Ở TỈNH NGHỆ AN
3.3.4. Kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An
Một là, yêu cầu các chủ thể khi đăng ký thành lập doanh nghiệp phải có
cam kết thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách BHXH cho người lao động. Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị ngoài quốc doanh không thực hiện đóng BHXH cho người lao động.
Hai là, chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác phối
hợp với cơ quan BHXH để kiểm tra và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về chính sách BHXH theo quy định của Chính phủ.
Phân cấp quản lý thu chi BHXH ở tỉnh Nghệ An là một vấn đề mới và khá phức tạp. Với những kết quả nghiên cứu của luận văn, tác giả hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào việc nhận thức rõ hơn về phân cấp quản lý thu chi BHXH, đồng thời, với những đề xuất giải pháp nếu được vận dụng vào thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thu chi BHXH ở tỉnh Nghệ An nói riêng và ở các địa phương khác nói chung.
KẾT LUẬN
Phân cấp quản lý thu, chi BHXH là một nội dung quan trọng của hệ thống tổ chức BHXH Việt Nam. Cùng với quá trình đổi với về chế độ, chính sách và cơ chế quản lý BHXH, phân cấp quản lý thu, chi BHXH cũng được BHXH Việt Nam quan tâm và ngày càng có nhiều đổi mới quan trọng. Theo đó, BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện được quy định rõ ràng, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quản lý nguồn thu, chi BHXH theo quy định của pháp luật BHXH.
Thực hiện các quy định của Nhà nước và BHXH Việt Nam, tỉnh Nghệ An đã tiến hành thực hiện phân cấp thu, chi BHXH trong phạm vi quyền hạn được pháp luật quy định. Đến nay, việc phân cấp thu, chi BHXH trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tiến hành cụ thể, rõ ràng góp phần không ngừng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nguồn thu BHXH liên tục có bước tăng trưởng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Nguồn chi BHXH được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH cho người lao động, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy vậy, việc phân cấp quản lý thu, chi BHXH ở Nghệ An chưa đáp ứng với nhiệm vụ quản lý. Vì vậy vẫn còn nhiều người lao động chưa được tham gia BHXH, số tiền thu BHXH còn thất thoát, công tác kiểm tra, kiểm soát còn yếu kém, hiện tượng mất an toàn trong chi trả các chế độ BHXH dài hạn còn tồn tại. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là việc thực hiện phân cấp quản lý còn chưa mạnh, còn dè dặt trong việc
phân cấp cho cấp dưới, nhất là cấp xã, phường do chưa hình thành được tổ chức quản lý BHXH ở cấp xã, phường. Bên cạnh đó, chính sách BHXH, cơ chế quản lý BHXH và tổ chức bộ máy của hệ thống BHXH còn nhiều bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Để khắc phục hạn chế trên, luận văn đề xuất 4 nhóm giải pháp đó là: Hoàn thiện phân cấp về thẩm quyền quản lý thu, chi BHXH của BHXH tỉnh, huyện; Hoàn thiện phân cấp về kiểm tra, kiểm soát thu, chi BHXH của BHXH tỉnh, huyện; Hoàn thiện phân cấp quản lý bộ máy tổ chức và cán bộ quản lý thu, chi BHXH ở BHXH tỉnh, huyện; Một số giải pháp khác. Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ góp phần hoàn thiện phân cấp quản lý thu, chi BHXH ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Mặc dù đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhưng với hạn chế về thời gian và trình độ nên chắc chắn luận văn của em còn có nhiều khiếm khuyết. Em rất mong nhận được sự đóng góp của các thầy cô, đồng nghiệp và bạn đọc để luận văn được hoàn thiện hơn.
Một lần nữa em xin chân thành biết ơn Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ em hoàn thành tốt luận văn của mình.