“Ngôn ngữ, dó chính là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính
đặc trưng của văn học” [10, tr 148]. Ngôn ngữ không chỉ là sự cụ thể hóa, vật
chất hóa chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện mà còn là cái vỏ của tư duy, là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sự dụng trong quá trình chuẩn bị, sáng tạo tác phẩm. Nó cũng là yếu tố đầu tiên xuất hiện trong quá trình tiếp xúc giữa người đọc và tác phẩm. Giọng điệu của tác phẩm vì thế cũng chính là giọng điệu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn học luôn đòi hỏi có tính chính xác, tính hàm súc và tính hình tượng song ở mỗi loại tác phẩm, ngôn ngữ lại có những biểu hiện khác nhau về sắc thái, mức độ. Mỗi loại tác phẩm cũng có những đặc trưng ngôn ngữ riêng. Và trong mỗi một thời đại, hoàn cảnh lịch sử khác nhau sẽ chi phối, tạo ra một ngôn ngữ, giọng điệu riêng. Ngôn ngữ truyện ngắn, trước 1975 là ngôn ngữ đơn thanh, có tính sử thi; sau 1975 là ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ đa thanh với sự tồn tại của nhiều loại hình ngôn ngữ, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại…
Do mục đích phản ánh cuộc sống, con người đời thường, phong phú, đa dạng với đủ mọi sắc thái, cung bậc của cảm xúc, tính cách, vui buồn, tốt xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, văn học thời đổi mới cũng thật hơn, đời hơn, nhân bản hơn. Lẽ đương nhiên, khi có sự gần gũi, gắn bó với đời sống, ngôn ngữ văn học cũng thật hơn, đời hơn, thậm chí suồng sã, bỗ bã. Điều đó cũng có nghĩa là, nó sẽ bớt đi, gia giảm đi sự óng ả, trau chuốt, mềm mượt. Theo dõi đời sống truyện ngắn hôm nay và tác phẩm của các nhà văn nữ, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Với lối văn táo bạo, sắc sảo có vẻ căng thẳng, gay cấn
“Mày là thằng đàn ông bẩn thỉu nhất trên đời mà tao gặp. Số tao ăn mày nên vớ phải thằng cha căng chú kiết như mày. Còn bố thì lẩm bẩm: Sao mày lại có thể vô liêm sỉ đến thế nhỉ. Không có tao, mày có sống được thế này không?
Tao thương con bé nên ở cố với mày chứ tao lấy đâu chẳng được gái mười
tám” (Phù thuỷ). Thu Huệ đặt người đọc vào một tình trạng cũng căng thẳng
không kém các nhân vật, buộc họ phải trăn trở, lo lắng, nhiều khi thấy tỉnh táo, nhận ra đằng sau những câu chữ, lời nói bặm trợn kia là cả một nỗi niềm khao khát hạnh phúc đời thường, giản dị của những người phụ nữ. Ở nhiểu tác phẩm khác, ta cũng bắt gặp sự đồng cảm, chia sẻ, cảm thông của chị đối với các nhân vật nữ, thông qua một lối ngôn ngữ đầy chất đời thường “Anh không đón tôi, mắt tôi bắt đầu cay. Đây là nơi nhiều người qua lại, tôi cố nhịn chứ phải chỗ vắng vẻ, có lẽ tôi khác từ lâu rồi. Sai cũng khóc. Tranh luận để đúng về mình cũng khóc. Bực cũng khóc. Nói chung. Tôi là đứa kém
bản lĩnh” (Biển ấm)
Ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư cũng đời thường, giản dị nhưng lại đậm chất Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, cái độc đáo của chị chính là sự chân chất mộc mạc. Song nét mới mẻ, cuốn hút người đọc lại là cách sử dụng các phương ngữ Nam Bộ làm tái hiện lại một miền Nam của tỉnh lẻ, của ruộng vườn, và nhất là của sông, của mưa (Dòng nhớ, Nhớ sông, Nước chảy
mây trôi, Cánh đồng bất tận...). Đó là miền Nam đã thái bình nhưng vẫn còn
dấu vết của chiến tranh – không ở sự điêu tàn của bom đạn mà ở những vết thương lòng trong đời người (Ngọn đèn không tắt, Mối tình năm cũ)
Đọc những câu văn của chị, ta cũng nhận ra không chỉ tâm tình của người phụ nữ miền Tây, mà ta còn nhận ra cả sự đồng điệu giữa những người đồng giới “Trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Mớ đồ này tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi . . . tôi còn giữ lại bao nhiêu đay thôi, chị coi) tôi khùng hôn, không giặt lại thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi…”
(Dòng nhớ); hay “Tôi hết biết tả. Tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh
mông, chảy từng giọt như nước mắt” (Cánh đồng bất tận)...
Trần Hữu Dũng trong bài viết Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền Nam đã viết: “Nhiều người nghĩ rằng, nói chung, văn chương miền Nam không thể so được với sự chỉn chu truyền thống thống của văn chương miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Ngọc Tư sẽ làm cho người đó phải nghĩ lại. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, họ sẽ khám phá rằng, nếu dùng đúng chỗ, trong tay một tác giả cẩn trọng, phương ngữ mộc mạc miền Nam, giọng điệu dân dã miền Nam hoàn toàn có khả năng cấu tạo một nhánh văn chương đặc biệt, không giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác. Mỗi truyện viết của Nguyễn Ngọc Tư là một bữa ăn văn chương thịnh soạn, dọn bày chu đáo, gồm toàn
đặc sản miệt vườn với những vật liệu hảo hạng, tươi sống” [22].
Võ Thị Hảo với nét sắc sảo trong việc tổ chức cốt truyện kỳ ảo đã thể hiện tác phẩm bằng một loại ngôn ngữ mang màu sắc hư ảo tượng trưng, thể hiện rõ sự chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và thế giới tâm linh kỳ bí.
“Trên bãi lầy gần biển có một khoảng đất mọc đầy sú, vẹt. Có một hôm, đất chỗ đó sủi lên, có một người thoát ra từ chỗ đó. Người đàn bà đầu tiên”
(Hành trang của người đàn bà Âu Lạc); “Tôi nhón chân trên đồi giày thiếu
nữ đi vào vườn yêu. Tôi bận trên người cũng một thứ quần áo bằng giầy
không sột soạt, lóng lánh và nhẹ bỗng” (Vườn yêu). Hư ảo, giả giả mà thật
thật đã tạo nên một sức hấp dẫn, cuốn hút riêng của văn chị đối với người đọc. Như tôi đã nói ở trên, truyện ngắn thời đổi mới chứa đựng một dạng ngôn ngữ đa thanh, kết hợp xen kẽ ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại với ngôn ngữ người kể chuyện. Nhân vật người kể chuyện đã thể hiện rõ cái tôi, nét cá tính riêng vô cùng tự tin, táo bạo, bất chấp dư luận, định kiến xã hội về công dung ngôn hạnh. Ví dự như trong Huyền thoại, Thu Huệ
viết “Sang năm, tôi bắt đầu nói dối, để vào với anh. Và anh. Dám lắm. Cũng nói dối, để chở tôi đi ăn, đi mua đồ, và tối cuối cùng trước ngày tôi về, cũng
đi khắp Sài Gòn bằng bốn lít xăng” bất chấp sang năm, có thể mỗi người đã
có một gia đình riêng... Trong nhiều truyện ngắn của chị cũng như Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, ta đều bắt gặp điều này. Các nhân vật luôn tự tìm cách vượt mình lên trên hoàn cảnh, đó là điều các cấy bút nữ luôn muốn nhấn mạnh.
Một điều đáng lưu ý nữa là, ngôn ngữ của người kể chiếm một lượng lớn trong các truyện ngắn là ngôn ngữ độc thoại, nhân vật tự phơi bày những suy tư thầm kín. Mạch ngầm của cảm xúc cứ thế chảy dài trên trang viết thể hiện những cảm nhận tinh tế, sâu lắng của những tâm hồn văn chương nhạy cảm, giàu nữ tính về người đồng giới. Nếu người kể đứng ở ngôi thứ nhất là nhân vật chính của tác phẩm thì người kể ở ngôi thứ ba sẽ có vai trò như nhân vật biết tuốt, nắm bắt được mọi diễn tiến của nhân vật và câu chuyện.
Sự chuyển đổi quan niệm nghệ thuật về con người, sự biến chuyển của ngôn ngữ truyện ngắn, tất sẽ kéo theo sự thay đổi giọng điệu. Nếu trước năm 1975, chủ âm trong các sáng tác truyện ngắn là ngợi ca hào hùng thì sau 1975, chủ âm trong các truyện ngắn nữ là giọng nữ tính, là thiên tính nữ. Thiên tính nữ là tinh thần của cái đẹp nên các nhân vật nữ dù được đặt trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện được sự bứt phá, vươn mình tới cái chân - thiện - mỹ. Không như các nhà văn trước 1975 luôn cố tình lảng tránh vấn đề con người, nếu có đề cập cũng chỉ sơ lược, thoáng qua, thì nay các nhà văn nữ đã mạnh dạn tự mổ xẻ mình, phơi bày trên trang giấy một đời sống tâm trạng phong phú, giàu cảm xúc của người phụ nữ.
Thu Huệ với một hệ thống ngôn ngữ đời thường táo bạo, dẫn đến một giọng điệu giàu chất đời, vô cùng phong phú, đa dạng, táo bạo, mạnh mẽ,
song cũng không kém phần dịu dàng của nữ tính. Thẳng thắn khì miêu tả một gương mặt đàn ông “Mặt chàng gày, da xanh tái mỏng, môi chàng thâm vì
rượu, những cái râu mọc xiên xẹo không hàng lối” (Tình yêu ơi, ở đâu). Dịu
dàng khi viết về những rung động, xúc cảm ấm áp của người phụ nữ “Khi những ánh nắng ban mai đầu tiên thấp thoáng qua tán lá cây cũng là lúc bà tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn chập chờn. Bà đi ra cửa, bàng hoàng khi thấy tất cả ngoài vườn nhuộm màu vàng rượi của nắng cuối thu. Những luồng nắng bống rực lên, như muốn thiêu đốt tất cả bằng sự cháy sáng của mình. Bà cảm thấy một ngày mới đã bắt đầu và những gì khủng khiếp của ngày hôm
qua của ông với bà cũng đã qua” (Mùa thu vàng rực rỡ). Xót xa khi viết về
những đau khổ, bất hạnh: Xin hãy tin em, Hậu thiên đường, Giai nhân...
“Văn của Nguyễn Ngọc Tư nghe như nhạc, nhiều câu trong trẻo, buồn
(nhưng không nghẹn ngào) như một bản vọng cổ hoài lang” [22]. Văn buồn
nhưng Ngọc tư không hề muốn người đọc buồn theo cô, mà ngược lại cô muốn gửi gắm một niềm tin yêu hi vọng ở cuộc sống. “Mãi đi thấm không mở lời được, chỉ khóc là khó, nức nở ồ ồ, nhìn cảnh mọi người xúc động, hỉ mũi rột rẹt, nhưng không ai bước ra dỗ cho dì nín Cho đến khi ông Mười xuất hiện ông bảo: Mấy chú làm ơn dừng lại một chút, rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thầm, dì như trẻ con, lau khô rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn lại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì rì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm,
xót lắm” (Mối tình năm cũ). Hay trong Nhà cổ: “Nhưng không phải buồn
Phương lấy vợ, tôi buồn vì chiều nay, Nhân phủ đã sụp đổ trong lòng…”.
Những nỗi buồn, những tiếng khóc ào ào như cơn mưa miền Nam, thoáng đến rồi thoáng đi, để rồi nắng sẽ lên, tâm hồn sẽ tươi tỉnh, nghị lực sống sẽ dâng tràn…
Võ Thị Hảo lại mang đến cho người đọc một không gian thấm đẫm màu sắc huyền ảo. Với giọng văn mượt mà pha lẫn chất thơ khi đan xen, kết hợp một cách độc đáo các yếu tố thực, nhiều khi dung tục với các yếu tố kỳ ảo, truyện ngắn Võ Thị Hảo mang dáng dấp của những câu chuyện truyền kỳ
PHẦN KẾT LUẬN
Nhà văn Anh J. Ruskin từng nói: “Hãy sống cho công khai, cởi mở. Ở đâu còn bưng bít là ở đó còn tội ác và hiểm họa. Những gì tốt đẹp và an lành của đời sống con người đều trực tiếp phụ thuộc vào thái độ công khai cởi mở ấy” [20, tr 36]. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực. Một tác phẩm văn học chân chính phải trực tiếp đề cập đến vấn đề con người, vì con người mà lên tiếng. Và tất nhiên một nội dung hấp dẫn, sinh động phải được xây dựng trên cơ sở một hình thức sáng tạo, có tính nghệ thuật. Mặt khác, đó không thể là một tác phẩm hời hợt, để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc mà phải tạo được ấn tượng, dư âm, ám ảnh người đọc về một hiện thực cuộc sống xã hội, con người và thời đại.
1. Ngay khi Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới vào năm 1986, văn học nghệ thuật đã nhanh chóng hưởng ứng hết sức mạnh mẽ, đường lối đổi mới và thực thi ngay tư tưởng đổi mới trong các sáng tác. Dần dần văn học đã có thêm những tác giả, tác phẩm mới, có thêm những đặc điểm về phong cách và nội dung. Văn xuôi đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt trong khả năng bao quát và phản ánh hiện thực đời sống con người và thức tỉnh lương tri nhân loại. Đây thực sự là thời của văn xuôi, “thời của tiểu
thuyết”, “thời của truyện ngắn”
Truyện ngắn thời đổi mới đã có được những thành tựu đáng lưu ý nhờ vào sự bổ sung kịp thời của nhiều thế hệ bén duyên với truyện ngắn. Trong sự bén duyên đó, có một lực lượng đông đảo là các nhà văn nữ: Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Y Ban, Trần Thanh Hà, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư... Truyện ngắn đã thực sự thể hiện mình là một thể loại năng động, có khả năng tạo dựng được không khí đời sống thời đại, thâm
nhập vào thế giới nội tâm con người và tạo nên được những khoái cảm thẩm mỹ tốt đẹp. Người ta đã dành cho truyện ngắn nói chung, truyện ngắn của các nhà văn nữ nói riêng những lời ca ngợi tốt đẹp: có sức sống, có sự thăng hoa, có sự lên ngôi... Các cây bút nữ với tất cả sự trải nghiệm tinh tế, sâu lắng của một tâm hồn dịu dàng, mềm mại khi viết về người đồng giới đã để lại trong lòng người đọc một sự ám ảnh, một sự cuốn hút bới sức hấp dẫn của văn chương phụ nữ, tâm hồn phụ nữ: yêu thương, hướng thiện, vị tha, giàu đức hy sinh. Trong bất kỳ một hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nào, người phụ nữ hôm nay luôn tỏ ra mạnh mẽ, tự tin, bày tỏ rõ chính kiến với các vấn đề tốt, xấu, tìm cách vươn lên đón nhận niềm vui, hạnh phúc. Người phụ nữ trong xã hội hiện đại không còn bị chi phối bởi những quan niệm công dung ngôn hạnh truyền thống, họ đã dám phơi bày cái tôi bản ngã và những khao khát đời thường trên trang giấy. Viết về những điều này, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư muốn bày tổ một niềm chia sẻ, cảm thông sâu sắc với con người và cuộc đời, khẳng định giá trị nhân đạo muôn đời của văn học.
2. Các nhà văn nữ viết về người phụ nữ với phương châm tự giãi bày, tự ăn mình nên văn chương phái nữ dễ dàng đón nhận sự chia sẻ, đồng cảm của người đọc. Những người con gái, những người phụ nữ trước ngưỡng cửa của tình yêu, cuộc sống, luôn thể hiện rõ một trạng thái tâm lý khao khát, ham muốn, dâng hiến không bao giờ suy giảm. Không còn hình ảnh những người phụ nữ thụ động mà chủ động, tìm kiếm, đón nhận hạnh phúc, chủ động giãi bày tâm sự, nỗi niềm, mong nhận được sự chia sẻ cảm thông của người đời.
Vấn đề nào của người phụ nữ cũng được các tác giả trình bày một cách rõ ràng, hấp dẫn, bằng một hình thức nghệ thuật sinh động, mới mẻ, cuốn hút như chính tâm hồn người phụ nữ nói riêng, tâm hồn người Việt Nam nói chung, nhân ái, yêu thương, luôn khao khát một hạnh phúc đời thường giản dị.
3. Hình tượng người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới qua các sáng tác của các nhà văn nữ, đã được khắc hoạ sâu đậm thông qua số phận của những người phụ nữ cụ thể trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Từ những cô bé mới lớn nhưng tò mò khao khát tìm hiểu cuộc sống, tình yêu, từ những người phụ nữ luôn ôm ấp trong lòng một tình yêu thầm lặng, hy sinh, đến những người phụ nữ táo bạo, mạnh mẽ, dũng cảm, chấp nhận thử thách…. Tất cả đều được tái hiện trong sự giằng co phức tạp của tâm lý con người đan xen tốt với xấu, vị tha với ích kỷ…. Đề tài người phụ nữ thực sự là một đề tài hấp dẫn, mà bao nhiêu bút mực cũng không thể nào khai thác hết
bởi “Con người là một thế giới bí ẩn, tôi tìm hiểu điều bí ẩn ấy vì tôi muốn