2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty kiểm toán độc lập
Trong nền kinh tế có xu hướng toàn cầu hóa với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, yêu cầu minh bạch thông tin ngày càng được quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu kiểm toán của khách hàng, số lượng các công ty kiểm toán độc lập ngày càng nhiều gây nên tình trạng cạnh tranh nội bộ ngành kiểm toán. Cùng với sự xuất hiện từ trước đó của các thương hiệu có uy tín trên thế giới như nhóm Big4, hiện nay Việt đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới như BKR International, BDO International, Jeffrey Henry International, INPACT Asia Pacific trên thị trường dịch vụ kiểm toán Việt Nam. Theo đó, ASCO cũng phải chịu áp lực cạnh tranh, tìm mọi cách để mở
rộng khách hàng và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Cơ sở pháp lý về kiểm toán độc lập đang dần hoàn thiện
Cơ sở pháp lý là yếu tố nền tảng quyết định sự tồn tại, phát triển của các ngành nghề nói chung và ngành kiểm toán nói riêng. Tại Việt Nam, luật Kiểm toán Độc lập có hiệu lực ngày 01/01/2012 thực sự vẫn còn mới mẻ đối với các công ty kiểm toán cũng như đối với các KTV. Điều này một phần do các Cơ quan chức năng chưa có những hoạt động cụ thể để tuyên truyền, phổ biến luật cho các KTV, một phần do chính các KTV chưa chủ động tiếp cận với các văn bản luật cũng như chưa quan tâm đúng mức tới các chế tài xử lý.
Ngoài ra, văn bản hướng dẫn thi hành luật Kiểm toán độc lập mới chỉ dừng lại ở Nghị định 17/2012/NĐ-CP; Nghị định này cũng chưa được các KTV tiếp cận một cách thỏa đáng.
Quan điểm về kiểm toán của khách hàng hiện nay vẫn chưa đầy đủ
Chính vì kiểm toán là lĩnh vực mới tại Việt Nam, bản thân các đơn vị khách hàng chưa nhận thức được giá trị của các cuộc kiểm toán nên thường có thái độ thiếu họp tác, thiếu tích cực làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán.
Giới hạn về thời gian, chi phí cuộc kiểm toán
Các đơn vị khách hàng đều muốn hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất với mức phí thấp nhất, từ đó làm giới hạn các thủ tục kiểm toán được thực hiện. Khối lượng công việc quá lớn còn gây sức ép trong quá trình làm việc của các KTV điều này khiến cho các KTV không thể tuân theo đúng các quy trình kiểm toán và quy định của Công ty.
Phần mềm kiểm toán chưa được ứng dụng rộng rãi
Đối với ASCO cũng như các công ty kiểm toán nói chung, việc sử dụng phần mềm kiểm toán tốn nhiều chi phí. Hiện nay, chỉ có một số công ty kiểm toán lớn như Big4, bao gồm Deloitte, Ernst and Young, PWC, KPMG và Công ty TNHH Kiểm toán Vaco có sử dụng phần mềm kiểm toán riêng. Tại ASCO, việc không áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm toán là một trong những nguyên nhân khách quan gây ra những khó khăn nhất định cho công việc kiểm toán BCTC cũng như kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng.
Quan điểm điều hành của nhà quản lý
Trong công tác quản lý, nhà quản lý ASCO đứng trước những áp lực nhất định, trong đó có việc nhìn nhận mối quan hệ giữa thời gian, chi phí kiểm toán với kết quả, độ tin cậy của báo cáo kiểm toán; áp lực trong việc ra quyết định lựa chọn khách hàng kiểm toán; cân nhắc chi phí cho việc thiết kế các thủ tục kiểm soát, việc duy trì và ấn định mức trọng yếu và rủi ro kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán.
Công ty kiểm toán cũng là doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận thu được là yếu tố sống còn và quyết định đến sự phát triển của Công ty. Đạt được mức lợi nhuận kế hoạch cũng chính là mục đích của công ty kiểm toán nhưng đồng thời đây cũng là áp lực đối với nhà quản lý của ASCO. Áp lực này càng lớn, rủi ro trong việc ra quyết định của nhà quản lý càng cao.
Về nhân sự
Cũng như các công ty kiểm toán khác, đối với ASCO, chi phí nhân sự là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại chi phí. Do đặc thù công việc, Công ty thường bận rộn nhất vào mùa kiểm toán, tức là từ tháng 12 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Trong giai đoạn này, tình trạng thiếu hụt nhân sự cũng là điều không hiếm gặp ở các công ty kiểm toán nói chung cũng như tại ASCO nói riêng. Thông thường, KTV phải làm thêm giờ, làm thêm vào thứ bảy và chủ nhật để hoàn thành công việc. Điều này gây áp lực không nhỏ đối với các KTV.
Một vấn đề khác cần đề cập tới là, hiện nay, nghề kiểm toán tại Việt Nam đang dần phát triển, nhưng quy mô và trình độ nguồn nhân lực kiểm toán vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển đó. Các sinh viên mới ra trường tại Việt Nam đều chưa có đủ tự tin về lượng kiến thức cần thiết để tiến hành công việc thực tế, hầu hết đều đều được công ty kiểm toán đào tạo ít nhất là 1 tháng, đó còn chưa kể đến quá trình đào tạo, hướng dẫn trong khi tác nghiệp. Tại ASCO, không kể số lượng ít các KTV với ít nhất 5 năm kinh nghiệm, hầu hết đều là những nhân viên mới. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phân công, sắp xếp công việc cũng như tiến độ hoàn thành công việc nói chung cũng như đối với kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng nói riêng.
Chương 2 – Thực trạng quy trình kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng trong kiểm toán BCTC do Công ty TNHH Kiểm toán ASCO thực hiện đã cho ta thấy toàn bộ quy trình kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng của ASCO được thực hiện tại một khách hàng cụ thể diễn ra như thế nào. Từ đó, ta rút ra được những ưu điểm và hạn chế của quy trình kiểm toán khoản mục phải thu khách hàng của ASCO thực hiện làm tiền đề cho việc xây dựng các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục này ở chương 3.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN PHẢI THU KHÁCH HÀNG TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN ASCO
THỰC HIỆN