Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là một trong những dấu hiệu phản ánh bản chất của tội phạm và là yếu tố quan trọng để xác định tội phạm trong thực tế. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là một biểu hiện thuộc mặt khách quan của tội phạm và có ý nghĩa không giống nhau trong các cấu thành tội phạm khác nhau. Trong cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là một dấu hiệu thuộc mặt khách quan. Vì vậy, việc xác định hậu quả của tội phạm có ý nghĩa đối với việc định tội hay nói cách khác để có cơ sở khẳng định một hành vi cấu thành tội phạm cụ thể nào đó phải xác định được hậu quả xảy ra trên thực tế và phù hợp với hậu quả được mô tả trong cấu thành tội phạm đó. Ngoài ra, nếu chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thì hậu quả của tội phạm còn được xem xét trong việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm có cấu thành vật chất: “thời điểm xuất hiện hậu quả nguy hiểm cho xã hội là thời điểm tội phạm hoàn thành, thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa gây ra hậu quả được cụ thể trong điều luật quy định tội phạm thì tội phạm ở giai đoạn chưa đạt”[7, tr.152]. Hậu quả của tội phạm còn có ý nghĩa đối với tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý: “nếu tội phạm đó có lỗi là vô ý thì sự xuất hiện hậu quả nguy hiểm cho xã hội được nêu trong điều luật quy định tội phạm là căn cứ xác định hành vi đã thực hiện là cấu thành tội phạm, khi hậu quả chưa xảy ra thì không coi là tội phạm”[7, tr.153]. Do thái độ chủ quan của người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra và cũng không nhận thức được hành vi sẽ thực hiện là hành vi phạm tội nên chỉ khi nào hậu quả của tội phạm xảy ra trong thực tế thì hành vi đó mới phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội và cấu thành tội phạm cụ thể. Trong cấu thành tội phạm hình thức, luật hình sự không quy định hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm vì bản thân hành vi phạm tội đã phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Vì vậy, hậu quả trên thực tế dù xảy ra hay chưa đều không có ý nghĩa đối với việc định tội nhưng tính chất và mức độ của thiệt hại có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề xử lý hình sự và quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Ngoài hành vi phạm tội, việc xác định hậu quả phạm tội là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự chính xác, nhất là trong các tội phạm có cấu thành vật chất. Pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng cho thấy trong nhiều trường hợp, hậu quả phạm tội là căn cứ quan trọng và quyết định tới việc xử lý hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi. “Hậu quả phạm tội khi được nhà làm luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm tại các cấu thành tương ứng (cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm tăng nặng đặc biệt) thì cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền nhất thiết phải xác định được hậu quả đó”[8, tr.368]. Hậu quả đó được thể hiện bằng thiệt hại cụ thể và là cơ sở truy để cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể theo các khung hình phạt tương ứng với các cấu thành tội phạm. Ví dụ: Hậu quả “thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người
khác” được quy định tại một số cấu thành tội phạm như tội cản trở giao thông
đường bộ (Điều 203 Bộ luật hình sự); tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn (Điều 204 Bộ luật hình sự)… Vì vậy, nếu không xác định được hậu quả đó xảy ra trong thực tế thì hành vi khách quan được thực hiện không phải là hành vi phạm tội và chủ thể thực hiện hành vi cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Tại bản án số 83/2010/HSPT ngày 28/5/2010 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã xử lý hình sự đối với bị cáo Trương Văn Khoa (sinh năm 1965) về hành vi phạm tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” (Điều 205 Bộ luật hình sự). Hành vi đó được thực hiện như sau: ngày 05/8/2009, Trương Thị Quỳnh (sinh năm 1994, là con gái của Khoa) mượn xe mô tô của bố đi chơi. Mặc dù biết rõ con gái chưa có giấy phép lái xe theo quy định nhưng Khoa vẫn đồng ý cho Quỳnh lấy xe đi. Quỳnh đã điều khiển xe mô tô chở Đặng Thị Xuân (sinh năm 1994) đi chơi. Trên đường đi, Quỳnh đã lấn đường và đâm vào xe mô tô do Hồ Anh Viện (sinh năm 1992) điều khiển, chở Dương Văn Cường ngồi phía sau. Hai xe mô tô bị hư hỏng nặng, Trương Thị Quỳnh, Đặng Thị Xuân và Hồ Anh Viện đều bị thương tích. Trong vụ án này, hành vi của bị cáo Khoa là hành vi giao cho người không
có giấy phép lái xe điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, gây tai nạn làm bị thương ba người, hư hỏng nặng hai xe mô tô - thoả mãn dấu hiệu “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác” (khoản 1, Điều 205 Bộ luật hình sự).
Ngoài ra, việc xác định hậu quả phạm tội còn là cơ sở pháp lý để quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo các khung hình phạt tăng nặng.
“Người phạm tội không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tăng nặng nếu không xác định được hậu quả phạm tội cụ thể là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong các cấu thành tội phạm tăng nặng tương ứng”[8, tr.369]. Bộ luật hình sự quy định việc “gây hậu quả rất nghiêm
trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết tăng nặng đối với một số tội
phạm như tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (điểm c khoản 2 Điều 169 Bộ luật hình sự); tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (điểm c khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự), tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (điểm c khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự)…; hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” được quy định là tình tiết đặc biệt tăng nặng đối với các tội phạm như tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (khoản 3 Điều 176 Bộ luật hình sự), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (khoản 3 Điều 185 Bộ luật hình sự), tội huỷ hoại rừng (điểm c khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự); ... Xác định hậu quả do hành vi phạm tội gây ra có ý nghĩa rất lớn đối với việc quyết định hình phạt vì khung hình phạt tương ứng được xác định căn cứ vào hậu quả xảy ra ở mức độ “rất nghiêm trọng” hay “đặc biệt nghiêm trọng”. Do vậy, tính chất của hậu quả là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng cần phải được quy định cụ thể, thống nhất để các cơ quan pháp luật có cơ sở áp dụng trong thực tiễn. Về nguyên tắc chung, các cơ quan áp dụng cần phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại phi vật chất)[5, tr.29]. Ngoài ra, điểm k, khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự quy định “hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết tăng nặng (nói chung) đối với tất cả các trường hợp phạm tội. Do vậy, việc xác định hậu quả
phạm tội trong thực tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc quyết định hình phạt mặc dù nó không được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong khung hình phạt tương ứng.
Hậu quả của tội phạm còn được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Điểm g, khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự quy định: “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc xem xét để giảm nhẹ mức độ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội dựa trên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội căn cứ vào tính chất và mức độ của thiệt hại xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “thiệt hại không lớn” và mức độ
“không lớn” dựa trên những yếu tố gì là một vấn đề rất phức tạp, cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể, thống nhất. Đặc biệt, đối với một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt, áp dụng hay không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “gây thiệt hại không lớn” còn có nhiều ý kiến khác nhau. “Việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản không phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt”[5, tr.30]. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì: “Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy
ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng”[49, tr.21]. Như vậy, thiệt hại không
bao gồm giá trị tài sản do người phạm tội chiếm đoạt vì nó đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Ví dụ: A cướp một lô thuốc chữa bệnh cho gia súc trị giá 40 triệu đồng. Do không có thuốc để kịp thời chữa bệnh nên đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết. Trong trường hợp này, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 40 triệu đồng và hậu quả thiệt hại là 100 triệu đồng, hậu quả thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt lớn hơn giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Do vậy, việc xác định thiệt hại do tội phạm gây ra để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội gây thiệt hại không lớn” cần phải được xem xét ở nhiều phương diện đặc biệt là trong mối tương quan giữa giá trị tài sản bị chiếm đoạt với hậu quả thiệt hại về tài sản phát sinh sau đó.
Nghiên cứu hậu quả của tội phạm với tư cách là một yếu tố thuộc mặt khách quan, có thể thấy trong quy định của luật hình sự, hậu quả của nhiều tội phạm không được quy định cụ thể mà chỉ được quy định dưới những mức độ như nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả của tội phạm là một trong những điều kiện quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và là căn cứ để xác định hành vi phạm tội nên việc quy định hậu quả không cụ thể mà chỉ quy định một cách chung chung là một trong những lý do gây khó khăn cho việc truy cứu và xét xử tội phạm trong thực tiễn. Ngoài ra, việc xác định mức độ hậu quả của tội phạm trong một số trường hợp gặp nhiều khó khăn vì hậu quả tại điều luật không được quy định cụ thể mà chỉ được thể hiện thông qua hành vi khách quan. Ví dụ: hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác cấu thành tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật hình sự).Vì vậy, cần phải hoàn thiện những quy định của pháp luật hình sự về hậu quả của tội phạm theo hướng cụ thể, thống nhất, đảm bảo cho việc xử lý hình sự đạt hiệu quả trong thực tiễn.