Thái độ đối với tình yêu

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 62)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Thái độ đối với tình yêu

Không khó để nhận thấy rằng Nguyễn Dữ đã dành mối quan tâm tương đối đặc biệt cho chủ đề này. Có mối tình đúng lễ giáo và mối tình ngoài lễ giáo, có cả hạnh phúc viên mãn lẫn bi kịch dở dang, lứa đôi chia lìa, nhưng đều là cuộc tình đẹp giữa những con người hết lòng vì nhau.

Nhân vật nữ trong các tác phẩm này đều được khắc họa là những giai nhân, vừa có sắc đẹp hơn người, vừa giỏi thơ từ, đàn hát. Túy Tiêu (Chuyện nàng Túy Tiêu) xinh đẹp đến mức trong mười mấy con hát mà quan Trần soái Lạng Giang Nguyễn Trung Ngạn gọi ra cho Dư Nhuận Chi chọn, chàng chỉ để ý mình nàng, và quan Trụ quốc họ Thân khi bắt gặp Túy Tiêu đi chơi chùa đã rắp tâm cướp nàng về làm vợ. Ngoài ra, nàng còn rất thông tuệ, mỗi khi Dư Nhuận Chi đọc sách, nàng chỉ học thầm mà thuộc được, chưa đầy một năm đã làm được thơ từ ngang Dư sinh – người nổi tiếng hay thơ, nức danh ở kinh kỳ. Danh kĩ Đào Hàn Than chẳng những “thông hiểu âm luật và chữ nghĩa”, ứng khẩu nhạy bén hơn cả các quan mà còn sở hữu nhan sắc lộng lẫy (Chuyện nghiệp oan của Đào thị). Hai người con gái ở trại Tây đều kiều diễm tột bậc, xứng với câu thơ “Mỹ nhân nhan sắc đẹp như hoa”, thơ từ toàn là

63

những lời hoa ý gấm (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây). Nàng Lệ Nương cũng giỏi thi văn, thường cùng Phật Sinh xướng họa thơ từ, và một phần vì xinh đẹp mà bị quân Minh bắt sang Trung Quốc cùng các mỹ nhân khác. Có thể thấy, nhân vật nữ của Nguyễn Dữ được miêu tả khá tương đồng với mẫu hình người con gái tài sắc vẹn toàn trong văn chương của nhà nho tài tử giai đoạn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Không chỉ vậy, họ còn yêu thương hết mình. Túy Tiêu không chê Dư Nhuận Chi là hàn sĩ nghèo, luôn một lòng yêu chàng, ngay cả khi sống xa hoa trong dinh thự của quan Trụ quốc, nàng vẫn hướng về Dư sinh và tìm mọi cách để quay trở về bên chàng. Tinh khí của hoa đào, hoa liễu dù thân không chịu nổi rét mướt vẫn mặc mưa dầm gió bấc để đến nhà Hà Nhân đúng hẹn, còn vì Hà Nhân mà sắm lễ để chàng quay trở lại trường học. Lệ Nương bởi không muốn Phật Sinh chờ mình mà dang dở cuộc đời, đã gửi thư để vĩnh biệt chàng. Đào Hàn Than bất chấp mọi thứ, vẫn say mê nhà sư Vô Kỷ, để rồi sau đó, nàng phải quằn quại chết trên giường cữ. Trong năm cô gái, chỉ có Túy Tiêu là được hưởng hạnh phúc mãi mãi bên người mình yêu, còn Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương, Lệ Nương, Đào Hàn Than đều vì những lý do khác nhau mà từ giã cõi đời. Tuy nhiên, cái chết của họ đều được người tình thương xót hết mực và dành những lời nói cùng nghĩa cử chân thành để ai điếu. Điều đó đã phần nào an ủi linh hồn họ, bởi tình yêu mãnh liệt, tha thiết của họ đã được đền đáp lại một cách xứng đáng.

Các chàng trai trong bốn tác phẩm này cũng là những người cực kỳ si tình. Dư Nhuận Chi vì muốn gặp Túy Tiêu mà không quản ngại nguy hiểm, sẵn sàng vào nhà quan Trụ quốc để tìm cơ hội cứu nàng ra, ngày đêm khắc khoải mong nhớ nàng. Lý Phật Sinh nhận được thư vĩnh biệt của Lệ Nương thì “rất là đau thương, bỏ cả ăn ngủ”, không nghe theo lời khuyên “Liệu kết nhân duyên chốn khác/ Đừng vì tình một buổi/ Để lỡ kế trăm năm” của Lệ Nương mà tham gia vào đội quân đánh giặc Minh của vua Giản Định để mong cứu được nàng khỏi tay giặc; đến khi biết tin nàng đã quyên sinh, chàng “đau thương vô hạn”, ngủ lại bên mộ nàng, mua quan tài và nước thơm cải táng cho nàng, rồi từ đó không lấy ai nữa; sau này, chàng vì mối oán giận

64

với giặc Minh mà lập nhiều công trạng khi Lê Lợi khởi nghĩa. Mải mê trong cuộc yêu đương với hai nàng Đào, Liễu, chàng thư sinh Hà Nhân không thiết đến cuộc hôn sự do cha mẹ sắp đặt, chỉ mong mau chóng ra kinh thành để gặp hai người, đến khi biết hai nàng sắp từ giã cõi đời, chàng không ngăn nổi nước mắt, “buồn rầu ngơ ngẩn như người mất hồn”, cuối cùng vẫn đem cầm một cái áo để lấy tiền làm cỗ cúng hai nàng, và làm một bài văn tế đầy xúc động dù biết hai nàng là do hồn hoa biến thành chứ không phải con người. Còn sư Vô Kỷ, bất chấp giới luật nhà Phật, đã yêu Hàn Than “mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa”, rồi khi nàng mất, chàng xót thương vô hạn, sớm tối vỗ vào áo quan mà khóc, “ốm lai nhai đến nửa năm trời, bỏ cả cơm cháo”, cuối cùng cũng qua đời, để nàng khỏi vò võ một mình nơi chín suối.

Đặt câu chuyện tình yêu mãnh liệt của những đôi trai tài gái sắc ấy vào thời điểm mà tác phẩm ra đời – thế kỷ XVI – có thể thấy, Nguyễn Dữ đã đi trước thời đại mình. Trong khi sáng tác của Nguyễn Hàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan... vẫn đề cập đến những nội dung quen thuộc của văn chương Nho gia như bộc lộ lý tưởng trí quân trạch dân, ca ngợi lối sống nhàn tản, bày tỏ nỗi niềm ưu thời mẫn thế..., và bản thân Nguyễn Dữ cũng viết nhiều về những vấn đề này, thì bốn thiên truyện trên lại hướng về một chủ đề hoàn toàn mới: khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc cá nhân. Các nhân vật của Nguyễn Dữ không những yêu thương hết lòng, mà còn dũng cảm đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình, sẵn sàng sống chết vì nhau. Dù không trực tiếp thể hiện ra, nhưng nhà văn vẫn bày tỏ niềm ưu ái đối với các nhân vật qua việc khắc họa họ như những biểu tượng của sự hoàn hảo: nhân vật nữ thì tài sắc vẹn toàn, nhân vật nam thì thông minh, tài giỏi. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới tài năng văn chương nghệ thuật của họ. Thơ từ xuất hiện với số lượng lớn trong các tác phẩm, khi thì đóng vai trò là thú vui tao nhã trong các cuộc xướng họa, đề vịnh của tài tử - giai nhân, khi thì chuyển tải thông điệp yêu thương của các chàng trai, cô gái với đầy đủ các cung bậc cảm xúc của tình yêu như nhớ thương, giận hờn, nỗi sầu ly biệt, khi là lời vĩnh biệt, ai điếu xót xa, và có lúc lại là cách để họ bộc lộ một nhu cầu

65

vốn dĩ cực kỳ bình thường của con người, nhưng lâu nay vẫn bị coi khinh, phủ định: bản năng tình dục. Tình yêu của các nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục đều gắn với tình dục, thậm chí còn được Nguyễn Dữ miêu tả một cách hình tượng, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ hơn hẳn lối miêu tả bằng điển cố của Cù Hựu [18, tr.40-42]. Những khác biệt về chủ đề, bút pháp xây dựng nhân vật và đặc biệt là sự táo bạo trong cách sử dụng từ ngữ để miêu tả các cảnh hoan lạc ái ân trong bốn tác phẩm này dường như đã khiến chúng trở nên lạc lõng so với các sáng tác văn chương đương thời, song lại rất gần với ngâm khúc, truyện Nôm, hát nói của các nhà nho tài tử ở cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX khi cùng nói lên ước vọng của con người cá nhân về hạnh phúc lứa đôi.

Tuy nhiên, trái với tình cảm ưu ái của tác giả đối với tình yêu của các nhân vật ở phần chính văn, những lời bình cuối các truyện này lại bộc lộ thái độ phê phán khá gay gắt. Người bình luận đã đứng trên lập trường Nho giáo để chỉ trích sự si tình của các nhân vật nam. Lời bàn trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây tương đối thống nhất với quan điểm mà người viết lời bình bộc lộ ở Chuyện cây gạo: “Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục. Dục nếu yên lặng thì lòng trống rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ. Nếu không thì những giống nguyệt quái hoa yêu mê hoặc sao được mà chẳng phải nép bóng ở trước Lương công là một bậc chính nhân”. Ở đây, ta lại bắt gặp yêu cầu của nhà nho về việc người quân tử cần chế ngự dục vọng bản năng trong mình: “Kẻ sĩ gánh cặp đến học ở Trường An, tưởng nên chăm chỉ về học nghiệp, tuy không dám mong đến được chỗ vô dục, nhưng giá gắng tiến được đến chỗ quả dục thì tốt lắm”. Nếu ở Chuyện cây gạo, nội dung này trong lời bình hô ứng với khuynh hướng khuyến trừng ở chính văn, thì trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, lời cảnh giới cuối truyện lại mâu thuẫn với thái độ có phần đồng tình của Nguyễn Dữ đối với mối tình của Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu. Trong khi hồn ma Nhị Khanh được xây dựng như một biểu tượng cho sức quyến rũ khó cưỡng và nguy hại của nữ sắc đối với người đàn ông, thì tinh hoa đào

66

và hoa liễu lại được khắc họa như những người phụ nữ hết lòng vì người mình yêu. Số phận của các chàng trai trong hai truyện này cũng khác nhau: Trình Trung Ngộ vì dâm dật, càn rỡ mà bỏ mạng, còn Hà Nhân không hề bị hồn hoa hại chết. Có thể thấy, cùng viết về quan hệ nam nữ phi lễ giáo, nhưng Chuyện cây gạo thiên về phê phán thói dâm đãng, chạy theo tình dục đơn thuần, thì Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây lại có xu hướng đề cao tự do yêu đương, ca ngợi những con người dám vượt qua lễ giáo. Vậy nên, giữa yêu cầu quả dục mà người viết lời bình đặt ra cho kẻ sĩ và khuynh hướng tư tưởng ở chính văn của tác phẩm Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây có sự vênh nhau khá lớn.

Tương tự như thế, ở Chuyện nàng Túy Tiêu Chuyện Lệ Nương, người viết lời bình cũng bày tỏ thái độ phủ định hành động sống chết vì người yêu của hai nhân vật Dư Nhuận Chi và Lý Phật Sinh. Nếu phần chính văn đã miêu tả hai chuyện tình đẹp với cảm hứng ngợi ca, thì lời bình lại cho thấy sự khắt khe, vô tình và bảo thủ của người đánh giá. Tình yêu trước sau như một của Lý Phật Sinh dành cho Lệ Nương bị kết luận là đã phạm phải tội bất hiếu theo quan điểm Nho gia, vì chàng sẵn sàng bỏ “tấm thân do cha mẹ ban cho” để tìm nàng bằng được, sau đó còn vì nàng đã qua đời mà thề không lấy ai nữa, khiến dòng giống của tiền nhân đoạn tuyệt. Theo người viết lời bình, trong hoàn cảnh này, “người quân tử phải biết tòng quyền chứ không nên chấp nhất”, “điều tín ước gần với lẽ phải thì lời nói tất nên giữ đúng, nếu đối với lẽ phải mà chưa được ổn thì sự giữ đúng không cần”, nghĩa là không thể vì tình yêu mà lỗi đạo hiếu. Rõ ràng ở đây, con người chức năng – phận vị được đề cao hơn hẳn con người cá nhân đời thường. Còn trong Chuyện nàng Túy Tiêu, người bình đã đánh giá nhân vật Túy Tiêu một cách thiếu khách quan, và cho rằng có người vợ như thế, kẻ sĩ phải xấu hổ khi trót lấy về: “Túy Tiêu là một ả ca xướng, chẳng là người chính chuyên, không hiểu Nhuận Chi ham luyến về cái gì? Vì nàng hiền chăng? Nhưng hết là vợ họ Trương lại là hầu họ Lý. Vì nàng đẹp chăng? Thì hết làm mê Hạ Sái lại làm hoặc Dương Thành”. Nàng bị phán xét trên ba phương diện: xuất thân, nhan sắc và đức hạnh, và theo người bình luận, đều không phù hợp với hình mẫu người vợ lý tưởng. Song trên thực tế, sau khi được gả cho Nhuận Chi, Túy Tiêu không hề để mắt

67

đến người nào khác, việc nàng trở thành vợ của Thân Trụ quốc hoàn toàn là do bị bắt cóc, ép buộc; hơn nữa, lúc ở trong dinh thự xa hoa bậc nhất, nàng vẫn hướng về người chồng hàn sĩ của mình, còn vì nhớ chồng mà buồn rầu sinh ốm và toan thắt cổ tự tử. Hành động cướp vợ người khác trắng trợn của quan Trụ quốc không hề bị người viết lời bình lên án như thái độ đã dành cho thần Thuồng luồng trong Chuyện đối tụng ở Long cung, mà toàn bộ sự chỉ trích lại hướng về đôi nam nữ bất hạnh. Túy Tiêu bị đánh giá là kẻ không chính chuyên, còn Dư Nhuận Chi thì “thật là một người ngu”, vì đã quá si tình mà “khinh thường sự đi sự đến, nhẫn nhục tới ở với người, sờ đầu cọp, vuốt râu cọp, suýt nữa thì không thoát miệng cọp”. Sự khắt khe, bất cận nhân tình trong cách đánh giá ở lời bình mâu thuẫn hoàn toàn với chủ nghĩa nhân đạo ở phần chính văn.

Bị phê phán nghiêm khắc hơn cả là nhân vật Vô Kỷ trong tác phẩm Chuyện nghiệp oan của Đào thị. Người viết lời bình không chỉ lên án Vô Kỷ vì chàng đã yêu thương quá đỗi đắm say, mà còn bởi chàng là kẻ tu hành. Mối ác cảm với đạo Phật cùng lập trường đạo đức chính thống của nhà nho đã khiến nhân vật này bị chỉ trích rất nặng nề: “Than ôi! Theo về dị đoan chỉ là có hại. Huống chi đã theo lại còn không giữ cho đúng phép, thì mối hại phỏng còn xiết nói được ư? Gã Vô Kỷ kia là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người, lại còn dối vị Phật của hắn thờ nữa. Giá đem xử vào cái tội như vua Nguỵ giết bọn Sa môn ngày xưa thì hắn cũng không oan chút nào”. Ngoài ra, tác giả lời bình còn phê phán viên quan Nguỵ Nhược Chân vì không biết tề gia. Nhân vật Đào Hàn Than không hề được nhắc đến trong lời bàn luận. Nhìn rộng ra, hầu hết các nhân vật nữ đều không phải là đối tượng trung tâm của những lời bình, mà người viết luôn bộc lộ ý khuyến trừng với các nhân vật nam. Có thể người viết quan niệm đối tượng chính của sự giáo dục đạo đức phải là những người đàn ông, nhưng điều này cũng xuất phát từ thái độ coi thường phụ nữ của nhà nho nói chung. Bởi vậy, tác giả lời bình đã gạt hầu hết những người phụ nữ ra khỏi những lời đánh giá khen chê. Ngay cả khi đó là các bậc tiết liệt như Từ Nhị Khanh, Vũ Thị Thiết thì lời bình vẫn chủ yếu hướng về chồng của họ, dù là để chỉ

68

trích và yêu cầu. Song riêng đối với Chuyện nghiệp oan của Đào thị, sự “thiếu quan tâm” của người bình luận đối với nhân vật Hàn Than lại cho thấy sự không thống nhất về cảm hứng ở hai bộ phận chính văn và lời bình. Vô Kỷ hay Nguỵ Nhược Chân đều là những vai phụ, còn toàn bộ câu chuyện này đều xoay quanh nhân vật Đào Hàn Than. Đây cũng là người con gái có cá tính nhất trong Truyền kỳ mạn lục, luôn sống hết mình, dám yêu, dám hận, và không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Nhân vật này được Nguyễn Dữ miêu tả hoàn toàn lệch chuẩn so với quan niệm truyền thống của Nho giáo về người phụ nữ. Đề cao nết na đoan trang chứ không phải sắc đẹp, Nho giáo giới hạn nội hàm của khái niệm “dung” trong tứ đức vào việc giữ cho nét mặt dịu dàng, thuỳ mị, “mặt ngọc trang nghiêm, không tha thiết, không chiều lả tả” (Gia huấn ca), còn trau chuốt, làm đẹp bằng phấn son đều nằm ngoài nữ dung. Trong khi đó, Đào Hàn Than “mỗi lúc ở nhà dưới đi lên, mặc áo lụa, mang quần là, điểm môi son, tô má phấn”. Không chỉ miêu tả nhan sắc lộng lẫy của nàng, Nguyễn Dữ còn chú trọng khắc hoạ hai phương diện khác ở người con gái này, đó là tài và tình, những thứ

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 62)