Trong giai đoạn hiện nay, những đặc trưng về thể loại không còn là sự trói buộc chặt chẽ đối với nhà văn. Là một thể lại năng động, truyện ngắn hôm nay được triển khai với một cách thức, phương pháp linh hoạt, phong phú, đa dạng hơn. Giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, xét về lý thuyết, hai thể loại này cũng có những nét tương đồng tất yếu, song cũng có những đặc trưng riêng khó trộn lẫn về kết cấu, cốt truyện cách thức xây dựng nhân vật ... Trong truyện ngắn, “Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ảnh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong mối quan hệ qua lại của
chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [10, tr 137]. Theo các
nhà nghiên cứu, cốt truyện được chia làm ba giai đoạn chính: mở đầu, cao trào, kết thúc. Tuy nhiên, do quy luật sáng tạo văn học và nhất là do yêu cầu thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm, không nhất thiết bất cứ cốt truyện nào cũng sắp xếp theo đúng trình tự tự nhiên trong đời sống của chúng. Trong thực tiễn sáng tác truyện ngắn, các nhà văn thường chú ý đến hai khâu trong quá trình xây dựng cốt truyện: chi tiết và đoạn kết. Theo Nguyễn Công Hoan chi tiết “ví như từng bánh xe trong bộ máy” “Những chi tiết ấy là những hòn gạch xây nên bức tường, nền tường ấy bằng gạch, không nên pha thêm gỗ,
thêm đã vào” [9, tr 356]. Và kết thúc được ví như một “cú đấm nghệ thuật”
tạo ấn tượng duy nhất và mạnh mẽ đến người đọc...
Xoay xung quanh vấn đề cốt truyện, trước 1975, cốt truyện ít nhiều chịu “áp lực của sử thi” vì mục tiêu phản ánh cái chung, cái cao cả của đất nước trong công cuộc kháng chiến kiến quốc nên cái riêng cũng ít được đề cập. Sau 1975, trong không khí của thời bình, con người có nhu cầu được
quan tâm đến bản thân nhiều hơn, đời sống riêng tư với nhiều khía cạnh cung bậc của cảm xúc, ham muốn, khát vọng đã đi vào văn học và truyện ngắn, tạo cho truyện ngắn có một sự chuyển biến rõ rệt. Từ sự thay đổi trong nội dung, tổ chức cốt truyện cũng có nhiều thay đổi. Có tổ chức cốt truyện tâm trạng, tổ chức cốt truyện kỳ ảo, tổ chức cốt truyện phi kết cấu, tổ chức cốt truyện phản ánh hiện thực đương đại...
Các nhà văn nữ với sự mềm mại, dịu dàng của cá tính đã mang lại văn học thời đổi mới một không khí mới mẻ, hấp dẫn đặc biệt với thể loại truyện ngắn. Viết về người đồng giới, các cây bút nữ đã tỏ ra ưu thế, thế mạnh riêng trong việc tìm hiểu, đánh giá đời sống tâm tư, tình cảm và những khát vọng thầm kín. Khảo sát, thống kê cách thức tổ chức cốt truyện trong các sáng tác truyện ngắn viết về người phụ nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi thấy nổi lên hai cách thức: tổ chức cốt truyện tâm trạng và tổ chức cốt truyện kỳ ảo. Mục đích của việc làm này là nhằm làm rõ vẻ đẹp riêng, hương sắc riềng của người đàn bà trong văn nghiệp, trên trang viết cũng như trong đời sống.
2.1. Tổ chức cốt truyện tâm trạng:
Tổ chức cốt truyện tâm trạng, thường được các nhà văn triển khai theo phương pháp dòng ý thức. Đặc điểm cơ bản của phương pháp này là thiên về tả tâm lý, lấy đó làm cơ sở của tác phẩm. Các sự kiện được miêu tả một cách dàn trải, không có điển nhấn. Nhân vật ít hành động. Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Từ đều có những tác phẩm tiêu biểu. Mùa đông
ấm áp, Hậu thiên đường, Cầu thang, Cát đợi, Người xưa ...của Nguyễn Thị
Huệ; Người sót lại của rừng cười, Tiếng vạc đêm, Vườn yêu, Tim võ, Con
dại của đá....của Võ Thị Hảo; Nửa mùa, Giao thừa, Cải ơi, Ấu thơ tươi
đẹp.... của Nguyễn Ngọc Từ. Vì được viết theo cách tổ chức cốt truyện tâm trạng nên những dòng tâm sự, những nỗi niềm trăn trở suy tư của nhân vật đã
góp phần làm mờ đi ranh giới của các chi tiết, sự kiện. Nên lẽ đương nhiên, ấn tượng đọng lại sâu sắc nơi người đọc là những giây phút xao động của tâm hồn người phụ nữ, trái tim người phụ nữ. Bắt đầu, kết thúc tác phẩm đều là những dòng tâm trạng, những suy tư, trải nghiệm sâu sắc về con người, cuộc sống, bản thân.
Thành phố không mùa đông của Nguyễn Thị Thu Huệ viết về tâm sự
của một cô gái mới lớn trước sự rạn nứt của gia đình. Đang ở Sài Gòn, vừa bắt đầu một cuộc sống tự lập, không người thân, không niềm vui tình ái thì cô nhận được tin li dị của cha mẹ. “Lâu nay, bố mẹ sống vì con, giờ con lớn rồi,
lại xá nhà, bố mẹ không thể kéo dài cảnh sống này” [6, tr 291]... Cứ thế,
những dòng đối thoại, độc thoại được tái hiện trong một tâm trạng không rõ ràng. Vui vì những kí ức ngọt ngào đã trôi qua. Buồn vì thực tế phũ phàng quá. Biết bao câu hỏi được đặt ra “Tại sao lại chia tay, tại sao lâu nay sống vì tôi cơ chứ ? Họ đã chả yêu thương nhau, lấy nhau và sinh ra tôi đấy sao?”
[6, tr 292]. Niềm tin về một gia đình hạnh phúc viên mãn sụp đổ làm dấy lên trong cô một cảm giác trống vắng, miền man, thất vọng. Không phải là bố mẹ thực sự quan tâm, yêu thương nhau, lo lắng cho nhau. Cũng không còn cái dĩ vãng mà ở đó, cái gì tôi cũng có từ những hạt ngô rang đến những bữa cơm xì xụp chan húp. Cố thiết tha mong mỏi bố mẹ được hạnh phúc, sum vầy. Song bằng sự trải nghiệm của một người trưỏng thành, cô hiểu sâu sắc “Bố và mẹ ơi, cho dù bố và mẹ có vì con mà mất tất cả thì bây giờ, bố và mẹ xó đi tìm
những cái đã mất là bố mẹ lại mất thêm một lần nữa đấy” [6, tr 301]. Kết
thúc tác phẩm là một dòng hoài niệm, trăn trở mang đầy suy tư, khao khát, và nghị lực sống mạnh mẽ, kiên cường của một người con gái cứng cỏi, đáng thương...
Trong những cốt truyện tâm trạng như thế này, tình huống truyện cũng là tình huống tâm trạng vì mọi vấn đề đều được tái hiện trong sự hồi tưởng
của nhân vật. Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ diễn tả một trạng thái tâm lí vô cùng đặc biệt của một người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu với tất cả sức hấp dẫn, mê hoặc của nó đã cuốn hút cô gái vào một sự si mê, tôn thờ mù quáng. Biết anh đã có một gia đình hạnh phúc, cô vẫn sẵn sàng dâng hiến, mê muội, thờ cúng anh một cách thành kính, “Tôi cúng vái nó mỗi khi chiều đến sương giăng khói toả vào đông... Tôi thờ tình yêu của mình bằng những bản
nhạc dĩ vãng” [6, tr 457]. Và cứ thế từng ngày trôi qua, hiểu sâu sắc “Tôi là
kẻ đến chậm”, cô vẫn chấp nhận hi sinh, vẫn chấp nhận đợi chờ, tiếc nuối, hi
vọng....
Tóm lại: Sự hồi tưởng giúp nhân vật nhớ lại những giây phút của một dĩ vãng buồn, vui. Cũng chính sự hồi tưởng giúp người phụ nữ nhận thức rõ hơn sự trải nghiệm của cuộc đời.
Tình huống truyện có thể bắt đầu bằng sự hồi tưởng của nhân vật, song cũng có thể bắt đầu bằng sự trăn trở trong nội tâm nhân vật. Truyện ngắn Vũ
điệu địa ngục của Võ Thị Hảo tái hiện một cuộc vật lộn căng thẳng của con
người với cuộc sống mưu sinh. Thuỳ Châu, một cô gái trẻ mới ra trường khi phải đối diện với cuộc sống xã hội nhiều cạm bẫy đã vô tình bị xô đẩy, chà đạp, lợi dụng. Để đến khi biết mình chẳng còn gì, lại mắc bệnh suy tuỷ, cô đã quyết định tự huỷ hoại bản thân. Trong lá thư tuyệt mệnh, cô xin được chôn trong chiếc áo dài trắng tinh khiết, để dù không còn trong trắng, cô vẫn có được đội cánh của thiên thần để lên thiên đường. Truyện kết thúc gây lên nỗi đau đớn, xót xa, tiếc nuối của một người mẹ mất con, của bao nhiêu người đọc đồng cảm với nỗi đau của cô...
Người sót lại của rừng cười cũng thế, rời khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, Thảo không bao giờ quên những cái cười méo mó man dại của một thời. Trải qua thời bom đạn, khổ sở, thiếu thốn, Thảo hiều hơn ai hết giá trị
của cuộc sống. Hơn các chị cùng tiểu đội, được trở về sống cuộc sống thời bình nhưng Thảo lại thấy mình xa lạ, lạc lõng, khó nhập cuộc với người yêu, với mọi người. Tình huống truyện đẩy Thảo vào một cảm giác bất an, sợ hãi. Cô quyết định ra đi như “Một loài yến huýet ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên chiếc tổ màu hồng qúy giá. Rồi khi sức tàn lực kiệt, chim yến nhỏ bay vút lên không trung, lao minh vào vách đá nhọn hoắt cho ngực vỡ nát” [4, tr 106]. Câu chuyện làm sáng ngời trên trang giấy Võ Thị Hảo một tâm hồn, một nhân cách Việt Nam vị tha, giàu đức hi sinh...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa có những câu chuyện viết theo dòng hồi tưởng của nhân vật, vừa có những câu chuyện làm rõ sự trăn trở của nội tâm.
Cải ơi, Giao thừa, Ấu thơ tươi đẹp, Nửa mùa... là tâm trạng của những người
phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh éo le, trắc trở của cuộc sống. Đứng trong nhoàn cảnh hiện tại, gặp những tác động của cuộc sống, tâm hồn người phụ nữ nhạy cảm, dễ rung động... đã thao thiết một nỗi buồn thương, khao khát hạnh phúc. Diễm thương trong Cải ơi, dù không là nhân vật trung tâm của câu chuyện nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc một ấn tượng xót xa, thương cảm. “Còn tui, người ta đã quăng ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại
tìm, tui chờ hoài ....” [7, tr 11]. Rồi một ngày khi báo đài lao vào chụp hình,
quay phim đám tiếp viên nhà hàng, người ta che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm thương là điềm nhiên trơ mặt ngó. “Cái nhìn đó như dấu hỏi nao lòng, tôi đây
nè mà ba má ở đâu? Có nhận ra tôi không? Có nghe đau lòng?” [7, tr 12].
Tình huống truyện bộc lộ niềm khao khát cháy bỏng về một mái ấm gia đình. Cũng làm rõ tâm trạng một cuộc đời đơn côi, lẻ bóng trong đời .... Viết ra những điều này, Võ Thị Hảo muốn bày tỏ một sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những kiếp người nhỏ bé, đáng thương, khẳng định giá trị nhân đạo của các cây bút nữ ở thể loại truyện ngắn.
2.2. Tổ chức cốt truyện kỳ ảo:
Suốt một thời gian dài, trung tâm chú ý của giới nghiên cứu phê bình và phấn nào của cả giới sáng tác là mối quan hệ giữa văn học và chính trị.
“Phục vụ chính trị”, ca ngợi cuộc kháng chiến của toàn dân tộc là nhiệm vụ
chính của văn học ta trước 1975. Nhờ cảm hứng anh hùng cách mạng, nhờ lí tưởng của con người và sự chân thành của người nghệ sĩ đã mang lại cho văn học những tác phẩm có giá trị như: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc,
Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Mảnh Trăng cuối rừng của Nguyễn
Minh Châu ... Song do hoàn cảnh thời đại, các nhà văn chỉ có điều kiện để quan tâm đến cái chung nhiều hơn cái riêng, vấn đề con người chưa thực sự có được những vị trí quan tâm xứng đáng. Con người có được nhắc đến vẫn là con người tập thể, con người nhân dân, chứ không phải là con người cá nhân. Và đương nhiên con người chỉ được quan tâm ở khía cạnh sức mạnh, ý chí, chứ không phải là nỗi cô đơn, yếu ớt, mong manh – cái cô đơn trong vinh quang và quyền lực trong cả những phút giây hạnh phúc, cái cô đơn của những con người dám nghĩ, dám làm. Sự cô đơn, yếu đuối ấy không phải lúc nào cũng là biểu hiện cảu sự hèn nhát mà còn là dấu hiệu của cái đẹp, của một tâm hồn dịu dàng, phong phú...
Sau 1975, đề tài của văn học là mọi vấn đề của cuộc sống, và con người cá nhân với những trạng thái tâm tư tình cảm phức tạp đã trở thành đối tượng quan tâm hàng đầu của văn học. Vì thế vấn đề con người cũng trở thành vấn đề trung tâm của văn học. Để làm rõ thế giới tinh thần phong phú, đa dạng của con người, các nhà văn đã tận dụng sự linh hoạt trong cách tổ chức cốt truyện kì ảo, tạo nên sự phong phú, đa dạng, mới mẻ của truyện ngắn thời đổi mới, dựa trên cơ sở của trí tưởng tượng phong phú về thế giới tiâm linh bi ấn, trừu tượng.
Với các nhà văn nữ, yếu tố kì ảo đã trở thành một phương tiện để phản ánh quan niệm về thế giới, cả thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Viết về thế giới tâm linh bí ẩn, các nhà văn muốn bày tỏ một niềm tin vào sự tồn tại của một thế giới khác, một lực lượng siêu nhiên khác. Chúng ta bắt gặp tổ chức cốt truyện kì ảo chủ yếu trong các sáng tác truyện ngắn của nữ nhà văn đa tài Võ Thị Hảo. Goá phụ đen, Hồn trinh nữ, Tim vỡ, hành trang của người
đàn bà Âu lạc, Vườn yêu... được coi là những tác phẩm tiêu biểu.
Trong thế giới tâm linh, không gian được xác định ở chiều thư tư, không gian tâm trạng. Ở đó con người được tái hiện với nhiều băn khoăn, trăn trở vì sự ám ảnh của những lỗi lầm trong quá khứ (Goá phụ đen). Cũng có khi con người xuất hiện với những dự cảm không lành về tương lai (Vườn yêu). Việc sử dụng cốt truyện kỳ ảo đã giúp Võ Thị Hảo tạo được những độ căng nhất định cho tác phẩm, đồng thời phản ánh quan niệm nhân sinh của người phụ nữ từ những câu chuyện khó lí giải bằng hiện thực cuộc sống. Các yếu tố hư ảo được vận dụng làm cho tác phẩm trở nên kì bí, khó hiểu, nhân vật cũng có dáng vẻ hư ảo, lạ lùng mang tính huyền thoại. Cô gái bước vào
Vườn yêu với tất cả niềm háo hức, mong chờ, khao khát gặp một linh hồn thì
thào nói “Anh yêu em”, cô sẽ đáp lại “Em yêu anh”, để linh hồn đó được tái sinh. Cô cũng muốn “dụng tâm thử xem khi người ta hôn nhau, hai chóp mũi
có cộc vào nhau đau điếng hay không” [3, tr 11]. Truyện đột ngột thay đổi
khi người dì từ một cõi xa xăm hiện về như một lời nhắc nhở sự cẩn trọng của con người khi đến với tình yêu. “Ta muốn cho các con không biết đến nỗi đau khổ, và nhất là không bao giờ phải khổ vì tình. Muốn khỏi khổ, hãy tiêm vào
người một liều máu lạnh” [3, tr 17].
Dựa vào những cảnh ngộ riêng tư của số phận người đàn bà, Võ Thị Hảo đã rút ra quy luật nghiệt ngã của đời người phụ nữ “Ôi khốn khổ! Khốn khổ thay cho đàn bà, các người cứ suốt đời đuổi theo những điều cao siêu
mây gió, còn ta và hầu hết những người thuộc phái ta chỉ dừng lại nơi khoé
mắt, làn môi và thân xác hứa hẹn đầy lạc thú của các người” (Tim vỡ). Phải
gánh trên vai một hành trang nặng trĩu những tôn ti trật tự, công dung ngôn hạnh và những mĩ từ thời đại, người đàn bà Âu lạc không khỏi cảm thấy mệt mỏi nhưng vẫn cam chịu, nhẫn nại bởi “Người đàn bà Âu lạc không biết từ
chối. Nàng cũng không còn sức để gật đầu” (Hành trang của người đàn bà
Âu lạc)... Qua tất cả, ta nhận ra nỗi bất hạnh của người phụ nữ song ta cũng
khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp của họ, nhân ái, vị tha, giàu đức hi sinh...
Cũng chính bởi những bản chất tốt đẹp đó mà người phụ nữ luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ giới văn nghiệp, đặc biệt là từ những người đồng giới. Đọc những kết thúc truyện của Võ Thị Hảo, bao giờ sau những