Thực trạng chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty cổ phần

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty cổ phần ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 61)

7. Giới thiệu bố cục của luận văn

2.2.1.Thực trạng chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty cổ phần

a. Thực trạng chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ là giải pháp cho các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng vốn hoạt động để phát triển sản xuất kinh doanh theo chiều hướng tốt hơn, nhưng bù lại các cổ đông hiện hữu phải giảm bớt tỷ lệ sở hữu. Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ tùy vào từng trường hợp sẽ mang ý nghĩa khác nhau, một số doanh nghiệp tìm đến phát hành cổ phiếu riêng lẻ khi không thể phát hành cho cổ đông hiện hữu, vì cổ đông cũ không sẵn sàng rót thêm vốn.

Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông lớn vì đã có sự thỏa thuận trước đó. Những nhân tố mới tham gia vào quá trình điều hành của cổ đông/nhóm cổ đông lớn sẽ tạo thêm tiếng nói, giúp doanh

nghiệp hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi như hiện nay, việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công là một việc đáng khích lệ.

Khi TTCK suy giảm, giá nhiều chứng khoán giảm sâu dưới mệnh giá, các cổ đông hiện hữu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ phần lớn không mặn mà lắm với các đợt phát hành thêm của các doanh nghiệp. Do vậy, để giải quyết bài toán vốn, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác có chiến lược đầu tư dài hạn để thực hiện huy động vốn. Điều kiện, thủ tục và các nội dung khác liên quan đến nghiệp vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được hướng dẫn tại Nghị định 01/2010/NĐ-CP, sau đó được luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010 và được hướng dẫn tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Trước đây, hoạt động CBCKRL của CTCP được áp dụng theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP, tuy nhiên với những bất cập trong quy định về điều kiện, thủ tục chào bán như được phân tích trên đây đã gây ách tắc rất lớn cho hoạt động phát hành cổ phiếu riêng lẻ của CTCP. Điển hình cho những bất cập của pháp luật gây khó khăn cho Doanh nghiệp khi thực hiện huy động vốn qua hình thức chào bán cổ phần được thể hiện tại ví dụ sau đây: Ngày 02/11/2010, CTCP tập đoàn FLC gửi hồ sơ đăng ký công ty đại chúng lên UBCKNN để được xem xét trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, ba tháng sau UBCKNN mới có văn bản gửi Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và công ty FLC, văn bản này cho rằng FLC có thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ 7 triệu cổ phần cho 93 nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Do đó, theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP thì việc chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty FLC thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Sau khi thực hiện thủ tục này xong, UBCKNN mới có cơ sở xem xét hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của FLC. Tuy nhiên, sau khi có yêu cầu của UBCKNN thì thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ của FLC vẫn chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội xem xét như đề nghị của UBCKNN. Sở dĩ có tình trạng vướng mắc này là do Nghị định 01/2010/NĐ-CP chỉ mới quy định về nguyên tắc tiếp nhận hồ sơ mà chưa có quy định đầy đủ trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký

chào bán cổ phần riêng lẻ. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước trở nên lúng túng trước các hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong thời gian này và không chỉ công ty FLC mà thời điểm đó cũng có có hàng trăm doanh nghiệp bị “mắc kẹt” tương tự như FLC. (Nguồn tại Thời báo kinh tế Sài Gòn online)

Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã có những sửa đổi so với Nghị định 01/2010/NĐ-CP trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá tình hình áp dụng Nghị định 01/2010/NĐ-CP trong thực tế. Về cơ bản, theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì điều kiện về phát hành riêng lẻ là tương đối đơn giản, hồ sơ và thủ tục cũng được quy định rõ ràng hơn so với Nghị định 01/2010/NĐ-CP. Vì vậy, TTCK riêng lẻ trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu sôi động trở lại. Từ năm 2012 cho đến nay, nhiều CTCP chào bán cổ phiếu riêng lẻ thành công, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho doanh nghiệp. Điển hình là các công ty lớn như CTCP liên doanh SANA WMT chào bán thành công 7 triệu cổ phần cho 18 cổ đông chiến lược vào ngày 16/4/2013. Một ví dụ khác là CTCP Hoàng Anh Gia Lai, công ty này thực hiện chào bán 75 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược vào ngày 8/4/2013 và kết thúc đợt chào bán vào ngày 10/6/2013, Công ty đã chào bán thành công 73.309.434 cổ phần chiếm 12% Vốn Điều lệ. Ngày 24/6/2013, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) đã tiến hành phát hành 38 triệu cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Kết quả công ty đã chào bán thành công toàn bộ 38 triệu cổ phiếu theo đúng kế hoạch. Trong đó: Phát hành 20,15 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam

PVN với giá chào bán 31.758 đồng/cổ phần, thời gian hạn chế chuyển nhượng 3

năm. Phát hành 17,85 triệu cổ phần với giá chào bán bình quân 45.605 đồng/cổ phần và thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm cho các nhà đầu tư sau: PYN Fund Management Limited: 10 triệu cổ phần (phân phối đều cho 2 quỹ trực thuộc là PYN và Mutual Fund Elite), PENM Partners: 4,85 triệu cổ phần (phân phối cho quỹ trực thuộc là Private Equity New Markets II K/S), VOF Investment Limited: 3 triệu cổ phần (phân phối cho quỹ trực thuộc là Vietnam

Investment Property Holdings Limited). Sau phát hành, vốn điều lệ của PVD tăng từ 2.105 tỷ đồng lên 2.485 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán đạt gần 1.454 tỷ đồng. Ngày 27/03/2014, CTCP xuyên Thái Bình Dương (PAN) công bố kết quả phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chào bán thành công 20.000.000 cổ phần với giá 32.000 đồng/cổ phần, thu về 650 tỉ đồng đồng từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ lần này và nâng vốn điều lệ của Công ty lên hơn 403 tỉ đồng. (Nguồn từ cafef.vn).

Những ví dụ trên cho thấy hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được khơi thông và trở thành phương thức huy động vốn hiệu quả cho các CTCP trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, so với trước khi có các văn bản điều chỉnh trực tiếp, hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của CTCP áp dụng theo Luật Doanh nghiệp thực tế là thủ tục đơn giản hơn rất nhiều vì doanh nghiệp chỉ cần thực hiện các thủ tục nội bộ trong công ty, thông báo với cổ đông và gửi hồ sơ thay đổi vốn điều lệ/thay đổi cổ đông lên Sở Kế hoạch và Đầu tư. Còn theo quy định hiện hành, các thủ tục về đăng ký chào bán, công bố thông tin và báo cáo phức tạp hơn so với trước đây. Đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình hình phát hành cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Theo Báo cáo của UBCK Nhà Nước tại Hội nghị tổng kết năm 2013, hoạt động huy động vốn qua phát hành cổ phiếu giảm mạnh, chỉ đạt 2.344 tỷ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái).

Thiết nghĩ việc bổ sung điều kiện đăng kí và công bố thông tin đối với chủ thể chào bán khi tiến hành chào bán cổ phần riêng lẻ thể hiện ở mục đích bảo vệ tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên đứng ở góc độ của tổ chức phát hành – các doanh nghiệp đang cần huy động vốn để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh thì điều kiện khắt khe và thủ tục rườm rà là một rào cản lớn cho kênh huy động vốn rất hiệu quả này của CTCP. Đây cũng là một điểm chưa thực sự hợp lý cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp của pháp luật.

b. Thực trạng chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần

Thị trường TPDN đang ngày càng sôi động hơn nhờ những quy định mở và “thoáng” hơn của pháp luật. Năm 2006, tổng khối lượng trái phiếu phát hành là 66.377 tỷ đồng, trong đó TPDN chiếm khoảng 8.060 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ lệ cao 55.817 tỷ đồng, còn lại là trái phiếu chính quyền địa phương. Đến năm 2008 lác đác 2 - 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì năm 2009 đã có khoảng 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Năm 2009 được coi là năm bùng nổ và thành công của TPDN về khối lượng. Đáng kể nhất trong năm 2009 về phát hành trái phiếu thành công là EVN, Vinacomin và Vinasteel... điển hình như Vincom đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu với tổng trị giá lên đến 100 triệu USD trên thị trường Singapore [8, tr.2,5]. Sự kiện Vincom phát hành trái phiếu còn khiến dư luận và giới chuyên môn kết luận là các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Qua đây cho thấy, các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu trong khung pháp lý đã 'mở' hết sức thoáng. Song dù đã linh động với sản phẩm mới này nhưng thị trường TPDN ở Việt Nam còn hạn chế và không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng làm được. Rất nhiều doanh nghiệp dù muốn vẫn chưa thể tiếp cận được với hình thức này. Những doanh nghiệp phát hành thành công từ trước đến nay đều là các công ty quy mô tương đối lớn và lớn như: EVN, Vinacomin, Vinaconex, Tổng công ty Sông Đà... Những doanh nghiệp đã từng phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng có quy mô lớn như: ACB, VCB... Nói cách khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như vắng bóng các doanh nghiệp nhỏ trong khi đây là các đối tượng rất khát vốn và chiếm số lượng lớn (500.000 doanh nghiệp vào năm 2010). Đây là thực tế đã tồn tại từ vài năm nay và hiện vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Điều kiện chào bán trái phiếu theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP và được kế thừa tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP khá thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng giải pháp này để tăng vốn vay. Tuy nhiên, một số quy định về điều kiện chào bán tương đối chặt chẽ tại Nghị định này vẫn là rào cản cho các

doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể phát hành trái phiếu riêng lẻ do không đáp ứng về điều kiện tài chính. Đây cũng là một điểm cần lưu ý, xem xét và có thể sửa đổi để phù hợp hơn so với quy định pháp luật hiện hành.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty cổ phần ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 61)