7. Cấu trúc luận văn
2.1.3. Đòi hỏi về phẩm chất của người cầm quyền
Cho rằng đức độ của người cầm quyền quan hệ chặt chẽ đến sự thịnh suy của nền chính trị, Nho giáo đặt ra yêu cầu rất cao đối với những người ở nơi điện các, mà đứng đầu là thiên tử. Theo nhà nho, người làm vua phải thực hiện được chín đạo thường: sửa đổi chính mình, tôn trọng bậc hiền, thân yêu người thân, kính trọng đại
57
thần, thể lòng quần thần, thương dân như con, khiến bách công đến, mềm mỏng với người ở xa, bao bọc chư hầu (Trung dung), có như thế thì thiên hạ mới thái bình, “khắp thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu” (Nguyễn Trãi). Còn người làm quan, với tư cách là chân tay tai mắt của vua, cũng phải dự vào công cuộc bình trị thiên hạ đó. Những yêu cầu ấy không chỉ được trình bày trong Tứ thư, Ngũ kinh mà còn thể hiện bằng văn chương, dưới dạng hiển ngôn lẫn hàm ngôn. Dù nói việc ngày xưa hay việc ngày nay, dù miêu tả cảnh sung túc hay sự đói khổ, dù thuật chuyện người hay kể chuyện vật…, nhà nho đều có xu hướng liên hệ với tình hình chính trị đương thời, và gián tiếp bộc lộ ước mong về một xã hội lý tưởng, có vua sáng, tôi hiền, nhân dân sống yên vui như thời Nghiêu Thuấn. Một số tác phẩm trong
Truyền kỳ mạn lục cũng mang cảm hứng chính trị như thế.
Dựng nên một cuộc gặp gỡ trong mơ giữa sứ thần Hồ Tông Thốc và Tây Sở Bá vương Hạng Vũ cùng quân sư Phạm Tăng, Nguyễn Dữ đã để các nhân vật này tranh luận về những sự kiện diễn ra dưới thời Tần – Hán ở Trung Quốc (Câu chuyện ở đền Hạng vương). Nhân vật Hồ Tông Thốc đã lên tiếng chê trách, mỉa mai Hạng Vũ vì những việc làm bất nhân của vị bá vương này, đồng thời ca ngợi Hán Cao tổ Lưu Bang là người nhân đức, biết lễ nghĩa, sau đó khẳng định sự táng bại của họ Hạng nước Sở và công nghiệp lừng lẫy của nhà Hán là điều tất yếu. Mặc dù Hạng Vũ có thể chỉ ra rằng hành vi của mình hoàn toàn hợp lý trong những hoàn cảnh cụ thể của việc binh đao, nhưng không thể bao biện cho việc đốt sách Thánh nhân, giết vua Nghĩa đế được, nên phải nghẹn lời khi bị Hồ Tông Thốc kết tội. Tuy nhiên, Phạm Tăng lại chỉ ra rằng chính Lưu Bang cũng không hề lý tưởng, bởi vị vua này trước không chính tâm, giữ mình, sau chẳng tề được gia, không khiến bề tôi hết lòng trung thành với mình; trong khi đó, dù Hạng Vũ trước nay vẫn bị chỉ trích, nhưng vẫn có những điểm đáng khen ngợi. Những đánh giá xác đáng đó của lão thần họ Phạm buộc Hồ Tông Thốc phải gật gù thừa nhận. Qua cuộc tranh luận này, có thể thấy, xét cho cùng, cả Lưu Bang và Hạng Vũ đều có mặt được và chưa được, mọi sự khẳng định hay phủ định, ngợi ca hay lên án đều là phiến diện, một chiều. Lời bình cuối tác phẩm
58
đã tiếp tục mạch suy nghĩ đó: “So Sở với Hán thì Hán hơn, sánh Hán với bậc vương đạo, Hán còn xa lắm. Sao vậy? Hồng môn nổi giận, Thái công tha về, những việc ấy, Sở không phải là bất nhân, nhưng nhân nông mà ác sâu. Làm cỏ Dĩnh Xuyên, giết hại công thần, những việc ấy, Hán không phải là không có lỗi, nhưng lỗi ít, tốt nhiều. Sở đã đành trái với nhân nghĩa, nhưng Hán cũng chỉ là giống với nhân nghĩa. Họ Hạng nước Sở không được là hạng bá giả mà vua Cao nhà Hán cũng là tạp nhạp”. Không chỉ vậy, người viết lời bình còn tiến thêm một bước, phát biểu nội dung sâu xa mà tác giả đã gửi gắm trong phần chính văn: “Kẻ trị thiên hạ nên tiến lên đến đạo thuần vương, còn Hán Sở nhân với bất nhân, hãy gác ra không cần bàn đến”. Theo đó, những sự kiện thời Tần – Hán đều là tấm gương để người cầm quyền đương thời soi vào và rút ra bài học cho chính mình, tiếp thu điều tốt và tránh lặp lại vết xe đổ trong quá khứ, thế mới thực hiện được đạo thuần vương, chứ đừng dừng lại ở hạng bá giả hay tạp nhạp, na ná với nhân nghĩa như hai nhà Hán, Sở. Lời bình trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng tư tưởng cho độc giả, mà cụ thể là thiên tử.
Cùng với việc đặt ra yêu cầu đối với “minh quân”, Nguyễn Dữ còn gián tiếp bày tỏ mong muốn về các “lương tướng”. Những viên quan tốt, trong quan niệm của tác giả, đều là người “thờ vua thì trung, giữ mình thì liêm” như Dương Thiên Tích trong
Chuyện gã Trà đồng giáng sinh, là bậc sáng suốt, nghiêm minh, bảo vệ được người vô tội, trừng trị kẻ gây hại, lập lại lẽ công bằng như Quảng Lợi vương trong Chuyện đối tụng ở Long cung. Người viết lời bình cho hai truyện này cũng có xu hướng khẳng định điều đó, nhưng vẫn gửi gắm yêu cầu những phẩm chất cao hơn nữa đối với các vị “dân chi phụ mẫu” kia. Tương ứng với đánh giá của Nguyễn Dữ đối với nhân vật Dương Thiên Tích (“Song vì lúc bé nghèo nàn, lắm người khinh mạn, rồi ân bằng cái tơ, oán bằng cái tóc, ông đều nhất nhất báo phục cả, đó là chỗ kém mà thôi”) và lý giải của đạo nhân về tai hoạ Ô Tôn trong tương lai của họ Dương (“Ông làm tể tướng, kể thì không lầm lỗi gì. Chỉ có rằng tại chức lâu ngày, hay yêu người này ghét kẻ khác”), lời bình một mặt thừa nhận rằng khuyết điểm đó không đáng kể, “có lẽ chỉ
59
là cái vết của hòn ngọc bạch khuê”, mặt khác vẫn hi vọng: “dù là cái vết, giá mài bỏ được đi thì càng tốt lắm. Ta mong những người làm quan nên biết cố gắng và biết soi gương”. Còn bản án mà Quảng Lợi vương dành cho vị thần Thuồng luồng dám cướp vợ người khác theo người bình luận là chưa thoả đáng, mà phải làm như Hứa Tốn, Thứ Phi – những dũng sĩ đã chém chết thuồng luồng để trừ hại cho dân. Có thể thấy, cả chính văn và lời bình của Chuyện gã Trà đồng giáng sinh và Chuyện đối tụng ở Long cung đều cho thấy quan niệm của nhà nho về những người cầm quyền lý tưởng: không chỉ chí công vô tư, khoan thứ với mọi người mà còn khiến cho cuộc sống của nhân dân được yên ổn, lẽ công bằng được duy trì.
Chính vì thế, Nguyễn Dữ đã lên án một cách gay gắt những kẻ sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình. Những lời tố cáo nhà vua của Hồ xử sĩ và Viên tú tài trong
Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà giang thực chất đều nhằm vào Hồ Quý Ly – kẻ thao túng vua Trần Nghệ Tông thời bấy giờ. Bằng lập luận sắc bén, chứng cứ thuyết phục, cáo và vượn đã gay gắt lên án hành động của vua tôi nhà Trần: “đương mùa hạ mà giở những công việc khổ dân không phải thời, giày trên lúa để thoả cái ham thích săn bắn, không phải chỗ; quanh đầm mà vây, bọc núi mà đốt, không phải lễ”, trong khi nước nhà rối loạn, quân thù dòm ngó. Đồng thời, hai con vật cũng chỉ ra những việc cần chú trọng trước mắt, đó là “giương cái cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tín làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những tướng khó trị, sửa chuốt cung tên để doạ nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi giải về, khiến cho gần xa quang sạch”. “Những lời nhọn sắc” của hai vị khách đã khiến Hồ Quý Ly bị đuối lý và phải nghe theo. Lý giải điều này, người viết lời bình cho rằng “bởi Hồ Quý Ly tâm thuật không chính, cho nên giống yêu quái ở trong loài vật mới có thể đùa cợt như vậy. Chứ nếu chính trực như Nguỵ Nguyên Trung, trung như Trương Mậu Tiên thì chúng đã nghe giảng, giữ lửa không rồi, đâu còn dám tranh biện gì nữa”. Lời bình luận đã tiếp tục khuynh hướng tố cáo ở phần chính văn, và gián tiếp nêu lên yêu cầu về sự đức độ, chính trực của người cầm quyền.
60