Loại hình thiền sư – thi sĩ, hay thi tăng, là sản phẩm của mối quan hệ đặc biệt giữa Phật giáo và thơ ca. Kiểu tác gia này không chỉ dùng để nói đến những người tu hành chính thống mà còn khái quát cho những nhà thơ chịu ảnh hưởng của cảm quan Phật giáo. Với tư cách một nhà thơ, tác phẩm của họ đậm dấu ấn của tư tưởng nhà Phật. Vương Duy và Basho đều là những nhà thơ thuộc kiểu tác giả Thiền gia. Dù vậy, ở Vương Duy và Basho vẫn có những nét riêng, không đồng nhất với nhau.
“Nhà thơ – thiền sư Trung Quốc liên hệ với tinh thần Đạo sĩ rất rõ. Một phần nguyên nhân của mối liên hệ này xuất phát từ tính chất Thiền học Trung Quốc và sự kết hợp sâu sắc tư tưởng Thiền – Lão của nền văn hóa không hề đứt đoạn này” [30; 78].
“Bình thường tâm thị đạo” là câu nói của Nam Tuyền (749 – 835) khai thị cho Triệu Châu (778 – 897) thể hiện rõ nét đặc sắc của tinh thần Thiền tông Trung Hoa so với Phật giáo Đại Thừa của Ấn Độ. Điều này có nguyên nhân ở tính cách mỗi dân tộc: Người Trung Hoa vốn ưa thực tiễn, họ không có sở trường ở những lĩnh vực siêu hình, không tưởng, luận trí luyện huyền như người Ấn Độ. Đời sống tinh thần của họ cũng không quen với những tưởng tượng phức tạp, huyễn hóa, đồ sộ như của người Ấn Độ. Bởi thế, cốt tủy của Thiền Trung Hoa – “ngộ” – không phải cái gì thần bí, siêu nhiên. Nó đơn giản chính là thấy, một cái thấy bất ngờ, đột ngột, nằm ngoài sự suy xét của trí năng. Nói đến ngộ là nói đến trực giác – tức nó mang dấu ấn của kinh nghiệm cá nhân.
Thiền Trung Hoa, kết hợp với Đạo giáo của Lão tử, khi nó bắt gặp ở đó một triết lý “vô” thâm sâu. Chuộng tự nhiên, thuận tự nhiên là thái độ của Lão Tử, thái độ đó được thể hiện trong Đạo Đức kinh. Tuy vậy, nét đặc sắc nhất trong tư tưởng Lão Tử phải là triết lý “vô”. “Vô” ở đây không thể hiểu là “không”, là trống rỗng, chẳng có gì hết. Theo Nguyễn Diệu Minh Chân Như: “triết lý “Vô” trong tư tưởng Lão tử cần phải được hiểu gắn liền với thái độ thuận chiều tự nhiên”. Con người, lúc này, không chống đối, cũng
không cố ý làm chủ thể vận động và cũng không xem sự vật hay hiện tượng riêng lẽ nào là chủ thể của tiến trình ấy – một tiến trình vô tận - ở đây, con người là con người tham gia, và hòa nhập đến mức khi nhìn vào chỉ thấy sự vận hành của tự nhiên chứ không thấy sự vận động riêng lẽ, cá biệt (Vô vi).
Trong khi đó, kiểu tác giả Thiền gia Nhật Bản lại chịu ảnh hưởng to lớn của Thần Đạo bản địa. Thần đạo (Shinto) là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới, ra đời ở Nhật Bản. Đến ngày nay, nó vẫn tiếp tục chi phối đời sống, tư tưởng của người Nhật. Nét đặc sắc nhất của nó là tư tưởng “vạn vật hữu linh”. Đó là tư tưởng gắn bó với tự nhiên, gắn bó với đời sống, trân trọng sự sống và nhìn thấy điều kỳ diệu của sự sống qua mọi dạng hình của sự vật, hiện tượng. Nó thể hiện thái độ quý trọng sự giản dị, thanh khiết, vì chỉ có sự giản dị, thanh khiết mới đưa con người gần gũi với tự nhiên, gần gũi với đời sống này.
Nếu như từ thời thượng cổ, người Nhật đã tin tưởng một cách sâu sắc rằng “vạn vật hữu linh” thì Thiền Tông, lại một lần nữa khẳng định: “Núi, sông, cây, cỏ trên thế gian đều có thể thành Phật cả” [24; 417]. “Tất cả là một sự trùng phùng kỳ diệu trong tinh thần bình đẳng rộng lớn đến mức không có gì quá đáng khi nói rằng Thiền đã trở thành sinh mệnh, thành cốt tủy của nền văn hóa Nhật Bản” [29; 35].
Như vậy, Thiền đều được phổ biến ở cả Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng ở mỗi nước, nó lại được dung hòa bởi một yếu tố khác, để làm nên một vị Thiền đặc chất cho văn hóa từng quốc gia. Ở Trung Quốc, Thiền kết hợp với Đạo giáo đã sản sinh ra một thiền sư – thi sĩ: Vương Duy. Còn tại Nhật Bản, sự dung nhập giữa Thiền và Thần đạo đã làm thoát thai nên một tác giả Thiền gia: Ba Tiêu Tùng Vĩ. Chính điều này đã góp phần làm nên nét đặc sắc riêng cho những vẻ đẹp của thiên nhiên trong thơ hai ông. Tất nhiên, Basho đã phối hợp một cách nghệ thuật tuyệt vời giữa Thiền (Zen) và Đườngthi trong nhưng đóa hoa haikư nhạy cảm, nhỏ bé ở đỉnh cao trí tuệ, nên dễ tạo ra những nét tương đồng trên cổ thụ thi ca phương Đông.