Thái độ đối với các tín ngưỡng, tôn giáo khác

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 60)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.4.Thái độ đối với các tín ngưỡng, tôn giáo khác

Với tinh thần độc tôn học thuyết của mình, nhà nho nói chung thường bày tỏ mối ác cảm không che giấu đối với tín ngưỡng dân gian và những tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Lão. Trong Chuyện đối tụng ở Long cung Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Trào, Nguyễn Dữ đã dựng nên các bức chân dung biếm họa về những kẻ được dân thờ phụng mà lại làm những việc phi nghĩa. Đó là thần Thuồng luồng không chỉ cướp vợ người, mà còn ngoan cố quanh co để chối tội khi bị Quảng Lợi vương tra xét. Đó là các vị Hộ pháp, Thủy thần nửa đêm xuống ao bắt cá, lên vườn bẻ mía, vào buồng khoắng hũ rượu, chòng ghẹo vợ con nhà người ta, khi bị dân bắt quả tang thì dáng đứng xiêu vẹo, mặt tái đi như chàm đổ, mấy cái vảy cá còn dính lèm nhèm trên mép. Bộ dạng ấy và suy nghĩ đầy thực dụng của họ đã hoàn toàn giải thiêng tư cách của những kẻ được dân tin tưởng bấy lâu: “Chúng mình thật to đầu mà dại, bấy nay bị người đời chúng nó lừa dối, ai lại đem cái oản, một vài lẻ gạo để lấp cái bụng nặng nghìn cân mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ. Nếu không có những buổi như buổi hôm nay mà cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng” (Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Trào). Thái độ phê phán của tác giả không chỉ thể hiện qua việc xây dựng hình tượng nghệ thuật mà còn bộc lộ một cách trực tiếp ngay từ đầu tác phẩm: “Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ phật tự chẳng đâu là không có, như chùa Hoàng Giang, chủa Đồng Cổ, chùa An Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng làm ni, nhiều hầu bằng nửa số dân thường. Nhất là vùng huyện Đông Trào, sự sùng thượng lại càng quá lắm, chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn mười nơi, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu, bao ngoài bằng rào lũy, tô trong bằng vàng son, phàm người đau ốm, chỉ tin theo ở sự hư vô; gặp các tuần tiết thì đàn tràng cúng vái rất là rộn rịp” (Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Trào); “Huyện Vĩnh Lại ở Hồng Châu (Hải Dương) khi xưa có nhiều giống thủy tộc. Men sông người ta lập đền thờ đến hơn mười chỗ. Năm tháng dần lâu, có chỗ linh thiêng thành yêu; song cầu tạnh

61

đảo mưa đều rất linh ứng, nên hương lửa bất tuyệt mà người ta phải kinh sợ” (Chuyện đối tụng ở Long cung). Phần lời bình dưới hai truyện cũng bộc lộ mối ác cảm đó. Suy nghĩ của người viết lời bình trong Truyền kỳ mạn lục về phép cúng tế khá thống nhất với quan điểm Lý Tế Xuyên khi biên soạn ngọc phả về các vị thần được thờ ở Việt Nam. Nếu vị quan triều Trần chủ trương: “những bậc sáng suốt, ngay thẳng mới gọi là thần; không phải những loại dâm tà, yêu quái, ma quỷ cũng gọi là thần đâu!” (Tựa

Việt điện u linh), thì người bình luận Chuyện đối tụng ở Long cung cũng khẳng định: “chống được ách lớn thì thờ, cản được nạn lớn thì thờ, đó là phép cúng tế. Hưởng sự cúng tế ấy thì phải cố danh tư nghĩa, đâu có lẽ nhận sự thờ cúng lại còn đi làm tai làm họa cho người”. Cả hai người đều lên tiếng bác bỏ những kẻ không xứng đáng được hương khói và phê phán lòng sùng tín thần thánh một cách rộng rãi và thiếu chọn lọc của nhân dân Việt Nam thời xưa. Tương tự như thế, đạo Phật cũng bị chỉ trích gay gắt trong lời bình luận ở Chuyện cái chùa hoang ở Đông Trào: “Than ôi! Cái thuyết nhà Phật thật là vô ích mà có hại quá lắm. Nghe lời nói năng thì từ bi, quảng đại, tìm sự ứng báo thì bắt gió mơ hồ. Nhân dân kính tin, đến nỗi có người phá sản để cúng cho nhà chùa. Nay xem cái dư nghiệt ở trong một ngôi chùa nát mà còn gớm ghê như thế, huống ngày thường cúng vái sầm uất, phỏng còn tai hại đến đâu”. Người viết lời bình còn bày tỏ mong muốn những tín ngưỡng, tôn giáo này sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn: “ước sao có hàng trăm ông Hàn Xương Lê ra đời, xúm lại mà đánh, đốt hết sách và chiếm hết nhà mới có thể được” (Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Trào), “Tất phải làm như Hứa Tốn, Thứ Phi mới là cái việc thú vị được. Cho nên Địch Nhân Kiệt khi làm Tuần phủ Hà Nam, tâu xin phá hủy đến một nghìn bảy trăm tòa đền thờ không xứng đáng, thật là phải lắm” (Chuyện đối tụng ở Long cung). Rõ ràng, cả chính văn và lời bình ở hai tác phẩm này đều cho thấy trong quan niệm Nguyễn Dữ nói riêng và nhà nho nói chung, các tín ngưỡng và tôn giáo khác Nho giáo đều là những tà thuyết dị đoan cần phải trừ bỏ.

Có thể thấy, trong 14 truyện này, lời bình đóng vai trò khá quan trọng, không chỉ nêu lên nội dung, khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm, mà còn trình bày thông

62

điệp mà Nguyễn Dữ đã thể hiện một cách gián tiếp thông qua hình tượng nghệ thuật ở phần chính văn. Sự thống nhất chặt chẽ giữa hai bộ phận này đã giúp cho bài học đạo đức được nhấn mạnh nhiều lần, góp phần định hướng suy nghĩ và hành động cho độc giả.

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 60)