Doanh số bảo lãnh và dư nợ bảo lãnh.
- Doanh số bảo lãnh là tổng giá trị các khoản bảo lãnh phát sinh trong năm. - Dư nợ bảo lãnh là tổng giá trị các khoản bảo lãnh của ngân hàng tại một thời điểm.
Doanh số bảo lãnh tăng lên qua các năm cho thấy hoạt động bảo lãnh của ngân hàng đang được phát triển, cũng có nghĩa là chất lượng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng không ngừng được nâng lên. Chất lượng hoạt động bảo lãnh được nâng lên thu hút thêm nhiều khách hàng đến với ngân hàng, nâng cao uy tín của ngân hàng trên thị trường. Doanh số bảo lãnh tăng trưởng đều đặn còn chứng tỏ sự hoạt động ổn định của ngân hàng, đây là một trong các yếu tố góp phần tạo lòng tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, dư nợ bảo lãnh cao đồng nghĩa với mức độ rủi ro sẽ tăng lên, bởi hoạt động bảo lãnh vẫn bao hàm rủi ro như hoạt động tín dụng, rủi ro xảy ra khi ngân hàng phải đứng ra thực hiện thanh toán thay cho khách hàng, nếu tỷ lệ này lớn có thể đặt ngân hàng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu các biên pháp phòng ngừa rủi ro không được thực hiện tốt. Do đó chỉ tiêu dư nợ và doanh số bảo lãnh không phải chỉ tiêu duy nhất phản ánh đầy đủ và chính xác chất lượng hoạt động bảo lãnh. Chất lượng hoạt động bảo lãnh phải được kết luận sau khi kết hợp phân tích nhiều chỉ tiêu khác nữa.
Doanh thu từ hoạt động bảo lãnh.
Doanh thu từ hoạt động bảo lãnh là một chỉ tiêu đánh giá bao trùm hơn cả trong các chỉ tiêu định lượng, là một chỉ tiêu quan trọng vì nó phản ánh khả năng sinh lời của hoạt động bảo lãnh. Một hoạt động chỉ được đánh giá là có hiệu quả khi đem lại thu nhập ngày càng cao cho ngân hàng. Doanh thu bảo lãnh hình thành từ
số phí mà khách hàng trả cho ngân hàng theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền và thời gian bảo lãnh. Nó là tổng số phí mà ngân hàng thu được từ hoạt động bảo lãnh. Cũng giống như doanh số và dư nợ bảo lãnh, doanh thu bảo lãnh tăng trưởng một cách đều đặn phản ánh chất lượng bảo lãnh ngân hàng ngày càng được nâng cao và phát triển.
Ngoài số liệu tuyệt đối còn phải xem xét doanh thu bảo lãnh trong mối quan hệ tương quan với doanh thu từ các hoạt động khác của ngân hàng. Có hai chỉ tiêu tương đối:
Tỷ trọng doanh thu Doanh thu từ hoạt động bảo lãnh
từ hoạt động bảo lãnh = x 100% trong doanh thu dịch vụ(%) Doanh thu từ dịch vụ
Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời và vị trí của hoạt động bảo lãnh trong toàn bộ các hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Tỷ trọng này càng lớn càng chứng tỏ tầm quan trọng của hoạt động bảo lãnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của ngân hàng.
Tỷ trọng doanh thu Doanh thu hoạt động bảo lãnh
từ hoạt động bảo lãnh = x 100% trong tổng doanh thu (%) Tổng doanh thu
Chỉ tiêu này phản ánh vị trí của hoạt động bảo lãnh trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Dư nợ bảo lãnh quá hạn.
Dư nợ bảo lãnh quá hạn là khoản vốn ngân hàng trả thay cho khách hàng đã đến hạn thanh toán, không được gia hạn nợ mà khách hàng vẫn chưa bồi hoàn lại cho ngân hàng.
Dư nợ bảo lãnh quá hạn càng lớn chứng tỏ công tác thẩm định, quản trị rủi ro của ngân hàng không tốt, ngân hàng đứng trước nguy cơ mât vốn. Ngược lại một dư nợ bảo lãnh quá hạn nhỏ chứng tỏ ngân hàng quản lý tốt nguồn vốn của mình, công tác thẩm định, kiểm tra đánh giá tốt. Người ta cũng xem xét chỉ tiêu này trong mối quan hệ với doanh số bảo lãnh trong năm.
Doanh số bảo lãnh quá hạn
Tỷ lệ bảo lãnh quá hạn (%) = x 100% Doanh số bảo lãnh
Chỉ tiêu này cho biết tỷ trọng doanh số bảo lãnh quá hạn trong tổng doanh số bảo lãnh, tỷ lệ doanh số bảo lãnh đã phát sinh rủi ro. Tỷ lệ này càng thấp là biểu hiện của một hoạt động bảo lãnh có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, nếu khoản nợ bảo lãnh quá hạn phát sinh từ một khoản bảo lãnh từ năm trước thì tính chính xác của chỉ tiêu này không được đảm bảo do một phần dư nợ bảo lãnh quá hạn năm nay do nợ quá hạn từ năm trước để lại. Do đó để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động bảo lãnh trong năm người ta xem xét thêm một số chỉ tiêu khác như: cơ cấu dư nợ bảo lãnh quá hạn theo thòi gian, cơ cấu doanh số bảo lãnh theo thời gian,...
Tóm lại, ở chương 1 nghiên cứu những lí luận chung nhất về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng để làm nền tảng đánh giá hoạt động của ngân hàng trong chương 2. Và dù cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng được thực hiện theo tiêu chuẩn chung nhất thì trong thực tế với nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau khi vận dụng, thực thi nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng, các ngân hàng đã gặp phải rất nhiều rủi ro khác nhau, đó cũng chính là những nhân tố tác động tới bảo lãnh ngân hàng.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN CHI NHÁNH