Nội dung mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 48)

nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong luật hình sự

Thứ nhất, “hành vi trái pháp luật phải xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian”[59, tr.107]. Nguyên nhân bao giờ cũng phải có trước kết quả, có nguyên nhân thì mới dẫn tới kết quả, vì vậy hành vi trái pháp luật với tính chất là nguyên nhân phải xuất hiện trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội với tính chất là kết quả. Nếu hành vi trái pháp luật không xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội về mặt thời gian thì cũng không có mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả, đồng thời cũng không có cơ sở để khẳng định hậu quả xảy ra trong thực tế là kết quả của hành vi trái pháp luật. “Khi xác định được căn cứ này không thỏa mãn thì có thể loại trừ được ngay khả năng tồn tại quan hệ nhân quả”[59, tr.107]. Mặt khác, hậu quả của tội phạm đã xảy ra rồi thì chúng ta mới có cơ sở để xác định mối quan hệ nhân quả, nghĩa là hành vi phạm tội bao giờ cũng phải diễn ra trước khi hậu quả xảy ra trên thực tế.

Thứ hai, “hành vi trái pháp luật độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát

sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội”[59, tr.107]. Đây chính là yếu tố cơ bản để khẳng định một cách chắc chắn mối quan hệ nhân quả vì bản thân “hành vi chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả” đã có mối liên hệ mật thiết với hậu quả của tội phạm, nếu xác định được chính xác hành vi đó thì cũng có nghĩa là xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Việc nhận biết khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chứa đựng trong hành vi phạm tội rất cần thiết, nó là một trong những yếu tố xác định sự tồn tại của quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào hành vi khách quan cũng chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của tội phạm. Trong những trường hợp này, trước khi chủ thể không hành động để dẫn tới hậu quả, nạn nhân đã ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (ví dụ như nạn nhân bị ngã xuống sông, bị tai nạn…), hành vi trái pháp luật của người phạm tội không chứa đựng khả năng làm phát sinh hậu quả trên thực tế mà chỉ có vai trò “cộng hưởng” trong quá trình gây ra thiệt hại cho khách thể.[7, tr.157]. Nạn nhân đã rơi vào tình trạng nguy hiểm từ trước đó có nghĩa là tình trạng đó đã chứa đựng khả năng gây ra thiệt hại và hành vi của người phạm tội chỉ góp phần làm cho tình trạng đó trở thành thiệt hại trong thực tế.

Thứ ba, “hậu quả nguy hiểm đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật”[59, tr.107]. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội dưới dạng thiệt hại cho các khách thể là biểu hiện trong thực tế khả năng làm phát sinh hậu quả chứa đựng trong hành vi phạm tội, qua đó mới có cơ sở để khẳng định hậu quả của tội phạm chính là kết quả của hành vi. Nếu như nội dung thứ hai hành vi phạm tội chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả xác định mối quan hệ mật thiết giữa hành vi và hậu quả thì nội dung thứ ba cho phép khẳng định mối quan hệ nhân quả một cách chắn chắn. Do vậy, nội dung này cần được kiểm tra trong thực tiễn vì “không phải bất cứ hành vi trái pháp luật nào, kể cả hành vi có khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả cũng đều gây ra hậu quả và trong nhiều trường hợp, hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra lại là kết quả của hành vi trái pháp luật khác”[60, tr.108].

Ví dụ: Bị cáo Trần Văn Như Phong (sinh năm 1993) đã bị xử lý hình sự tại bản án số 81/2010/HSPT ngày 28/5/2010 của Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về hành vi phạm tội cố ý gây thương tích như sau: Chiều 21/12/2008, Phong gặp Ngô Hoàng Lâm tại quán nước. Do trước đó đã xảy ra mâu thuẫn, hai bên lời qua tiếng lại nên Phong đã rút con dao nhọn dài khoảng 15cm trong túi quần ra đâm trúng bụng Lâm, sau đó Phong đâm tiếp hai nhát vào ngực trái và bụng Lâm. Lâm vùng bỏ chạy, sau đó được mọi người đưa vào bệnh viện mổ cấp cứu và điều trị. Mức độ tổn hại sức khoẻ của Lâm là 22,82%. Trong vụ án này, hành vi của Phong dùng dao nhọn đâm Lâm là hành vi trái pháp luật chứa đựng khả năng thực tế gây hậu quả thương tích cho Lâm. Hậu quả Lâm bị thương là sự hiện thực hoá khả năng đó hay nói cách khác Lâm bị thương chính là do hành vi của Phong gây ra.

Trong quan hệ nhân quả, cùng một hành vi phạm tội nhưng mỗi trường hợp khác nhau thì hậu quả thực tế cũng không hoàn toàn giống nhau. “Tính chất, mức độ, phạm vi của hậu quả sẽ thay đổi tùy theo điều kiện cụ thể đã ảnh hưởng đến khả năng phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân”[59, tr.109]. Điều kiện là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới quá trình nguyên nhân sinh ra kết quả. Nó là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình vận động của nguyên nhân là hành vi trái pháp luật thành kết quả là thiệt hại trong thực tế, bản thân điều kiện không sinh ra kết quả.[7, tr.157]. Tùy từng trường hợp cụ thể, hậu quả chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện xác định và điều kiện có thể chi phối tới quá trình phát sinh hậu quả nguy hiểm cho xã hội chứa đựng trong hành vi trái pháp luật hay nói cách khác ở một mức độ nào đó, điều kiện có vai trò quan trọng và quyết định tới hậu quả phạm tội trong mối quan hệ với hành vi khách quan của tội phạm.

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 48)