Đối tượng và phương pháp tập hợp chi phí sản xuất

Một phần của tài liệu luận văn kế toán hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty cổ phần may thăng long trên góc độ kế toán tài chính (Trang 57)

- Giải pháp về đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ

3.2.1.3.Đối tượng và phương pháp tập hợp chi phí sản xuất

Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất của công ty là theo đơn đặt hàng hoặc từng loại sản phẩm hoặc theo từng xí nghiệp, phân xưởng. Điều này, phù hợp với đặc điểm sản xuất sản phẩm may mặc tại các công ty Cổ Phần ngành may mặc ở Việt Nam hiện nay. Kế toán mở sổ chi tiết chi phí để tập hợp các chi phí sản xuất thực tế phát sinh cho từng đơn hàng từ khi bắt đầu sản xuất đến khi hoàn thành nhập kho sản phẩm. Nhân viên kế toán tại các phân xưởng có trách nhiệm tập hợp chứng từ, xử lý, phân loại chứng từ theo từng khoản mục chi phí và theo từng đơn hàng, cuối tháng chứng từ này được nộp về phòng kế toán của công ty để tập hợp, hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành.

Đối với chi phí trực tiếp tập hợp chi phí theo đơn đặt hàng hoặc từng mã sản phẩm riêng biệt: hàng tháng, chi phí sản xuất phát sinh liên quan đến đơn hàng nào, sản phẩm nào thì tập hợp chi phí trực tiếp cho đơn hàng đó, sản phẩm đó.

Đối với những chi phí liên quan đến nhiều đơn hàng, nhiều loại sản phẩm mà không thể tập hợp trực tiếp cho từng đơn hàng, từng sản phẩm đó thì trước hết, tiến hành tập hợp chi phí theo nơi phát sinh chi phí (xí nghiệp nào, phân xưởng nào?) rồi cuối tháng phân bổ cho từng đơn hàng. Cụ thể với chi phí sản xuất chung là chi phí gián tiếp.

Công ty Cổ phần May Thăng Long có 2 loại hình sản xuất là may mặc tự doanh và gia công. Đối với sản xuất gia công, doanh nghiệp nhận vật liệu từ khách hàng, kế toán chỉ quản lý về mặt số lượng của lượng nguyên vật liệu nhập kho nói trên theo từng hợp đồng gia công và khi có lệnh sản xuất thì cung cấp cho các phân xưởng. Kế toán không hạch toán giá vốn thực tế của bản thân nguyên vật liệu dùng cho sản xuất mà chỉ hạch toán phần chi phí vận chuyển số nguyên vật liệu đó từ cảng về kho vào khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp để tính giá thành sản phẩm trong kỳ.

Đối với mặt hàng tự sản xuất mua nguyên vật liệu đầu vào thì quá trình hạch toán bình thường, kế toán theo dõi cả mặt lượng và giá trị thực tế của nguyên vật liệu xuất.

Trên cơ sở đối tượng tập hợp chi phí như vậy, công ty đã áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hai cách: phương pháp trực tiếp (vật liệu chính và vật liệu phụ…) và phương pháp phân bổ gián tiếp (công cụ dụng cụ dùng chung, điện, nước, dầu mỡ,…).

Khi bắt đầu nhận được một đơn hàng gia công với toàn bộ NVL do bên khách hàng giao phòng kỹ thuật sẽ căn cứ vào số liệu báo cáo của bộ phận kiểm tra để xây dựng quy trình công nghệ, định mức vật tư tiêu hao cho từng bộ phận cấu tạo nên thực thể sản phẩm. Định mức này được xây dựng trên cơ sở khoa học kỹ thuật và sự tính toán để thực hiện tiết kiệm vật tư, quản lý chặt chẽ và kế hoạch hóa việc cung ứng vật tư theo đúng tiến độ sản xuất. Do đặc điểm của công ty là may gia công xuất khẩu nên trong thực tế để xây dựng được định mức vật tư thì phải hoàn toàn do hãng giao gia công tập hợp các tài liệu cung cấp. Sau đó những tài liệu này được chuyển vể phòng kế hoạch - xuất khẩu để kiểm tra lại mức độ chính xác. Cuối cùng những tài liệu được sử dụng để “ ra lệnh sản xuất” đưa xuống các phân xưởng sản xuất. Tại đây các chuyền trưởng của mỗi dây chuyền sẽ giám sát việc thực hiện định mức tiêu hao vật tư cho các bán thành phẩm.

Sau khi phòng kỹ thuật chế thử sản phẩm mẫu, xây dựng quy trình công nghệ, phân tích các công đoạn sản xuất cho một sản phẩm hoàn chỉnh, toàn bộ tài liệu được tập hợp gửi cho bộ phận tiền lương phòng tổ chức hành chính. Tại đây định mức đơn giá chi phí nhân công cho việc sản xuất từng chi tiết cấu tạo nên sản phẩm và sản phẩm hoàn chỉnh được xây dựng. Các chỉ tiêu định mức kỹ thuật và chi phí nhân công được xây dựng trên tiêu chuẩn chung của ngành và thực tiễn tại đơn vị. Công tác xây dựng định mức luôn được coi là công cụ hữu hiệu cho việc quản lý chi phí trong công ty. Các định mức trên được phê duyệt bởi phó giám đốc sản xuất kinh doanh và cuối cùng là giám đốc công ty.

Tại các phân xưởng các nhân viên của bộ phận OTK sẽ giám sát quá trình sản xuất báo cáo tỷ lệ hao hụt, tiêu hao chi phí vật tư, nhân công thực tế so với định mức ban hành cho phòng kế hoạch, để đánh giá việc quản lý chi phí trong kỳ. Tại kho việc xuất NVL được tiến hành theo đúng thủ tục cấp phát, thủ kho mở thẻ kho

theo dõi tình hình nhập - xuất vật tư về mặt số lượng, tính ra số tồn kho để đối chiếu với kế toán NVL nhằm quản lý chặt chẽ việc xuất dùng nguyên vật liệu đúng mục đích có hiệu quả.

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, các định mức, phòng kế toán xây dựng dự toán chi phí cho các đơn hàng. Đây là cơ sở cho việc đánh giá quá trình xây dựng kế hoạch kiểm soát chi phí trong công ty. Đồng thời phòng kế toán cũng tiến hành ghi chép tổng hợp các chi phí phát sinh về mặt giá trị dựa trên các chứng từ kế toán, kiểm tra tính hợp lệ, hợp lý của các chứng từ này để lập bảng tính giá thành cuối cùng cho sản phẩm.

Một phần của tài liệu luận văn kế toán hoàn thiện kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty cổ phần may thăng long trên góc độ kế toán tài chính (Trang 57)