THỰC TRẠNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ THU, CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở TỈNH NGHỆ AN
2.3.2. Những hạn chế
Bên cạnh những thành công quan trọng, phân cấp quản lý thu, chi BHXH ở Nghệ An trong thời gian qua còn có những hạn chế đáng quan tâm.
Một là, phân cấp quản lý thu, chi BHXH hiện nay ở Nghệ An mới được
thực hiện đến cấp huyện. Điều đó đã tạo ra tình trạng quá tải trong quản lý thu, chi BHXH ở cấp huyện. Ở cấp xã, phường hiện chưa có cơ quan quản lý
thu, chi BHXH. Quản lý thu BHXH của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện do BHXH huyện thực hiện. Với khối lượng công việc quá lớn, các đầu mối thu BHXH không tập trung, BHXH huyện rất khó quản lý chặt chẽ và có hiệu quả. Do đó, tình trạng trốn tránh đóng BHXH và nợ đọng tiền BHXH của các đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa được tham gia vẫn còn. Số hộ sản xuất kinh doanh cá thể tham gia BHXH còn quá thấp so với thực tế. Công tác quản lý thu BHXH đối với cán bộ xã ở các xã, phường chưa vững chắc. Công tác cấp phát sổ BHXH chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác quản lý quỹ lương trích nộp BHXH chưa tốt, công tác chỉ đạo chưa đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Hai là, việc chi trả các chế độ BHXH cho các đối tượng hưởng BHXH
do Ban đại diện chi trả xã, phường thực hiện cũng làm cho việc thực hiện chế độ chính sách BHXH kém hiệu quả. Với số đối tượng hưởng BHXH quá lớn, địa bàn rộng, chi trả bằng tiền mặt, việc chi trả của Ban đại diện chi trả xã, phường rất khó được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện cho đối tượng hưởng BHXH. Nguy cơ mất an toàn trong quá trình chi trả rất lớn...
Ba là, phân cấp quản lý thu, chi BHXH chưa đảm bảo thẩm quyền kiểm
tra, kiểm soát của cơ quan quản lý. Điều đó hạn chế hiệu quả quản lý thu, chi BHXH ở các cấp. Đây là một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng gian lận, vi phạm chế độ chính sách BHXH chậm được xử lý và khắc phục.
Bốn là, phân cấp quản lý cán bộ hiện nay còn chưa hợp lý hạn chế đến
việc nâng cao chất lượng, trình độ cán bộ BHXH. Việc phân bổ biên chế còn chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm về địa giới, địa lý của từng địa phương. Mặt khác, do việc tiếp nhận bàn giao nguyên trạng đội ngũ cán bộ từ các ngành, đồng thời việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thuyên chuyển cán bộ trong hệ thống BHXH tỉnh do Giám đốc BHXH tỉnh đảm
nhiệm nên việc tuyển chọn, đào tạo khó chính xác, chậm trễ. Các đơn vị BHXH cấp huyện thường bị động trong khâu bố trí, sử dụng cán bộ.