Hình ảnh đẹp giản dị, mộc mạc, gợi sự liên tưởng

Một phần của tài liệu Giá trị thẩm mỹ của hình ảnh thiên nhiên trong thơ Vương Duy và Basho (Trang 53)

Cảm xúc Thiền thấm đẫm trong sáng tác của Vương Duy và Basho, quyện hòa cùng cảm thức bình đạm, wabi, đã tạo nên cho thi phẩm hai ông những hình ảnh thiên nhiên đẹp một cách dung dị, thanh thoát. Từ khung cảnh sơ giản, thanh nhàn ấy, người đọc có thể tưởng tượng ra những bức tranh phong phú, đa dạng. Hay nói khác đi, đó chính là bút pháp chấm phá quen thuộc, thường được sử dụng trong hội họa phương Đông.

Thế giới thơ của Vương Duy chứa đựng nhiều hình ảnh đẹp đẽ, thanh cao, với một chiều sâu thi cảm vô biên. Những hình ảnh như hoa rụng, trăng lên (Điểu minh giản), ánh nắng hắt vào rừng sâu (Lộc trại), mây trắng (Chung Nam sơn, Đáp Bùi Địch Võng hồi ngộ vũ ức Chung Nam Sơn chi tác), núi vắng (Quá Hương Tích tự, Tống biệt, Lộc trại)… rất giàu sức liên tưởng. Hình ảnh những ngọn núi cao ngất, vắng lặng như những nét chấm phá tinh tế trong tranh thủy mặc của thơ Vương Duy gợi cho ta nhiều suy tư. “Điểu minh giản” tạo nên cái nền “sơn không” tĩnh mịch để cho hoa và

người, trăng và chim, tiếng kêu và dòng suối hiên hữu, quyện hòa vào nhau trong một mối tương giao lặng lẽ.

Bằng đôi mắt nghệ sĩ, Vương Duy đã lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu, rồi đưa vào bức tranh thơ. Những hình ảnh ấy mộc mạc, bình thường mà sức gợi vô cùng lớn. Ví như trong “Trúc lý quán”, thi nhân đã thể hiện sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa tình với cảnh. Cảnh vật đẹp đẽ, nên thơ nhưng tĩnh lặng, trầm buồn. Cái tĩnh của ngoại giới cũng chính là cái tĩnh nơi nội tâm nhà thơ. Ánh trăng hắt ánh trúc, quyện vào bóng người gợi nơi độc giả một cảm nhận khác về ánh sáng – thứ ánh sáng lạ lùng, khó có thể xuất hiện trong đời thực.

Khảo sát những hình ảnh thiên nhiên từ góc nhìn Thiền tông, ta thấy những hình ảnh như núi sừng sững giữa trời, trăng long lanh đáy nước… là hiện thân cho bản thể. Những bông hoa cứ nở - tàn, tàn – nở… là thiên nhiên gắn với đời người. Ví như đóa phù dung nhỏ bé, mong manh trong “Tân di ổ” lại chứa đựng một triết lý Phật giáo cực kỳ sâu sắc – triết lý về lẽ vô thường của vạn pháp.

Vương Duy đã sáng tạo ra những hình ảnh chân như, có sức lay động mãnh liệt.

Cũng như Vương Duy, thiên nhiên trong thơ Basho toát lên vẻ đẹp đơn sơ, uyên nguyên. Đó là nhờ thủ pháp miêu tả của ông: Tạo ra một hình ảnh rồi lặng im không nói. Có những bức tranh hoành tráng làm người đọc bàng hoàng, cũng như có những tiểu họa khiến ta ngạc nhiên. Đây là một tiểu họa của Basho:

Mái lều im

Một con chim gõ kiến Gõ ngoài trụ hiên

Trước mái lều ẩn sĩ là hình ảnh một con chim gõ kiến đang mổ vào trụ nhà, gõ vào cái cô tịch, cái nhịp điệu bình thường của sự sống. Bài thơ chỉ có thế, phía sau là một “khoảng trống” không có nét vẽ. Khoảng trống ấy

dành cho sự cảm nhận và tưởng tượng của từng độc giả. Nó giống như hội họa – những đường nét không được vẽ đầy đủ mà chỉ là phác họa một phần “chỉ cần một nhánh cỏ thôi là đủ thấy cơn gió đi qua”.

Tương tự thế, Basho chỉ cần vẽ một lá cây là ta đã thấy cả đời sống của cây, của mùa đông, của thiên nhiên, đất trời:

Lá thủy tiên Dưới làn đất mới Nhè nhẹ trĩu mình.

(Nhật Chiêu dịch)

Hay qua hình ảnh con đom đóm, ta nhận ra cái oi bức của ngày hè: Trong ánh ngày

Con đom đóm ấy Cổ đỏ gay

(Nhật Chiêu dịch)

Hoặc với âm thanh của tiếng ve, người đọc thấu được khung cảnh vắng lặng, tịch liêu, thâm sâu của không gian và thời gian:

Ôi tiếng ve kêu Thấm xuyên vào đá Trong cõi quạnh hiu

(Nhật Chiêu dịch)

Thi hào Tagore từng nhận xét về thơ haikư: “nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước tránh sang bên”. Với Basho, đó là sự im lặng, thâm trầm kết tinh trong câu chữ để khơi dậy cảm xúc nơi người đọc. Nếu giác quan bị tác động quá mạnh mẽ bởi cảnh sắc sặc sỡ, rực rỡ thì sự cảm nhận sẽ trở nên cạn cợt, hời hợt. Chỉ khi tước bỏ đi lớp áo chữ nghĩa màu mè, trở về với bản thể của vật, thì cảnh tượng mới được tiếp nhận với toàn vẹn vẻ đẹp của nó. Phong thái thơ Basho là thế.

Tóm lại, thiên nhiên trong thơ Vương Duy, Basho được miêu tả một cách hồn nhiên, hiền minh qua những hình ảnh chân thực, thanh đạm. Nó chứa đựng nhiều ý nghĩa thâm sâu, uyên áo trong sự liên tưởng, cảm nghiệm nơi người đọc.

Một phần của tài liệu Giá trị thẩm mỹ của hình ảnh thiên nhiên trong thơ Vương Duy và Basho (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(62 trang)
w