7. Cơ cấu của luận văn
2.2.1 Nội dung quản lý của doanh nghiệp
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ thể trực tiếp ký kết hợp đồng, tuyển chọn, đưa người lao động đi và giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được các doanh nghiệp này thực hiện theo một quá trình liên tục và nghiêm túc.
- Quản lý trước khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Sau khi tuyển chọn được người lao động theo tiêu chuẩn và yêu cầu từ phía đối tác nước ngoài, doanh nghiệp tiến hành giáo dục định hướng, đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và bổ túc kiến thức pháp luật cơ bản cho người lao động. Hoạt động đầu tiên này tưởng chừng không có ích cho việc quản lý lao động của doanh nghiệp nhưng thực chất đây là hoạt động tối quan trọng vì nó tạo tiền đề cho việc quản lý về sau. Khi việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và pháp luật được thực hiện tốt, người lao động sẽ có một trình độ nghề và nhận thức pháp luật nhất định, hơn nữa khoảng cách bất đồng ngôn ngữ sẽ rút ngắn lại. Với cơ sở đó người lao động sẽ chuyên tâm làm việc, biết tự điều chỉnh để không vi phạm pháp luật, không bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo.
Nhận thức được tầm quan trọng của khâu đầu tiên này, Đảng và Nhà nước ta đã quy định cụ thể trong văn bản pháp luật làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện. Theo đó “doanh nghiệp phải trực tiếp tuyển chọn lao động; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai về số lượng lao động tuyển chọn, giới tính, độ tuổi, ngành nghề, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh hoạt, tiền công, tiền làm thêm giờ và các khoản thu nhập khác (nếu có), bảo hiểm xã hội, các khoản chi phí mà người lao động phải nộp trước khi đi và trong thời gian làm việc ở nước ngoài’’. Khi doanh nghiệp thực hiện có chất lượng các khâu này, doanh nghiệp sẽ tránh được việc lựa chọn nhầm phần tử bất hảo đi làm việc ở nước ngoài. Nếu người lao động được lựa chọn có phẩm chất đạo đức tốt thì đương nhiên việc quản lý sẽ có cơ sở đạt kết quả khả quan. Việc tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng của doanh nghiệp được qui định như sau: “Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức dạy ngoại ngữ , giáo dục định hướng và bổ túc kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra cấp chứng chỉ cho người lao động khi kết thúc khoá học theo qui định của pháp luật”[29].
Trên thực tế, các doanh nghiệp đều thực hiện công tác này có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có cơ sở vật chất mở trường đào tạo cho người lao động. Các doanh nghiệp đã rất linh hoạt trong công việc của mình, bằng cách: nhiều doanh nghiệp cùng phối hợp mở trung tâm đào tạo, tổ chức thi tuyển, cấp chứng chỉ cho người lao động; đặc biệt có nhiều doanh nghiệp do tuyển lao động ở các địa bàn khác nhau nên đã phối hợp với các trường dạy nghề ở địa phương để nâng cao trình độ cho lao động của doanh nghiệp mình. Đó là những cách thức rất hiệu quả đã và đang được các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài áp dụng trên thực tế. Điển hình trong công tác này là: Công ty thương mại và dịch vụ thuộc Trung ương hội nông dân Việt Nam, trụ sở chính đặt tại Phố Dịch Vọng, Cầu Giấy.
- Quản lý trong quá trình người lao động thực hiện hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Về bản chất, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như là những doanh nghiệp môi giới trung gian.
Tuy nhiên, công việc của doanh nghiệp không đơn giản là công việc của một nhà môi giới. Bởi vì trách nhiệm của nhà môi giới sẽ hết khi các bên gặp gỡ, đàm phán, ký kết hợp đồng với nhau nhưng ở đây ngay cả khi người lao động đã ký kết hợp đồng lao động và sang làm việc ở nước ngoài thì trách nhiệm của doanh nghiệp đưa đi vẫn tiếp tục, thậm chí trách nhiệm còn nặng hơn. “Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời hạn làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài” [19].
Để thực hiện được việc quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động thông thường doanh nghiệp sẽ cử cán bộ đại diện sang nước đối tác trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của người lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới họ như các vấn đề: người sử dụng lao động thực hiện không đúng hợp đồng lao động; tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng lao động về các vấn đề tiền lương, chỗ ở, nơi làm việc; người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro hoặc bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại danh dự, nhân phẩm hay trong trường hợp xấu nhất người lao động bị tử vong. Khi các vấn đề này phát sinh, với trình độ phổ thông nhất về pháp lý và ngoại ngữ người lao động sẽ bối rối, hoang mang bởi vậy cần có sự giúp đỡ của doanh nghiệp trực tiếp đưa họ sang làm việc ở nước ngoài. Khi doanh nghiệp làm tốt công việc này, một mặt họ sẽ quản lý được người lao động, bảo đảm hợp đồng đã ký giữa doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động nước ngoài. Mặt khác. họ sẽ tạo được uy tín cho người lao động và các đối tác nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đều cử ít nhất một cán bộ thường trực tại nước sở tại. Cán bộ của doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài một mặt để quản lý sự tuân thủ pháp luật, tuân theo điều khoản hợp đồng đã ký kết, mặt khác sẵn sàng giúp đỡ người lao động về các vấn đề như: tư vấn gửi tiền về nước, tư vấn pháp luật nước sở tại, tư vấn khi cần chuyển đổi nghề nghiệp, chỗ ăn ở, sinh hoạt,…
- Quản lý lao động khi kết thúc hợp đồng lao động.
Sau khi kết thúc hợp đồng lao động quan hệ quản lý của chủ sử dụng lao động nước ngoài với người lao động Việt Nam sẽ kết thúc. Nhưng với doanh
nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì công việc quản lý chỉ mới sang giai đoạn cuối. Bởi hợp đồng ký kết giữa họ (hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) về mặt thực tế và pháp lý đều chưa chấm dứt.
Từ những qui định của pháp luật và thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì sau khi người lao động kết thúc hợp đồng lao động và về nước doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, giải quyết các vấn đề như: trả số tiền bảo hiểm cho người lao động (nếu có), xử lý khoản tiền đặt cọc của người lao động cho doanh nghiệp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, làm thủ tục để người lao động về đơn vị cũ hoặc nơi cư trú trước khi đi. Trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ thực sự chấm dứt khi hợp đồng giữa họ và người lao động đã thanh lý xong. Sở dĩ pháp luật qui định như vậy là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên, không chỉ người lao động mà cả chủ sử dụng lao động nước ngoài và doanh nghiệp dịch vụ. Điều đó được thể hiện cụ thể trong việc xử lý khoản tiền đặt cọc. Nếu người lao động thanh lý hợp đồng trong trường hợp đã hoàn tất hợp đồng lao động, không có vi phạm thì khoản tiền đặt cọc sẽ được trả lại cho họ; nếu họ có vi phạm gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc chủ sử dụng lao động nước ngoài thì khoản tiền đặt cọc của họ sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ.
Để đảm bảo quỳên lợi cho các bên một thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã nâng cao khoản tiền đặt cọc (chấp nhận cả hình thức đặt cọ bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với giá trị cao). Bởi việc đặt cọc này đảm bảo cao nhất sự ràng buộc người lao động, khiến họ chăm chỉ làm việc, nghiêm túc chấp hành chính sách pháp luật, lao động đến ngày đáo hạn hợp đồng, dần xoá bỏ ý muốn bỏ trốn hoặc ở lại trái phép ngay từ khi luồng suy nghĩ này bắt đầu nhen nhóm. Bởi tự bản thân họ biết cân nhắc thiệt hơn từ việc bỏ trốn hoặc ở lại trái phép so với khoản tiền đặt cọc với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp là rất phức tạp. Nó kéo dài trong một quá trình và được thực hiện liên tục không đứt quãng. Công việc này góp phần phân loại uy tín, trình độ nghiệp vụ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.