Tỉnh Sơn La có diện tích 14.125km2, chiếm 4,27% diện tích cả nước; phía Đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; có đường biên giới Việt - Lào dài 250km.
Địa hình tỉnh Sơn La chia cắt sâu và mạnh, 3/4 là đồi núi và cao nguyên, chia thành 3 vùng sinh thái: vùng dọc trục Quốc lộ 6, vùng hồ sông Đà và vùng cao biên giới. Tỉnh có hai cao nguyên: Mộc Châu (cao 1.050m so với mực nước biển) và Nà Sản (cao 800m với mực nước biển). Khí hậu đặc trưng cận ôn đới, mát mẻ, trong lành, thuận lợi cho cả nông nghiệp và du lịch, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình hàng
56
năm là 21,4oC; lượng mưa trung bình hàng năm là 1200-1600mm, độ ẩm không khí trung bình là 81%.
Diện tích đất tự nhiên là 1.305.500 hécta, trong đó có 39,08% (549,273 hécta) đang được sử dụng, tầng canh tác dày với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau cho phép phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đất chưa sử dụng và sông suối chiếm 60,92% diện tích tự nhiên.
Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn chiếm 73% (480.057 hécta), đất đai phù hợp với nhiều loại cây, có điều kiện xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và các vùng rừng có giá trị kinh tế cao.
Rừng Sơn La có nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Các khu rừng đặc dụng có giá trị nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch sinh thái. Tỉnh có 4 khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên là Xuân Nha (Mộc Châu ) 38.000 hécta, Sốp Cộp (Sông Mã) 27.700 hécta, Copia (Thuận Châu) 9.000 hécta, Tà Xùa (Bắc Yên) 16.000 hécta. Theo số liệu năm 2003, độ che phủ của rừng đạt khoảng 37%; về trữ lượng, toàn tỉnh có 87,053 triệu m3 gỗ và 554,9 triệu cây tre, nứa, phân bố chủ yếu ở rừng tự nhiên; rừng trồng chỉ có 154 nghìn m3 gỗ và 221 nghìn cây tre, nứa.
Đây là nguồn tài nguyên quý giá, là một thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Khi xây dựng xong Nhà máy thuỷ điện Sơn La, sẽ có một phần rừng và đất rừng bị ngập (khoảng 2.451 hécta), trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ.
Sơn La có hệ động, thực vật rất phong phú: hệ thực vật ở Sơn La có 161 họ, 645 chi và khoảng 1.187 loài, bao gồm cả thực vật hạt kín và hạt trần, thực vật nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Theo thống kê, thành phần các loài động vật rừng lưu vực sông Đà, sông Mã (chủ yếu trong các rừng đặc dụng) thì rừng Sơn La có 101 loài thú thuộc 25 họ, 8 bộ; chim có 347 loài thuộc 47 họ, 17 bộ; bò sát có 64 loài thuộc 15 họ, 2 bộ; lưỡng thể có 28 loài thuộc 5 họ, 1 bộ.
57
Về khoáng sản, mặc dù vẫn chưa được khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng hiện Sơn La có trên 50 mỏ và điểm khoáng sản, trong đó có những mỏ quý như niken, đồng, bột tan, manhêrit, than và những khoáng sản quý khác như vàng, thuỷ ngân, sắt có thể khai thác, phát triển công nghiệp khai khoáng trong tương lai gần.
Sơn La là một tỉnh có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn; 2 sông lớn là sông Đà dài 280km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90km với 17 phụ lưu; 7.900 hécta mặt nước hồ Hoà Bình và 1.400 hécta mặt nước ao hồ.
Mật độ sông suối 1,8km/km2 nhưng phân bố không đều, sông suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh do địa hình núi cao, chia cắt sâu. Dòng chảy biến đổi theo mùa, biên độ dao động giữa mùa mưa và mùa khô khá lớn.
Về lịch sử, văn hóa - xã hội, thuở Hùng Vương dựng nước, Sơn La thuộc bộ Tân Hưng là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang. Tên gọi “Sơn La” xuất hiện đầu tiên vào giữa thế kỷ XVIII dưới thời Lê - Trịnh.
Tháng 01/1888 thực dân Pháp đánh chiếm vùng Tây Bắc. Ngày 10/10/1895 thực dân Pháp chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị hàng chính, thành lập tỉnh lấy tên là Vạn Bú, sau đổi thành Sơn La và chuyển tỉnh lỵ từ Pá Giang thuộc tổng Hiếu Trai về Sơn La. Tên tỉnh Sơn La chính thức có từ đó. Ngày 26/8/1945 nhân dân các dân tộc Sơn La đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập.
Ngày 01/12/1952 chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La cơ bản được giải phóng. Từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới góp phần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, giải phòng hoàn toàn Miền Bắc, cùng với nhân dân miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cùng với miền nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất đất nước.
58
Về hành chính, theo số liệu năm 2008, Sơn La có một thành phố Sơn La và 10 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Sốp Cộp; 203 xã, phường, thị trấn, trong đó có 61 xã đặc biệt khó khăn, 19 xã biên giới.
Nhìn chung, có thể nói Sơn La là một tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế không thuận lợi. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nền kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tổng GDP của tỉnh mỗi năm đều tăng khoảng 14,4%. Nền kinh tế dần thoát khỏi tình trạng thuần nông của những năm đầu sau đổi mới. Các ngành nông - lâm - ngư nghiệp dần giảm tỷ trọng. Trong khi đó, tỉ trọng của các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có chiều hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản xét về mặt GDP thì Sơn La vẫn còn là một tỉnh nghèo. Chẳng hạn, theo số liệu năm 2006: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,8%; GDP bình quân theo đầu người là 5.000.000 đồng/1năm; tỷ lệ đói nghèo 41%, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua , Sơn La chú trọng phát triển ngành giao thông vận tải và bưu chính viễn thông. Trước đây, mạng lưới giao thông của tỉnh còn nhiều yếu kém nhưng đến nay, các đường giao thông đã được mở rộng và phát triển, nâng cấp nhằm phục vụ mạng lưới giao thông của tỉnh được xuyên suốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá đến các tỉnh lân cận. Hiện nay , mạng lưới giao thông vận tải của Sơn La bao gồm: đường bộ: Quốc lộ 6, Quốc lộ 37, Quốc lộ 279; đường hàng không: Nội Bài - Nà Sản; đường thủy: tuyến lòng hồ Hòa Bình - Sơn La, qua cảng Tà Hộc. Mạng lưới bưu chính viễn thông đã phủ kín diện tích lãnh thổ và kĩ thuật ngày càng được nâng cấp. Về dân cư, theo số liệu năm 2008, Sơn La có 190.960 hộ/1.007.000 người, mật độ dân số là 72 người/1 km2, 87% dân số cư trú ở nông thôn, phân bố dân cư không đồng đều. Đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 10/10 huyện, thị, 201/201 xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người biết chữ chiếm 70,8% .
59
Toàn tỉnh có 12 dân tộc chính, xếp theo thứ tự tỷ lệ dân số từ cao đến thấp (số liệu năm 2008) là: dân tộc Thái có 543.780 người (chiếm 54%); dân tộc Kinh có 181.260 người (18%), dân tộc Mông có 121.041 người (chiếm 12,02%), dân tộc Mường có 81.768 người (chiếm 8,12%), dân tộc Dao có 25.175 người (chiếm 2,5%), dân tộc Xinh Mun có 16.515 người (chiếm 1,64%), dân tộc Khơ Mú có 15.004 người (chiếm 1,49%), dân tộc La Ha có 10.271 người (chiếm 1,02%) và các dân tộc Tày, Lào, Hoa, Kháng có 12.185 người (chiếm 1,21%). Các dân tộc nói trên cư trú tập trung theo từng vùng. Người Mông cư trú chủ yếu ở vùng cao, ở vùng giữa là người Dao, Xinh Mun và Khơ Mú, còn người Thái, Kinh, Mường cư trú ở vùng thấp bằng phẳng. Theo địa bàn hành chính, người Mường cư trú ở vùng Phù Yên, Bắc Yên và Mộc Châu, người Lào cư trú chủ yếu ở Sông Mã, người Mông cư trú ở Bắc Yên..., còn người Thái cư trú trong khắp địa bàn của tỉnh, do đó văn hóa của dân tộc này thâm nhập vào hầu hết các dân tộc thiểu số khác. Nhìn tổng thể, các dân tộc ở Sơn La cư trú phân tán và đan xen. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê năm 2000, huyện Mai Sơn có 110.760 người nhưng bao gồm 6 dân tộc khác nhau. Trong đó, người Thái đông nhất có 60.096 người, tiếp đó là người Kinh có 32.671 người, sau đó là dân tộc Mông có 12.829 người, tiếp đến dân tộc Khơ Mú là 4.483 người và các dân tộc khác có 583 người. Ở một xã cụ thể như Piêng Phù, với diện tích tự nhiên là 21600 hécta, có 4.689 người dân nhưng cư trú phân tán trong 19 bản khác nhau.
Còn ở xã Tự Hộc cũng của huyện Mai Sơn, có tới cư dân của 5 dân tộc là Mông, Thái, Khơ Mú, Mường, Kinh cùng sinh sống trong 22 bản riêng lẻ. Hay như trường hợp huyện Mộc Châu, theo số liệu năm 2000, có 131.400 người gồm 8 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn 27 xã, thị trấn. Có xã có tới 4 hay 5 dân tộc anh em cư trú đan xen nhau như Vân Hồ, Suối Bàng… Tình trạng cư trú nói trên đã tạo ra một môi trường đa dân tộc, đa ngôn ngữ đan xen.
60
Phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Sơn La có trình độ dân trí thấp, có tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên cao (trước đây tỉ lệ tăng là 3,2%, đến năm 2000 vẫn còn con số là 2,45%). Áp lực tăng dân số kéo theo những vấn đề việc làm, y tế, giáo dục ngày càng trở nên phức tạp. Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh tương đối khá, bình quân năm là 9,5%. Tuy nhiên, đi vào chi tiết và nhìn ở địa bàn xã hay huyện cụ thể, tình hình kinh tế xã hội phức tạp hơn nhiều. Trước hết, có một bộ phận cư dân ở vùng cao vẫn còn sống du canh, thậm chí thỉnh thoảng vẫn còn du cư.
Theo con số thống kê của tỉnh, khu vực nông thôn chiếm 87,13% dân số toàn tỉnh nhưng thu nhập lại chỉ chiếm 47,6% sản phẩm xã hội, trong khi đó cư dân thành thị chỉ có 12,87% nhưng chiếm tới 52,4% thu nhập. Có thể nói, một vài con số nêu trên cho thấy về cơ bản đời sống kinh tế xã hội của cư dân các dân tộc Sơn La còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cư dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.
Những năm gần đây, nền giáo dục của Sơn La đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 781 trường; gồm: 227 trường mầm non, 268 trường tiểu học, 13 trường phổ thông cơ sở, 224 trường trung học cơ sở, 31 trường phổ thông trung học, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề; 5 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. So với năm học 2009 - 2010 tăng 16 trường (gồm 12 trường mầm non và 03 trường tiểu học, 01 trường phổ thông cơ sở). Toàn tỉnh có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú (1 trường đào tạo bậc học trung học phổ thông, 10 trường đào tạo bậc học trung học cơ sở) với 3.338 học sinh, có 02/11 trường đạt trường chuẩn quốc gia đó là Trường Phổ thông dân tộc nội trú Mai Sơn và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Mộc Châu - trường đạt danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
61
Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học ở bậc học mầm non, phổ thông, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng, năm học 2010 - 2011 toàn tỉnh có 253.633 học sinh dân tộc thiểu số trên 283.265 tổng số học sinh phổ thông và mầm non của toàn tỉnh, chiếm tỉ lệ trên 88%. Hình thức học sinh ở nội trú tại trường và phụ huynh tự lo sinh hoạt như ăn, ở... ở các trường phổ thông (hay còn gọi là bán trú dân nuôi) đối với giáo dục Sơn La đây là một thực tế… Đến nay cả tỉnh có 280 trường có học sinh bán trú, thực tế ấy phản á nh một phần sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong toàn tỉnh, đồng thời nó cũng thể hiện sự chuyển đổi tiến bộ trong nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nhu cầu được học tập để nâng cao trình độ dân trí, để có thể nắm bắt tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương của mình.
Nhận xét về cảnh huống ngôn ngữ ở Sơn La
Qua những gì trình bày ở trên ta thấy, cảnh huống ngôn ngữ ở tỉnh Sơn là một địa bàn đa ngữ đan xen. Tình trạng kinh tế nơi đây còn kém phát triển.
Tại địa bàn Sơn La cư dân thiểu số đông nhất là người Thái, do đó, tiếng Thái là ngôn ngữ thiểu số có vai trò khá quan trọng trong vùng và trở thành công cụ giao tiếp chung cho nhiều dân tộc thiểu số khác, sau tiếng phổ thông (tiếng Việt). Tiếng Thái ở địa bàn này còn là ngôn ngữ của một dân tộc có nền văn hóa rất phát triển. Họ đã có chữ viết cổ truyền từ xa xưa theo lối ghi âm. Điều đặc biệt là chữ Thái cổ đã được dùng để ghi chép lịch sử cũng như nền văn học dân gian rất phong phú của người Thái. Có thể nói, ở địa bàn dân tộc miền núi Sơn La, tiếng Thái đã được hỗ trợ bằng một thứ văn tự cổ ghi âm có truyền thông văn hóa rất lâu đời. Khi xem xét tình trạng giáo dục ngôn ngữ nơi đây, chúng ta không thể không tính đến cảnh huống ngôn ngữ khá đặc biệt nói trên ở vùng lãnh thổ này.
62
Ngoài hai đặc điểm ngôn ngữ vừa trình bày, ở địa bàn dân tộc miền núi Sơn La còn có một đặc điểm nữa đó là tình trạng có nhiều ngôn ngữ thuộc các tộc người có số người nói quá ít ỏi (Tày, Lào, Hoa, Kháng). Ngoài tiếng Thái về cơ bản là ngôn ngữ được hầu hết các dân tộc chấp nhận như một ngôn ngữ phổ thông vùng ra, ở những địa bàn hẹp hơn như Bắc Yên, tiếng Mông có vai trò là ngôn ngữ vùng rõ nét hơn.
2.3. Tiểu kết chƣơng 2
Như vậy, qua những gì đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng, cảnh huống ngôn ngữ của tỉnh Sơn La là tương đối điển hình tại vùng Tây Bắc. Hay nói cách khác, cảnh huống ngôn ngữ của tỉnh Sơn La là cảnh huống ngôn ngữ của vùng Tây Bắc thu nhỏ với những nét điển hình là: địa bàn đa ngữ, các dân tộc sống đan xen trên một địa bàn rộng lớn với mật độ dân số thấp nên khá phân tán. Bên cạnh một số ngôn ngữ có đông người sử dụng như tiếng Mông, tiếng Tày, tiếng Thái, còn nhiều ngôn ngữ có lượng người nói rất ít, đang đứng trước nguy cơ biến mất như tiếng Kháng, Ơ Đu,... Tại nhiều vùng dân tộc thiểu số, người dân nói tiếng phổ thông còn rất yếu, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, biên giới. Do đó, trình độ dân trí nơi đây còn hạn chế, việc thực thi chính sách ngôn ngữ dân tộc của Đảng và Nhà nước ở nơi đây gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Xuất phát từ yêu cầu của luận văn thạc sỹ và phạm vi mà đề tài đã xác định, người viết không thể khảo sát được mọi vấn đề liên quan đến thực thi chính sách dân tộc của toàn vùng Tây Bắc. Để đánh giá được những thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách ngôn ngữ dân tộc tại một vùng rộng lớn, trong nghiên cứu khoa học, người ta thường tập trung khảo sát một số lĩnh vực/vùng cụ thể điển hình, kết hợp với dữ liệu cảnh huống chung của toàn vùng mà đưa ra những nhận xét, đánh giá