Biện pháp quản lý của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (Trang 48)

7. Cơ cấu của luận văn

2.2.2Biện pháp quản lý của doanh nghiệp

Trong quá trình quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài rất nhiều biện pháp đã được doanh nghiệp đưa ra và áp dụng: từ biện pháp mềm mỏng, tích cực nhất cho đến những biện pháp ràng buộc cứng rắn nhất. Tất cả các biện pháp đó đều được doanh nghiệp áp dụng hài hoà với mục đích quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sao cho đạt kết quả tốt nhất.

- Biện pháp tích cực

+ Doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp đưa họ đi làm việc ở nước ngoài thay mặt họ đóng bảo hiểm cho công ty bảo hiểm trong nước (thường là công ty bảo hiểm nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp) một cách đầy đủ, nghiêm túc. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm thay cho những người lao động đang tham gia và muốn tiếp tục tham gia hay những người chưa tham gia nhưng muốn tham gia bảo hiểm. Với hoạt động này doanh nghiệp sẽ giúp người lao động bớt đi một khoản cước gửi tiền về đóng bảo hiểm và tiết kiệm được thời gian, công sức. Biện pháp này của doanh nghiệp một phần giúp cho người lao động phần khác giúp cho doanh nghiệp củng cố lòng tin của người lao động đối với doanh nghiệp.

+ Tạo điều kiện cho người lao động gửi tiền, tài sản về nước

Đi làm việc ở nước ngoài mong muốn lớn nhất thôi thúc người lao động là làm sao để có thu nhập cao cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đì nh. Thông thường để có tiền nộp phí cho doanh nhiệp đưa đi và làm thủ tục đặt cọc người lao động phải vay mượn người thân, bạn bè thậm chí là vay vốn của các ngân hàng bởi hầu hết họ là những người lao động chân phương có thu nhập thấp. Chính vì vậy, sau khi sang làm việc ở nước ngoài có tiền và tài sản phát sinh họ rất muốn gửi ngay về nước. Số tiền ấy sẽ giúp người thân của họ trang trải nợ nần, cải thiện cuộc sống và dư dật hơn là tích cóp cho họ vốn làm ăn sau này.

Trong thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay, người lao động có thể gửi tiền, tài sản về nước bằng rất nhiều cách như: gửi qua bạn bè, đồng nghiệp về nước trước; gửi qua bưu điện, gửi qua ngân hàng,…nhưng bất kỳ cách thức nào cũng có

những hạn chế của nó: hạn chế về thời gian, cước phí hay rủi ro mất mát. Như thấu hiểu suy nghĩ của người lao động doanh nghiệp đã có biện pháp tích cực là giúp người lao động chuyển tiền, tài sản về nước. Bằng cách gửi tiền này người lao động sẽ yên tâm rằng thu nhập của họ đã đựơc bảo quản hoặc gửi đến tay người thân của mình an toàn, nhanh chóng. Tuy vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp trục lợi thông thường mỗi cá nhân người lao động đều được mở một tài khoản ở ngân hàng trong nước và doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản cho người lao động. Hoạt động này luôn có sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Biện pháp tinh thần.

Đi làm việc ở nước ngoài trong hoàn cảnh xa gia đình, thiếu thốn tình cảm bạn bè, người thân người lao động rất dễ nảy sinh tâm lý buồn bã, chán nản, mất phương hướng, dễ bị kích động, lôi kéo dụ dỗ,…

Nhằm khuyến khích, động viên tinh thần người lao động, doanh nghiệp dịch vụ đã kết hợp với chủ sử dụng lao động nước ngoài một mặt tạo điều kiện về chỗ ăn ở, làm việc mặt khác nâng cao đời sống tinh thần cho lao động Việt Nam bằng cách: cung cấp phim ảnh, báo chí, tổ chức các ngày truyền thống của Việt Nam,…cho lao động Việt Nam. Khi thực hiện như vậy người lao động sẽ cảm thấy gần gũi, vui vẻ như đang sống ở quê hương, họ sẽ bớt nhớ quê và chuyên tâm làm việc.

Đó là khi người lao động ở nước ngoài còn khi họ kết thúc hợp đồng lao động về nước, doanh nghiệp cần tổ chức gặp gỡ, giao lưu, khen thưởng những người lao động có kết quả tốt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tạo điều kiện cho những người đã đi lao động về nước gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm với những người được đi làm việc đợt tiếp theo. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong công tác quản lý người lao động lần sau. Biện pháp này vừa tạo sự hài lòng cho người lao động về nước vừa khuyến khích sự cố gắng làm việc của những lao động đang và sẽ đi lao động ở nước ngoài.

Nếu chỉ áp dụng biện pháp khích lệ, mềm mỏng thì công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn. Bởi trong hàng ngàn lao động đi làm việc mỗi năm có người phẩm chất tốt, cũng có người chưa hẳn đã tốt, tư duy còn sai lệch…do vậy doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã hài hòa áp dụng đồng thời những biện pháp mềm mỏng trên với những biện pháp sau:

+ Ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nứơc ngoài là sự thoả thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài [29].

Bản hợp đồng này có giá trị ràng buộc trách nhiệm của các bên vào những điều đã nhất trí, đã thoả thuận. Có bản hợp đồng doanh nghiệp sẽ có cơ sở để quản lý lao động và ngược lại người lao động có căn cứ yêu cầu doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Và giả sử khi có tranh chấp giữa doanh nghiệp đưa đi và người lao động cơ quan tư pháp sẽ có căn cứ pháp lí để giải quyết vụ việc.

Hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông thường được lập theo mẫu do pháp luật qui định sẵn [29]. Cũng có trường hợp doanh nghiệp tự thảo hợp đồng nhưng phải dựa trên mẫu đã ban hành và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền - hiện nay là Cục quản lý lao động ngoài nước và phải được cơ quan chức năng này phê chuẩn. Bởi làm như vậy quyền lợi của các bên mới được bảo đảm công bằng, tránh tình trạng doanh nghiệp cố tình thảo hợp đồng có lợi cho mình, gây bất lợi cho người lao động.

+ Biện pháp đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh

Doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuy mang tính chất là doanh nghiệp dịch vụ, môi giới nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp hết sức nặng nề và rủi ro là rất lớn. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình doanh nghiệp buộc phải áp dụng những biện pháp kinh tế, chắc chắn nhất là: đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh. Đây là những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã được qui định trong Bộ luật dân sự 2005. “Đặt cọc là việc một bên giao cho

bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Biện pháp đặt cọc là biện pháp thường được doanh nghiệp áp dụng đối với người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc nước ngoài. Pháp luật cho phép doanh nghiệp thu tiền đặt cọc để bảo vệ mình đồng thời bảo vệ người lao động bằng cách qui định: “doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số tiền đặt cọc (nếu có) đã thu của người lao động vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại Ngân hàng thương Mại Nhà nước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thu tiền đặt cọc của người lao động” [25]. Qui định này giúp Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng chiếm đoạt khoản tiền này. Song song với biện pháp đặt cọc, biện pháp ký quỹ hoăc bảo lãnh cũng đựơc doanh nghiệp sử dụng trong trường hợp “xét thấy tiền đặt cọc theo qui định không đủ để thực hiện việc bồi thường, doanh nghiệp có thể thoả thuận với người lao động về biện pháp ký quỹ hoặc bảo lãnh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người lao động theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và người sử dụng lao động nước ngoài”

Với các biện pháp trên doanh nghiệp sẽ ràng buộc được người lao động vào những điều khoản đã ký kết. Đó là biện pháp quản lý lao động mang lại kết quả hữu hiệu trên thực tế.

+ Biện pháp khởi kiện người lao động

Đây là biện pháp cứng rắn nhất mà doanh nghiệp áp dụng đối với người lao động. Biện pháp này được qui định tại Điểm k, Khoản 2, Điều 135 Bộ luật lao động 1994 (đã sửa đổi, bổ sung 2002). Doanh nghiệp có quyền “khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do người lao động vi phạm hợp đồng gây ra”. Mặc dù là biện pháp nghiêm khắc nhất được doanh nghiệp sử dụng khi những biện pháp trên không phát huy tác dụng song hiệu quả của biện pháp này không mấy thuyết phục. Trên thực tế, doanh nghiệp rất ít khi khởi kiện người lao động cho dù người lao động đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì hầu hết họ đều là những lao động còn khó khăn về kinh tế nên khi bị kiện đòi bồi thường họ cũng không có tài sản thi hành án.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp mà điển hình là: Công ty thương mại và dịch vụ trực thuộc Trung Ương hội nông dân Việt Nam thì cách tốt nhất để quản lý lao động của mình là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp. Đặc biệt trong trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì một mặt doanh nghiệp báo cho người nhà của người lao động để họ khuyên dăn người lao động tự nguyện về nước. Nếu người lao động ngoan cố lẩn tránh thì doanh nghiệp phối hợp với cơ quan hữu quan của nước ngoài tìm kiếm, trục xuất họ về nước và về sau không cho phép người lao động đã vi phạm đi lao động bên nước đó nữa, nặng hơn là bất kỳ một lao động nào khác của địa phương cũng không được nước sở tại nhận sang lao động. Biện pháp này không những nghiêm khắc mà còn đánh vào tâm lí của người lao động - họ phải là việc nghiêm túc không những cho mình mà còn cho cả tương lai của người thân, của địa phương mình. Sau khi trao đổi với Phòng thông tin của Cục quản lý lao động ngoài nước được biết hiện nay biện pháp này được áp dụng khá phổ biến và kết quả của nó là khả quan.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (Trang 48)