5. Kết cấu của luận văn
2.1.3. Hình ảnh biểu tượng trăng
Vốn là người yêu cái đẹp, suốt cuộc đời Tế Hanh luôn đi tìm và chắt chiu cái đẹp, từ vẻ đẹp thanh cao đến vẻ đẹp bình dị của cuộc đời, của thiên nhiên. Sức sống mãnh liệt của tâm hồn thơ ông ẩn đằng sau những vần thơ miêu tả thiên nhiên. Và ánh trăng trong thơ ông có một dấu ấn đặc biệt. Có thể khẳng định rằng thơ Tế Hanh là dòng sông chở đầy ánh trăng, hầu như chỗ nào cũng vời vợi ánh trăng. Theo thống kê của chúng tôi, trong 142 bài thơ của Tế Hanh giai đoạn 1945 - 1975 thì hình ảnh trăng xuất hiện tới 96 lần.
Không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình ảnh biểu tượng
nghệ thuật độc đáo. Nếu như với Xuân Diệu, ánh trăng như một nhịp cầu nối với tình yêu, nơi nhà thơ bộc lộ tình yêu da diết của mình, trong thơ Hàn Mặc Tử đẹp một cách lạnh lùng, kỳ ảo: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu” thì ở thơ Tế Hanh “Lòng anh như mảnh trăng đang mọc. Như ngọn đèn khêu bếp lửa nhen”. Ta không còn gặp trong thơ ông ánh trăng tàn soi lạnh trên mái chùa, lê thê trên bãi tha ma, chập chờn trên dòng sông buồn chảy ra bể cô đơn như những năm trước Cách mạng tháng Tám. Sống giữa tình thương bao la nhân quần, ta bắt gặp ánh trăng chan hòa trên mặt biển, trên nông trường, trên cánh rừng, trong đêm họp tổ sản xuất, trong đường dừa rượi mát…
Trước hết, ta thấy trăng biểu tượng cho quê hương. Ta thoáng bắt gặp một đêm trăng quê biển thật đẹp và lộng lẫy trong thơ Tế Hanh:
Trăng lên trên ngọn phi lao
Bên thềm sóng vỗ dạt dào đêm trăng Trước sân những tấm lưới giăng
Long lanh muối đọng kết thành ngọc trai
Trăng gắn bó với Tế Hanh chặt chẽ đến nỗi nó luôn nằm sâu trong tâm thức, trong nếp nghĩ, nếp cảm của nhà thơ. Xa quê hương, Tế Hanh đã say sưa, mơ mộng về ánh trăng Tây Hồ trên bến Hàng Châu:
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm Trời Hàng Châu bốn bề êm ái
(Bài thơ tình ở Hàng Châu)
Trăng trong thơ ông còn biểu tượng cho tình yêu, tuổi trẻ với vẻ đẹp dịu hiền, đầy chất hiện thực. Trăng luôn gắn bó, luôn là bầu bạn của nhà thơ. Trăng mang sắc thái những cung bậc tình cảm đa dạng trong lòng nhà thơ. Trăng trong cái sâu lắng của tình yêu da diết, nhớ thương khi phải xa cách. Ở đó chất chứa cái man mác, xao xuyến của nỗi lòng đôi lứa ngưng đọng lại trong giây phút chia ly:
Em đi, trăng sắp độ tròn Mùa thu quá nửa, lá giòn khua cây
Tiễn em trong cảnh thu này Lòng ta muôn tiếng, sao đầy lặng im? Ta về trong khoảng trời đêm Vầng trăng như thể mắt em soi đường
(Mùa thu tiễn em)
Rồi một đêm thu đẹp tràn ngập ánh trăng gợi bao nỗi nhớ:
Cuối thu trăng vẫn sáng trưng
Hoàng lan, hoa sữa thơm lừng không gian Con chim én đã về Nam
Giục anh trở lại cầm bàn tay em
(Nhớ về Hà Nội hôm nay)
Trăng cũng chứng kiến cho bao kỉ niệm, bao vui buồn của tình yêu đôi lứa:
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy Có núi sông và có trăng sao Có giận hờn và có chiêm bao
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến
(Bài thơ tình ở Hàng Châu) Vẻ đẹp dịu dàng của người yêu dường như đã được đồng hóa với ánh trăng hiền dịu. Bởi vậy mà người yêu đến thăm Tế Hanh có lẽ gặp giữa ban ngày mà thi nhân vẫn cảm thấy “Em đến thăm anh phòng nhỏ có thêm trăng”. Và thật thú vị khi nhà thơ liên tưởng đáng yêu:
Ta về. Giữa khoảng trời đêm
Vành trăng như thể mắt em soi đường.
Trăng còn tượng trưng cho tình yêu của người con gái với người mình yêu mặc cho thời gian và thử thách:
Đêm nay trăng lại với mình
Trăng thơ bát ngát trăng tình chơi vơi Suốt đêm trăng sáng em ơi
Tưởng như trăng sáng suốt đời của anh
(Đêm nay)
Trăng tượng trưng cho lòng chung thủy, cho tình yêu của con người có thể bất chấp, đảo, vượt được chiều diễn tiến của thời gian:
…Em chờ anh không biết có hoa tàn Có trăng khuyết, có sương chiều, mưa tối Em chỉ biết có nỗi lòng mong đợi
…Em chờ anh không nghĩ đến thời gian
(Em chờ anh) Trăng trong tình cảm đau xót đất nước chia cắt:
Trong lòng tôi mảnh trăng trong một nửa Như trước đây, một nửa mờ gương
(Nói chuyện với Hiền Lương)
Đến nông trường cà phê, nhà thơ đứng giữa khoảng không gian bao la và cảm nhận một sự choáng ngợp qua ánh trăng:
Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài
(Nông trường cà phê)
Sống giữa chiến trường miền Nam chống Mỹ gian khổ, ác liệt, Tế Hanh không nói đến bom đạn, chết chóc, tàn phá, ông khai thác khía cạnh bình thản của con người trong chiến tranh từ những vẻ đẹp thanh cao, thi vị. Và đây là mảnh “Trăng rừng”, trong cảm nhận hồn hậu và cảm hứng sáng tạo của nhà thơ ngay giữa cuộc đời bão táp, giữa rừng Trường Sơn:
Trăng khọp trăng gầy, rừng le trăng nhỏ Trăng của suối là mảnh trăng lung linh Nước ôm trăng như điện chảy trong mình Rất gần gũi là mảnh trăng của trạm Tre nứa ngủ trong trăng như bè bạn …Trăng rất tình là của anh của em
-Trăng ơi! Tôi muốn cùng trăng nói chuyện thâu đêm
(Trăng rừng)
Trăng gắn bó chặt chẽ với Tế Hanh đến nỗi cả những cảnh không mấy thi vị, nhà thơ vẫn tìm thấy vẻ đẹp của nó, nhờ ánh trăng, trong sự liên tưởng với ánh trăng. Khi qua công trường gỗ còn ngổn ngang, nhà thơ liên tưởng một mai nhà cửa sẽ đẹp đẽ mọc lên với cảnh “Trăng sáng gọi bên thềm”. Tàu vũ trụ Liên Xô bay vào vũ trụ, Tế Hanh nghĩ ngay đến tương lại: “Con tàu vượt vạn từng mây. Khoảng không vũ trụ mai này là ga”. Tế Hanh thường gắn trăng với những gì nhà thơ trìu mến nhất.
Trăng gắn liền với hình ảnh em Ái đáng yêu:
Ái lớn lên giữa trời xanh cát trắng Da ngăm ngăm như một làn nước mặn Miệng cười vui mặt biển ánh trăng nghiêng
(Cái chết của em Ái) Trăng như vui cùng anh đảng viên dự bị trong ngày kết nạp:
Anh được nhận đảng viên dự bị Tuyên thệ rồi mặt biển trăng lên
Hai mươi tuổi đẹp sao đời đồng chí Mặt trăng lên, anh thành một đảng viên
Trăng cũng gắn với nỗi lo lắng của người thiếu nữ trước hạnh phúc không dám ngờ đến:
Nỗi khổ xưa còn lởn vởn chiêm bao Chút hạnh phúc như vừng trăng mới hé
(Chung bến chung lòng)
Trăng gắn với nỗi nhớ và từ đó thấy cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn, thấy hoa thêm tươi, thấy trời thêm xanh, thấy hiểu thêm người, thêm mình:
Đêm nay trăng sáng Bắc Kinh
Nhớ trăng Hà Nội thắm tình quê hương Lòng như cuộn chỉ yêu thương
Quấn theo mỗi một đoạn đường ra đi
(Dặm liễu)
Đẹp đẽ biết bao, dưới ánh trăng tràn ngập cả sân, cảnh quây quần đầm ấm của những người xã viên nông nghiệp cần cù sau một ngày vất vả làm cỏ bón phân chung, đang thân mật cùng kiểm điểm công việc vụ chiêm vừa xong, chuẩn bị cho vụ mùa đang giục và cũng nhắc nhở nhau thi đua đón gió Đại Phong, đưa hợp tác mình mau lên cao cấp. Trăng như hòa cùng với tâm trạng thoải mái của người xã viên:
Công cuộc ngày mai bàn đã kỹ Ra về thoang thoảng lúa ba giăng Sáng mai dậy sớm chờ nhau với
Chung ruộng, chung lòng, chung mảnh trăng
(Họp tổ đêm trăng)
Cuộc sống vốn muôn điều huyền diệu làm say đắm lòng người. Với tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu tha thiết cuộc đời, thơ Tế Hanh khơi hòa vào cái mạch diệu huyền ấy của cuộc đời. Và cùng với khả năng liên tưởng độc đáo, ta bắt gặp những đêm trăng lung linh huyền ảo, vẻ đẹp quyến rũ:
Trên hoa trăng sáng một vừng
Dưới trăng hoa nở tưng bừng nhụy bông Hoa là trăng đậu cành cong
Trăng là hoa ngự trời trong ngời ngời Hoa trăng với lại hồn tôi
Phút giây hư thực đất trời trôi qua
(Hoa nở theo trăng)
Mười lăm, mười tám thơ ngây Mắt đầy cả nắng, hồn đầy cả trăng
(Giấc mộng xuân)
Trăng như người bạn cùng bé, thấu hiểu nỗi nhớ cha mẹ của bé trong thời gian phải sơ tán xa nhà, đồng thời, ta cũng thấy được tấm lòng yêu trẻ của người cha yêu con:
…Trăng ôm lấy bé, trăng bồng lên cao …Chị theo các bạn nhảy dây
Bỏ quên em bé trăng quay giữa nhà Bé nằm nhớ mẹ phương xa
Trăng thương nghiêng xuống mặt hoa gần gần ...Bé nằm ngửa mặt tròn xinh
Ngủ trong tiếng hát của mình dưới trăng
(Bé hát dưới trăng)
Sao mà Tế Hanh yêu trăng đến thế? Có thể nói, ánh trăng luôn luôn dọi vào trong thơ, làm cho thơ Tế Hanh có cái vẻ đậm đà, ý nhị, tình tứ, tươi trẻ. Trăng trong thơ Tế Hanh là trăng đẹp dịu dàng, trăng của sự thơ mộng, trăng biểu tượng cho tuổi trẻ, tình yêu. Ánh trăng không chỉ biểu hiện tâm hồn đa cảm của thi nhân mà rộng hơn thể hiện sự giao cảm và tin yêu của thi nhân đối với thiên nhiên đất nước.