6. Kết cấu của luận văn:
1.1.1.3. Đặc điểm của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa
So với các loại hình doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp công nghiệp có các đặc trưng sau:
Nếu xét trên góc độ tổng hợp các mối quan hệ của con người trong hoạt động sản xuất, thì quá trình sản xuất là sự tổng hợp của 2 mặt: Mặt kỹ thuật của sản xuất và mặt kinh tế - xã hội của sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất vật chất của xã hội, do sự phân công lao động xã hội, nền kinh tế chia thành nhiều ngành như nông nghiệp,
công nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng… Song xét trên phương diện tính chất tương tự của công nghệ sản xuất có thể coi đó là tổng thể của hai ngành cơ bản: nông nghiệp và công nghiệp, còn các ngành khác có thể là các dạng đặc thù của hai ngành đó. Vì vậy, doanh nghiệp công nghiệp có những đặc trưng cơ bản về mặt kỹ thuật sản xuất, cũng như đặc trưng kinh tế - xã hội khác với các loại hình doanh nghiệp khác ở các khía cạnh chủ yếu sau:
- Trong các doanh nghiệp công nghiệp, quá trình sản xuất chủ yếu là quá trình tác động trực tiếp bằng phương pháp cơ, lý hoá của con người thông qua một công nghệ sản xuất nhất định, làm thay đổi các đối tượng lao động thành các sản phẩm thích ứng với nhu cầu của con người (khác với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quá trình sản xuất lại bằng phương pháp sinh học là chủ yếu).
- Các đối tượng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp, sau mỗi chu kỳ sản xuất được thay đổi hoàn toàn về chất từ công dụng cụ thể này chuyển sang các sản phẩm có công dụng cụ thể khác. Hoặc một loại nguyên liệu sau quá trình sản xuất có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm có công dụng khác nhau (nếu so sánh với các doanh nghiệp nông nghiệp thì đối tượng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp bao gồm các động vật và thực vật sau quá trình sản xuất chỉ có sự thay đổi về lượng là chủ yếu).
- Sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp có khả năng đáp ứng nhiều loại nhu cầu ở các trình độ ngày càng cao của xã hội, là hoạt động duy nhất tạo ra các sản phẩm thực hiện chức năng là các tư liệu lao động trong các ngành kinh tế. Với đặc điểm về mặt kỹ thuật của sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp nêu trên, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp công nghiệp luôn có điều kiện phát triển về kỹ thuật, tổ chức sản xuất; dễ dàng tạo ra được một đội ngũ lao động có tính tổ chức, tính kỷ luật cao, có tác phong “công nghiệp”; đồng thời, có điều kiện và cần thiết phải phân công lao động ngày càng sâu, tạo điều kiện tiền đề để phát triển nền sản xuất hàng hóa ở trình độ và tính chất cao hơn so với doanh nghiệp ở các ngành khác. Ngoài những đặc điểm chung của doanh nghiệp công nghiệp, DNCNNVV có những đặc điểm nhất định trong quá trình phát triển. Có thể nhận thấy DNCNNVV có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Thứ nhất: tính dễ khởi sự. Luật doanh nghiệp hiện nay không quy định mức vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư tối thiểu, số lao động tối thiểu bắt buộc khi đăng ký doanh nghiệp. Cùng với môi trường kinh doanh đang được cải thiện thì số lượng các DNCNNVV đăng ký gia tăng nhanh chóng. Trong một chừng mực nhất định, khi việc thực thi của quy định về phá sản và giải thể doanh nghiệp chưa thuận lợi nên một số DNCNNVV thay vì rút lui khỏi thị trường một cách chính thức thì chọn phương án đơn giản là ngừng hoạt động. Cũng chính vì lý do đó việc thống kê số lượng DNCNNVV đang hoạt động trên thị trường gặp nhiều khó khăn và khó đưa ra con số chính xác.
- Thứ hai: là tính linh hoạt cao theo cơ chế thị trường. Đây là đặc điểm gắn liền với các DNCNNVV. Do quy mô không lớn nên đầu tư của các DNCNNVV vào các dây chuyền và máy móc công nghệ không nhiều, chính vì lẽ đó nên sau một thời gian hoạt động nếu nhận thấy một ngành hay một mặt hàng kinh doanh nào đó không có lợi thì lập tức các DNCNNVV sẽ chuyển hướng sang các mặt hàng và dịch vụ hiệu quả hơn. Một số DNCNNVV sau một thời gian khẳng định được uy tín và thương hiệu đã tiến hành các biện pháp tích luỹ vốn và mở rộng quy mô để trở thành các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên nhiều chủ DNCNNVV bằng lòng với quy mô doanh nghiệp mình và thể hiện tính linh hoạt cao để khẳng định vị trí thương trường. Nếu như các doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh một số sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định thì khi gặp suy thoái hoặc các tác động bất lợi từ bên ngoài thì sẽ rất khó xoay sở.
- Thứ ba: Là tính linh hoạt trong cạnh tranh. Với xuất phát điểm là khả năngdễ tham gia vào thị trường cũng như rút khỏi thị trường. Trong các chuỗi giá trị ngành hàng thì các DNCNNVV có thể khá dễ dàng tìm cho mình phân khúc phù hợp trong hợp tác với doanh nghiệp lớn. Dễ phát huy bản chất hợp tác sản xuất, dễdàng thu hút lao động với chi phí thấp, do đó tăng hiệu quả sử dụng vốn, có thể sử dụng lao động tại nhà hoặc xung quanh do đó góp phần tăng thêm thu nhập cho một bộ phận dân cư có mức sống thấp, ít xảy ra xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động; Có thể huy động tiềm lực của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kể đến hàng loạt các điểm yếu của các DNCNNVV là: khởi đầu thường thiếu các nguồn lực phát triển, đặc biệt là các nguồn lực về tài chính và con người trong đầu tư công nghệ, đào tạo công nhân, chủ doanh nghiệp. Đối với một số ngành hàng thì các DNCNNVV không tận dụng các lợi thế về quy mô. Còn một điểm nữa đó là sự hình thành và phát triển của các DNCNNVV phụ thuộc vào các chủ doanh nghiệp nên khó thu hút trí tuệ tập thể trong các quyết định dài hạn và chiến lược của các doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua cách thức đưa ra quyết định quan trọng mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp lớn các quyết định mang chiến lược được thực hiện theo quy trình và có hệ thống, tuy nhiên tại các DNCNNVV thì quyết định này trong nhiều trường hợp mang nặng ý kiến chủ quan của chủ doanh nghiệp.