I. ĐÁNH GIÁ NHỮNG ĐIỂM MẠNH, YẾU CỦA HỆ THỐNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC HIỆN NAY VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
5. Công tác kiểm nghiệm:
5.1. Mặt được:
+ Dựa trên điều kiện hệ thống và cơ sở vật chất có sẵn, Bộ Y tế đã xây dựng và hình thành được hệ thống kiểm nghiệm ATTP từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý công tác đào tạo và chuẩn hóa kỹ thuật kiểm nghiệm ATTP.
- Từ chỗ, hầu hết các Labo trong nước chưa làm được các xét nghiệm chuyên sâu ATTP như là xác định tồn dư kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, độc tố nấm...trong thực phẩm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế cho phép mời các chuyên gia giỏi của Nhật sang đào tạo cho các Labo Trung ương, kết hợp với việc cửa cán bộ sang nước ngoài học tập, nên cho đến nay, các Labo trong nước đã làm được hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu kiểm soát ô nhiễm thực phẩm, gần 87% số vụ NĐTP được xác định nguyên nhân, đây là nỗ lực rất lớn của ngành kiểm nghiệm ATTP của nước ta trong thời gian vừa qua.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị và đặc biệt là chuẩn hóa Labo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, GLP, ISO 17025. Cho đến nay đã có 15 tỉnh có máy sắc ký lỏng cao áp, 16 tỉnh có máy sắc ký khí, 2 tỉnh có máy sắc ký khí khối phổ, và 5 tỉnh có quang phố hấp thu nguyên tử. Có 07 trung tâm đạt chuẩn quốc tế ISO 17025 và 10 đơn vị kiểm tra thực phẩm nhập khẩu.
- Song song với việc phát triển kỹ thuật trong Labo, Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cũng đã chủ động trực tiếp đàm phán với Bộ Y tế Thái Lan để nhập test kiểm tra nhanh ATTP phục vụ công tác giám sát sàng lọc ô nhiễm thực phẩm. Đồng thời, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đề xuất với lãnh đạo Bộ khuyến khích sản xuất trong nước để giảm giá thành, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đến 2006, đã nhập 30 bộ test nhanh với 16 chỉ tiêu xét nghiệm và sản xuất trong nước được 710 bộ với 11 chỉ tiêu xét nghiệm.
5.2. Hạn chế:
+ Sự đầu tư trang thiết bị cho Labo còn hạn chế và không đồng bộ. Do đó, rất khó triển khai và chuẩn hóa một số các kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng và trang thiết bị cao.
+ Công tác đào tạo còn rất hạn chế, hầu hết các cán bộ kiểm nghiệm ATTP chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Cho đến nay chưa có cơ sở nào trong nước chuyên đào tạo về kiểm nghiệm ATTP. Do đó, cần khẩn trương triển khai đề án thành lập Viên Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và 4 Trung tâm Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm khu vực theo Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg, nhằm đảm bảo chuẩn hóa kỹ thuật kiểm nghiệm ATTP, đặc biệt sẽ là cơ sở đào tạo chuyên ngành kiểm nghiệm ATTP cho cả nước. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia sẽ là cơ sở xét nghiệm cao nhất, là cơ sở trọng tài cho cả nước trong lĩnh vực xét nghiệm, kiểm nghiệm ATTP.