5. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Hình ảnh biểu tượng người mẹ
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, nhiều nhà thơ đã rất thành công khi khắc họa bà mẹ của cuộc đời chung, những bà mẹ anh hùng. Đó là bà má Hậu Giang, mẹ Tơm, mẹ Suốt trong những trang thơ Tố Hữu, hình ảnh những bà mẹ vừa đẹp đẽ, vừa thiêng liêng trong thơ Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh. Trong nhiều tập thơ đã xuất bản, Tế Hanh cũng có nhiều bài thơ viết về mẹ. Tế Hanh lặng lẽ miêu tả người mẹ trong đời thực, giản dị gần gũi biểu tượng cho sự tần tảo, chắt chiu, cho những kỉ niệm và tâm tình tuổi thơ, cho quê hương.
Mẹ trong thơ Tế Hanh đầu tiên là biểu tượng cho sự tần tảo, chịu thương, chịu khó. Chiếc rổ may là một bài thơ gây xúc động lòng người. Ở đó, hình ảnh người mẹ nghèo suốt một đời lặng lẽ chắt chiu cho con:
Lặng lẽ bàn tay lặng lẽ đưa Đắp từng miếng vá ấm con thơ Những mong đời mẹ, đời con mãi Gần gũi nhau cùng mối chỉ thưa
(Chiếc rổ may)
Chế Lan Viên đã từng nói: “Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”, quả là tình mẹ thật sâu thẳm và độ lượng. Cảm nhận được tấm lòng của mẹ, hình ảnh người mẹ luôn trong lòng nhà thơ, gắn với hình ảnh quê hương, là biểu tượng của quê hương, bến đợi của tâm tình. Bởi thế, trên mỗi bước đường đời, xa mẹ, nhà thơ càng cảm nhận thấm thía hơn về tình mẹ. Hình ảnh và tấm lòng của mẹ sẽ mãi là những kỷ niệm thiêng liêng đi suốt cuộc đời của người con:
Mẹ ơi chiếc áo con đã rách Con biết làm sao trở lại nhà Để mẹ vá giùm? Con thấy lạnh
Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da
(Chiếc rổ may)
Đất nước chia cắt, người con bé bỏng năm xưa của mẹ đã trưởng thành. Tế Hanh tập kết ra Bắc xa mẹ, xa quê hương, xa những gì thân thuộc nhất, một cuộc chia xa không biết đến khi nào mới có thể gặp lại: “Cho đến mùa thu nay. Mẹ Nam và con Bắc”. Giờ đây, mẹ và quê hương đã hòa làm một, trở thành nơi êm ấm luôn đợi chờ và tha thiết nhắc gợi nỗi nhớ. Nhớ về mẹ, Tế Hanh luôn nhớ kỷ niệm:
Qua năm tháng sương mù Nhớ thời xưa đi học
Hết nghỉ hè sang thu Con xa nhà mẹ khóc
(Nhớ mẹ)
Nhà thơ cũng ân hận về nhiều điều chưa làm được cho mẹ:
Mẹ bán đôi vòng cưới Cho con học nhiều thêm Mong ngày kia con đỗ Làm nuôi mẹ nuôi em Nhưng mỗi một mùa qua Một mùa thêm xa cách Gió thổi lồng trang sách Cuốn mơ ước mẹ già
(Nhớ mẹ)
Trong nỗi nhớ mẹ khôn nguôi, nhà thơ khắc khoải mong ngóng và ước ao, một ước mơ thật giản dị mà cảm động đến nhường nào:
Mẹ ơi ngày gặp mẹ Mùa thu hay mùa hè
Con sẽ là đứa bé
Đọc sách mẹ nằm nghe
(Nhớ mẹ)
Mẹ là niềm tin của con, con là hy vọng của mẹ, hai tấm lòng và những ước mơ bé nhỏ:
Mẹ yêu mẹ đợi chờ Con yêu con phấn đấu Hai tấm lòng ước mơ Một ngày mai đoàn tụ
(Mẹ con)
Cùng với thời gian cách xa, nỗi nhớ mẹ càng trào dâng trong lòng nhà thơ, đậm sâu hơn, tha thiết hơn “Nhiều đêm thức giấc giữa canh khuya. Nhớ quê hương nghĩ đến cảnh phân chia”. Càng nhớ thương mẹ, hình ảnh người mẹ ở quê Nam luôn đi vào giấc ngủ nhà thơ và câu hỏi đặt ra day dứt thật đau lòng:
Mẹ còn không hỡi mẹ?
Mẹ già thế quân thù hung bạo thế
Tám năm rồi chẳng biết mẹ còn không?
(Mẹ mãi còn)
Mặc dù khắc khoải nhưng vẫn luôn cháy bóng trong lòng một niềm tin:
Không! Không! Mẹ ơi! Không phải thế! Con tin là mẹ vẫn còn
…Nhưng mẹ ơi, con có xa mẹ đâu! Như thịt xương không thể xa nhau Như miền Nam vẫn dính liền miền Bắc Một hòn máu không thể nào chia cắt
Mẹ là quê hương. Trong những ngày xa miền Nam thân yêu, nhà thơ mong sao mẹ già đêm đêm vẫn cùng bà con lắng nghe tiếng thơ miền Bắc, tiếng thơ anh:
Con làm thơ góp phần chống Mỹ Cánh chim tâm tưởng gió đưa về Mẹ ơi! Có phải đêm khuya vắng Mẹ với bà con đang lắng nghe?
(Mẹ có nghe thơ con)
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Tế Hanh trở về thăm mẹ, thăm quê. Hai mươi năm gặp lại giờ mẹ đã già, đã ngoài 80 tuổi. Mẹ yếu lắm nhưng vẫn chăm sóc nhà thơ như hồi còn bé “Mẹ đãi con một bữa cá ngon. Ấn ba lô gói mực khô dòn”. Tuy nhiên, vì bận công tác nên:
Hai mươi năm trở về quê mẹ Mới được hai ngày lại xin đi
Trong không khí tưng bừng giải phóng Mẹ chỉ nhìn con chẳng nói gì
(Mẹ)
Câu thơ thoáng gợi chút xót xa, niềm ân hận nhưng cuộc chia tay lần này chỉ là tạm biệt vì “Bắc Nam không còn chia cắt nữa. Con sẽ đi về thăm mẹ luôn”. Dù là như vậy nhưng dư vị xót xa của những năm xa cách đó vẫn rưng rưng:
Rồi mẹ đưa con ra bến sông Thuyền đi xa mẹ vẫn đứng trông Con nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn Như thể thời gian chẳng ngược dòng
Trong bài thơ Vườn xưa, mẹ chỉ xuất hiện hai lần “tóc mỗi ngày mỗi bạc” và hai lần “nghe mẹ nói” nhưng cũng đủ để người đọc hình dung ra được một người mẹ hiền từ, nhân hậu. Mẹ chính là nhân chứng cho cuộc tình lứa đôi này, một cuộc tình thủy chung, tuy đẹp mà buồn. Mẹ nhìn thấy phút giây họ đã quấn quýt bên nhau chan hòa hạnh phúc lứa đôi và cả những phút giây từng người đã về đây nhớ thương tiếc nuối: nhìn lên ngọn cây gió thổi, nhìn giếng, giếng sâu trong vắt. Mẹ như một ngọn lửa nhỏ nhen nhóm ít nhiều cũng làm ấm lại lòng của cô gái, của chàng trai và làm nồng ấm cả bài thơ xinh xắn.
Và tóc bạc trắng, nhà thơ xót xa cúi đầu bên mộ mẹ, từ biệt mẹ. Cuộc đời như một vòng tròn khắc nghiệt: sinh tử, biệt ly. Đời người là hữu hạn. Những người thân yêu nhất cũng lần lượt đi về cõi chết. Ở đấy mịt mùng xa vắng quá, liệu mẹ có nhớ, có hiểu được lòng con? Mất mẹ là bị cắt lìa khỏi những gì gắn bó, thân thương nhất, tránh sao khỏi bùi ngùi:
Cúi đầu từ biệt mẹ Từ biệt cả làng quê Quê mẹ không còn mẹ Bao giờ con lại về
(Bên mồ mẹ)
Đối với Tế Hanh, mẹ là người ấp ủ, nuôi dưỡng tâm hồn, thường gợi nhắc về những gì sâu lắng, ấm áp. Mẹ là biểu tượng cho quê hương, kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, là sợi dây còn lại nối liền với quê xưa. Nay mẹ không còn thì dây nối còn đâu “Mẹ đi cảnh nhà cũ. Bỗng như chìm trong mơ”.