Hơn hẳn với các ngân hàng khác BIDV Ninh Thuận đã xây dựng cho mình một chính sách rất chi tiết về hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Song qua thời gian
thực hiện, Chi nhánh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Vì thế, hoạt động của Chi nhánh cần được điều chỉnh theo hướng sau:
Thứ nhất, nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng còn khá mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam nên không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về thông tin trước khi đến với ngân hàng. Để rút ngắn thời gian giải thích cho khách hàng về hồ sơ cũng như trình tự thực hiện, Chi nhánh có thể thông tin trên website, hướng dẫn rõ ràng cụ thể về yêu cầu cho từng loại bảo lãnh hoặc phát hành những tờ rơi để phổ biến quy trình nghiệp vụ bảo lảnh, như vậy khách hàng vừa có thời gian nghiên cứu kỹ yêu cầu của ngân hàng và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đến ngân hàng, cán bộ bảo lãnh đỡ mất thời gian.
Thứ hai, chi nhánh cần mạnh dạn hơn khi đưa sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng. Đặc biệt đối với những khách hàng có uy tín, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, Chi nhánh đẩy mạnh hơn nữa việc bảo lãnh cho khách hàng dưới hình thức tín chấp. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và ít nhiều khuyến khích khách hàng đến với các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng.
Thứ ba, chi nhánh cần có chính sách phân loại khách hàng phù hợp thông qua việc xếp hạng tín dụng riêng biệt cho nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó, ngoài những tiêu chí phân loại khách hàng như tiềm lực tài chính, khả năng kinh doanh uy tín của khách hàng, Chi nhánh nên đưa mức độ rủi ro riêng của từng loại bảo lãnh thành một tiêu chí phân loại khách hàng. Từ đó việc đưa ra mức ký quỹ phù hợp với từng khách hàng vừa bảo đảm an toàn cho ngân hàng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch bảo lãnh. Tăng cường thêm nhân viên chuyên trách thẩm định bảo lãnh để công tác thẩm định được nhanh chóng và giảm thiểu rủi ro.