Thiền lấy thiên nhiên làm nơi chiêm nghiệm lẽ nhân sinh để từ đó đốn ngộ. Đạo đề xuất triết lý “vô” trong tinh thần con người hòa nhập với thiên nhiên, không vọng động với thiên nhiên, “vô ngôn” trước cảnh vật; tuy “vô ngôn”, không thể hiện cảm xúc, nhưng thực ra cảm xúc, suy tưởng đã chìm vào chiều sâu của cảnh, cảnh trở thành “tâm cảnh”. Vương Duy đã tắm mình trong dòng hợp lưu Thiền – Đạo nên các sáng tác về thiên nhiên của ông thường đạt tới trình độ “cảnh ngoài cảnh” (cảnh ngoại chi cảnh); nghĩa là thiên nhiên trong thơ Vương Duy biểu trưng cho một cái gì đó cao hơn, vượt xa chính bản thân nó, “giúp người đọc liên tưởng tới một phạm vi rộng rãi bao la” [26; 194].
Thiên nhiên, khi đó, mang trên mình nó những ý nghĩa lớn lao. Cảnh không còn đơn thuần là cảnh, mà trở thành một biểu tượng để thi nhân ký thác những tâm tư, tình cảm, những suy nghĩ, trăn trở của mình về cuộc đời, về thế sự, nghĩa là “cảnh trong tình”, “tình trong cảnh”, “tình cảnh lồng vào nhau”, “… tức là nói vấn đề “ý cảnh”. Tứ và cảnh hài hòa thống nhất thì sẽ nảy sinh ý cảnh. “Tứ” là tư tưởng và tình cảm, cảm thụ chủ quan của nhà thơ. “Cảnh” là đối tượng được miêu tả, tức sự vật khách quan. Tình và cảnh chan hòa vào nhau, cảm thụ chủ quan và đối tượng khách quan hòa nhập vào nhau, thì sẽ tạo thành một loại ý cảnh (…) “Ý cảnh” không phải chỉ là một yêu cầu bức thiết trong sáng tác của nhà thơ, mà còn là một tiêu chuẩn thẩm mỹ rất được coi trọng trong việc thưởng thức, đánh giá văn
nghệ trong truyền thống của Trung Quốc” [ngth cd TQ; 197-198]. Không
những vậy, độc giả, qua vẻ đẹp mang “tính điển hình cao độ và tính độc đáo rõ rệt” [26; 195] của thiên nhiên, bằng kinh nghiệm cuộc sống và khát vọng thẩm mỹ của mình, sáng tạo ra cái gọi là “cảnh ngoài cảnh”, đạt được cái gọi là “chỗ tuyệt diệu ở ngoài vần”, “ý vị ở ngoài mùi vị”.
Vì thơ bị giới hạn trong một khuôn khổ nhỏ hẹp (số câu, số chữ), nên cần phải nỗ lực để đạt đến cảnh giới “cảnh ngoại chi cảnh” như đã nói. Vương Duy, trong các sáng tác của mình, đều chạm đến cảnh giới này.
Gửi gắm triết lý vào một sự vật tưởng như tầm thường, nhỏ bé cho thấy sự đồng điệu giữa tình – cảnh trong thơ Thi Phật. Cảm quan này có thể thấy trong bài “Tân di ổ”:
Mộc mạt phù dung hoa Sơn trung phát hồng ngạc Giản hộ tịch vô nhân Phân phân khai thả lạc Hoa phù dung nơi ngọn cây Giữa núi, nẩy những đài đỏ
Cửa bên khe núi vắng teo không bóng người Bời bời hoa cái nở, cái rụng.
(Giản Chi dịch xuôi)
Đóa hoa phù dung kia không chỉ là hiện thân cho cái đẹp trước con mắt người nghệ sĩ tài hoa mà còn ẩn chứa bao triết lý của Vương Duy về cuộc đời. Bông hoa nở rồi tàn tượng trưng cho quy luật sinh – trụ - dị - diệt, cho lẽ thành – trụ - hoại – không của vạn vật trong vũ trụ. Quy luật hoa nở - hoa tàn như một quy luật tự nhiên vốn có. Vạn vật vốn chẳng có cũng chẳng không, vừa không lại vừa có. Chừng như, qua bài thơ, Thi Phật muốn khuyên con người hãy giữ cái tâm thuần khiết, tự nhiên, hãy là chính mình.
Trong khi đó, Basho viết:
Mưa mù sương Phù dung một đóa Làm mùa lên hương
Cũng là cái biểu đạt – hoa phù dung, nhưng cái được biểu đạt của Basho lại khác Vương Duy. Bài thơ của Basho diễn tả một khoảnh khắc xúc cảm của cái đẹp mang cảm thức karumi (niềm khinh thanh, dịu nhẹ). Câu một chỉ là một nét phác thảo mảng mưa mù sương làm nền, đập vào cảm giác của ta cái lạnh buốt giá, vẽ nên thoáng rung mình, tự nó mang một chút gì để suy tư. Nhưng, lập tức sau đó, lòng như dịu lại, không phải bằng logic lý trí khuyên răn, dạy bảo. Trong màn mưa mù sương mỏng manh mà bất tận, đóa phù dung cũng mang vẻ đẹp mong manh, khoảnh khắc. Qua cái nhìn nhất thể tương giao, đóa phù dung kiêu hãnh kia như vươn mình thảnh thơi – tánh cỏ, lại như từ mù sương mà ra, đồng nhất với mù sương. Và trong một giây ngưng nghỉ, ta ngửi được mùi hương ấy – thứ hương vị thanh đạm mà sao nồng nàn đến lạ.
Trong “Lộc trại”:
Không sơn bất kiến nhân Đãn văn nhân ngữ hưởng Phản ảnh nhập thâm lâm Phục chiếu thanh đài thượng.
Núi vắng teo không thấy bóng người Chỉ nghe âm vang tiếng nói
Ánh sáng hắt vào rừng sâu Lại chiếu lên đám rêu xanh.
(Giản Chi dịch xuôi)
Ta bắt gặp một thiên nhiên trong sáng, thanh tĩnh, qua hình ảnh núi vắng teo, thi thoảng lại vẳng lên tiếng nói, ánh sáng chiếu lên đám rêu xanh… Tất cả gợi nên vẻ đẹp giản dị, nhàn đạm. Nhưng, bằng việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên đó, Vương Duy muốn thể hiện cho chúng ta thấy tâm thế “khép cửa” của nhà thơ. Nó làm nổi bật lên ở Thi Phật ý thức quy
ẩn, cũng như giúp người đọc nhận ra nơi ông sự tự tại, an nhiên trong tâm hồn.
Hay ở “Trúc lý quán”:
Độc tọa u hoàng lý
Đàn cầm phục trường khiếu Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu Ngồi một mình trong đám tre rậm Gẩy đàn cầm, lại huýt sáo
Rừng sâu không ai biết Chỉ có vầng trăng sáng soi
(Giản Chi dịch xuôi)
Cũng như bài trước, “Trúc lý quán” vẽ lên trước mắt độc giả một khung cảnh đẹp đẽ trong không khí u tịch. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng nhân vật trữ tình của bài thơ – tác giả - đã đạt đến sự giải thoát trong tâm hồn, đạt đến cảnh giới của cái tâm an nhàn, tự tại.
Thiên nhiên trong thơ Vương Duy mang một vẻ đẹp thân thuộc, đậm tính triết lý, suy tư. Những bài thơ miêu tả cảnh vật nông thôn với những mục đồng, lão nông, trâu dê, cửa sài,… cũng biểu đạt một tâm lý an nhiên, tự tại của một con người đã đạt đến cảnh giới diệu ngộ.
Tà dương chiếu khư lạc Cùng hang ngưu dương quy
Mặt trời xế chiếu xuống thôn xóm Trâu dê về ngõ hẻm sâu hun hút.
(Vị Xuyên điền gia) Hoặc:
Lâm phong thính mộ thiền
Tựa gậy bên cổng làm bằng những cây nhỏ ghép lại Và hóng gió, nghe ve kêu lúc trời chiều
(Võng Xuyên nhàn cư tặng Bùi Địch) Những cảnh giới chung quanh thực chất phản chiếu sự “thấy biết” của ẩn sĩ Vương Duy – một thi tăng yêu thích vẻ đẹp của Đạo – hiện lên thành tâm cảnh bình đạm mà vi diệu trong thơ ông.
Trong khi đó, Basho – thiên tài haikư – đã thấm nhuần cảm quan Phật giáo cùng tư tưởng “vạn vật hữu linh” của Thần đạo, nên thiên nhiên khi đi vào thơ ông không mang ý nghĩa cao xa nào khác của sự nỗ lực chủ quan, mà chỉ đơn giản là chính nó. Thiên nhiên, lúc này, quay về với bản chất chân như, hồn nhiên thể hiện “như nó là”. Nói khác đi, thiên nhiên trong thơ Basho đã đạt đến chỗ uyên áo của cái gọi là “cảnh trong cảnh”.
Hãy hình dung đến sự khác biệt giữa một thợ thơ với một thi nhân. Với thợ thơ, sáng tác chỉ có tính cách đề ký, ghi chép những sự việc, mô tả những cảnh quan trông thấy trước mắt trong thi ca. Còn với một nhà thơ thực thụ, bằng những sáng tác ưu tú, họ đã đạt đến trình độ “cảnh ngoại chi cảnh, tượng ngoại chi tượng”. Vương Duy là một trong số những nhà thơ chạm tới cảnh giới này. Thiên nhiên trong thơ Vương Duy đã làm một cuộc hành trình đi từ thực tế vào thi ca, nghĩa là nó – từ bản chất trần trụi, thô mộc của mình – đã lột xác trọn vẹn vào thi phẩm, và biến thành một hình tượng thiên nhiên chứa đựng nhiều dư vị, nhiều ý nghĩa thâm sâu. Còn ở thơ Basho, thiên nhiên lại đi từ chỗ uyên áo, thâm sâu mà quay về với bản chất mộc mạc, giản dị. Nhưng lúc này, nó không phải là thứ nhiên nhiên trần trụi, thô ráp như ban đầu; nó đã thăng hoa lên thành một thiên nhiên mang vẻ đẹp thuần khiết, tế vi. Haikư là thơ của những khoảnh khắc, chủ yếu được sáng tác vì niềm hoan ký. Tin vào sự mẫn cảm của người nghệ sĩ, Basho khuyên nên nắm bắt ngay ánh chớp lóe ra từ sự vật trước khi nó tan biến đi trong
tâm trí. Thơ cần nhẹ nhàng, đơn giản, trong sáng, gần với đời sống và thi nhân cần “nâng tâm hồn lên thành thơ để rồi quay trở về với đời thường”. Chính điều đó đã trở thành một trong những đặc trưng của thể thơ haikư do ông sáng tạo, cách tân – thể thơ mà những cái nhỏ nhoi, bình thường… đều hồn nhiên như hơi thở Thiền tự nó, từ đó trở thành những đề tài cũng rất đỗi hồn nhiên, dịu dàng và đầy sức sống của thơ. Linh hồn thơ Shofu (tiêu phong) chính là Sabi (tịch liêu, tĩnh lặng), Karumi (nhẹ nhàng)… mang âm điệu sâu thẳm của Thiền đạo và sắc màu tươi nhuận của thiên nhiên.
Như vậy, đến Basho, thiên nhiên đã gạt bỏ mọi lớp áo ẩn ý, quay về với bản thể. Thiên nhiên, trong thơ Vương Duy, mang đặc trưng Đường thi với bút pháp “tả cảnh nhập thần’, “tình hòa trong cảnh”, “còn ở thơ Basho mang cái “chân như”, “tự nó” trong khoảnh khắc bừng ngộ của haikư” [10; 62]. Trong thơ của Ba Tiêu Tùng Vĩ, hoa đào chỉ là hoa đào, áng mây chỉ là áng mây, ngọn cỏ chỉ là ngọn cỏ,… thậm chí đống phân ngựa cũng chỉ là chính nó mà thôi. “Với haikư, dù là người, đóa hoa, con muỗi, bụi cám, dế mèn… đều bình đẳng sống cuộc đời của riêng mình, với một vẻ đẹp tự thân hồn nhiên, tự do tự tại được cảm nhận bởi lòng yêu và niềm trân trọng” [10; 34]. Ấy cũng là “bình thường tâm thị Đạo” mà đạt đến cảnh giới không phân biệt trong một vũ trụ thuần khiết.
Với cảm thức ấy, Basho viết:
Tiếng hạc vang trời Và tàu lá chuối Trở thành tả tơi
(Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ vẽ nên khung cảnh một đêm mưa, cây chuối hứng những giọt mưa, những trận gió và lá của nó trở nên không còn nguyên vẹn. Hình ảnh tàu lá chuối tả tơi ở đây không nhằm biểu thị cho một vật gì lớn lao hơn. Nó chỉ đơn thuần là một cây chuối. Ở Nhật, cây chuối không có trái, nhưng Basho rất yêu nó. Ông từng phát biểu: “Cây kết hoa, nhưng không giống với
những loài hoa khác, chúng không có vẻ gì rực rỡ. Thân cây không ai đốn hạ làm gì, vì nó vô dụng. Tuy vậy, tôi yêu cây chính vì sự vô dụng ấy… Tôi ngồi dưới bóng cây, vui hưởng gió mưa đập vào nó”. Rõ ràng, Basho viết về cây chuối không nhằm một ẩn ý gì khác, ngoài việc tả nó như chính nó. Cây chuối, lúc này, đẹp một vẻ đẹp của sự “vô dụng”, mộc mạc, đơn sơ.
Hoa, trong văn học Trung Quốc, biểu thị cho nhiều thứ khác nhau: vẻ đẹp người phụ nữ, phẩm cách nam nhi, tình yêu đôi lứa… Còn ở thơ Basho, hoa chỉ đơn thuần bừng nở như một sự vật thuần khiết của hóa công, mang trong nó vẻ đẹp mong manh, khoảnh khắc:
Dưới cây lao xao Chén canh, đĩa cá
Đều vương hoa anh đào.
Hoa anh đào ở đây không biểu thị cho bất cứ cái gì. Có chăng, nó chỉ biểu thị cho cái đẹp hồn hậu, giản dị mà dân tộc Phù Tang vẫn muôn đời say mê.
Như vậy, ta thấy cả Vương Duy và Basho đều thuộc kiểu Thiền sư – thi sĩ, nhưng với sự hòa trộn của bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, hai ông lại có những biểu hiện độc đáo riêng. Tất nhiên, cả hai đều thuộc cảm thức thẩm mỹ phương Đông trong cách nhìn. Người Nhật cảm nhận thiên nhiên trong văn hóa Thần đạo, Thiền tông nên “Thiên nhiên tự nhiên” (Shizen) là thần linh (Kami), và ngược lại “thần linh là thiên nhiên”. Điều đó, về cơ bản, phù hợp với tinh thần “vạn vật hữu linh” ở Trung Quốc. Nhưng thiên nhiên trong văn hóa Trung Quốc vừa là nó, vừa là ngụ ý của chủ thể trữ tình cái tôi nhà thơ (người ngắm nhìn) nên đa sắc thái theo một “mã hóa” quy ước giàu tính ước lệ, tượng trưng. Và cái diệu ảo của Vương Duy chính là sự vượt thoát trong cái nhìn “cảnh ngoài cảnh” mang sắc thái biến thể sắc sắc không không để về với bản thể. Còn thiên nhiên trong văn hóa Nhật lại là biểu hiện của chân không và chân không đầy thiên nhiên. Đây là nét rất Nhật Bản trong cảm nghiệm thiên nhiên của người Nhật, dù có chịu ảnh hưởng của
Thiền tông (Trung Quốc). Cho nên, ở Basho, dường như ta không thấy một sự nỗ lực vượt thoát trong cái nhìn. Tự nó, “cảnh trong cảnh”, trống mà đầy. Tự nó, giản dị như cuộc đời – không diễm lệ, đài các, ước lệ, mà chính là bản thể nguyên sơ.