g) Xuất khẩu hàng nông sản tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh phát triển.
1.4.1.1 Kinh nghiệm của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam khẳng định rõ ràng rằng: muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và vững mạnh. Trong những năm qua sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phát triển toàn diện, luôn có mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 5%/năm thời kỳ 2006-2010, trong đó nông nghiệp tăng 4,2%; lâm nghiệp tăng 3,1%; thuỷ sản tăng 8%. Kết quả sản xuất một số sản phẩm chủ yếu thời kỳ 2006- 2010 như sau:
- Sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 44,6 triệu tấn, tăng 12,3% so với năm 2006, tương đương 4,9 triệu tấn. Bình quân mỗi năm thời kỳ 2006-2010 sản lượng lương thực tăng 2,4% (trong đó sản lượng lúa tăng 2,2%/năm). Sản xuất lương thực đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và nâng cao lượng xuất khẩu.
- Diện tích lúa năm 2010 ước tính đạt 7513,7 nghìn ha, tăng 2,6% so với năm 2006, tương đương 188,9 nghìn ha. Bình quân thời kỳ 2006-2010, diện tích lúa tăng 0,5%.
- Thời kỳ 2006 -2010, mô hình chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao được phát triển mạnh. Tại thời điểm 01/7/2010, cả nước có 23.558 trang trại chăn nuôi, tăng 42% so với năm 2006. Tại thời điểm 01/10/2010, đàn lợn cả nước tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm 2006; đàn trâu
giảm 0,3%; đàn bò giảm 9,1%; đàn gia cầm tăng 40%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010, đàn lợn giảm 0,04%; đàn trâu giảm 0,06%; đàn bò tăng 1,32%; đàn gia cầm tăng 6,4%.
- Sản xuất lâm nghiệp đã có sự phát triển nhanh theo hướng chuyển từ khai thác sang xây dựng vốn rừng là chủ yếu và đầu tư theo các chương trình, dự án, giao đất lâm nghiệp ổn định lâu dài cho hộ gia đình. Trong thời kỳ 2006- 2010, bình quân mỗi năm diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 215 nghìn ha, tốc độ tăng đạt 7,3%/năm. Sản lượng gỗ khai thác giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 3.602 nghìn m3/năm, mỗi năm tăng 6,2%, nét mới là chuyển khai thác gỗ từ rừng tự nhiên sang khai thác từ rừng trồng là chủ yếu.
- Sản xuất thủy sản tuy gặp không ít khó khăn trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO và việc áp dụng thuế chống bán phá giá hàng thủy sản của Mỹ. Nhưng đây vẫn là sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Sản lượng thủy sản năm 2010 ước tính tăng 37,8% so với năm 2006, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010, sản lượng thủy sản tăng 8,1%. Cơ cấu sản lượng thủy sản thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng từ 45,5% năm 2006 lên 52,8% năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2010 ước đạt 19,15 tỷ đôla Mỹ, tăng 22,6% so với năm 2009, vượt 77,3% so với mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ X đề ra (10,8 tỷ đôla Mỹ). Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (thuỷ sản, đồ gỗ, gạo, cao su, càphê, điều) ước đạt 16,5 tỷ đôla Mỹ, tăng 24,22% so với năm 2009 (thuỷ sản 4,94 tỷ; lâm sản và đồ gỗ 3,63 tỷ; gạo 3,1 tỷ; cao su 2,2 tỷ; càphê 1,5 tỷ; điều vượt mốc 1tỷ).
Những kết quả và thành tựu mà Việt Nam đạt được trong xuất khẩu nông nghiệp có thể làm bài học kinh nghiệm cho sự phát triển nền nông nghiệp nói chung nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Lào cũng như của tỉnh SALAVAN nói riêng.