6. Kết cấu của luận văn:
1.1.1.4. Vai trò của doanh nghiệp Công nghiệp nhỏ và vừa đối với sự phát triển kinh
kinh tế - xã hội
Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, các DNCNNVV đóng vai trò rất quan trọng việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và trong mạng lưới sản xuất toàn cầu và chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay vai trò của các DNCNNVV được thể hiện ở các khía cạnh khác nhau: - Thứ nhất: Đóng góp vào kết quả hoạt động của nền kinh tế, góp phần làm tăng GDP. Cũng như DNCNNVV ở tất cả các nước, DNCNNVV ở Việt Nam cung cấp ra thị trường nhiều loại hàng hoá khác nhau đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, trang thiết bị và linh kiện cần thiết cho các ngành sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành thủ công nghiệp cũng như các hàng hoá tiêu dùng khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong những năm vừa qua trung bình hàng năm DNCNNVV đã đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của cả nước. Ngoài ra, DNCNNVV Việt Nam còn tham gia phân phối sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp truyền thống thu hút nhiều lao động như giầy dép, chiếu cói...Việc mở rộng và phát triển các DNCNNVV sẽ góp phần không nhỏ trong việc làm tăng GDP.
- Thứ hai: Thu hút vốn của các nguồn lực có sẵn có trong dân cư. Vốn đầu tư là một yếu tố cơ bản của quá trình kinh doanh. Vốn là yếu tố cơ bản để khai thác và
phối hợp các yếu tố khác trong kinh doanh như lao động, công nghệ và quản lý…để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên một nghịch lý hiện nay là trong khi có nhiều DN đang thiếu vốn trầm trọng thì vốn nhàn rỗi trong dân cư còn nhiều nhưng không huy động được. Khi chính sách tài chính tín dụng của Chính phủ và các ngân hàng chưa thực sự tạo được niềm tin đối với những người có tiền đứng ra đầu tư kinh doanh, thành lập DN. Dưới khía cạnh đó, DNCNNVV có vai trò to lớn trong việc huy động vốn để phát triển kinh tế.
- Thứ ba: Giúp nền kinh tế phát triển ổn định và hiệu quả hơn. Trong quá trình kinh doanh, nhiều DNCNNVV có thể hỗ trợ cho các DN lớn, cung cấp những bán thành phẩm hay nguyên liệu đầu vào cho DN lớn hoặc thâm nhập vào mọi ngõ ngách thị trường mà DN lớn khó có thể với tới để phân phối các sản phẩm cuả DN lớn. Bên cạnh đó, khi số DNCNNVV tăng lên sẽ kéo theo sự gia tăng nhanh chóng cung cấp số lượng các sản phẩm và dịch vụ mới trong nền kinh tế. Nhờ hoạt động với quy mô nhỏ và vừa, các DNCNNVV có ưu thế là chuyển hướng kinh doanh nhanh từ những mặt hàng này sang mặt hàng khác, thỏa mãn nhu cầu linh hoạt của dân cư. Chính sự phát triển đó của các DNCNNVV đã làm tăng tính cạnh tranh, tính linh hoạt và làm giảm bớt mức độ rủi ro trong nền kinh tế.
- Thứ tư: Góp phần tăng cường và phát triển các mối quan hệ kinh tế. Các DNCNNVV hình thành và phát triển kinh doanh trong những ngành nghề khác nhau luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau và có mối liên kết với các DN lớn. Nhiều DN nhỏ khi mới ra đời chỉ nhằm mục đích làm vệ tinh cung cấp các sản phẩm cho các DN lớn. Mối quan hệ giữa DNCNNVV và các DN lớn cũng chính là nguyên nhân thành công của nền kinh tế Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. Do đó, khi các DNCNNVV Việt Nam phát triển sẽ góp phần tăng cường các mối quan hệ liên kết lẫn nhau giữa các DNCNNVV và giữa các DNCNNVV với các DN lớn. Nhờ đó mà các rủi ro kinh doanh sẽ chia sẻ và góp phần tăng hiệu quả kinh tế xã hội chung.
- Thứ năm: Tạo cơ hội cơ sở để hình thành các DN lớn. Kinh nghiệm phát triển kinh tế ở nhiều nước cho thấy hiện nay phần lớn các công ty và các tập đoàn kinh tế đa Quốc gia đều trưởng thành từ các DNCNNVV. Với cách xem xét đó
DNCNNVV chính là nguồn tích luỹ ban đầu và là “lồng ấp” cho các DN lớn. Hầu hết các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam khi mới ra đời do thiếu kinh nghiệm và chưa thật hiểu biết về thị trường nên họ thường lựa chọn quy mô kinh doanh vừa và nhỏ để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Sau một thời gian tích luỹ thêm vốn, kinh nghiệm và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, họ mới tiến hành mở rộng kinh doanh và phát triển với quy mô lớn hơn. Ngoài ra, DNCNNVV còn là nơi đào tạo tay nghề và trau dồi kinh nghiệm cho các cán bộ quản lý của DN lớn vì lao động thường có xu hướng chỉ làm các DNCNNVV một thời gian, sau khi có đủ kinh nghiệm và khả năng họ sẽ chuyển sang các DN lớn để làm việc, hưởng thu nhập cao hơn. Nhờ thế, DN lớn tiết kiệm được nhiều chi phí đào tạo khi tuyển được các nhân viên có tay nghề từ các DNCNNVV chuyển sang. Như vậy có thể các DNCNNVV còn là nơi đào tạo lao động cho các DN lớn.
- Thứ sáu: Tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp. Đặc điểm chung của các DNCNNVV là ít vốn và sử dụng nhiều lao động, do đó DNCNNVV ở tất cả các nước có thể tạo ra công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động. Ở nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, DNCNNVV nơi tạo ra nhiều việc làm nhất. Khi các DNCNNVV phát triển để tạo nhiều cơ hội tăng việc làm, thu hút lao động và giảm tỉ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề xã hội mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư kể cả người thất nghiệp, phụ nữ và người tàn tật. Với tính chất kinh doanh nhỏ, chi phí để tạo ra một chỗ để làm việc thấp, các DNCNNVV Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra và tăng thêm việc làm cho nền kinh tế, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và ổn định xã hội bằng cách thu hút nhiều lao động với chi phí thấp và chủ yếu bằng vốn của dân.
- Thứ bảy: Nâng cao thu nhập của dân cư góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Việt Nam là nước nông nghiệp, năng suất của một nền sản xuất xã hội cũng như thu nhập của dân cư thấp. Thu thập của dân cư nông thôn chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp thuần nông. Việc phát triển các DNCNNVV ở thành thị cũng như ở nông thôn là một trong những biện pháp cơ bản đóng góp phần tăng
nhanh thu nhập của các tầng lớp dân cư. Thông qua việc phát triển các DNCNNVV, lao động ở nông thôn sẽ được thu hút vào các DN nhờ đó mà thu nhập của dân cư được đa dạng hoá nâng cao. Cuộc sống của người dân nông thôn sẽ ổn định hơn và mức sống của dân cư sẽ được nâng cao góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và tăng mức độ công bằng trong nền kinh tế. Hơn nữa, do có tính năng động và linh hoạt khi các DNCNNVV phát triển sẽ góp phần giúp phát triển các ngành sản xuất truyền thống ở địa phương. Việc phát triển các DNCNNVV là một trong các giải pháp thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới của các xã trong toàn quốc hiện nay.
- Thứ tám: Tạo điều kiện phát triển các tài năng kinh doanh. Ngoài ra các vai trò như đã nói ở trên, các DNCNNVV còn có vai trò trong việc phát triển các tài năng kinh doanh. Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ kinh doanh đã gắn nhiều với cơ chế cao cấp, chưa có kinh nghiệm làm việc trong nền kinh tế thị trường. Sự phát triển của các DNCNNVV có tác dụng đào tạo, chọn lọc và thử thách đội ngũ doanh nhân. Sự ra đời của các DNCNNVV làm xuất hiện rất nhiều tài năng kinh doanh, đó là doanh nhân thành đạt biết cách làm giàu cho bản thân mình và xã hội. Bằng sự tôn vinh những doanh nhân giỏi, kinh nghiệm quản lý của họ sẽ được nhân ra và truyền bá tới nhiều cá nhân trong xã hội dưới nhiều kênh thông tin khác nhau, qua đó sẽ tạo ra nhiều tài năng mới cho đất nước. Với khía cạnh như vậy, DNCNNVV có vai trò không nhỏ trong việc đào tạo lớp doanh nhân mới ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.