5. Kết cấu của luận văn
3.2. Các biện pháp tu từ
Các biện pháp tu từ chính là cách sử dụng từ ngữ được gọt giũa, có hình ảnh bóng bẩy làm cho lời thơ, lời văn hay hơn, tứ thơ, ý văn trong sáng, giản dị mang giá trị biểu cảm cao và nâng cao hiệu quả của việc diễn đạt. Trong tiếng Việt, đặc biệt là trong thơ văn Việt Nam từ xưa tới nay việc sử dụng các biện pháp tu từ luôn đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ giúp thể hiện được nội dung, chủ đề của tác phẩm, nhất là thơ mà còn có vai trò lớn trong việc tạo dựng nên giá trị nghệ thuật bền vững cho tác phẩm, làm cho sự diễn đạt vừa trong sáng, súc tích, “ý tại ngôn ngoại” lại vừa thể hiện được tư tưởng, tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tạo.
Để cho những hình ảnh biểu tượng trở nên giàu ý nghĩa, ta thấy Tế Hanh đã sử dụng phổ biến và đạt hiệu quả nghệ thuật cao các biện pháp tu từ như so sánh, tương phản, ẩn dụ, nhân hóa, đảo từ, đảo ngữ, điệp từ, láy từ…
Trước hết, Tế Hanh sử dụng so sánh như một hình thức miêu tả nghệ thuật nêu được sự tương đồng giữa hai sự vật khác biệt nhờ hiện tượng này mà hình dung cụ thể được hình tượng kia:
Tháng bảy bốn lần. Thời gian biến động Vui nhiều thêm căm giận cũng nhiều thêm Như chiếc đảo bốn bề chao mặt sóng Như hồn tôi vang vọng cả hai miền
(Bài thơ tháng bảy)
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ? Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu Như tháng mười hồng tháng năm nhãn Em theo chim em đi về tháng tám Anh theo chim cùng với tháng ba qua.
Phép so sánh đã được sử dụng không chỉ nhấn mạnh sự xa cách lứa đôi mà còn thể hiện một cách sinh động tài tình trạng thái của tâm hồn, một trạng thái bất an, bức rứt, băn khoăn của con người trong tình huống muốn gặp lại người thương nhưng thật khó. Cái khó đó như ngày nắng/ngày mưa, mặt trăng/ mặt trời, sao Hôm/ sao Mai, sen mùa hạ/ cúc mùa thu, tháng mười hồng/ tháng năm nhãn, đi về tháng tám/ tháng ba qua. Tế Hanh đã so sánh cái khó đó cùng các hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên phải chăng muốn ngầm nói đó là quy luật, là định mệnh … Cách so sánh ví von trên thật đậm chất dân gian.
Nhiều câu thơ so sánh đã gợi lên những liên tưởng thú vị cho người đọc:
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
(Bài thơ tình ở Hàng Châu)
Lòng anh như mảnh trăng đang mọc Như ngọn đèn khêu, bếp lửa nhen
Tế Hanh còn thành công trong cách dùng thủ pháp tương phản tạo hình ảnh. Ông đã nói lên sự tương phản giữa một thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống thân thuộc giữa hai bờ Nam Bắc với hiện tại nhiều cay đắng, xót xa, buồn tủi:
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị Tận chân trời mây núi có chia đâu?
(Nói chuyện với Hiền Lương)
Ta bắt gặp trong thơ ông, thủ pháp tương phản góp phần rất quan trọng trong tổ chức những bài thơ, lời thơ, khổ thơ:
Khi xa nhau, tóc tôi đen xanh
Nay trở lại nửa mái đầu nhuốm bạc
(Trở lại con sông quê hương)
Ở bài thơ Bão, Tế Hanh đã sử dụng nhiều cặp tương phản, đối nghịch để nhằm nhấn mạnh sự đổi thay nhanh chóng, dữ dội của tình yêu khi cơn bão đi qua. Và hình ảnh cơn bão được nâng cao lên tầm biểu tượng: biểu tượng cho những khó khăn, trắc trở mà tình yêu phải đối mặt, vượt qua thì vươn lên như cây sau bão, còn ngược lại thì để lại một cơn bão lòng không bao giờ dứt trong tâm hồn:
Cơn bão nghiêng đêm Cây gãy cành bay lá Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi
(Bão)
Các bài thơ của Tế Hanh cũng sử dụng nhiều thủ pháp ẩn dụ để cách so sánh bên trong, so sánh ngầm được sinh động hơn:
Mặt em như tấm gương Anh nhìn thấy quê hương
Kìa đôi mắt, đôi mắt Dòng sông yêu trong vắt
(Mặt quê hương)
Nhà thơ đã so sánh đôi mắt giống dòng sông “Kìa đôi mắt đôi mắt – Dòng sông yêu trong vắt”, vừng trán là khoảng trời “Kìa vầng trán thanh thanh - Khoảng trời xa yên lành”, cái miệng gợi đến mảnh vườn “Miệng cười tươi tắn thắm - Như vườn xanh nắng ấm” và hơi thở làm nhớ đến không khí “Như không khí quê ta”.
Có lẽ chỉ có đôi mắt tràn đầy cảm xúc và một tâm hồn dịu dàng như Tế Hanh mới có những liên tưởng đơn giản mà thú vị:
Anh tìm đến thăm em Ra về trời tối mất Một ngọn đèn em thắp Đưa anh xuống cầu thang Anh lần bước theo em Ngọn đèn là con mắt Một bàn tay dịu hiền Dắt anh đi từng bậc
Ngoài trời cơn gió thoảng Như tiếng nói ngọt ngào Anh về theo hướng sáng Mắt em là vì sao
(Ngọn đèn - con mắt - vì sao)
Bài thơ tuy ngôn ngữ đơn giản, rất đời thường nhưng ý thơ thì rất hay: tình yêu của em là ánh sáng soi đường cho anh trong đêm, và cái ánh sáng ấm
áp của tình yêu ấy đã chuyển hóa ba lần: ngọn đèn - ngọn đèn là con mắt - mắt em là vì sao. Dùng ba biểu tượng đều có khả năng phát sáng để chuyển hóa cho nhau quả thật là một liên tưởng độc đáo.
Thủ pháp nhân hóa được nhà thơ Tế Hanh vận dụng một cách khéo léo. Với thủ pháp này, tác giả đã thả hồn vào sự vật, làm chúng trở nên sống động, có tình cảm như con người:
Hai bờ triều lên Một trời nắng xuống Làn da rám đen
Trắng phau đồng ruộng
(Muối)
Xuân từ ngoại thành vào nội thành Từng bước, từng bước, từng bước xanh
(Gặp xuân ngoại thành) Sông núi, cỏ cây cũng đứng lên chống giặc:
Sông miền Nam không chỉ êm trong Còn biết dìm sâu xác giặc trong lòng Đồng miền Nam không chỉ mùa dịu mát Còn đào hố, đào hầm, quân thù chôn xác Con sóng hay là dao kéo cắt
Đắng cay hạt muối lệ rưng rưng
(Nước chảy ngang)
Trong nhiều bài thơ, Tế Hanh cũng sử dụng lối đảo ngữ, đảo từ để khắc sâu ấn tượng, tính chất của âm thanh, màu sắc gây cảm xúc mạnh:
Giác quan mở rộng dặm ngàn
(Cảm thông)
Hương hoa thơm một mai trong kẽ vách …Ru tâm tình theo tiếng võng đu đưa
(Một nỗi niềm xưa)
Qua khảo sát thơ Tế Hanh, chúng ta còn nhận thấy ông thường hay sử dụng biện pháp điệp ngữ một cách nhuần nhuyễn tạo nên cái duyên riêng và tạo nên một cảm xúc khó phai ngân dài trong dư âm người đọc. Ta có thể bắt gặp biện pháp này trong một loạt bài thơ như: Vườn xưa, Em ở đâu, Cái giếng đầu làng, em chờ anh…Điều đáng chú ý là thi sĩ kết hợp rất nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa biện pháp điệp ngữ và các biện pháp tu từ khác khiến cho lời thơ âm vang nhẹ nhàng mà vấn vương dịu dàng trong lòng người đọc:
Chiêm bao bừng tỉnh giấc Biết là em đã xa
Trên tường một tia sáng Biết là đêm đã qua
(Chiêm bao)
Tế Hanh đã kết hợp nhuần nhị chất thơ bay bổng, hiện đại với sự cảm thụ có tính truyền thống của các biện pháp tu từ có trong ca dao, dân ca khiến thơ ông có sức quyến rũ riêng. Các biện pháp nghệ thuật: vần, nhịp điệu, điệp từ, từ láy…được vận dụng một cách sáng tạo, có tính cách tân chứ không bị gò bó, khiên cưỡng, giả tạo làm bộc lộ phong cách nghệ thuật riêng của Tế Hanh.
Đọc thơ Tế Hanh, chúng ta thấy ông sử dụng rất nhiều từ láy: láy âm, láy vần, láy đôi… Từ láy đó được Tế Hanh sử dụng để biểu hiện tinh tế những cảm xúc, tâm trạng khác nhau. Từ nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi:
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy …Vẫn trở về lưu luyến bên sông.
(Nhớ con sông quê hương) đến tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng:
Trời cao mây lững lờ bay
Cuối thu dặm kiễu đã thay lá vàng Anh đi vương vấn không gian
Thời gian em ở muôn ngàn vấn vương
(Dặm liễu)
Như vậy, ngôn ngữ thơ ông rất giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngôn ngữ thơ ông cũng rất giàu nhạc tính và hình ảnh. Đọc thơ Tế Hanh như thấy ngôn ngữ đến với ông một cách dễ dàng, tưởng như không hề có sự dụng công, tìm tòi nào nhưng không phải nhà thơ nào cũng viết được. Đặc biệt là ông đã sử dụng thành công và điêu luyện các biện pháp tu từ. Rõ ràng phải có sự cần mẫn, say mê trong công việc “nhặt chữ của đời” (Chế Lan Viên) thì Tế Hanh mới viết lên những câu thơ xúc động lòng người đến vậy. Không cầu kì, xa lạ, bóng bẩy, thơ Tế Hanh đẹp giản dị, tự nhiên như chính cuộc sống, như chính tâm hồn nồng nàn, chân thật của nhà thơ.