Cơ chế giám sát của cổ đông

Một phần của tài liệu Chế độ pháp lý về quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật (Trang 55)

6. Bố cục của Luận văn

2.1.5.Cơ chế giám sát của cổ đông

Cùng với sự thất bại của các đại tập đoàn theo mô hình tuyệt đối hóa quyền lực của HĐQT và GĐ ở Mỹ trong thập niên 1970 và 1980, sự khó khăn của các công ty theo mô hình hướng vào sự kiểm soát của Nhà nước ở Liên Xô cũ và Đông Âu trong thập niên 1990, và sự kém hấp dẫn các nhà đầu tư của mô hình “cùng nhau xác định” (mô hình quản trị hướng vào lao động của Đức) ở các nước ngoài Bắc Âu, làm người ta tin tưởng hơn vào tính hiệu quả của mô hình cổ đông, mô hình của khoảng 70% công ty đa quốc gia lớn đang vận hành [41]. Đó là mô hình quản trị nhấn mạnh đến vai trò giám sát của cổ đông đối với hoạt động của các nhà quản trị. Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Reinier Kraakman, chuyên gia về luật công ty của Đại học Harvard - Hoa Kỳ, người đã tham gia cố vấn cho LDN của Việt Nam, đã nhận định rằng, mô hình cổ đông sẽ tiếp tục trở thành mô hình chủ đạo ở châu Âu và các nước đã phát triển ở châu Á, như là nó đã phổ biến ở Bắc Mỹ [41]. Sự xuất hiện thuật ngữ “giám sát điều hành” cùng với việc nhấn mạnh vai trò giám sát của cổ đông đối với các hoạt động quản lý công ty trong hai mươi năm trở lại đây, và sự nổi bật của nó trên toàn thế giới hiện nay là một minh chứng điển hình về tính đúng đắn của luận điểm trên [7, tr.7]. Điều đó phần nào cho thấy tư tưởng

56

tiến bộ, hiện đại của LDN 2005 khi tăng cường khả năng “giám sát điều hành” của cổ đông, dù rằng những quy phạm thực định đã không truyền tải hết nội dung tư tưởng đó.

Về nguyên tắc, cơ chế giám sát của các cổ đông được thực hiện thông qua hai phương thức, đó là giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp thông qua việc đề cử người vào BKS và HĐQT. Hoạt động giám sát trực tiếp của các cổ đông được thể hiện chủ yếu thông qua việc thực thi các quyền tham dự, thảo luận tại cuộc họp ĐHĐCĐ, quyền đề xuất những vấn đề cần làm sáng tỏ vào chương trình họp ĐHĐCĐ, quyền chất vấn các thành viên HĐQT và BKS, quyền tham gia HĐQT và BKS để giám sát trực tiếp hoạt động của những thành viên khác trong nội bộ các cơ quan này, cũng như các quyền của cổ đông về thông tin liên quan đến công ty.

Chất vấn được xem là loại quyền quan trọng nhất trong việc thực thi quyền giám sát của cổ đông tại ĐHĐCĐ. Đó cũng được xem là một quyền đặc biệt quan trọng của ĐHĐCĐ nhằm đảm bảo rằng HĐQT và BKS hoạt động vì lợi ích của công ty. Tuy nhiên quyền này chưa được quy định rõ trong LDN 2005, đặc biệt là cơ chế thực thi và đảm bảo thực thi quyền này. LDN 2005 không quy định rõ trình tự, thủ tục chất vấn bao gồm cả thời gian chất vấn, các điều kiện để đảm bảo cho việc chất vấn được thực hiện trong trật tự và hiệu quả, cũng như trách nhiệm trả lời đúng trọng tâm chất vấn của người bị chất vấn. Những khiếm khuyết này đã gây khó khăn cho việc thực hiện quyền giám sát của cổ đông, cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động của ĐHĐCĐ. Thực tế về những “rối loạn” tại cuộc họp ĐHĐCĐ ở các Công ty Cổ phần Khách sạn Hữu Nghị, Công ty Cổ phần Tràng Tiền, Công ty Cổ phần Khách sạn Du Lịch Bạch Đằng là những minh chứng cho điều đó.

Liên quan đến việc đề xuất các vấn đề cần làm sáng tỏ vào chương trình họp của ĐHĐCĐ, điểm a khoản 3 điều 99 LDN 2005 quy định cho phép người triệu tập họp ĐHĐCĐ quyền từ chối kiến nghị của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 về việc đưa một số vấn đề vào chương trình họp ĐHĐCĐ, nếu kiến nghị được gửi đến không đúng thời hạn hoặc

57

không đủ, không đúng nội dung. Nhưng khi triển khai thực thi quy định này trên thực tế lại không có một văn bản hướng dẫn nào quy định cụ thể thế nào được xem là không đúng với nội dung? Không đúng với nội dung nào, ở đâu? Việc triệu tập cuộc họp thường niên của ĐHĐCĐ để thông qua báo cáo tài chính hàng năm và chia cổ tức thì có được phép kiến nghị đưa vào chương trình họp về vấn đề trách nhiệm của người quản lý và những giao dịch có tính tư lợi của người này hay không? Trong trường hợp này phải chăng chỉ được giải quyết trong cuộc họp gây tốn kém khác? Thực tiễn cho thấy, quy định khá chung chung trên đã bị HĐQT lạm dụng để từ chối những kiến nghị có liên quan đến việc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý.

Liên quan đến cơ chế đảm bảo thực thi các quyền được nắm bắt và tìm hiểu thông tin của cổ đông, LDN 2005 về cơ bản đã tiệm cận với những thông lệ chung của các nước trên thế giới, quy định tương đối đầy đủ đối tượng của quyền được cung cấp và tiếp cận thông tin (điều 79 LDN 2005), cũng như mở rộng đối tượng cổ đông có thẩm quyền được tiếp cận thông tin cho cả cổ đông ưu đãi biểu quyết và cổ đông ưu đãi hoàn lại (khoản 3 điều 98, khoản 6 điều 105, khoản 3 điều 106 LDN 2005). Đây được xem là điểm tiến bộ rõ nét của LDN 2005 trong việc cố gắng tăng cường khả năng giám sát của cổ đông. Tuy nhiên, LDN 2005 cũng tồn tại hạn chế khi chưa quy định cụ thể các biện pháp nhằm đảm bảo cho các quyền đó được thực thi hiệu quả. Cụ thể là, LDN 2005 chưa quy định trách nhiệm đối với người quản lý thông tin khi người này ngăn cản việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, cũng như chưa quy định quyền khởi kiện của cổ đông khi bị vi phạm quyền này. LDN 2005 lại chưa quy định thủ tục cần thiết để đảm bảo ngăn ngừa việc lạm dụng quyền này gây bất lợi cho công ty.

Một phần của tài liệu Chế độ pháp lý về quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật (Trang 55)