khí về tư thế bảo quản...
Đối với tàu quân sự nước ngoài khi đi vào, đậu lại hoặc hoạt động hợp pháp ở vùng nội thủy của quốc gia ven biển thì được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối về tư pháp và được coi là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, loại tàu này vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi luật lệ có liên quan của nước chủ nhà. Trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật nước ven biển thì quốc gia ven biển có quyền ra lệnh cho tàu quân sự vi phạm phải rời khỏi nội thủy của nước mình trong một thời hạn nhất định và yêu cầu Chính phủ nước có tàu phải chịu mọi trách nhiệm về những tổn thất hay thiệt hại do tàu của họ gây ra tại vùng nội thủy này. Do đó, quốc gia chủ nhà không có quyền bắt giữ tàu quân sự vi phạm để tiến hành các biện pháp, thủ tục tố tụng…
2. Lãnh hải
a. Khái niệm về lãnh hải
Lãnh hải là một vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia, nằm phía ngoài và cách đường cơ sở của quốc gia một khoảng cách không được vượt quá 12 hải lý.
Điều 2, Công ước năm 1982 về Luật biển quy định:
1. Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo đến một vùng tiếp liền gọi là lãnh hải.
2. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của vùng biển này.
3. Chủ quyền ở lãnh hải được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định.
Như vậy, chủ quyền của quốc gia trong vùng lãnh hải bao trùm lên cả vùng trời ở phía trên cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía dưới lãnh hải. Do đó, đường ranh giới phía ngoài của lãnh hải cũng chính là đường biên giới của quốc gia trên biển.