0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

Giải pháp

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG SINH KẾ CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI 3 XÃ BÌNH LONG, LA HIÊN, SẢNG MỘC CỦA HUYỆN VÕ NHAI, TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 82 -82 )

Từ thực tế tìm hiểu, phân tích các nguồn lực sinh kế, các hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai. Để tìm ra được hoạt động sinh kế phù hợp với nguồn lực của hộ, giúp họ phát huy năng lực bản thân dựa trên nguồn lực sẵn có nhằm nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Chúng tôi đưa ra một số giải pháp chủ yếu sau:

* Giải pháp chung

- Có quy hoạch chi tiết về tình hình sử dụng nguồn lực đất đai

Các hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số của 3 xã điều tra phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực tự nhiên: nguồn đất, nguồn nước, nguồn tài nguyên rừng…do vậy cần có quy hoạch tổng thể về tình hình sử dụng đất đai cụ thể để phát triển sản xuất trồng trọt, trồng cây hàng năm, lâu năm.

- Nâng cao kiến thức cho các hộ gia đình

Trình độ học vấn của người dân ở 3 xã nghiên cứu còn thấp, trung bình chỉ đến lớp 4,5 mà nguồn lực con người là yếu có vai trò quan trọng nhất trong chiến lược sinh kế vì con người đưa ra các hoạt động sinh kế của hộ gia đình mình. Nếu con người có trình độ thì sẽ đưa ra những quyết định có tính khả thi cao, đạt hiệu quả cao do vậy cần nâng cao trình độ học thức của người dân nơi đây, nâng cao cả trình độ của cán bộ quản lý và nhân dân.

Thay đổi con người trước hết là thay đổi về nhận thức, điều này đòi hỏi cần phải có chính sách cũng như các chương trình dự án nhằm nâng cao trình độ dân trí. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt đồng bào vùng cao, sâu xa họ thường có những phong tục tập quán sản xuất của riêng họ và họ rất bảo thủ, do vậy phải làm thay đổi sâu sắc từ cách nhìn nhận của người dân về giáo dục, làm cho họ hiểu được tri thức chính là nguồn vốn làm thay đổi cuộc sống, góp phần nâng cao địa vị của họ trong xã hội.

Nâng cao kiến thức cho người dân thông qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn kỹ thuật…về các lĩnh vực sử dụng nguồn lực, sản xuất, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Đây là biện pháp đầu tiên, cơ bản và quyết định nhằm nâng cao năng lực để họ có thể tiếp cận thực tế sản xuất đề ra quyết định cũng như thực hiện quyết định của mình.

- Tăng cường kiến thức về khoa học kỹ thuật và độ ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp

Đây là yếu tố hết sức quan trọng, cán bộ phụ trách hướng dẫn có giỏi thì dân mới làm kinh tế giỏi được. Nhìn chung cả 3 xã đều sản xuất nông nghiệp là chính nên đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cần được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo các mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với địa phương để nhân rộng mô hình giúp hộ dân thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đáng chú ý là ngoài việc đề cao vai trò của kiến thức khoa học kỹ thuật, khuyến nông rất quan trọng song phải thích hợp khả thi với nghười nghèo sau khi tiếp cận có thể làm theo.

- Hỗ trợ vốn cho sản xuất

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động phi nông nghiệp. Cung cấp thông tin và hướng dẫn nông dân các thủ tục vay vốn, các thr tục vay vốn cần được đơn giản và ngắn gọn hơn để phù hợp với dân trí ở đây. Hoặc có thể cho vay bằng các hiện vật như: cặp bò, cặp dê, hỗ trợ giống cây trồng cho các hộ dân tộc nghèo.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách bán vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, trả sau khi thu hoạch.

Cần có giải pháp cho nông dân vay vốn thông qua các tổ chức địa phương như: hội phụ nữ, hội nông dân…với lãi suất thấp. phương như: hội phụ nữ, hội nông dân…với lãi suất thấp.

Huyện Võ Nhai là huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân nghèo đói, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nếu không có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, chủ động tưới tiêu, thì đời sống người dân không thể cải thiện lên được.

Với lợi thế về diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ mở đường cho việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương như: sản phẩm na, các lâm sản thu được từ rừng…phát triển không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận.

- Phát triển ngành nghề phi nông nghiệp

Mặc dù nguồn thu nhập chính của các dân tộc thiểu số ở đây là từ nông nghiệp, song dựa vào các nguồn lực sẵn có cần có hướng đi phát triển các nghề phi nông nghiệp, tiểu thủ công sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. Đối với xã Sảng Mộc diện tích chủ yếu là rừng có thể mở cơ sở sản xuất đồ gỗ khi rừng được khai thác, mở các xưởng mộc làm bàn ghế học sinh, tủ, giường….để cung ứng ngay trên địa bàn và những xã lân cận . Phải tạo điều kiện và khuyến khích để người nghèo dân tộc thiểu số học hỏi lẫn nhau phát triển các ngành nghề mới có thu nhập cao, nâng cao đời sống người dân.

Võ Nhai là huyện vùng núi với khí hậu trong lành, mát mẻ, rất thích hợp cho việc thư giãn, du lịch phát triển khu du lịch sinh thái là một tiềm năng của vùng. Tại huyện đã có di tích lịch sử Hang Phượng Hoàng thu hút một phần khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nếu phát triển khu du lịch sinh thái ở xã La Hiên, xã nằm trên đường trục chính Quốc lộ, thuận tiện xe cộ đi lại, đặc biệt xã La Hiên có diện mạo núi đá vôi, có diện tích na trồng trên núi đá, một số hộ chăn thả dê trên núi đá khi đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái ở đây sẽ là cơ hội giới thiệu quảng bá sản phẩm na La Hiên, dê núi sẽ thu hút được khách du lịch.

* Giải pháp cụ thể cho các hộ sản xuất nông nghiệp - Đối với ngành trồng trọt:

Để phát triển sinh kế trồng trọt một cách bền vững tại địa bàn nghiên cứu, ta chọn các đối tượng cây trồng có khả năng thích ứng cao với điều kiện tự nhiên (đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn) đối với cây trồng hàng năm như: cây ngô, sắn…đây là những cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai của địa phương, mất ít công chăm sóc, đầu tư ít và sản phẩm ngô, sắn có thể bán hoặc làm thức ăn cho chăn nuôi để giảm chi phí mua thức ăn cho chăn nuôi. Cụ thể đối với vùng thấp La Hiên diện tích phần lớn là núi đá vôi loại cây trồng thích hợp với núi đá và đã được hình thành từ những năm trước đây là cây na, dựa vào đó mở rộng diện tích na và tăng cường các kỹ thuật chăm sóc để cây na có năng suất sản lượng cao hơn, tạo thương hiệu na La Hiên cho vùng, nâng cao thu nhập cho người dân.

- Đối với ngành chăn nuôi:

Để phát triển được sản xuất nông nghiệp nhất là tăng tỷ lệ đóng góp của ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương thì phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê là lựa chọn phù hợp.

Với lợi thế về diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên thích hợp cho việc chăn thả gia súc, diện tích rộng có thể trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò, mô hình nuôi dê bán chăn thả cho thu nhập cao vừa giảm chi phí thức ăn vừa giảm công lao động chăm sóc. Do tận dụng được cả nguồn thức ăn xanh tự nhiên và sản phẩm trồng trọt như rơm rạ, cám ngô, cám sắn nên cũng chủ động được lượng thức ăn, giúp cho chăn nuôi trâu, bò có nhiều cơ hội phát triển, chăn nuôi dê cần được mở rộng quy mô.

Đây là lợi thế cần được khai thác và phát huy để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển chăn nuôi nói riêng. Phát triển sinh kế chăn nuôi một cách bền vững cũng rất cần chú trọng các khâu đầu vào cho sản xuất như: giống, thức ăn và phòng trừ bệnh cho vật nuôi cũng như tiêu thụ vật nuôi. Đối

với phát triển sinh kế chăn nuôi nên tập trung vào nhóm hộ trung bình vì đòi hỏi đầu tư cho phát triển sản xuất chăn nuôi là tương đối lớn.

- Đối với ngành lâm nghiệp:

Huyện Võ Nhai là huyện có tỷ lệ đất lâm nghiệp lớn nhất, đặc biệt những xã vùng cao như: Sảng Mộc, Nghinh Tường diện tích đất lâm nghiệp là chủ yếu. Đối với xã vùng cao Sảng Mộc trên 90% diện tích là rừng thì cần dựa vào lợi thế đó để phát triển kinh tế rừng, nếu người dân chỉ khai thác gỗ, măng rừng, nấm mộc nhĩ thì giá trị kinh tế từ rừng đem lại là rất thấp, thậm chí chỉ để sử dụng trong gia đình thì không có nguồn thu từ rừng nhưng nếu biết cách trồng cây cây dược liệu làm thuốc chữa bệnh thì sẽ thu được nguồn thu rất lớn vì xu hướng hiện nay là tìm mua các cây dược liệu trong rừng để làm thuốc. Đời sống xã hội của chúng ta ngày càng nâng cao nhu cầu giải trí, giành thời gian để vui chơi ngày càng nhiều, chơi hoa lan là thú vui của nhiều người với điều kiện rừng tự nhiên có các loại lan rừng có thể nhân ghép nhân giống với số lượng nhiều hơn để cung ứng ra thị trường,

Ngoài ra cần trồng thêm diện tích rừng sản xuất với mục đích lấy gỗ để tăng thu nhập, trồng các loại cây có thời gian cho thu nhanh như cây keo, bạch đàn. Có thể kết hợp nuôi ong lấy mật trên rừng vì ở đó có nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ I. KẾT LUẬN

Qua tìm hiểu, phân tích các hoạt động sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Bình Long, La Hiên, Sảng Mộc của huyện Võ Nhai chúng tôi đưa ra một số nhận xét sau:

1. Võ Nhai là huyện vùng cao nằm phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên, có tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh. Địa hình núi cao chia làm 3 vùng rõ rệt đặc trưng cho 3 miền: xã La Hiên đại diện cho vùng thấp chủ yếu là núi đá vôi, Bình Long đại diện cho vùng gò đồi, xã Sảng Mộc đại diện vùng núi cao. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm 72,82% đây là lợi thế để phát triển lâm nghiệp tuy nhiên với một số hạn chế về địa hình, giao thông đi lại, trình độ dân trí… mà người dân nơi đây chưa khai thác được hết tiềm năng sẵn có của khu vực.

2. Tình hình phát triển kinh tế xã hội giữa các khu vực trong huyện không đồng đều. Đối với 3 xã nghiên cứu đại diện cho 3 khu vực cũng có sự khác biệt: Xã La Hiên là xã vùng thấp giao thông đi lại thuận tiện sự tiếp cận với dễ dàng hơn nên điều kiện kinh tế, mức sống cao hơn 2 xã còn lại đặc biệt là xã Sảng Mộc tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao.

3. Qua đánh giá nguồn lực sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã điều tra thì các nguồn lực này ở mức độ rất hạn chế. Trong 5 nguồn lực thì nguồn lực tự nhiên là nguồn lực dồi dồi nhất, người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực này đặc biệt là nguồn đất, nguồn nước….

4. Dựa vào lợi thế của từng khu vực mà đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi

xã có những lựa chọn sinh kế khác nhau: Xã La Hiên ở vùng thấp sinh kế chủ yếu là trồng cây hàng năm và cây ăn quả, xã Bình Long sinh kế

chính là chăn nuôi gà, lợn, mô hình nuôi dê; xã Sảng Mộc diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 90% nên sinh kế chính của người dân là dựa vào lâm nghiệp. Có thể thấy sản xuất nông nghiệp là sinh kế chính của người dân trên

địa bàn nghiên cứu, thu nhập từ nông nghiệp chiếm 84%, phi nông nghiệp đóng góp 16% thu nhập của hộ.

5. Nhìn chung sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã điều tra đều phụ thuộc vào nguồn lực tự nhiên, phương thức canh tác còn lạc hậu chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cần tác động các chính sách để cải thiện đời sống cho người dân nơi đây đặc biệt ở xã Sảng Mộc, một xã vùng cao có nhiều dân tộc Mông sinh sống họ vẫn theo truyền thống canh tác cũ nên hiệu quả sản xuất thấp.

Các giải pháp đã nêu trong luận văn là những đề xuất quan trọng,đề nghị các cấp chính quyền quan tâm thể chế thành các chính sách thiết thực nhằm phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã của huyện Võ Nhai.

II. KIẾN NGHỊ

Đối với nhà nước

Đảng và Nhà nước cần có các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc miền núi phát triển sản xuất.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực đối với các huyện miền núi.

Cần có những chính sách về kinh tế, xã hội để hỗ trợ và khuyến khích những đầu tư, khai thác các nguồn lực: đất, rừng, lao động, vốn…có hiệu quả.

Đối với đồng bào dân tộc là hộ nghèo có những ưu tiên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần.

Xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông hộ phát triển sản xuất.

Đối với tỉnh Thái Nguyên và huyện Võ Nhai

Các ban ngành đoàn thể cần quan tâm hơn nữa tới người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân bằng chính sách hỗ trợ giá giống, vật nuôi.

Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học mới nâng cao năng suất sản lượng nông nghiệp mà người dân có thể áp dụng được.

Tổ chức các buổi hội thảo, thăm quan mô hình tại các hộ sản xuất giỏi điển hình trên địa bàn bàn.

Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Luôn luôn học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sản xuất cho kinh tế gia đình.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xác định những cây, con vật nuôi có tiềm năng về kinh tế để mở rộng diện tích, quy mô số lượng.

Tận dụng các nguồn lực tự nhiên sẵn có, khai thác hợp lý và phải biết tự bảo vệ nguồn tài nguyên này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO I. Tiếng việt

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Phát triển Quốc tế Anh, chương trình đối tác hỗ trợ phát triển xã nghèo (2003), " Sử dụng phương pháp tiếp cận sinh kế bền vững và khung phân tích ". Hội thảo Quốc tế đào tạo sinh kế bền vững Việt Nam ngày 4 - 11/10/2003.

2. Báo cáo phát triển Việt Nam (2007), “Nghèo” - Trung tâm thông tin và phát triển Việt Nam.

3. Chu Tiến Quang (2001), Việc làm ở nông thôn, thực trạng và giải pháp, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

4. Chi cục thống kê huyện Võ Nhai, Niên giám thống kê huyện Võ Nhai 2009, 2010,2011,2012,2013.

5. Chi cục thống kê huyện Võ Nhai, Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 6 tháng đầu năm 2014.

6. Chính phủ Việt Nam (2002), Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, Hà Nội, 5/2002.

7. Vũ Thị Út Duyên (2006), Nghiên cứu ảnh hưởng của mất đất nông nghiệp do xây dựng khu công nghiệp đến đời sống - sản xuất kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG SINH KẾ CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI 3 XÃ BÌNH LONG, LA HIÊN, SẢNG MỘC CỦA HUYỆN VÕ NHAI, TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 82 -82 )

×