Hoàn cảnh phạm tội

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 59)

Hoàn cảnh phạm tội có thể được hiểu là một trong những điều kiện khách quan mà trong đó tội phạm được thực hiện và là yếu tố để người phạm tội sử dụng khi thực hiện hành vi để đạt được mục đích phạm tội của mình [8, tr.376]. Đó có thể là những điều kiện khách quan của người phạm tội hoặc có thể là bối cảnh xã hội cụ thể khi tội phạm được thực hiện, có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khác với yếu tố thời gian là thời kỳ cụ thể được phản ánh bằng một sự kiện nào đó, hoàn cảnh phạm tội là những điều kiện khách quan nhất định của con người và xã hội xung quanh việc thực hiện tội phạm.

Trong một số trường hợp, nhà làm luật quy định hoàn cảnh phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Ví dụ: tội giết con mới đẻ (Điều 94 Bộ luật hình sự) quy định: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ…”. Như vậy, hành vi giết con mới đẻ của người mẹ trong trường hợp này được coi là do

“hoàn cảnh khách quan đặc biệt” đưa lại, nếu thiếu yếu tố này thì hành vi đó không thỏa mãn cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, hoàn cảnh phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm đóng vai trò là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chủ thể vì hành vi giết người do hoàn cảnh đặc biệt đưa lại, có thể họ phạm tội trong tình trạng tâm sinh lý không bình thường, khả năng nhận thức và kiềm chế đều bị hạn chế. Do vậy, hình phạt được quy định cho tội này chỉ có một khung ở mức nhẹ (cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt

tù từ ba tháng đến hai năm). Ngoài ra, hoàn cảnh phạm tội cũng được quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội đầu cơ (Điều 160 Bộ luật hình sự). Người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh khách quan để thực hiện hành vi phạm tội, họ đã “lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế” để có hành vi “ mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính”. Trong trường hợp này, hoàn cảnh phạm tội thể hiện rất rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Hành vi mua hàng hóa với số lượng lớn, vượt quá nhu cầu dự trữ thông thường được thực hiện trong hoàn cảnh khan hiếm để bán lại không chỉ xâm phạm trật tự quản lý thị trường hàng hóa của Nhà nước mà còn gây nên thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng.[60, tr.99]. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hoàn cảnh phạm tội cũng được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt. Ví dụ: luật hình sự quy định trường hợp lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng của tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, hàng cấm, vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa thì phải chịu mức hình phạt nặng hơn tương ứng với tình tiết định khung tăng nặng. Hoạt động quản lý ngoại thương trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác không được đảm bảo nên khi trao đổi các mặt hàng kể trên qua biên giới quốc gia, người phạm tội đã “lợi dụng” để thực hiện hành vi trái pháp luật như không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan…[60, tr.84]. Hành vi phạm tội thực hiện trong những hoàn cảnh đó rõ ràng phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao hơn so với những trường hợp phạm tội thông thường nên chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh đó sẽ phải chịu chế tài pháp lý nghiêm khắc hơn.

Như vậy, trong luật hình sự, việc xác định hoàn cảnh phạm tội có ý nghĩa trong việc định tội hoặc định khung hình phạt. Những trường hợp tuy không

được quy định là dấu hiệu định tội hay định khung hình phạt nhưng hoàn cảnh phạm tội vẫn có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được coi là tình tiết cần phải xem xét khi quyết định hình phạt. Điểm l, khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự quy định: “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong các trường hợp phạm tội nói chung, hoàn cảnh phạm tội cũng được quy định là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và hoàn cảnh đặc biệt trong mối liên quan với hành vi đó. Vì vậy, trong thực tiễn pháp lý, hoàn cảnh phạm tội phải được đánh giá đúng để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội một cách chính xác và đúng pháp luật.

KẾT LUẬN CHUƠNG 2

1. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là một trong những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của bất kỳ tội phạm nào. Dấu hiệu này luôn gắn liền với hành vi khách quan của tội phạm, nếu như hành vi được coi là nguyên nhân thì hậu quả chính là kết quả phát sinh từ nguyên nhân ấy. Hậu quả phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người phạm tội thực hiện vì hậu quả chính là sự biến đổi nhất định của đối tượng bị xâm hại trong thực tế khách quan thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất. Thiệt hại đó do hành vi phạm tội gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) ở các mức độ khác nhau cho các khách thể tương ứng được pháp luật hình sự bảo vệ. Chính vì vậy, để có cơ sở xác định tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội một cách chính xác, luật hình sự quy định hậu quả của tội phạm trong hầu hết các cấu thành tội phạm cơ bản, có ý nghĩa đối với việc định tội. Bên cạnh đó, nó còn có nghĩa trong việc định khung hình phạt và là một trong những căn cứ để Toà án quyết định hình phạt đối với người bị kết án. Tuy nhiên, trong rất nhiều điều luật của Bộ luật hình sự, hậu quả của tội phạm không được quy định cụ thể mà chỉ quy định dưới dạng các mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định cụ thể các mức độ đó còn gặp nhiều khó khăn nên việc xét xử trong thực tiễn chưa đạt được hiệu quả. Vì vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất để có cơ sở xác định chính xác các mức độ hậu quả mà hành vi phạm tội đã gây ra. Thông qua đó, có cơ sở để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, định tội danh và quyết định hình phạt được chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xét xử trong thực tiễn.

2. Nghiên cứu hành vi khách quan của tội phạm và hậu quả nguy hiểm cho xã hội chúng ta không thể tách rời yếu tố đóng vai trò là cầu nối giữa hai dấu hiệu ấy - mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu chúng ta nghiên cứu hành vi và hậu quả với tư cách là hai mặt thống nhất của một hiện tượng chung là tội phạm thì mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chính là biểu hiện cơ bản của sự thống nhất ấy. Hậu quả xảy ra phải được xác định là do

chính hành vi phạm tội gây nên thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mới có ý nghĩa và đúng pháp luật. Đây là nội dung quan trọng của quan hệ nhân quả trong luật hình sự. Nhận thức khoa học đúng đắn về mối quan hệ đã được thừa nhận chung này chính là cơ sở pháp lý vững chắc trong việc định tội danh, quyết định hình phạt, áp dụng các quy định của pháp luật hình sự đối với người phạm tội có căn cứ và đúng pháp luật.

3. Cùng với hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, các yếu tố khác thuộc mặt khách quan của tội phạm đóng vai trò quan trọng trong lý luận về tội phạm cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự. Đây là các dấu hiệu gắn liền với hành vi khách quan nên chúng được biểu hiện thông qua hành vi và việc thực hiện tội phạm trong thực tế. Trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan là những dấu hiệu định tội và định khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của chủ thể. Việc nghiên cứu và đánh giá đúng các yếu tố khác thuộc mặt khách quan của tội phạm có ý nghĩa rất lớn trong khoa học luật hình sự, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, toàn diện về mặt khách quan của tội phạm nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng, góp phần hoàn thiện pháp luật hình sự và nâng cao hiệu quả của công tác xét xử trong thực tiễn.

Chương 3

MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM ĐỐI VỚI VIỆC ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 59)