THỰC TRẠNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ THU, CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở TỈNH NGHỆ AN
2.2.3. Thực trạng hoạt động thu, chi bảo hiểm xã hội tại các xã, phường của tỉnh Nghệ An
của tỉnh Nghệ An
Hoạt động thu, chi BHXH tại các xã, phường gồm hoạt động thu của cán bộ xã, phường được tham gia BHXH và hoạt động chi BHXH cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH dài hạn trên địa bàn từng xã, phường.
2.2.3.1. Thực trạng hoạt động thu bảo hiểm xã hội
Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 50/CP, ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường quy định cán bộ xã, phường cũng được tham gia đóng BHXH. Theo đó, từ ngày 01/01/1998, cán bộ xã, phường được tham gia đóng BHXH theo mức bằng 15 % mức sinh hoạt phí. Trong đó, cán bộ xã, phường đóng 5%, ngân sách nhà nước đóng 10%. Để thực hiện Nghị định của Chính phủ, ngày 14/7/1998, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 806/BHXH-CĐCS quy định việc thu nộp BHXH của cán bộ xã, phường. Theo quyết định này, Chủ tịch UBND xã, phường có trách nhiệm đóng mỗi tháng một lần bằng 15% tổng số sinh hoạt phí của cán bộ xã, phường trong đó
10 % lấy từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, 5% trích từ tiền sinh hoạt phí hàng tháng của cán bộ xã, phường. Việc đóng BHXH do Chủ tịch UBND xã, phường thực hiện bằng chuyển khoản vào tài khoản thu của cơ quan BHXH được mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT cấp huyện.
Thực hiện quy định trên, UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ chính sách BHXH cho cán bộ xã, phường trên địa bàn tỉnh từ quý III năm 1998. Theo đó, BHXH cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, đối chiếu việc thu nộp BHXH của các xã và định kỳ xác nhận số thu của từng người trong danh sách thu BHXH và xác nhận vào sổ BHXH. Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước cấp huyện giúp cơ quan BHXH cấp huyện trong việc thực hiện thu nộp BHXH của các xã, phường bằng cách yêu cầu các xã, phường phải thực hiện trích nộp 10% tổng quỹ lương trên tài khoản của ngân sách xã, phường mở tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện để chuyển cho cơ quan BHXH cấp huyện.
Từ khi có Nghị định 121/2003/NĐ-CP, ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã thì mức thu nộp BHXH đã có nhiều thay đổi. Hàng tháng UBND các xã, phường có trách nhiệm đóng đầy đủ 20% tổng quỹ lương của cán bộ, công chức xã, phường cho cơ quan BHXH trong đó ngân sách xã, phường đóng 15%, cán bộ công chức xã, phường đóng 5% từ tiền lương được hưởng hàng tháng.
Bảng 2.11: Số đối tượng và số tiền thu BHXH của cán bộ xã, phường từ năm 2007 đến năm 2011 Số TT Năm Số đối tượng (Người) Số tiền (Triệu đồng) 1 2007 11.428 12.943 2 2008 10.836 12.898,2 3 2009 10.784 14.216,2 4 2010 10.876 20.162,4 5 2011 11.237 25.045
Nguồn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An [2], [3]
Như vậy có thể thấy rằng, trong thời gian qua, việc thu BHXH của cán bộ xã, phường được thực hiện tương đối tốt. Số thu BHXH ở các xã, phường đã tăng liên tục cùng với sự tăng lên của số lượng cán bộ, công chức xã, phường tham gia BHXH. Số tiền thu BHXH thường được thu đầy đủ.
Tuy nhiên, hoạt động thu BHXH ở các xã, phường còn một số điểm cần quan tâm.
i) Việc thu BHXH thường chậm, không đúng kỳ hạn hàng tháng. Một số xã, phường chậm chuyển số tiền BHXH được trích 10% từ ngân sách nhà nước cấp. Điều đó là do có xã, phường phải tự cân đối ngân sách hoặc do có xã, phường đã sử dụng số tiền BHXH vào mục đích khác. Chẳng hạn, năm 2005, xã Nghi Phú thuộc huyện Nghi Lộc đã mắc phải sai phạm này. Số tiền BHXH được trích 5% từ sinh hoạt phí hàng tháng của cán bộ xã, phường cũng thường nộp rất chậm. Thông thường các xã, phường thu nộp theo quý, cá biệt có đơn vị 6 tháng nộp một lần.
ii) Việc theo dõi biến động số đối tượng tham gia BHXH ở các xã, phường rất phức tạp và khó khăn. Đối tượng tham gia BHXH ở các xã, phường thường biến động, nhất là sau những lần bầu cử Hội đồng nhân dân hoặc đại hội Đảng bộ các cấp.
iii) Việc theo dõi quá trình đóng BHXH và bổ sung vào sổ BHXH còn hạn chế. Phần lớn hồ sơ lý lịch của cán bộ xã, phường còn thiếu các chứng cứ pháp lý có liên quan đến tuổi đời và thời gian công tác. Nhiều trường hợp đối tượng tham gia BHXH bị thiếu hoặc mất hồ sơ lý lịch. Thêm vào đó công tác bảo quản và lưu trữ hồ sơ lý lịch tại các xã, phường trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó đã gây nhiều khó khăn cho công tác cấp phát sổ BHXH.
iv) Ở các xã, phường hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công tác thu BHXH. Thực tế ở các xã, phường kế toán ngân sách xã, phường thường kiêm nhiệm công tác thu BHXH. Nhiều cán bộ chưa am hiểu về chế độ chính sách BHXH hoặc phải đảm nhiệm quá nhiều việc. Mặt khác, đội ngũ cán bộ này cũng thường thay đổi sau các nhiệm kỳ đại hội và bản thân họ không phải là đầu mối quản lý trực tiếp của cơ quan BHXH cấp huyện. Do đó, cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thu BHXH.
2.2.3.2. Thực trạng hoạt động chi trả chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn
Ban đại diện chi trả xã, phường là những người do UBND xã, phường giới thiệu. Họ thực hiện chi BHXH tại các xã, phường trên cơ sở một hợp đồng trách nhiệm ký kết giữa một bên là Giám đốc BHXH huyện, thị xã, thành phố và một bên là Chủ tịch UBND xã, phường. Đây là hình thức chi trả đã được ngành Lao động TB&XH và ngành Tài chính áp dụng thực hiện ở Nghệ An từ trước khi chưa thành lập hệ thống BHXH đến nay.
Thời gian qua việc thực hiện chi trả thông qua các Ban đại diện chi trả xã, phường đã đạt được một số kết quả:
i) Đảm bảo chi trả đồng loạt, đầy đủ cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH. Năm 2011, số tiền chi trả bình quân hàng tháng trên 141 tỷ đồng.
ii) Ban đại diện chi trả là cầu nối cho sự phối hợp có hiệu quả giữa chính quyền địa phương và cơ quan BHXH trong việc quản lý đối tượng, kinh
phí và xác lập thủ tục hồ sơ để giải quyết chế độ tử tuất cho đối tượng hưởng BHXH qua đời. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng gian lận của một số đối tượng hưởng chế độ BHXH. Chẳng hạn tình trạng hưởng BHXH ở hai nơi cư trú, hoặc chuyển hồ sơ hưởng chế độ đến những nơi có hệ số phụ cấp khu vực cao mặc dù đối tượng không sinh sống ở đó, hoặc chậm kê khai giảm đối tượng hưởng BHXH.
iii) Ban đại diện chi trả tham gia giải thích chế độ chính sách BHXH đối với các đối tượng hưởng BHXH ở xã, phường. Điều đó làm giảm đáng kể các trường hợp thắc mắc, khiếu nại về chính sách BHXH ở các cơ quan BHXH.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thực tế chi trả và các số liệu điều tra năm 2005 và năm 2006, cho thấy công tác quản lý cấp phát chi trả BHXH ở các Ban đại diện chi trả xã, phường thị trấn còn bộc lộ một số hạn chế.
Một là, hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán chi trả thiếu chặt chẽ, không
đảm bảo các yêu cầu quy định. Thực tế cho thấy, việc chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng ở một số Ban đại diện chi trả còn qua nhiều khâu trung gian. Từ Ban đại diện chi trả xã, phường, tiền được chia xuống các tổ rồi từ các tổ mới cấp phát cho đối tượng. Việc chi trả như vậy gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Chứng từ chi BHXH lưu trữ qua nhiều khâu, danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH do cơ quan BHXH lập chi tiết cho từng đối tượng ký nhận nhưng thực tế trên danh sách lại chủ yếu là các Ban đại diện chi trả xã, phường hoặc các tổ chi trả ký nhận. Đối tượng hưởng BHXH lại ký nhận vào danh sách chi trả do các tổ lập ra hoặc Ban đại diện lập cho các tổ và ký vào phiếu lĩnh lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Tình trạng nhận thay cho đối tượng đi vắng lâu ngày vẫn còn khá phổ biến.
Hai là, việc thực hiện chế độ báo cáo tăng, giảm số đối tượng hưởng
BHXH, thanh quyết toán kinh phí BHXH giữa các Ban đại diện chi trả với BHXH cấp huyện chưa kịp thời, thường còn rất chậm. Phần lớn các Ban đại
diện chi trả xã, phường thường kết hợp đi lấy lương hưu, trợ cấp BHXH và tiền trợ cấp người có công của ngành Lao động TBXH để cấp cho đối tượng cùng một lúc. Do đó, thời gian chi trả cho đối tượng hưởng BHXH bị kéo dài. Theo đó, công tác thanh quyết toán chi BHXH của các Ban đại diện chi trả xã, phường với cơ quan BHXH cấp huyện càng chậm hơn. Công tác báo giảm số đối tượng hưởng BHXH thực hiện chưa tốt. Hiện tại, vẫn còn một vài Ban đại diện chi trả chậm báo cắt giảm những trường hợp đối tượng hưởng BHXH đã chết do cảm tình cá nhân. Một số trường hợp đối tượng vắng mặt lâu ngày đã quá thời gian uỷ quyền nhưng Ban đaị diện chi trả vẫn chi trả cho gia đình.
Ba là, trình độ nghiệp vụ của những người làm công tác chi trả tại các
Ban đại diện chi trả xã, phường còn nhiều bất cập, không đáp ứng yêu cầu. Những người làm công tác chi trả tại các Ban đại diện chi trả xã, phường phần lớn không được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ. Theo kết quả điều tra năm 2005, trong số 1383 người làm công tác chi trả tại 608 Ban đại diện chi trả xã, phường, có đến 56% không được đào tạo cơ bản, chỉ có 3,9% có trình độ đại học, 35% có trình độ trung cấp các loại, 6,4% có trình độ sơ cấp. Phần lớn những người làm việc này đã cao tuổi. Có đến 33,8% số người có độ tuổi 50 đến 60; 15,1% số người trên 60 tuổi. Do vậy, phần lớn thao tác nghiệp vụ chậm, báo cáo chậm, sổ sách biểu mẫu tẩy xoá, sửa chữa không đúng quy định.
Bốn là, mức thù lao cho những người làm công tác chi trả ở khu vực
miền núi còn rất thấp vì đối tượng, kinh phí rất ít. Mặc dù BHXH tỉnh đã điều chỉnh tỷ lệ chi lệ phí chi trả với mức cao nhất, song cũng chưa phù hợp với thực tế khó khăn ở cơ sở, chưa bù đắp được những chi phí tối thiểu của họ trong quá trình làm nhiệm vụ.