Công tác giáo dục truyền thông an toàn thực phẩm:

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM (Trang 31)

I. ĐÁNH GIÁ NHỮNG ĐIỂM MẠNH, YẾU CỦA HỆ THỐNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC HIỆN NAY VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

2.Công tác giáo dục truyền thông an toàn thực phẩm:

2.1.Mặt được:

Công tác giáo dục truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đi trước một bước trong các hoạt động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP).

Với cương vị là Bộ quản lý nhà nước về ATTP, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin báo chí...tổ chức giáo dục, tuyên truyền với nhiều hình thức, nhiều nội dung:

+ Từ năm 1999, sau khi có chỉ thị số 08/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm nào Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cũng tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì CLVSATTP với các chủ đề khác nhau. Nhờ có các Tháng hành động

vì CLVSATTP đã báo động và thức tỉnh cho toàn xã hội về những nguy cơ ATTP và nhờ đó đã huy động toàn xã hội tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền và thanh, kiểm tra ATTP từ trung ương đến địa phương.

+ Công tác ATTP ở Việt Nam rất còn mới mẻ và đặc biệt đội ngũ làm công tác này hoàn toàn được huy động từ các cơ sở Y tế, cơ sở nông nghiệp, thủy sản chưa có đầy đủ kiến thức chuyên ngành ATTP. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình mở các lớp đào tạo chứng chỉ ATTP, các lớp HACCP cũng như các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP từ trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện:

- Từ năm 2002 đến năm 2006 đã tổ chức được 22 lớp chứng chỉ ATTP từ 2 tuần – 3 tháng cho 1.046 người.

- Từ 2001 đến 2006 đã tổ chức được 12.184 lớp tập huấn ATTP cho 996.328 người.

- Từ 2004 đến 2006 đã đào tạo được 25 lớp HACCP cho 280 cán bộ ATTP và 66 doanh nghiệp.

Nhờ có lớp tập huấn mà các cán bộ làm công tác Y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, thủy sản, giáo dục và đào tạo, công an, quân đội, thương mại, các tổ chức quần chúng như phụ nữ, thanh niên, chữ thập đỏ, nông dân, cựu chiến binh...có thêm hiểu biết về ATTP để tiếp tục tuyên truyền vận động trong ngành, trong tổ chức của mình ngày càng sâu rộng và có hiệu quả hơn.

+ Để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định Điều 29 Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 43/2005/QĐ-BYT ngày 20/12/2005 về việc ban hành Quy định yêu cầu kiến thức về VSATTP đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó quy định rõ những nội dung, thời gian và thủ tục tổ chức tập huấn cho các đối tượng trên. Nhờ có những quy định này mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tổ chức cho cơ sở của mình học tập đầy đủ về VSATTP, đó là một trong những điều kiện của việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

+ Để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và toàn xã hội nói chung, các hình thức như nói chuyện, hội thảo, tọa đàm, phát thanh, truyền hình, báo chí, các cuộc thi, các sản phẩm truyền thông như tờ gấp, poster, các băng đĩa hình...cũng được chú ý phát triển. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 2001-2006 đã tổ chức được 23/979 cuộc nói chuyện, hội thảo với 10/427/997 người tham dự. Đài truyền hình trung ương đã phát 2.400 lần với 1.665 tin, bài, phóng sự. Đài địa phương cũng phát 5.139 buổi về ATTP. Đài Tiếng nói VIệt Nam có 8 chương trình đều tham gia tuyên truyền về ATTP. Tổng hợp 2001-2006 đã phát 9.330 buổi với 5.769 tin, bài. Đặc biệt, hệ thống phát thanh ở xã, phường đã tham gia vào tuyên truyền ATTP rất tích cực và có hiệu quả rất rõ rệt trong việc phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, phê bình, nhắc nhở các vi phạm và động viên các tấm gương người tốt việc tốt về ATTP ngay tại cơ sở. Theo thống kê của các địa phương, trung bình mỗi đài phát

thanh ở phường mỗi tuần phát ít nhất 2 buổi, mỗi buổi 15 phút. Đài phát thanh ở xã, thôn (nơi có) phát trung bình tuần 1-2 buổi, mỗi buổi 15 phút.

Để tập hợp và định hướng các báo chí tham gia tuyên truyền về VSATTP, Cục ATVSTP cứ 3 tháng một lần tổ chức gặp gỡ các cộng tác viên báo chí cùng đánh giá giữa cơ quan quản lý và báo chí trong 3 tháng qua đã hoạt động như thế nào, đồng thời phổ biến các định hướng cần tuyên truyền trong 3 tháng tới. Ngoài ra, trong các buổi gặp gỡ này cũng tổ chức góp ý phê bình những sai sót và hạn chế hoặc của cơ quan quản lý, hoặc của báo chí để cho thời gian tới có sự cộng tác tốt hơn. Nhờ vậy, các báo chí đã tham gia rất tích cực vào công tác tuyên truyền VSATTP. Tại Trung ương đã có 48 báo Trung ương và Bộ, ngành cùng với 64 tờ báo địa phương tham gia tuyên truyền VSATTP. Tổng hợp từ 2001 đến 2006 đã có 30.739 bài và tin về VSATTP ở các báo trung ương và 2.572 bài và tin ở báo địa phương.

Các sản phẩm truyền thông như tờ gấp, poster, băng video, băng catsette...cũng được in để phát rộng rãi cho các đối tượng. Từ 2001-2006, đã in được 6.349.413 tờ gấp và poster, 1.005 băng và đĩa, xuất bản được 720.000 tờ tin VSATTP cấp cho đến tuyến cơ sở trên toàn quốc. Ngoài ra, từ năm 2005, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế cũng đã xây dựng được trang web về VSATTP. Tính đến 15/12/2006, đã có 20.469 lượt truy cập.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tuyên truyền, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của đông đảo quần chúng nhân dân về vấn đề ATTP. Kết quả điều tra mẫu cho thấy:

- Người sản xuất thực phẩm có nhận thức đúng về ATTP đã tăng từ 38,1% năm 2001 lên 47,8% năm 2005

- Người kinh doanh thực phẩm có nhận thức đúng về ATTP đã tăng từ 31,8% năm 2001 lên 38,6% năm 2005

- Người tiêu dùng có nhận thức đúng về ATTP đã tăng từ 22,6% năm 2001 lên 38,3% năm 2005

2.2. Hạn chế:

+ Vì thời gian triển khai chương trình ATTP còn ngắn (mới được một chu kỳ nên mặc dù công tác giáo dục tuyên truyền đã rất tích cực, cũng chưa thể thay đổi được những thói quen tập quán lạc hậu vốn đã có từ lâu đời ở một đất nước mà nền kinh tế còn chưa phát triển. Những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn khá phổ biến như không đảm bảo đủ điều kiện VSATTP, sử dụng các phụ gia không cho phép như hàn the, phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản cấm...

+ Đầu tư cho công tác giáo dục tuyên truyền còn hạn chế, thiếu cả kinh phí lẫn trang thiết bị, tài liệu, phương tiện...

+ Từ chỗ thiếu người nên chưa duy trì được tính liên tục trong công tác tuyên truyền và chưa đi sâu vào được các vùng dân cư, các vùng còn những tập quán lạc hậu như ăn nấm độc, ăn gỏi cá...

Một phần của tài liệu BÀI BÁO CÁO THỰC TẬP-ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM (Trang 31)