Xu hướng khuyến thiện, trừng ác

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 46)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1.Xu hướng khuyến thiện, trừng ác

“Văn nhân chi bút, khuyến thiện trừng ác” (Ngòi bút của văn nhân là để khuyến thiện trừng ác), phát biểu của Vương Sung trong chương “Dật văn”, sách Luận hoành

đã khái quát một trong những nội dung cốt tử của văn chương nhà nho. Coi văn học là một phương tiện hữu ích để giáo hóa nhân tâm đi theo chính đạo, nhà nho thường dùng hình tượng nghệ thuật như những tấm gương để chúng nhân soi vào đó và rút ra bài học cho chính mình. Mô típ thường thấy là những con người biết tu nhân, tích đức luôn được đền đáp, khen thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau; còn kẻ bạc ác sẽ phải chịu hình phạt tương xứng với tội lỗi của mình. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống lại thường xuyên trái với quy luật đó. Không phải bao giờ người ở hiền cũng được gặp lành, kẻ ác lắm khi lại được hưởng hạnh phúc. Chính các nhân vật của Nguyễn Dữ cũng hơn một lần thắc mắc về chuyện này: “Làm sự lợi vật, chưa nghe thấy được phúc; làm sự hại nhân, chưa nghe thấy mắc nạn. Kẻ nghèo có chí cũng thành không; người có muốn gì cũng được nấy. Có người chăm học mà suốt đời không đỗ; có nhà xa hoa mà lũy thế vẫn giàu. Ai bảo rằng trao mận giả quỳnh, thế mà vẫn trồng dưa được đậu”16 (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh); hay “Tôi xưa nay ở đời, vẫn để ý tu lấy âm công, không mưu sự ích lợi riêng mình, không gieo sự nguy bách cho mọi người, dạy học thì tùy tài dụ dịch, tự học thì cực lực dùi mài, không ước sự vẩn vơ, không làm điều quá đáng. Vậy mà sao lại phải bốn phương kiếm miếng, chiếc bóng nhờ người, con khóc lóc đói lòng, vợ than rét cật, về thì thiếu túp lều chắn gió, đi thì không chiếc nón che mưa, hết đông rồi tây, long đong chạy mãi. Thế mà bè bạn thì

16 Mọi trích dẫn văn bản tác phẩm Truyền kỳ mạn lục ở luận văn này đều được lấy từ bản Truyền kỳ mạn lục do Ngô Văn Triện dịch, NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng xuất bản năm 2013. Những trích dẫn từ bản khác sẽ được chúng tôi chú thích cụ thể.

47

nhiều người đi làm quan cả, so bề tài nghệ cũng chỉ như nhau mà thân danh khác xa nhau lắm; kẻ sướng người khổ như thế là cớ làm sao?” (Chuyện tướng Dạ Xoa). Trả lời cho những câu hỏi trên, Nguyễn Dữ, cũng như rất nhiều nhà nho khác, đã viện đến “trời”, “mệnh”, “số”. Thưởng công hay phạt tội, theo họ, đều là do trời định đoạt. Chính bởi “lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt”, nên việc khen thưởng rất công bằng, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi: “Thiện ác tuy nhỏ cũng rõ rệt, báo ứng dù chậm nhưng lớn lao. Âm công khi rõ ràng ra, phải đợi quả thiện được tròn trặn, dương phúc khi tiêu tán mất, phải đợi mầm ác đã cao dài. Có khi sắp duỗi mà tạm co, có khi muốn đè mà thử nống. Có hạnh mà nghèo, hoặc bởi tội khiên kiếp trước, bất nhân mà khá, hẳn là phúc thiện đời xưa. Tuy rằng khó biết sâu xa, nhưng thực không sai tơ tóc” (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh). Có điều, không phải ai cũng biết được lẽ huyền diệu đó, nên việc thiện dù nhỏ họ cũng không làm, còn điều ác dù nhỏ lại vẫn làm, thế nên nhà nho đã gửi gắm bài học về lẽ báo ứng, nhân quả trong tác phẩm của mình, ngõ hầu có thể khiến mọi người sống tốt đẹp hơn. Truyền kỳ dường như rất thích hợp để phục vụ mục đích ấy. Với hạt nhân là cái kỳ ảo, thể loại này cho phép người viết sáng tạo ra những thế giới hoàn toàn khác, nơi sự công bằng được thiết lập và duy trì bởi các thế lực siêu nhiên, nơi những oan khiên, phi lý ở trần gian được hóa giải, và sự trừng phạt sẽ đến với những kẻ xấu xa như một lẽ tất yếu. Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã dựng nên những chốn lý tưởng như thế. Đó là ngọn núi Phù Lai bồng bềnh ở giữa biển, chốn tiên cảnh với “những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ, nở đầy trước cửa”, với bàn tiệc “bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim cương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được cái của quý như vậy”, và cả nàng Giáng Hương “tuổi độ mười sáu, phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời” như là phần thưởng cho chàng Từ Thức, người không hề quen biết Giáng Hương từ trước nhưng đã sẵn sàng cởi tấm áo cừu trắng để cứu nàng khỏi bị giam giữ vì làm gãy cây hoa (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên). Đó là chốn Thiên tào với “những bức tường bạc bao quanh, cái cửa lớn khảm trai lộng lẫy, hai bên có

48

những tòa lầu châu điện ngọc, vằng vặc sáng như ban ngày, sông Ngân bến Sao ôm lấy đằng trước, gió thơm phưng phức, đượm ngát quanh hiên”, có cửa Tích đức dành cho “những vị tiên thuở sống có lòng yêu thương mọi người, tuy không phải dốc hết tiền của để làm việc bố thí, nhưng biết tùy thời mà chu cấp, đã không keo bẩn, lại không hợm hĩnh”, có cửa Thuận hạnh để tôn vinh “những vị tiên thuở sống hiếu thuận, hoặc trong lưu ly biết bao bọc lấy nhau, hoặc đem đất cát mà san sẻ cho nhau, mấy đời ở chung không nỡ chia rẽ”, có cửa Nho thần để khen thưởng các bậc danh thần, “cứ cách trăm năm lại cho giáng sinh, cao thì làm đến khanh tướng, thấp cũng làm được sĩ phu, hiệu doãn”… (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào). Sở dĩ Phạm Tử Hư được thăm thú Thiên tào – điều mà không phải người phàm nào cũng có cơ hội – là bởi chàng thờ thầy hết lòng, trong khi hàng nghìn học trò khác của thầy, có người làm quan cao chức trọng, nhưng không ai tìm đến thăm viếng thầy sau khi thầy mất, duy chỉ có chàng làm lều bên mộ, để tang ba năm như tang cha mẹ. Còn bản thân Dương Trạm – thầy của Tử Hư – sau khi qua đời được làm chức trực lại ở cửa Tử đồng, bên đức Đế quân, “hiển hách khác hẳn ngày trước”, chính là vì ông “thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền lặt mà đốt đi”. Tương tự như thế, Dương Đức Công do sự nhân từ phúc hậu, khi làm quan thì xét rõ mọi điều oan khuất, khiến các vụ án đều được công bằng, “dương gian thật không có người nào được thế” mà được thọ thêm hai kỷ và được Thượng đế cho vị Trà đồng giáng sinh làm con trai nối dõi tông đường. Âm đức của Dương Đức Công không chỉ giúp cho bản thân ông, mà còn khiến cho con trai ông về sau có người nâng khăn sửa túi nên được yên chí học hành và đỗ đạt (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh). Kết thúc những truyện này, người viết lời bình vừa ca ngợi những tấm gương đức hạnh đó, vừa khẳng định quan điểm đã được thể hiện ở phần chính văn: “có âm đức thì tất có dương báo” (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên), “làm thiện ở người, giáng phúc cho người ở trời, sự cảm ứng giữa khoảng trời và người, thật là sâu mờ vậy thay! Đức công là một viên quan xử án, chỉ vì hay xét rõ nỗi oan uổng cho người, mà sự dương báo của

49

trời đã bảo cho rõ ở trong cơn mê mệt” (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh). Có thể thấy, chính văn và lời bình hô ứng với nhau, khiến cho ý khuyến thiện càng thêm rõ ràng.

Nếu ở ba tác phẩm trên, Nguyễn Dữ đã miêu tả những con người đức hạnh, lương thiện bằng cảm hứng ngợi ca, thì ở truyện Lý tướng quân, nhà văn lại khắc hoạ một nhân vật hoàn toàn trái ngược. Lý Hữu Chi là kẻ “tính vốn dữ tợn nhưng có sức khoẻ và giỏi đánh trận” nên được cầm quân đánh giặc, khi có quyền trong tay, hắn ngày càng hoành hành ngang ngược: “dựa lũ trộm cướp như lòng ruột, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không chán, lại tậu ruộng vườn, dựng nhiều nhà cửa, khai đào đồng nội để làm ao, dồn đuổi xóm giềng cho rộng đất, đi kiếm những hoa kỳ đá lạ từ bên huyện khác đem về. Người trong vùng phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ thì em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng tay rách, rất là khổ sở nhưng hắn vẫn điềm nhiên không chút động tâm”. Lúc thầy tướng số cảnh báo rằng hắn sẽ phải chịu hình phạt thảm khốc vì những tội ác đã gây ra, Lý vẫn không e sợ, vì tin rằng với tài năng của bản thân và quân lính, đồn luỹ, trời sẽ không thể làm gì được hắn. Phải đến khi được cho xem cảnh trừng phạt dưới địa ngục, Lý Hữu Chi mới sợ hãi, hỏi cách cứu vãn. Nhưng nghe rằng phải “đuổi hết hầu thiếp, phá hết vườn ao, trút bỏ binh quyền”, Lý đã từ chối với lý do “có ai lại vì lo cái vạ sau này chưa chắc đã có mà vứt bỏ những cái công cuộc sắp thành làm hì hục trong mấy năm bao giờ”, rồi ngày càng “làm những sự dâm cuồng, chém giết, không kiêng dè gì cả”, bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của mẹ và con trai. Khi Lý tướng quân chết, mọi người không giấu nổi sự bất bình, vì “kẻ làm thiện thường phải chết về đao binh, kẻ làm ác lại được chết trong nhà cửa” và thắc mắc “đạo trời để đâu không biết!”. Để trả lời cho câu hỏi đó, Nguyễn Dữ đã dụng công miêu tả khung cảnh buổi xét xử Lý Hữu Chi và những kẻ bạc ác khác dưới âm phủ. Lý phải chịu hình phạt nhiều lần vì có quá nhiều tội trạng, sau mỗi lần chịu tội lại được hoá phép để thân thể lành lặn lại, chịu tội lần tiếp theo. Hết bị đánh, Lý lại bị bỏ vào vạc nước sôi, “vì hắn đắm chìm trong bể ái, nên lấy nước sôi rửa ruột để cho tình dục không sinh”, rồi bị rạch bụng, moi hết lục

50

phủ ngũ tạng ra ngoài, bởi “suối tham dìm nó, nên lấy lưỡi truỷ thủ moi ruột để cho lòng tham không nổi lên nữa”, cuối cùng, do “sự càn rỡ không có chừng mực nào nữa, dù xử bằng những hình cây kiếm núi đao, nước đồng gậy sắt cũng chưa đủ thoả”, nên Lý bị giải vào ngục Cửu U, “lấy dây da chét lấy đầu, lấy dùi lửa đóng vào chân, chim cắt mổ vào ngực, rắn độc cắn vào bụng, trầm luân kiếp kiếp, không bao giờ được ra khỏi”. Kết cục ấy, Lý đã được thấy trước, nhưng chính vì ngoan cố, không chịu dừng lại nên mới bị đày ải khủng khiếp như thế. Sự trừng phạt dành cho Lý Hữu Chi là câu trả lời thoả đáng nhất cho thắc mắc của mọi người về lẽ công bằng ở đời. Cuối thiên truyện, người viết lời bình cũng bàn đến vấn đề này: “Đạo trời chí công mà vô tư, lưới trời tuy thưa mà chẳng lọt, cho nên hoặc có người lúc sống khỏi vạ mà lúc chết bị hình”, nghĩa là không ai thoát được sự phán xét công tâm của trời cả. Song bởi sự báo ứng không hiển hiện ở một kiếp, giữa thanh thiên bạch nhật, ai ai cũng trông thấy nên mới có những người mê lầm mà thành loạn thần tặc tử. Người bình luận Chuyện Lý tướng quân cũng hiểu rõ điều ấy, nên càng phê phán Lý Hữu Chi gay gắt: “Lý mỗ đã trông thấy và biết rõ rồi lại còn làm tệ hơn. Đó là người hư tồi bậc nhất không chuyển đổi được, không còn thể nói bàn gì nữa”.

Thiên tào, non tiên và địa ngục, những không gian đó tuy đối lập nhau nhưng thực chất cùng đảm nhiệm một chức năng duy nhất: là nơi chốn xứng đáng của con người. Dù ở trên trần gian, thân phận, địa vị, gia cảnh của họ có thể khác nhau, người tốt có thể gặp chuyện chẳng lành, kẻ xấu có thể sống sung sướng, nhưng chính đức hạnh của họ sẽ quyết định chỗ mà họ thuộc về. Người tốt sẽ được hưởng hạnh phúc trên Thiên tào, non tiên, còn kẻ xấu phải xuống địa ngục, Nguyễn Dữ đã thể hiện quan điểm đó một cách rõ ràng trong tác phẩm của mình. Và những lời bình ở cuối các truyện đã một lần nữa khẳng định điều ấy, làm rõ hơn mục đích khuyến thiện trừng ác mà tác giả đã gửi gắm trong phần chính văn.

51

Một phần của tài liệu Hệ thống lời bình ở Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ trong mối quan hệ với phần chính văn (Trang 46)