2.1. Khái niệm cảnh huống ngôn ngữ
Hiện có nhiều khái niệm về cảnh huống ngôn ngữ. Dưới đây là những khái niệm điển hình của các nhà khoa học trong và ngoài nước phù hợp nhất với tình hình thực tế ở Việt Nam:
“Cảnh huống ngôn ngữ được hiểu là toàn bộ các ngôn ngữ hoặc toàn bộ các hình thức tồn tại của một ngôn ngữ có các quan hệ tương hỗ về mặt lãnh thổ và xã hội, có sự tác động qua lại với nhau về mặt chức năng trong phạm vi một vùng địa lí hoặc một thể thống nhất về chính trị - hành chính nhất định” (Nguyễn Như Ý, 1996, tr.30).
“Cảnh huống ngôn ngữ là một thuật ngữ thường dùng trong các văn bản ngôn ngữ học xã hội, ở nước ta (Trung Quốc - Nguyễn Văn Khang) thói quen thường gọi là tình hình sử dụng ngôn ngữ, đối tượng phân tích có thể là một nước (quốc gia), một khu vực, cũng có thể là một dân tộc hoặc một đơn vị. Nội dung nói chung bao gồm rất nhiều mặt như bối cảnh lịch sử của một cộng đồng nào đó, ngôn ngữ địa lý, ngôn ngữ xã hội, chính trị pháp luật, khoa học kĩ thuật, thương mại và văn hoá, v.v... Trong đó, cảnh huống ngôn ngữ xã hội, chủ yếu chỉ sự phân bố chức năng, phân loại chức năng và mô thức sử dụng giữa các ngôn ngữ, cũng có thể bao gồm cả thái độ của mọi người đối với các ngôn ngữ hoặc biến thể của ngôn ngữ” (Zhou Qingsheng, 2000).
Thông thường, cảnh huống ngôn ngữ được hiểu là: toàn bộ các hình thái tồn tại (kể cả các phong cách) của một ngôn ngữ hay của các ngôn ngữ trong một quốc gia hay một khu vực địa lý nhất định. Xét về mặt này thì Việt Nam là một quốc gia đa ngôn ngữ, giữa 54 ngôn ngữ (tiếng Việt với các tiếng dân tộc thiểu số anh em) có những quan hệ về dân số, về nơi cư trú, về cội nguồn ngôn ngữ, về loại hình ngôn ngữ , về chức năng ngôn ngữ khác nhau.
48
Khi nói về một ngôn ngữ cụ thể, người ta hay nói đến trạng thái của ngôn ngữ đó, tức là nói đến các biến thể địa phương (phương ngữ), biến thể xã hội và biến thể phong cách của ngôn ngữ [xem 20, trang 103].
Như vậy, có thể rút ra các tiêu chí để miêu tả cảnh huống gồm:
Theo B.H. Mikhalchenko, khái niệm cảnh huống ngôn ngữ gồm bốn nhân tố: - Nhân tố dân tộc - nhân khẩu: thành phần dân tộc của cư dân trong một khu vực, cách cư trú của những người thuộc các dân tộc khác nhau, sự phân hóa xã hội, trình độ học vấn của họ, v.v...;
- Nhân tố ngôn ngữ học: trạng thái cấu trúc và chức năng của một ngôn ngữ như sự hiện hữu ở ngôn ngữ này các phong cách chức năng, hệ thống thuật ngữ, truyền thống chữ viết, v.v...;
- Nhân tố vật chất: các cuốn từ điển, sách hội thoại, tài liệu giáo viên, hệ thống lớp học ngôn ngữ, v.v...;
- Nhân tố con người: những định hướng có giá trị của người bản ngữ tài năng ngôn ngữ, sự sàng lọc ngôn ngữ mới của họ…
T.B. Kniuchkova (1997) cho rằng cảnh huống ngôn ngữ là một hiện tượng phức tạp gồm nhiều tầng bậc, gồm các thông số khách quan và thông số chủ quan.
Thông số khách quan bao gồm :
- Số lượng các ngôn ngữ (phương ngữ, biệt ngữ, v.v...) hành chức trên địa bàn lãnh thổ hành chính.
- Số người sử dụng các ngôn ngữ này, cách phân bố các đối tượng sử dụng, số lượng phạm vi giao tiếp của từng ngôn ngữ, số lượng ngôn ngữ có chức năng ưu thế và đặc tính ngôn ngữ của chúng (biến thể của một ngôn ngữ hay các ngôn ngữ khác nhau).
- Quan hệ cấu trúc loại hình giữa chúng (cùng ngữ hệ hay khác ngữ hệ, tính bình đẳng hay không bình đẳng về chức năng giữa chúng, đặc biệt ngôn ngữ có ưu thế (bản ngữ hay ngôn ngữ nhập).
49
Thông số chủ quan bao gồm :
- Sự đánh giá của những đối tượng sử dụng ngôn ngữ về các ngôn ngữ và các hình thức tồn tại các ngôn ngữ tham gia vào cảnh huống.
- Các đánh giá tập trung mà khả năng thích dụng trong giao tiếp, uy tín văn hóa và thẩm mĩ, v.v... của ngôn ngữ.
R. Han cho rằng, khi nghiên cứu cảnh huống ngôn ngữ trong các nước song ngữ, đa ngữ, cần tập trung vào các vấn đề sau :
- Hoàn cảnh, trong đó xuất hiện nhu cầu các trạng thái song ngữ như: a) việc công tồn tại các nhóm thuộc hai đơn vị ngôn ngữ khác nhau; b) áp lực của nhóm này đối với một nhóm khác (thực dân hoá); c) nhu cầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài thuộc các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, v.v...;
- Các điều kiện ngôn ngữ làm cho song ngữ phát triển như: a) các ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ (thực dân hoá); b) các ngôn ngữ thân thuộc; c) các ngôn ngữ thân thuộc phần hơn; d) các ngôn ngữ chuẩn hóa có liên hệ chặt chẽ với nhau; e) các ngôn ngữ đó chuẩn hóa có liên hệ chặt chẽ với nhau;
- Tình hình ở các nước đa ngữ gồm: a) số lượng người nói tiếng này hay tiếng khác như nhau; b) số lượng người nói tiếng thứ hai hơn số lượng người nói tiếng thứ nhất (tiếng mẹ đẻ); c) số lượng người nói tiếng thứ nhất (tiếng mẹ đẻ) đông hơn số lượng người nói tiếng thứ hai;
- Ý nghĩa của sự tác động qua lại giữa các nhóm ngôn ngữ . Cụ thể: (sự tác động qua lại trên cơ sở bình đẳng về chính trị và bình đẳng trước pháp luật; b) sự tác động qua lại trên cơ sở bình đẳng về chính trị nhưng không bình đẳng trước pháp luật;
- Ảnh hưởng của các nhân tố tập trung của người nói đối với ngôn ngữ thứ hai. Vẫn như các tiêu chí nêu trên để khảo sát cảnh huống ngôn ngữ, từ một giác độ khác, một số tác giả đã đưa ra ba tiêu chí gồm: tiêu chí về lượng, tiêu chí về chất và tiêu chí về định nghĩa.
50
- Tiêu chí về lượng gồm các thông số như số ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ; số lượng người sử dụng từng ngôn ngữ; phạm vi giao tiếp của từng ngôn ngữ; số lượng ngôn ngữ nổi trội về mặt chức năng.
- Tiêu chí về chất bao gồm các thông số như các ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ có ngôn ngữ thực sự (ngôn ngữ độc lập) hay chỉ là biến thể của ngôn ngữ; quan hệ giữa các ngôn ngữ về cấu trúc cội nguồn; quan hệ giữa các ngôn ngữ có ngang bằng về chức năng hay không; đặc điểm ngôn ngữ nổi trội trong phạm vi quốc gia.
- Tiêu chí về định nghĩa thể hiện qua thái độ của người bản ngữ hay người nói ngôn ngữ khác về tính hữu ích, giá trị văn hóa của ngôn ngữ.
Có thể nói, cảnh huống ngôn ngữ là một khái niệm quan trọng của ngôn ngữ học xã hội và có hiệu quả trực tiếp đối với chính sách ngôn ngữ. “Chính sách ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với cảnh huống ngôn ngữ. Chỉ có chính sách ngôn ngữ tính đến tất cả các nhân tố của cảnh huống ngôn ngữ thì mới có thể có kết quả” (Mikhadichenco).
Từ những quan niệm trên về cảnh huống ngôn ngữ có thể thấy, cảnh huống ngôn ngữ của quốc gia hay khu vực được biểu hiện ở những điểm nổi bật như sau:
- Chức năng khác nhau giữa ngôn ngữ hoặc các biến thể của một ngôn ngữ của quốc gia hay khu vực;
- Đặc điểm về người sử dụng mỗi ngôn ngữ hay biến thể (bao gồm số lượng, đặc điểm phân bố định cư, v.v…);
- Thái độ ngôn ngữ của những người (hay còn gọi là các thành viên) ở trong quốc gia hay khu vực;
- Chính sách ngôn ngữ, lập pháp ngôn ngữ và kế hoạch hoá ngôn ngữ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cảnh huống ngôn ngữ luôn có quan hệ mật thiết với một xã hội nhất định. Sự tồn tại của cảnh huống các ngôn ngữ đều có
51
nguyên nhân của nội tại (ngôn ngữ) và ngoại tại (ngoài ngôn ngữ) là hàng loạt nhân tố như văn hoá, lịch sử, nhân khẩu, địa lí, chính trị, xã hội, v.v… và nó là một khái niệm mang tính hệ thống. Bởi, không phải là cứ gộp một số ngôn ngữ hay biến thể của một ngôn nó lại là thành cảnh huống ngôn ngữ. Chỉ có thể gọi là cảnh huống ngôn ngữ khi nào ở một khu vực, các ngôn ngữ có mối quan hệ về chức năng với nhau và chúng tạo thành một chỉnh thể. Chỉ trong cảnh huống như vậy mới có thể đưa ra các vấn đề như thái độ ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, lập pháp ngôn ngữ và kế hoạch hoá ngôn ngữ, v.v...