Quản lý lao động làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ

Một phần của tài liệu Những hạn chế trong xuất khẩu lao động của Việt Nam Luận văn Ths. Kinh tế (Trang 59)

- Hỗ trợ và cho vay vốn trước khi đi làm việc ở NN

2.2.4. Quản lý lao động làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ

2.2.4.1. Chưa xử lý và ngăn chặn được tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng lao động

Trong thời gian qua, hiện tượng vi phạm hợp đồng, bỏ trốn đi làm việc khác hoặc ở lại làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng, vẫn còn trầm trọng ở nhiều thị trường quan trọng như: Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản. Điều đó đã gây khó khăn cho chủ sử dụng LĐ cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức hoạt động XKLĐ và của chính bản thân NLĐ. Hiện tượng này là do:

Thứ nhất, gánh nặng nợ nần trên vai những NLĐ và gia đình họ do phải trang trải những khoản phí nói trên là quá lớn so với gia cảnh của họ.

Thứ hai, tiền lương của họ quá thấp so với người làm cùng loại công việc ở xí nghiệp khác hoặc công việc ở nơi khác đang cần đến LĐ như họ.

Thứ ba, sự giáo dục và quản lý NLĐ ở NN của các DN XKLĐ chưa tốt cũng như chưa phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương để có những hình thức ràng buộc NLĐ với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

Mặc dù thời gian gần đây nhà nước đã có những giải pháp cụ thể như cho vay với lãi suất ưu đãi không thế chấp, xử phạt những DN XKLĐ lạm thu các loại phí theo luật định trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở NN; giao trách nhiệm cho các chính quyền địa phương phải tham gia vào công tác này và có trách nhiệm hỗ trợ về tài chính đối với các gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ở địa phương không phải NLĐ nào cũng tiếp

cận được với tín dụng ngân hàng như chủ trương của nhà nước. Chỉ có LĐ có kỹ thuật và làm việc ở những lĩnh vực nặng nhọc (làm việc trên biển, cơ khí, xây dựng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan...) mới có mức lương khá cao so với trong nước. Song, những chi phí mà họ phải bỏ ra trước khi đi làm việc ở NN cao hơn nhiều. Do vậy, NLĐ trước khi đi làm việc thường phải vay nợ để trang trải các khoản chi phí khác nhau và thường là cao hơn nhiều so với mức quy định của nhà nước. Vì thế, một mặt họ phải ăn uống, tiêu dùng hết sức tiết kiệm và điều đó ảnh hưởng đến sức khoẻ và năng suất LĐ của họ. Mặt khác, vì muốn nhanh chóng có tiền để trả nợ, khi thấy có nơi làm việc lương cao hơn là họ tìm cách bỏ hợp đồng đã ký.

2.2.4.2. Chưa bảo vệ kịp thời và đầy đủ lợi ích chính đáng của người lao động làm việc ở nước ngoài

Theo Pháp lệnh lãnh sự năm 1990, Công ước viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, các hiệp định lãnh sự, các hiệp định hợp tác LĐ mà ta đã ký thì nội dung hoạt động bảo vệ quyền lợi của NLĐ Việt Nam ở NN gồm những công việc chính dưới đây:

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NLĐ Việt Nam ở NN thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của mình như việc đảm bảo cho NLĐ về điều kiện làm việc, thu nhập và các quyền lợi hợp pháp khác. (Đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đại diện ta ở NN, được qui định tại Khoản 1 Điều 17).

- Đấu tranh với chính quyền sở tại khi các quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ Việt Nam bị xâm phạm (khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990). Hình thức đấu tranh có thể từ mức độ thấp (như tiếp xúc, lưu ý…) đến mức độ cao (công hàm phản đối của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, của Bộ Ngoại giao hay của Chính phủ).

- Giúp đỡ NLĐ Việt Nam ở NN trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bị phạt tù (Điều 18 Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990).

- Đại diện cho người Việt Nam trước cơ quan chức trách nước ngoài.

Viên chức lãnh sự là người đại diện hợp pháp cho NLĐ Việt Nam ở NN, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở NN trước các cơ quan thẩm quyền NN (Điều 19 Pháp lệnh Lãnh sự năm 1990).

- Bảo vệ quyền lợi của NLĐ Việt Nam trong các hợp khác như thừa kế, đỡ đầu hoặc khi NLĐ bị ốm đau, tai nạn hay tử vong.

- Bảo vệ NLĐ, công dân Việt Nam bị lừa bán ra NN, vận động công dân Việt Nam LĐ bất hợp pháp ở NN ra trình diện và hợp pháp hoá cơ chế cư trú cho các đối tượng này.

- Bảo vệ NLĐ trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh ở nước sở tại.

Tuy nhiên, trong thời gian qua quyền lợi của NLĐ Việt Nam ở NN vẫn chưa được bảo vệ kịp thời và đầy đủ. Theo thống kê của Cục quản lý LĐ ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng đơn, thư có liên quan đến hoạt động đưa người đi làm việc ở NN của các DN ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất. Đặc biệt có nhiều trường hợp đơn, thư khiếu nại tập thể. Nếu như năm 2007 có 276 đơn tố cáo, khiếu nại các DN không thực hiện nghiêm túc các chế độ về hợp đồng đưa LĐ đi làm việc ở NN, thì năm 2008 là 331 và năm 2009 là 521 đơn thư [70]. Sở dĩ số đơn, thư khiếu nại tăng là do:

- Các vụ lừa đảo LĐ, đi LĐ trái phép ở NN xảy ra ngày một phức tạp. Nhiều vụ NLĐ nước ta bị lừa ra NN sau đó bị bỏ rơi hoặc không kiếm được việc làm, hết hạn thị thực, bị cảnh sát sở tại bắt giữ, nhiều người trong số họ không có tiền ăn ở, mua vé về nước… Nhiều người trong số họ phải đi xin ăn hoặc làm việc “chui” cho các các chủ LĐ với điều kiện LĐ hết sức tồi tệ.

Ví dụ, vụ việc 10 LĐ ở tỉnh Bắc Giang bị lừa sang Trung Quốc hồi tháng 8 năm 2007, họ phải làm việc trong các lò gạch ở địa phương trong điều kiện hết sức tồi tệ, bị đánh đập, đối xử như nô lệ. Hay như vụ 32 nữ LĐ Việt

Nam đã phải sang làm công nhân cho một xưởng may đen tại Nga suốt 13 tháng không hưởng lương, cuộc sống chui lủi, điều kiện sinh hoạt tồi tệ mặc dù đã được một DN có chức năng XKLĐ tuyển dụng - công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại và XKLĐ mang tên VINA HANDCOOP (thuộc tổng công ty thép Việt Nam), được Bộ LĐ - TB và XH cấp phép số 89 ngày 16/1/2007 về tổ chức LĐ đi làm việc ở NN.

Trong hai năm trở lại đây, hoạt động XKLĐ liên tục vướng phải những “sự cố” gây không ít thiệt hại cho NLĐ. Bên cạnh các vụ lừa đảo với tổng số tiền lên đến nhiều triệu USD, là hàng loạt các trường hợp “vỡ hợp đồng” khiến hàng ngàn LĐ phải về nước trong cảnh trắng tay.

Tháng 10-2008 ghi nhận trường hợp “vỡ hợp đồng” tại thị trường mới Phần Lan. Đây là hợp đồng của 98 LĐ được công ty Phát triển nhân lực và thương mại Việt Nam (Vinamex) sang Phần Lan hái quả mustikka và poulukka theo thời vụ với thời hạn hợp đồng hai tháng. Với tổng chi phí trước khi đi lên đến 5.000 USD và thế chấp sổ đỏ, sau khi hết hợp đồng, NLĐ trở về với hai bàn tay trắng, thậm chí một số người còn bị nợ tiền vì bị khấu trừ nhiều khoản không có trong hợp đồng.

Sau đó ít lâu lại đến sự cố xảy ra ở thị trường Maldives khiến 260 LĐ của các công ty Việt Hà, Sovilaco và Bạch Đằng phải về nước trước thời hạn. Trước khi đi, mỗi LĐ tốn chi phí hơn 2.000 USD. Hợp đồng của họ có thời hạn ba năm, lương thoả thuận 250 USD/tháng. Nhưng khi sang đến nơi, không những không được bố trí công việc theo đúng hợp đồng, mà tiền lương cũng bị hạ thấp, thậm chí nhiều tháng có làm mà không có lương, buộc lòng, họ phải tìm cách về nước trong tình cảnh không một xu dính túi.

Đầu năm 2009 lại rộ lên thông tin về việc hàng trăm LĐ tại Liên bang Nga không có việc làm, tiền lương thấp hơn hợp đồng, phải về nước sớm. Chỉ riêng công ty Sovilaco đã có 98 người trở về trong tháng 3 và 4/2009.

Cũng trong tháng 4 năm 2009, 9 LĐ làm việc tại nhà máy khoá Kiekert (Cộng hoà Séc) theo hợp đồng ký với công ty TNHH một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (Hà Nội) thông qua môi giới nước bạn là Favi cũng đã buộc phải về nước trước thời hạn hợp đồng 2 năm, sau một năm làm việc với lý do khủng hoảng kinh tế thế giới gây ảnh hưởng đến các hãng trong ngành sản xuất công nghiệp ô tô, bị giảm các đơn đặt hàng nên nhà máy Kiekert không thể ký hợp đồng mới với NLĐ được.

Ngày 19/3/2010, 18 LĐ đi XKLĐ do công ty cổ phần Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) đưa sang Rumani làm công nhân xây dựng cho công ty E.R.C. Development S.R.L đã phải về nước trước thời hạn. Từ ngày sang làm việc (22/11/2009) đến khi phải trở về nước, NLĐ chỉ được làm việc 15 ngày, sau đó công ty đối tác giao cho họ làm công việc nhặt rác, không đúng thoả thuận như đã ký ở Việt Nam. Khi NLĐ thắc mắc thì được phía nước ngoài trả lời do thời tiết mùa đông nên chưa tìm được việc. NLĐ không chấp nhận vì đây là một trong 6 ngành nghề cấm XKLĐ sang làm việc, nên họ yêu cầu Petromanning đưa họ về nước.

Để được XKLĐ với mức lương thỏa thuận là 1,85 euro/giờ, ngày làm việc 8 giờ, họ phải đóng cho công ty số tiền chi phí là 99.070.000 đồng, ngoài ra trong quá trình làm việc, họ còn bị trừ dần vào lương trong khoảng 10 tháng với số tiền là 1.500 euro. Theo hợp đồng ký kết, nếu không có việc làm do thời tiết thì NLĐ dược chủ trả 15 euro/ngày. Mặt khác, tiền công những ngày làm việc của họ cũng không được chi trả, chỉ được ứng tiền ăn. Do không có tiền thuê nhà, ngày 3/3/2010, chủ nhà phía nước ngoài đã đòi nhà không cho NLĐ vào ở.

Cùng thời gian, còn có 25 LĐ khác cũng do Petromaning đưa sang Rumani làm công nhân xây dựng cũng đã gửi đơn kêu cứu xin được về nước. Theo phản ánh của 25 LĐ này, gần 4 tháng qua kể từ ngày sang Rumani, họ

không có việc làm thường xuyên, phải làm việc phân loại phế thải, chưa được làm thẻ cư trú, bị cảnh sát kiểm tra, phải sống chui lủi…[55]

Ông Bùi Hải Hoà - Tổng giám đốc Petromanning cho rằng tay nghề của NLĐ hạn chế, ý thức tác phong làm việc kém gây thiệt hại cho E.R.C và chủ thầu. Điều này khiến ERC không bố trí tiếp công việc cho họ tại các công trình xây dựng và đề nghị tạm thời chuyển sang làm công việc phổ thông trong 6 tháng. Đưa ra thông tin này, một lần nữa Petromannning lại tự phản bác lại chính mình bởi vì tất cả những LĐ mà họ cho là không đạt chuẩn đó là do chính Petromanning và công ty đối tác tại Rumani trực tiếp sang Việt Nam tuyển dụng chứ không phải do môi giới hay ủy quyền cho trung tâm trực thuộc thực hiện. Hơn nữa, việc thẩm định tay nghề, trình độ ngoại ngữ của LĐ cũng đã được chính công ty chỉ định cho trường Cao đẳng xây dựng đô thị thực hiện. 43/45 LĐ do công ty này đưa sang Rumani làm việc cuối cùng được đề nghị đi nhặt rác [54]. Đó là do công ty đã không thẩm định kỹ đơn đặt hàng của phía đối tác trước khi đưa NLĐ đi. Mùa đông Rumani ít việc, tay nghề của LĐ chưa đạt chuẩn nhưng vẫn phải đưa LĐ đi bằng được trong khi visa chỉ có 3 tháng. Vì vậy, chuyện làm việc với LĐ một đằng, thực hiện một nẻo là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, việc đổ lỗi cho NLĐ như cách mà Petromanning đã làm thực sự thiếu đàng hoàng và không sòng phẳng.

- Số NLĐ Việt Nam ở NN bị chết tăng lên.

Theo thống kê của Cục Quản lý LĐ ngoài nước, từ tháng 4/2002 đến 3/2008 đã có hơn 300 trường hợp NLĐ Việt Nam chết tại Malaysia, riêng năm 2007 là 107 người [75] và liên tiếp chỉ trong một tuần lễ cuối năm 2007 (từ 21 đến 27/12/2007) đã có 3 NLĐ Việt Nam là Nguyễn Đình Hùng, 26 tuổi ở Thanh Hoá; Vi Văn Nhật, 21 tuổi ở Lạng Sơn; Nguyễn Đức Thiện ở Hải Dương chết đột tử ở nước này.

Nhiều nhân chứng tại Malaysia và gia đình các nạn nhân khẳng định những người bệnh chết đều khỏe mạnh, trước đó không có biểu hiện bệnh tật.

Hơn nữa, trước khi đi XKLĐ họ đã được cơ quan y tế kiểm tra rất kỹ lưỡng về sức khỏe.

Theo thông báo chính thức của Trung tâm LĐ ngoài nước, trong năm 2007, có 11 LĐ Việt Nam đã chết tại Hàn Quốc, trong đó 7 người đột tử [95].

Nhà nước hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ NLĐ bằng cách mua bảo hiểm thân thể toàn diện cho họ đề phòng khi xảy ra rủi ro. Quy định này đã có từ lâu, nhưng thực tế, vẫn chưa có DN nào mua. Theo luật pháp Malaysia, người LĐ trong nước và LĐ nhập cư bảo vệ như nhau. Khi người LĐ gặp rủi ro, các DN sử dụng LĐ sẽ có tiền bù nhất định. Ngoài ra, DN môi giới cũng hỗ trợ một số tiền nhất định nữa cho gia đình người tử nạn.

2.2.4.3. Chưa có hình thức tổ chức thích hợp để tập hợp NLĐ Việt Nam ở NN

Trong thời gian qua, công tác quản lý LĐ Việt Nam ở NN có lúc chưa kịp thời để xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, đặc biệt là đối với những thị trường chưa có Ban quản lý LĐ. Ban quản lý LĐ các NN trực thuộc và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Quản lý LĐ ngoài nước về quản lý hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước đó; chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại về công tác chính trị, đối ngoại và quản lý nội bộ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban quản lý LĐ là thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ, của DN theo đúng qui định của pháp luật. Tuy vậy, hiệu quả hoạt động này của Ban quản lý LĐ vẫn chưa cao do chưa có sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thành lập tổ chức công đoàn ở NN để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nhập cư. Vì vậy, tình trạng NLĐ Việt Nam bị chủ đối xử ngược đãi như thời gian làm việc dài, điều kiện làm việc thấp kém, thậm chí bị xúc phạm nhân phẩm… vẫn còn tồn tại và chậm được phản ánh tới Ban quản lý LĐ và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước.

Một phần của tài liệu Những hạn chế trong xuất khẩu lao động của Việt Nam Luận văn Ths. Kinh tế (Trang 59)