Cái đẹp là cứu cánh của văn học – nghệ thuật. Nó tồn tại ở mọi nơi, từ những vật kỳ vĩ nhất đến những cái bé nhỏ nhất. Hay nói cách khác: có cái đẹp lộng lẫy, rực rỡ, kiêu sa; cũng có cái đẹp đằm thắm, giản dị, tự nhiên. Tựu chung lại, lộng lẫy hay giản dị đều có thể trở thành phẩm tính của nghệ thuật.
Tuy nhiên, trong thực tế sáng tạo, phẩm chất nghệ thuật thường gắn bó hữu cơ với phẩm chất của nghệ sĩ. Cho nên, cái đẹp của thơ ca phải đi liền với cái đẹp trong tâm hồn con người. Người phương Đông vốn quen với những vẻ đẹp phát tỏa từ tâm hồn bình dị, thuần khiết. Họ không ưa cái ồn ào, hào nhoáng. Họ thích cái lặng lẽ, lắng sâu. Bởi thế, “thơ hay, thường phải là những vần thơ tiêu biểu cho một ý chí thanh cao, thuần khiết, một tâm hồn vừa rộng lớn, khoáng đạt, vừa điềm đạm, tĩnh tại.” [29; 40]. Chính tinh thần này đã tạo nên tính bình đạm, mộc mạc ở cấp độ nội dung cũng như hình thức của tác phẩm. Thế nhưng, chỉ dừng lại ở đó không thôi thì chưa đủ. Người thật sự sành thơ, hiểu thơ phải là người từ chỗ giản đơn của nội dung và hình thức, chỉ ra được sức sống, linh hồn của bài thơ.
Chính ý thức này đã quy định nguyên lý sáng tạo và thưởng thức đối với thơ ca Nhật Bản và Trung Quốc. Người nghệ sỹ không cố tình tô đậm, làm nổi bật một yếu tố nào trong các yếu tố của một bài thơ. Trong tứ tuyệt của Vương Duy và haikư của Basho, không yếu tố nào tách rời nhau, mà giữa chúng có một mối liên lệ chặt chẽ. Như chúng ta đều biết, một chỉnh thể bao giờ cũng có giá trị lớn hơn giá trị của các thành tố riêng lẻ, rời rạc. Điều này tạo nên sự “nhạt hóa” cho từng thành phần trong thơ ca. Mỗi một hình tượng trong bài thơ được nhận ra không phải vì tự thân nó cố ý làm nổi bật nó. Vẻ đẹp của nó được phát hiện ra khi đặt nó trong tương quan với các hình tượng khác.
Nói chung, bình đạm trong thơ Đường và wabi trong thơ haikư “vừa
không truy tìm, không tham cầu, không khiên cưỡng tạo ra cái đẹp. Mọi thứ tự nhiên và đơn giản, nhưng không phải là nông nổi, cạn cợt. Cái giản dị là nguồn gốc của mọi giá trị trong thơ ca, nhưng đồng thời, bản thân nó, lại là kết quả của một quá trình chiêm nghiệm dày công. Cũng như thái độ bình thản, tự tại hẳn phải là cái bình thản, tự tại có được sau bao nhiêu hăm hở, nhiệt tình và trăn trở.” [29; 44]