Phương pháp, thủ đoạn phạm tội

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 54)

Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là hình thức mà trong đó những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thể hiện, hay nói một cách khác là cách thức mà người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm [59, tr.374]. Thông qua phương pháp, thủ đoạn phạm tội, chúng ta có thể nhận biết được hành vi phạm tội được thực hiện trong thế giới khách quan như thế nào. Luật hình sự không quy định phương pháp và thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của tất cả các cấu thành tội phạm mà chỉ trong một số cấu thành tội phạm cơ bản, chúng mới được quy định là dấu hiệu bắt buộc. Trong những trường hợp đó, phương pháp, thủ đoạn phạm tội có ý nghĩa trong việc định tội. Ví dụ: “thủ đoạn gian dối” được luật quy định là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật hình sự): “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. “Thủ đoạn gian dối” là cách thức thực hiện hành vi phạm tội và cách thức đó phản ánh tính chất của hành vi lừa đảo của chủ thể nhằm chiếm đoạt tài sản, được biểu hiện qua hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật, có thể được thực hiện qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua việc làm cụ thể (cân, đong, đo, đếm thiếu) [60, tr.39]. Trong cấu thành tội phạm tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146 Bộ luật hình sự) cũng có quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu bắt buộc và có ý nghĩa định tội. Theo đó, việc cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm khi được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn: hành hạ (đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình làm cho họ đau đớn về thể chất), ngược đãi (hành vi đối xử tồi tệ với người lệ thuộc mình nhằm gây đau khổ về tinh thần kéo dài), uy hiếp tinh thần (hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần…), yêu sách của cải

(hành vi đòi hỏi của cải như là một trong những điều kiện bắt buộc để được kết hôn)[60, tr.64].

Ngoài ra, trong một số cấu thành tội phạm khác, nhà làm luật quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của cách thức thực hiện hành vi. Trong những trường hợp này, thủ đoạn được sử dụng phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do vậy, nhà làm luật quy định thủ đoạn nguy hiểm là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, nó có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt. Ví dụ:

tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật hình sự) có quy định thủ đoạn xảo quyệt

là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng được quy định tại điểm đ khoản 2.

“Thủ đoạn xảo quyệt là những thủ đoạn tinh vi hoặc gian dối cao giúp người phạm tội dễ dàng tiếp cận và dễ dàng chiếm đoạt được tài sản như dùng các phương tiện kỹ thuật tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội”[60, tr.37]. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm bằng thủ đoạn được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt thì mức hình phạt áp dụng sẽ nặng hơn so với việc thực hiện hành vi trong cấu thành tội phạm cơ bản vì nó phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao hơn so với trường hợp phạm tội thông thường.

Như vậy, trong luật hình sự, việc xác định thủ đoạn phạm tội và tính chất của thủ đoạn có ý nghĩa trong việc định tội hoặc định khung hình phạt. Trường hợp phương pháp, thủ đoạn phạm tội tuy không được quy định là dấu hiệu định tội hay định khung hình phạt nhưng nó vẫn được quy định trong luật hình sự với tính chất là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp phạm tội nói chung vì “việc xác định tính chất của thủ đoạn phạm tội vẫn cần thiết vì tính chất của thủ đoạn phạm tội luôn luôn là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội”[59, tr.112]. Khi đó, nó có ý nghĩa là căn cứ đánh giá mức độ nguy hiểm của tội phạm và được coi là tình tiết cần phải xem xét khi quyết định hình phạt. Điểm m, khoản 1, Điều 48 Bộ lụât hình sự quy định:

“Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” là một trong những tình tiết tăng nặng

trách nhiệm hình sự. Vì vậy, phương pháp, thủ đoạn phạm tội phải được xác định và đánh giá đúng để có cơ sở quyết định hình phạt đối với người phạm tội một cách chính xác.

Phương pháp, thủ đoạn phạm tội thể hiện cách thức mà chủ thể thực hiện hành vi trong thực tế, được biểu hiện bởi hành vi khách quan và gắn với hành vi nên nó được phản ánh trong nhiều cấu thành tội phạm. Phương pháp, thủ đoạn phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm chính là căn cứ để phân biệt các tội phạm với nhau vì nhiều tội phạm có hành vi khách quan giống nhau nhưng lại khác nhau ở cách thức thực hiện. Trong luật hình sự, có hai cách thể hiện phương pháp, thủ đoạn phạm tội trong cấu thành tội phạm. Trong một số cấu thành tội phạm, phương pháp, thủ đoạn phạm tội được mô tả như là một dấu hiệu hành vi cùng với dấu hiệu hành vi chính hay dấu hiệu khác của tội phạm. dụ: thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, đe doạ để uy hiếp tinh thần… được mô tả trong một số cấu thành tội phạm cùng với các hành vi khách quan trương ứng.[29, tr.72]. Ngoài ra, có những trường hợp mà phương pháp, thủ đoạn phạm tội được mô tả như là tính chất hay là đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm vì nó không được mô tả dưới dạng hành vi độc lập trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: thủ đoạn lén lút ở tội trộm cắp tài sản.[29, tr.73]. Trong trường hợp này, phương pháp, thủ đoạn phạm tội được xem xét dựa vào hành vi thực hiện tội phạm và được biểu hiện bằng cách thức thực hiện hành vi đó.

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 54)