mạc, bình dị
Đọc Vương Duy và Basho, ta bắt gặp chất mộc mạc trong thơ vì nó thường dùng những hình ảnh bình dị với những màu sắc đơn sơ.
Bởi quan niệm về cái đẹp mong manh, khoảnh khắc của người Nhật, nên trong thơ Basho, vẻ đẹp của thiên nhiên thường hiện ra qua những hình ảnh đơn sơ, bình thường; thậm chí những hình ảnh tầm thường, xấu xí cũng có thể trở nên đẹp đẽ khi đi vào thơ ông. Vì nói như Chu Quang Tiềm: “Nếu như công cụ của nghệ thuật là mô phỏng thiên nhiên, vậy thì khi thiên nhiên đẹp hẳn nghệ thuật cũng đẹp, khi thiên nhiên xấu hẳn nghệ thuật cũng xấu. Nhưng khốn thay trong sự thật thì ngược lại, là thiên nhiên đẹp lại có thể biến thành nghệ thuật xấu… Còn thiên nhiên xấu lại có thể biến thành nghệ thuật đẹp” [22; 247]. Cái cốt yếu tạo nên cái đẹp cho thiên nhiên trong thơ ca chính là từ tấm lòng yêu cái đẹp và tài năng của người nghệ sĩ.
Thiên nhiên trong thơ Basho hiện lên rất hồn nhiên, mộc mạc và đẹp. Để diễn tả vẻ đẹp cô liêu, tịch lặng của cảnh, nhà thơ dùng hình ảnh tiếng ve và đá núi:
Ôi tiếng ve kêu Thấm xuyên vào đá Trong cõi quạnh hiu
(Nhật Chiêu dịch)
Đó là những hình ảnh tự nhiên, mộc mạc, giản dị. Thiên nhiên còn hiện diện một cách khiêm tốn, dễ thương, chẳng hạn như:
Trên thân nấm rơm Chiếc lá từ đâu đến Vẫn còn nằm yên.
(Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ là một lát cắt của hình ảnh thiên nhiên trong trẻo, giản dị: Một chiếc lá lìa cành, rơi xuống và nằm lại trên thân nấm rơm. Phải có một lòng yêu thiên nhiên rộng lớn, cùng một tâm hồn tĩnh tại hòa nhập vào cảnh vật thì mới phát hiện ra một khung cảnh thiên nhiên như thế.
Thiên nhiên đẹp đẽ còn phản chiếu qua bóng dáng thấp thoáng của một cánh bướm phất phơ giữa cơn gió nhẹ:
Trên cành liễu nghiêng Con bướm đổi chỗ Mỗi lần gió lên.
(Nhật Chiêu dịch)
Bức tranh đẹp và sinh động trên ai cũng thấy được nhưng mấy ai nhận ra. Nguyên nhân Basho có thể tạo nên ba câu thơ tương thông nhau như vậy là bởi ông sở hữu một trái tim cực kỳ nhạy cảm, mong manh như cành liễu, chập chờn như cánh bướm và mềm mại như làn gió thổi.
Đó còn là hình ảnh một con ong đã hút mật no nê nhưng tần ngần không muốn bay đi như còn lưu luyến cánh hoa:
Một con ong
Từ lòng thược dược Bay đi tần ngần.
(Nhật Chiêu dịch)
Hay hình ảnh chú chuồn chuồn kiên trì vượt qua gian nan để tồn tại, cố bám víu cho được trên ngọn cỏ gió đùa:
Con chuồn chuồn
Đậu mãi mà không được Trên ngọn cỏ gió rung
(Nhật Chiêu dịch)
Thậm chí cái đẹp còn hiện tồn qua một hình ảnh tầm thường, có phần hơi “dung tục” trong cảm nghĩ của chúng ta:
Chấy bọ rầy rà Nơi tôi nằm ngủ
Ngựa đứng đái không xa. (Nhật Chiêu dịch) Đó là cái đẹp mộc mạc trong thi ảnh Basho.
Thơ Vương Duy thì giàu hình ảnh. Vương Duy không chỉ là một nhà thơ mà còn là một họa sư. Và hình ảnh trong thơ ông đúng là được tạo ra bằng một ngọn bút “vô cùng sắc bén, chữ dùng rất bạo, rất gợi hình, rất tài” [3; 30]. Tuy nhiên, nếu trong hội họa, Vương Duy nổi tiếng với lối vẽ phi vẽ của trường phái văn nhân họa, đối lập với trường phái công bút, hay công họa của những nhà danh họa cùng thời như Lý Tư Huấn (615 – 716), Ngô Đạo Tử (680 - ?), thì việc tái hiện và sáng tạo những hình ảnh trong thơ ca của Vương Duy cũng
thế, “Sự rơi rụng màu sắc đến cùng cực và ta tiến gần đến sự xóa bỏ (…)
người ta xen được vào ranh giới cái hữu dạng và cái vô dạng, rồi thể hiện được cái mơ hồ của cội nguồn (căn gốc)” [25; 80]. Vương Duy không xem những sắc thái bên ngoài của thi ảnh cũng như họa ảnh là quan trọng nhất, mà cái quan tâm hàng đầu là “khí tượng” của nó. “Vương Duy chỉ ra thành nguyên tắc: “Khi ngắm tranh, ta hãy nhìn trước tiên khí tượng”” [25; 80].
Vẻ đẹp chỉ có mặt trong một hình ảnh khi trong hình ảnh đó hiện hữu một sức sống, một sinh lực – khí. Khí có khí thế, khí hình và khí tượng. Khí hình tức sự tồn tại của sức sống trong một dạng thức cụ thể, chừng như chạm đến được, tiếp xúc được. Khí thế là vẻ sống động hiện diện trong mối tương quan của khí hình. Khí tượng là cái tổng thể, cái bản thể xuyên qua mọi dạng thức cụ thể và là cái “làm cho sự tạo hình thoát ra khỏi sự tù hãm của hình” [25; 80]
Vương Duy đã chọn cách thức để việc tạo hình của mình đạt đến cái khí tượng, thoát khỏi sự tù hãm của hình là giản hóa hình, đạm hóa yếu tố hình ảnh.
Nét đẹp của quê hương chỉ được vẽ lại trong nỗi nhớ của người đi xa bằng một cành mai:
Quân sự cố hương lai Ưng tri cố hương sự Lai nhật ỷ song tiền Hàn mai trược hoa vị? Anh từ quê nhà đến Chắc rõ chuyện quê nhà
Hôm anh rời làng, thì trước cái cửa sổ có rèm lụa Trắng Thấy cây mai gầy đã đơm hoa chưa?
(Giản Chi dịch xuôi)
Trong bóng dáng gầy guộc của cành mai, ta bắt gặp cái hồn của quê nhà. Còn phong cảnh núi non trùng trùng điệp điệp chỉ được vẽ bằng ba màu: Màu trắng của đá, màu đỏ của lá vàng và màu xanh của không gian:
Kinh khê bạch thạch xuất Thiên hàn hồng diệp hi Sơn lộ nguyên vô vũ Không thúy thấp nhân y.
Ở Kinh khê đá hiện ra trắng xóa Tiết trời lại, lá đỏ ít
Đường núi trước đó không mưa
Thế nhưng màu xanh lục của không gian và núi non thấm ướt cả áo người ta.
(Giản Chi dịch xuôi)
Chính trong màu xanh của không gian, ta bắt gặp cái thần của tạo vật. Thiên nhiên, qua bài thơ, hiện ra với một vẻ đẹp sơ giản, uyên nguyên.
Thơ Vương Duy bình dị mà không đơn điệu, nhàn đạm nhưng thực không phải nghèo nàn. Thực ra, việc miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết sẽ là một trở ngại cho việc đạt đến thần thái của cảnh sắc, dùng những màu sắc quá cầu kỳ, sặc sỡ thì rất khó đi vào bên trong cái vẻ đẹp của hình ảnh. Trống trải, nhạt nhòa ở bên ngoài và đầy đặn, đậm đà ở bên trong – đó là hai mặt thống nhất của những hình ảnh xuất hiện trong thơ thiên nhiên của Vương Duy.