quan tâm và đọc nhiều nhất, tin tức cũng được cập nhật nhiều hơn so với các chuyên mục khác của TPO. Trong 1 tháng ( từ 1/8 – 31/8) có: 531 tin bài trong chuyên mục thời sự, trung bình mỗi ngày có 17 tin bài được cập nhật, riêng vấn đề CCHC có 25 tin, bài/tháng được cập nhật trong chuyên mục này. Đây là chuyên mục có nhiều bài viết về CCHC nhất, trong đó chủ yếu là các tin, bài phản ánh và bài bình luận hoặc tiểu phẩm.
- Pháp luật: Là chuyên mục với những vụ án, vụ việc sai trái với các quy định của pháp luật được TPO phản ánh. Các bài điều tra về những sai phạm của cán bộ công chức là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong chuyên mục này. Các bài viết không chỉ phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật mà còn mang tính giáo dục, định hướng dư luận xã hội cũng như răn đe một phần nào đó đối với đội ngũ cán bộ, công chức về việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thi hành công vụ.
- Các chuyên mục khác như: Kinh tế, Giới trẻ, Khoa giáo…
cũng xuất hiện rải rác các bài viết về CCHC trên những lĩnh vực về kinh tế, giáo dục… song số lượng bài viết không nhiều.
Đối với tạp chí QLNN không có chuyên mục mà các bài viết được thiết kế trong hệ thống chuyên trang đã được phân định rất rõ ràng. Tạp chí có khoảng từ 5 – 7 chuyên trang, trong đó ổn định là các chuyên trang: Nghiên cứu - trao đổi, Kinh nghiệm thực tiễn, Nhìn ra nước ngoài, Thông tin về hoạt động của Học viện hành chính; các chuyên trang không ổn định như: Tình huống quản lý, Giới thiệu văn bản, Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Kiến thức và công nghệ hành chính. Các bài viết về nội dung CCHC
được đăng chủ yếu trên những chuyên trang Nghiên cứu – trao đổi, Kinh nghiệm thực tiễn, Nhìn ra nước ngoài và chuyên trang Kiến thức và công nghệ hành chính.
- Nghiên cứu – trao đổi: Là chuyên trang xuất hiện các bài viết mang tính lý luận, trao đổi, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu. Ví dụ: “Về CCHC ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khoá X”; Cải cách hành chính từ góc nhìn thực tiễn”; “Mối quan hệ giữa bầu không khí tâm lý và xung đột tâm lý trong cơ quan hành chính”…
- Kinh nghiệm thực tiễn: Là chuyên trang chuyên đăng tải những bài viết giới thiệu về những mô hình quản lý hay thực hiện CCHC có hiệu quả. Với chuyên trang này sẽ cung cấp cho người đọc những bài học được rút ra qua việc tìm hiểu các mô hình từ địa phương khác. Ví dụ: “Cải cách hành chính ở thành phố Vĩnh Yên”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở huyện Bác Ái”, “Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở Thừa Thiên Huế”…
- Nhìn ra nước ngoài và Kiến thức và công nghệ hành chính: Là hai chuyên trang cũng có nhiều bài viết về CCHC nhưng chủ yếu là giới thiệu các nội dung và cách thức CCHC ở một số nước tiên tiến trên thế giới để chúng ta nghiên cứu và học tập.
2.4. Thủ pháp báo chí
Thủ pháp báo chí có thể coi là một biện pháp quan trọng việc tạo nên sức hấp dẫn của một bài báo. Thủ thuật báo chí được thể hiện trong cách rút tít, viết sapô, sử dụng hình ảnh, bảng biểu, box dữ liệu… Qua khảo sát trên TPO và tạp chí QLNN về vấn đề CCHC cho thấy, báo chí cũng đã có sử dụng những thủ pháp báo chí nhưng hiệu quả chưa cao.
• Tít báo
Tít báo là một bộ phận không thể thiếu của một bài báo hoàn chỉnh. Tít báo có một vị trí đặc biệt quan trọng, nó có khả năng tóm lược nội
dung mà bài báo định đề cập đến. Một cái tít hay là sự quyết định cho sự hấp dẫn của bài báo đó.
Do vấn đề được phản ánh mang tính chất khô cứng, không phải là điểm hút mắt người đọc như các chuyên mục khác như: Tình Yêu, Giới tính, Sức Khỏe, Làm đẹp… nên việc tạo dựng một cái tít hấp dẫn giúp cho bài báo được lưu ý nhiều hơn. Song không vì thế mà tác giả rút tít giật gân, không ăn khớp với nội dung bài báo hoặc chỉ phản ánh một phần nào đó của nội dung sẽ đề cập tới.
Trong quá trình khảo sát, tác giả nhận thấy rằng, tít của các bài báo có nội dung CCHC thường được “rút” theo cách truyền thống, tức là tít báo phản ánh toàn bộ nội dung cốt lõi của vấn đề sẽ được đề cập. Có thể chỉ ra một số ví dụ như: Sẽ xử lý nghiêm vụ 'Giấy mời nhậu tiễn lãnh đạo đi học'; Thực hiện ngay việc rà soát lại các thủ tục về hải quan; Buông lỏng đất đai, công sản: Nuôi dưỡng tham nhũng; Sẽ có nghị định quy định về 5 nhóm đối tượng công chức; Không lợi dụng tăng lương để tăng giá;Cắt giảm thủ tục hành chính , tiết kiệm 240 tỷ đồng/năm; Doanh nghiệp chê nhà ở xã hội: Vì lời ít, thủ tục nhiêu khê…
Bên cạnh đó các tác giả cũng có những cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật trong việc tạo nên sức hút cho tít bài như: Cơ quan hành chính Hà Nội: Nạn 'cao su' thời gian tái diễn; Đắng cay doanh nghiệp: Đoạn trường ai hay; Lại thủ tục hành chính hành cựu binh; 'Vào' dễ, 'ra' khó; Vẫn hành tới số; Lu bu; Hứa...
Tít bài trên Tạp chí QLNN thường quá dài, thể hiện nội dung tư tưởng của toàn bài. Tít bài thường theo một khuôn mẫu nhất định, không sử dụng các chiêu thức về rút tít hay giật tít như trên báo TPO và các loại báo khác, vì thế sức hút của các tít bài của tạp chí không cao, thường gây cảm giác nhàm chán. Ví dụ: Ứng dụng ba siêu chức năng ngôn ngữ vào quá trình soạn thảo văn bản quản lý hành chính nhà nước; Thẩm quyền tự chủ, tự quyết và thẩm quyền mặc nhiên của cơ quan hành chính nhà nước; Đổi
mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Đổi mới cách tuyển chọn người vào làm việc cho các cơ quan nhà nước; Cải cách hành chính thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở An Giang; Cải cách hành chính ở thành phố Vĩnh Yên; Một số kết quả cải cách hành chính ở huyện Bảo Lạc…
• Sapô
Sapô là lời mào đầu đứng sau tiêu đề và đứng trước nội dung của bài báo. Sapô là một văn bản hoàn chỉnh, có thể gồm một câu, vài câu hoặc nhiều câu, song độ quan trọng không phụ thuộc vào độ dài của nó. Trong báo chí hiện đại, Sapô có xu hướng ngắn gọn hơn, xúc tích hơn nhưng phải dễ hiểu hơn và phải chứa đựng được chủ đề bài báo và tính thời sự của vấn đề.
Sapô là một trong số những yếu tố cấu thành nên chỉnh thể của một bài báo. Về nguyên tắc, không nhất thiết bài báo nào cũng cần phải có Sapô, song Sapô lại chính là yếu tố quan trọng quyết định đến việc níu giữ được hay không con mắt của độc giả đối với bài báo ấy. Sapô càng ngắn gọn, càng xúc tích, càng cô đọng về nội dung của vấn đề thì sức hấp dẫn của bài báo đó càng cao. Trong quá trình truyền tải thông tin CCHC trên báo TPO, Sapô cũng là một trong những yếu tố quan trọng để các phóng viên chuyển tải nội dung cốt yếu nhất của vấn đề cần phản ánh đến với công chúng. Nhìn chung, Sapô được viết khá ngắn gọn, phù hợp với tính chất của một trang báo điện tử, vừa tiết kiệm được thời gian vừa đáp ứng được nhu cầu khái lược thông tin của độc giả. Có thể kể đến một số dạng Sapô được sử dụng trên TPO sau đây:
- Dạng Sapô tóm tắt: Là dạng sapô nêu lên vấn đề cốt lõi nhất có liên quan đến bài viết mà tác giả muốn làm rõ để bạn đọc có cái nhìn khái quát về vấn đề được phản ánh.
+ TP - Tại Thanh Hóa, nhiều năm qua dân vẫn bắt buộc phải đóng góp những khoản phí, lộ phí được Nhà nước bãi miễn cho chính quyền cơ sở.
(Bài: Thanh Hóa: Dân phải đóng lệ phí bị bãi bỏ, ngày 23/3/2009)
+ TP - Từ hôm nay, 1/1/2009, một số chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực như Luật thuế thu nhập cá nhân, người thất nghiệp được trợ cấp 60% lương, nông dân được miễn thủy lợi phí...
(Bài:Nhiều chính sách mới từ hôm nay, ngày 01/01/2009)
+ TP - Gần đây, vẫn lặp lại những ta thán về tình trạng chờ đợi quá lâu, về thái độ và tác phong thiếu chuyên nghiệp của bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính đặt tại 16 Cát Linh, Hà Nội. Đây là nơi liên quan đến ba cơ quan là Sở KH&ĐT, Cục thuế Hà Nội và Công an Thành phố...
(Bài: Trọ quan đêm chờ lấy số, ngày 29/8/2009)