- Các bài viết trích dẫn quan điểm chỉ đạo trong các nội dung CCHC : Thông tin, tuyên truyền về quan điểm của Đảng và Nhà nướcc
2.2.6. Những bài học kinh nghiệm trong CCHC
Những bài học kinh nghiệm trong thực hiện CCHC cũng được quan tâm thể hiện rõ nét trên TPO và Tạp chí QLNN thông qua giới thiệu các mô hình CCHC hiệu quả hay những kết quả CCHC mà các địa phương đã đạt được. Với những bài viết này sẽ là cơ sở để các địa phương, các cơ quan hành chính học tập và phát huy, nhân rộng phạm vi thực hiện để CCHC đạt được những hiệu quả thực tế hơn.
TPO vì những lý do về kiến thức chuyên ngành quản lý nhà nước của phóng viên không sâu nên các bài viết chủ yếu với mục đích đưa tin và giới thiệu. Ví dụ:
+ TPO, ngày 28/11/2009: “Mở lớp tiếng dân tộc Tày - Nùng cho cán bộ công chức”: về việc tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Tày - Nùng cho gần hai trăm cán bộ, công chức, viên chức nhằm trang bị, nâng cao trình độ, hiểu biết tiếng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Đây là một điển hình để các tỉnh miền núi, đặc biệt là các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống học tập theo.
+ TPO, ngày 25/5/2010: “Nam Định: Sáng kiến “5 ngày” của tuổi trẻ công an” đưa tin về cách làm việc hiệu quả của Công an tỉnh Nam Định trong việc trực tiếp xuống địa phương giúp dân làm chứng minh nhân dân và đăng ký xe chỉ trong 5 ngày.
+ TPO, ngày 29/6/2009: “Mô hình “một cửa” hiện đại”: Giới thiệu về Mô hình một cửa hiện đại được thí điểm xây dựng tại Trung tâm hành chính quận Thanh Khê (Đà Nẵng), hoạt động theo phương châm bốn công khai (thủ tục, thời gian, lệ phí và người làm), bốn hiện đại (thiết bị công nghệ, con người, quy trình và phương pháp); ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống mạng LAN, Wifi, camera, màn hình plasma hiển thị thông
tin, và thiết bị chuyên dụng vào quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, công dân.
+ TPO, ngày 05/02/2009: “TPHCM : Muốn xếp hàng chỉ cần nhắn tin”. Giới thiệu việc chạy thử nghiệm hệ thống máy nhắn tin xếp hàng mà qua đó cho phép khách hàng đăng ký lấy số thứ tự xếp hàng thông qua việc gửi và nhận tin nhắn SMS trên điện thoại di động; tự động gửi tin nhắn nhắc nhở khách hàng trước khi đến lượt; cho phép khách hàng xem thông tin trên bảng điện tử từ xa (không cần có mặt tại nơi xếp hàng) thông qua việc gửi và nhận tin nhắn SMS; cho phép khách hàng kích hoạt lại số thứ tự khi bị trễ lượt…
Tạp chí QLNN có lợi thế hơn TPO về đội ngũ nhà báo, cộng tác viên đều là những người có kiến thức vững chắc về quản lý và công tác CCHC cả về lý luận và thực tiễn. Vì thế, những bài viết giới thiệu các mô hình CCHC hiệu quả được đăng trên tạp chí QLNN không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các mô hình mà còn đi sâu vào việc phân tích những ưu điểm, những nhược điểm và hiệu quả của mô hình đó. Nếu những bài báo trên TPO chỉ để cung cấp cho độc giả về tin tức, về quá trình diễn biến của CCHC thì Tạp chí QLNN lại cho họ một cái nhìn vừa tổng thể lại vừa sâu sắc về những mô hình thực hiện CCHC hiệu quả. Trong 17 số tạp chí có 16 bài viết giới thiệu và các mô hình thực hiện CCHC có hiệu quả của các địa phương trên cả nước. Có thể kể đến các bài viết: “Hà Nội: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức” của tác giả Ngô Thị Nhận;
“Một số kết quả CCHC ở Bảo Lạc” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh; “Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” ở Thừa Thiên Huế” của tác giả Lê Thị Hằng… Trong số đó, bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Phi (Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền): “Về mô hình “Một cửa hiện đại liên thông” ở quận Ngô Quyền – Hải Phòng” đăng trên Tạp chí QLNN số 166 (tháng 11/2009) cũng là một ví dụ tiêu biểu.
Tác giả đã giới thiệu chi tiết mô hình “Một cửa hiện đại liên thông” ở địa phương mình như: “được xây dựng theo tiêu chuẩn là một phòng làm việc khang trang được trang bị, lắp đặt các thiết bị hiện đại, đồng bộ như hệ thống mạng, máy tính, máy tra cứu thông tin… Tất cả có đầy đủ tại phòng “Một cửa”, người dân không phải ra ngoài làm các dịch vụ mà được phục vụ chu đáo ngay tại bộ phận “Một cửa”…”; “đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 để chuẩn hoá các quy trình thủ tục, đơn giản hoá quy trình thủ tục giải quyết cho người dân”; và ứng dụng CNTT trong điều hành tác nghiệp, xây dựng Website riêng để chia sẻ thông tin với người dân, cung cấp các dịch vụ công như thông tin về chế độ, chính sách, các thủ tục hành chính, tra cứu hồ sơ… Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra những hiệu quả từ mô hình đó mang lại cũng như đưa ra các bài học kinh nghiệm: Lãnh đạo phải quyết tâm, thống nhất, chỉ đạo quyết liệt và phải làm gương; Lấy con người làm yếu tố quyết định, hệ thống trang thiết bị chỉ là công cụ phục vụ công tác; Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cho lãnh đạo và đội ngũ công chức, tiến hành đào tạo, đào tạo lại, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cần thiết cho công chức; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC…
Ngoài những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện CCHC ở các địa phương mang lại, Tạp chí QLNN còn giới thiệu đến độc giả những kinh nghiệm của các quốc gia khác trong lĩnh vực hành chính nhà nước qua các bài viết: “Kiểm soát tài chính địa phương ở một số nước trên thế giới” của tác giả Nguyễn Thị Thu Vân về công tác quản lý tài chính địa phương ở Mỹ, ở Ai – xơ – len, ở Ba Lan… làm bài học kinh nghiệm cho quản lý ngân sách ở nước ta; Hoặc những kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan… thông qua bài viết của tác giả Nguyễn Văn Trung “Về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ở một số nước”…
Tuy nhiên, trên thực tế không phải độc giả nào cũng muốn tìm hiểu sâu về các mô hình, nếu như điều đó không mang lại cho họ những thông tin không cần thiết. Mặt khác, các ấn phẩm của Tạp chí QLNN chỉ mang tính chuyên ngành, lưu hành chủ yếu và phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước, không có Website để đăng tải bản mềm để công chúng tiện theo dõi. Đây cũng là một trong những hạn chế lớn nhất của tạp chí QLNN. Vì vậy, đa số độc giả chỉ tiếp cận được các thông tin phản ánh, giới thiệu ngắn gọn thông qua các trang báo điện tử mà trong đó TPO là một ví dụ.