Tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 33)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Tiểu thuyết

Nội hàm khái niệm “tiểu thuyết” ở thời trung đại tương đối rộng lớn và khó nắm bắt, dường như nó được dùng để chỉ bất cứ tác phẩm tự sự nào có tính nghệ thuật. Phải tới tận thời cận đại, hai chữ “tiểu thuyết” mới có ý nghĩa là một “đại tự sự” với đặc trưng cơ bản là thông qua việc miêu tả các tình tiết và hoàn cảnh cụ thể để khắc họa tính cách nhân vật, qua đó phản ánh bức tranh cuộc sống đa dạng như cách hiểu của chúng ta ngày nay.

Theo Lỗ Tấn trong cuốn Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, tên gọi “tiểu thuyết” xuất hiện khá sớm, trong thiên “Ngoại vật” ở Nam hoa kinh của Trang tử (“trau dồi tiểu thuyết để cầu cạnh viên quan huyện”), “nhưng xét đúng thực tế thì danh từ đó chỉ là những lời nói vụn vặt tầm thường, không phải có đạo lý gì ở trong, cùng với danh từ tiểu thuyết dùng về sau vốn không đồng nghĩa” [54, tr.21]. Về sau, “tiểu thuyết” vẫn chưa phải là tên gọi của một thể loại văn học, mà gắn liền với những người sưu tầm, biên soạn sách. Trong thiên Nghệ văn chí, sách Hán thư, Ban Cố đã liệt họ vào một trong số mười trường phái tư tưởng chính ở Trung Quốc cổ xưa: “Tiểu thuyết gia”. Ông viết: “Dòng tiểu thuyết gia có lẽ xuất từ đám bái quan với những câu chuyện ngồi lê đôi mách nơi đầu đường xó chợ. Khổng tử nói: „Tuy là đạo nhỏ, vẫn có mặt khả quan. Nhưng để vươn tới tầm xa thì e bất cập, nên người quân tử không làm‟” (Dẫn theo Trần Nghĩa, [5 I, tr.6]). Đoạn trích trên cho chúng ta biết một số điều: 1 – Những vị quan làm nhiệm vụ sưu tập, ghi chép những gì dân chúng nói nơi đầu đường xó chợ đã đặt nền móng cho trường phái tiểu thuyết. Theo I.S. Lisevich, “thật khó mà nói có thể tin cả vào các ý kiến của Ban Cố. Nhưng sự thật là các truyền thuyết dân gian phải có người nào đó ghi chép lại thì không thể chối cãi” [52, tr.255], nghĩa là nguồn gốc của tiểu thuyết là từ văn học dân gian. 2 – Khổng tử không tán thành tiểu thuyết, dù chúng có điều khả thủ. Về giá trị của tiểu thuyết, Hoàn Đàm – tác giả của Tân luận cho biết: “Nhà tiểu thuyết gom góp những câu nói vụn vặt,

34

những mẩu chuyện vụn vặt, lấy thí dụ để làm ra những cuốn sách ngắn, gọn, tuy vậy cũng có thể lấy đó để răn mình hay sắp xếp việc nhà” (Dẫn theo [54, tr.21]). Căn cứ vào đây, có thể thấy “các tác phẩm cổ xưa của trường phái tiểu thuyết có một khuynh hướng đạo đức rất rõ”. “Các tác giả của tiểu thuyết không phải giản đơn là những người kể chuyện, vào thời của họ, họ tự xem là các bậc thầy của cuộc sống, giống như các nhà tư tưởng khác là „Chư Tử‟ – Nho gia hay pháp gia, đạo gia, duy danh gia”, vậy nên, Ban Cố mới xếp “Tiểu thuyết gia” vào mục “Chư Tử lược” [52, tr.256]. Tuy nhiên, ngay cả khi tiểu thuyết có ích cho việc tu thân, tề gia thì Khổng tử vẫn chủ trương “người quân tử không làm”, vì những câu chuyện có nguồn gốc dân gian kia “cố ý xa rời đạo”, và các tình tiết, sự kiện, xung đột được nhà tiểu thuyết biên soạn một cách khéo léo rất dễ khiến độc giả chỉ chú ý tới những cái bề ngoài mà không cảm nhận được nhịp đập rộn ràng của đạo trong trái tim. Do đó, trong tương quan với Văn – thứ văn học của tình cảm, truyền thụ sự hồi âm của đạo từ trái tim này sang trái tim khác – tiểu thuyết chỉ là thứ văn học hạng hai, thấp hèn. Tiếp bước Khổng tử, Mạnh tử cũng coi đó là lời của kẻ “vô công rồi nghề”, “những kẻ hám chuyện bịa”, “những kẻ hiếu sự” [52, tr.258-259]. Quan niệm này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới lớp nhà nho hậu thế, khiến trong suốt một thời gian dài ở Đông Á, tiểu thuyết không hề được coi trọng, thậm chí người ta còn đồn rằng những người viết tiểu thuyết đều bị trừng phạt: “La Quán Trung viết Thủy hử mà con cháu ba đời bị câm, Murasaki viết Truyện Genji mà một ngày kia rơi xuống địa ngục” (Ueda Akinari, Tựa

Vũ nguyệt vật ngữ, [28, tr.110]). Ngay cả Ban Cố, dù đặt “Tiểu thuyết gia” trong mười trường phái triết học, ông vẫn khẳng định “chỉ có chín trường phái là đáng xem xét” (Hán thư), và “đối với một người đọc cổ xưa thì không cần phải giải thích rằng cái trường phái thứ mười bị bài xích ấy là tiểu thuyết” [52, tr.262]. “Ngay trong thời kỳ cực thịnh của tiểu thuyết, giai đoạn Minh – Thanh, Kinh và Sử vẫn chễm chệ trên ngôi. Trong bảng phân loại của Tứ khố toàn thư đời Thanh, tiểu thuyết chỉ được xếp vào hàng thứ 12 trong tổng số 14 môn loại của bộ Tử, sau bộ Kinh và bộ Sử. Nghĩa là tiểu thuyết dù sang thời buổi làm ăn khấm khá, vẫn không được coi trọng” [66, tr.3].

35

Còn ở Việt Nam, Phan Huy Chú và Lê Quý Đôn khi phân loại hệ thống văn tịch nước nhà đã xếp những tiểu thuyết như Truyền kỳ mạn lục, Hoàng Lê nhất thống chí… vào loại truyện ký chứ không phải loại thi văn; còn loại thi văn, ngoài thơ ra, chỉ bao gồm những tác phẩm “không thuộc địa hạt các thể loại văn xuôi tự sự” và “thuộc các thể loại có tính chức năng” [101, tr.16]. Cái gọi là “văn” trong hai bộ hợp tuyển Hoàng Việt văn hải của Lê Quý Đôn và Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích “gồm những tác phẩm không phải là văn xuôi tự sự, có cốt truyện, có nhân vật, có tình tiết… như truyện ngắn, tiểu thuyết, ký7 mà chỉ là những tác phẩm có tính chức năng, phi cốt truyện như phú, hịch, cáo, chiếu, chế, biểu” [101, tr.17-18]. Hai hiện tượng này cho thấy cho đến tận thế kỷ XVIII, ở Việt Nam, tiểu thuyết vẫn chưa được xếp vào hệ thống văn học. Bị coi là thứ văn học tầm thường, trái lễ giáo, “rặt những chuyện tà thuyết, bạo hành, có hại đến luân thường đạo lí”8, nhiều tác phẩm bị chính quyền chuyên chế Trung Quốc, Việt Nam cấm khắc in và lưu hành, trở thành “ngoại thư” mà chỉ những người thị hiếu thấp hèn, “gia giáo kém nghiêm, học thuật lỗ mãng thì mới dám xem”9, và bị nhà nho nghiêm khắc phê phán bằng những lời đanh thép: Lê Quý Đôn coi Thủy hử là bộ sách “hoại nhân tâm thuật” (làm băng hoại tâm thuật con người), Tam Quốc diễn nghĩa là thứ “niết tạo không thuyết” (đặt điều vô căn). Đến tận đầu thế kỷ XX, thái độ coi thường tiểu thuyết vẫn không hề suy giảm. Trên báo Lục tỉnh tân văn số ngày 23/3/1916, Lê Thành Lân viết: “Anh hùng như Thủy hử,

phong tình đến Hồng lâu, chẳng qua chỉ mở thói dâm bôn, giục lòng trộm cướp, chớ chẳng có cuốn nào mà gọi được là khai dân trí cả. Huống chi lại còn như Tây du, Phong thần, Chinh đông, Chinh tây, Bình nam, Tảo bắc, Đông Hán, Tây Hán, Thuyết nhạc, Phản Đường… thuần là những phép tiên, phép yêu, hoang đàng quá lẽ, làm cho thiên hạ chỉ chắc về thần quyền, không còn nghĩ gì đến nhơn lực” (Dẫn theo [63,

7 Những khái niệm này đều được tác giả bài viết dùng với nghĩa hiện đại.

8 Trần Văn Giáp (1942), Lược khảo tiểu thuyết Tàu, Báo Thanh nghị, số 11, tr.14, dẫn theo [63, tr.16].

36

tr.71]). Cũng viết tiểu thuyết, nhưng một nhà nho như Ngô Tất Tố lại tỏ ra khá bảo thủ trong quan niệm về tính cao/thấp, chính thống/phi chính thống của hệ thống văn học khi bỏ đi hình thức chương hồi của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, vì ông muốn “nó khỏi bị liệt vào hạng tiểu thuyết” và để “tăng thêm phẩm giá của nguyên văn, khiến cho người ta biết nó là bộ truyện chỉ quan hệ với sử học giới”10.

Mặc dù không được những nhà nho chính thống coi trọng, nhưng tiểu thuyết vẫn được nhân dân hưởng ứng và lưu truyền. Thực tế này đã được Ban Cố thừa nhận: “Dù thế mặc lòng, tiểu thuyết vẫn không bị dập tắt. Những người hơi có chút hiểu biết ở thôn dã mỗi khi gặp loại này thường chắp chảnh lại cho thành bài để khỏi quên. Thảng hoặc có lời khả thủ, thì đấy cũng là điều người dân quê từng bàn tán” (Dẫn theo [5 I, tr.6]). Vẫn theo Hán thư, khi lập danh mục sách trong thư viện của hoàng đế, cha con Lưu Hướng – Lưu Hâm đã đếm được 1380 bó thẻ tre có chép tiểu thuyết, trong khi Luận ngữ chỉ có 21 bó, Kinh Dịch Kinh Xuân thu gồm khoảng 20 bó; điều này cho thấy vào thời Hán, tiểu thuyết được lưu hành tương đối rộng rãi. Không chỉ vậy, nó còn được yêu thích từ phía nhà cầm quyền, luôn được mang theo ngay cả khi thiên tử đi săn để phòng khi nghỉ ngơi người dùng đến (Hán thư), luôn khiến nhà vua ngây ngất (Lã thị xuân thu) (Dẫn theo [52, tr.259-261]). Ngay cả nhà nho, tuy không đánh giá cao tiểu thuyết, nhưng vẫn tỏ ra thích thú thể loại phi chính thống này và say mê sáng tác, phóng tác, cải biên cũng như lưu truyền tác phẩm. Dù mục đích sáng tác là để tiêu khiển, bổ sung cho chính sử, giáo hóa dân chúng hay bày tỏ tâm sự trước thời cuộc…, thì việc nhà nho là nhân vật chủ lực làm nên diện mạo của tiểu thuyết Đông Á thời trung đại cũng cho thấy sức hấp dẫn của thể loại này đối với họ. Tuy nhiên, như đã nói, thái độ coi thường tiểu thuyết lưu truyền từ đời này sang đời khác, trải qua bao thế hệ, đã có sức mạnh của một thứ truyền thống bất di bất dịch, khiến cho tình hình sáng tác tiểu thuyết thời kỳ này mang nhiều nét đặc thù. Người viết tiểu thuyết dường như chưa vượt lên trên sự ràng buộc của quan niệm truyền thống một cách triệt để mà vẫn mang mặc cảm của kẻ ở ngoài lề, nên không ít tác

37

phẩm bị khuyết danh, đề tên giả hay mượn danh người khác. Theo thống kê của Trần Nghĩa dựa trên bộ sách Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục, “trong tổng số 800 tác phẩm tiểu thuyết mà sách kê cứu và giới thiệu đã có tới 500 trường hợp không ghi tên tác giả, trong tổng số 314 tác phẩm có ghi tên tác giả thì 169 trường hợp không phải là tên thật” [66, tr.32], còn trong văn học trung đại Việt Nam, có 9/37 tiểu thuyết chưa tìm được tên tác giả. Mặc cảm ấy còn thể hiện ở những lời tự tựa, tự bạt, khi chủ nhân cố gắng thanh minh rằng tác phẩm của mình vẫn có ích cho nhân tâm thế đạo, như lời của Hồ Nguyên Trừng trong Nam Ông mộng lục: “Trong lời nói việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng tiểu thuyết, nhưng cũng là để góp vui những lúc chuyện trò” [5 II, tr.98]. Thậm chí ngay cả ở những trước tác không phải là tiểu thuyết như Kiến văn tiểu lục, người viết vẫn có ý thức rào đón kĩ lưỡng để tác phẩm không bị liệt vào loại truyện lưu hành nơi đầu đường xó chợ: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân, lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Ai Lao, mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng, đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên, chia làm 9 mục, 12 quyển. Tôi tự suy nghĩ, biết rằng bình luận chưa được tinh tường, lịch duyệt chưa được rộng rãi, còn mong sau này tiến thêm nữa, may ra được thấy những việc chưa thấy, được nghe những việc chưa nghe, tập sách này cũng là đầu mối lớn về việc học vấn ngôn hành, xin độc giả đừng coi

38

như tiểu thuyết” [27, tr.10-11]. Cũng mang mặc cảm ấy, Nguyễn Du kết thúc Đoạn trường tân thanh bằng những lời tự hạ nghe thật mủi lòng: “Nôm na chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”11.

Quan niệm đó còn ảnh hưởng tới cách phê bình tiểu thuyết thời trung đại. Để vãn hồi tính chính thống cho tác phẩm Đào hoa mộng ký, Tương Giang Mai Cát Phủ đã tích cực nhấn mạnh giá trị của tác phẩm đối với cương thường, phong hóa và khuyến cáo người đọc đừng phán xét vội vàng: “Đứng về toàn bộ cuốn sách mà nói, không một nhân vật nào là không đứng đắn. Đứng về nhân vật trong truyện mà nói, không một hành vi nào là bất chính. Thiên hạ qua tác phẩm biết được cái đẹp của phong hoá, mọi người đọc tác phẩm hiểu được đầu mối của tính tình. Từ đấy thấy thánh triều giáo hoá thịnh hành, phong tục thuần mỹ, tuy là đào hát, vẫn giữ mình trinh chính, chưa hề một sớm một chiều lang thang nơi đê lớn hoặc bến sông, dẫu phong hoá Nhị nam cũng không hơn được. Người xem Đào hoa mộng chớ vì đây là một cuốn tiểu thuyết mà đâm ra lơ đãng” [5 IV, tr.50]. Tương tự như thế, Lăng Vân Hàn khi viết lời tựa cho Tiễn đăng tân thoại đã khẳng định tập truyện của Cù Hựu “cũng khuyên làm điều thiện mà trừng trị cái ác, động tồn khiến con người cảnh giác, không thể nói là không có bổ cứu ở đời”. Trương Quang Khải thì nhận xét Tiễn đăng dư thoại của Lý Trinh “tuy chỉ rõ không phải bản gốc kinh truyền ở đời, nhưng điều này khiến cho điều thiện có thể được thực hành ở đời, cái ác được ngăn ngừa, thể hiện tình nghĩa, nâng cao phong tục, việc làm chân thành của nhân luân có nhiều, chưa hẳn không vá cho đời” (Dẫn theo [114, tr.368])12.

11 Đến tận thế kỷ XX, khi Hoàng Ngọc Phách đã sáng tác xong Tố Tâm – cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam (1922), nhà văn vẫn chưa dám xuất bản luôn mà phải đợi tới ba năm sau (1925) vì nghĩ rằng như thế là quá sớm, và để tránh những hiểu lầm cũng như sự chỉ trích của mọi người, ông đã phân trần rất rõ ràng ở phần “Mấy lời của người chép truyện” rằng bản thân không hề tô vẽ, sáng tạo mà chỉ chép ra một câu chuyện ái tình “để các bạn thiếu niên xét đoán, có lẽ cũng bổ ích cho những lúc bạn thiếu niên tự xét đoán đến tính tình mình, tư tưởng mình”.

12 Xu hướng này vẫn hiện diện ở những năm đầu của thế kỷ XX, khi một nền tiểu thuyết mới theo mô hình phương Tây đã bắt đầu được hình thành. Lê Hữu Phúc – người viết lời nói đầu cho tác phẩm Tố

39

Có thể thấy, việc Nho giáo đặt tiểu thuyết ra ngoài giới hạn của văn vàcoi đó là những thứ không đáng để người quân tử chú ý tới đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của thể loại này ở thời trung đại. Dù yêu thích tiểu thuyết, nhà nho Đông Á vẫn không giấu được mặc cảm của người viết những tác phẩm “ngoại đạo”, chính vì vậy, bằng những cách khác nhau, họ đã vượt qua rào cản khắt khe của quan niệm chính thống để xây dựng nên một nền văn học tự sự phong phú, nhiều màu sắc với sự đa dạng của tiểu thuyết kỳ ảo (chí quái, truyền kỳ), tiểu thuyết tài tử - giai nhân, tiểu thuyết công án, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp…

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)