Ở trên đã đề cập đến tính “vô” trong thơ Vương Duy, qua việc nhà thơ đã để cảm xúc lắng sâu vào trong bản thể thiên nhiên và thực tại hiện hình cái chân diện mục của đời sống. Và cũng vì thế giới bên trong với thế giới bên ngoài là một nên Basho ít khi nói đến cảm xúc, ít khi thể hiện cảm xúc cá nhân trước cảnh vật. Điểm giống nhau này chính là nguyên ủy sâu xa tạo nên sắc thái tĩnh cho hình tượng thiên nhiên trong thơ hai ông.
“Đối với thơ tuyệt cú của Vương Duy cũng như thơ haikư của Basho, tĩnh không có nghĩa là bất động. Tĩnh là một sự vận động trong trạng thái thống nhất, nhịp nhàng, hài hòa, cân đối; tuần tự và không hỗn độn, không rối loạn; như đêm xuống, trăng lên, sương rơi, hoa nở, mây trôi, nước chảy. Khi đó, tâm và vật tương ứng, cái hiện tại bắt gặp cái vĩnh cữu” [29; 78]. Và cũng chính lúc ấy, cái đẹp tĩnh tại của thiên nhiên mới thực sự hiện hình.
Không gian Thiền góp phần khắc họa cái tĩnh tuyệt đối. Phần lớn những bài thơ mang Thiền vị của Vương Duy đều có sự tĩnh hóa vật. Ví như bức tranh mùa xuân trong “Điểu minh giản”:
Nhân nhàn quế hoa lạc Dạ tĩnh xuân sơn không Nguyệt xuất kinh sơn điểu Thời minh xuân giản trung Người nhàn hoa quế rụng Đêm vắng núi xuân không Trăng tỏ động chim núi Khe xuân chợt hót vang
(Vũ Thế Ngọc dịch thơ)
không có hoa nở, chim hót mà nó hiện lên: Dạ tĩnh xuân sơn không (Đêm xuân núi vắng teo). Sự vật vô cùng tịch mịch, không khí tĩnh lặng đến tuyệt đối. Đặc tả sự tĩnh lặng ấy là hàng loạt những tính từ như “nhàn”, “tĩnh”, “không” – không chỉ giúp người đọc hình dung về trạng thái tĩnh, vắng của con người và vạn vật mà còn mang đậm thiền ý. Trong bức tranh xuân đẹp tĩnh tại ấy có sự vận động rất nhỏ, rất khẽ, nhẹ nhàng, tế vi của hai hình ảnh: “quế hoa lạc” (hoa quế rụng) và “nguyệt xuất” (trăng hiện); và cũng có cả sự quậy cựa chứa đựng trong tiếng kêu của chim núi.
Hài hòa là nguyên tắc của cái đẹp. Trong bài thơ trên, cảnh và tình, động và tĩnh đã quyện kết với nhau, tạo nên bức tranh xuân đầy thi vị.
Ở thơ Basho, cái đẹp tĩnh lặng ấy thu về trọn vẹn trong bóng dáng một con quạ nhỏ bé giữa không gian:
Trên cành khô Con quạ đậu Chiều thu
(Nhật Chiêu dịch)
“Toàn thể đời sống tập trung rung động trong con quạ im lìm đó (…) mà toàn bộ đời sống vẫn không mất một mảy may sinh lực nào” [5; 176]. Hình ảnh con quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mênh mông đã gợi nên một niềm cô tịch, một khoảng chân không vô biên. Theo học giả Nhật Chiêu, chữ “đậu” (tomari) viết theo chữ Hán là “chỉ”. “Chỉ” có nghĩa là dừng lại, đứng lại. Trong các từ ngữ diễn tả sự thiền định, có từ “chỉ quán”, cho thấy thiền định là làm cho tâm dứt bặt mọi vọng niệm, mọi ảo tưởng để quan sát thực tại đầy đủ và thâm sâu. “Con quạ và buổi chiều thu dường như cũng đang thiền định. Cả vũ tru lúc đó cơ hồ đang thiền định” [5; 174]. Như vậy, thiên nhiên hiện lên trong một vẻ đẹp tịch lặng, cô liêu.
Ôi tiếng ve kêu Thấm xuyên vào đá
Trong cõi quạnh hiu.
(Nhật Chiêu dịch)
Đó cũng chính là sự tịch lặng, cô liêu trong lòng người vậy.