Phương tiện phạm tội

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 52)

Phương tiện phạm tội có thể được hiểu là dụng cụ, đồ vật hoặc quá trình của thế giới bên ngoài mà người phạm tội sử dụng để tác động đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự [8, tr.374]. Phương tiện phạm tội có vai trò hỗ trợ rất lớn cho việc thực hiện tội phạm, trong nhiều trường hợp nó có ý nghĩa quyết định tới hành vi phạm tội.

Phương tiện phạm tội không được quy định trong tất cả các cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, với tính chất là những đối tượng được chủ thể sử dụng hoặc để thực hiện hành vi nên trong cấu thành tội phạm cơ bản của một số tội phạm, phương tiện được phản ánh là dấu hiệu bắt buộc vì hành vi khách quan đòi hỏi phải được thực hiện bằng những phương tiện đó thì hành vi đó mới được coi là hành vi phạm tội . Khi đó, phương tiện phạm tội được quy định là dấu hiệu định tội. Ví dụ: những giá trị vật chất (tiền, đồ vật, kim loại quý…) là phương tiện phạm tội của tội đưa hối lộ (Điều 289 Bộ luật hình sự) và là dấu hiệu được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản. Nếu hành vi khách quan không được thực hiện bằng những phương tiện có giá trị thì hành vi đó không phản ánh tính chất của tội đưa hối lộ và cũng không cấu thành tội phạm. Ngoài ra, phương tiện phạm tội còn được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, “vì tính chất của phương tiện phạm tội trong những trường hợp này đã làm thay đổi một cách đáng kể mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”[59, tr.111]. Ví dụ:Vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm được quy định là dấu

hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng tại điểm d khoản 2 của tội cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự). Vũ khí được hiểu là các loại súng thể thao dùng trong luyện tập, thi đấu và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao, súng săn (súng hơi các cỡ, súng kíp…), vũ khí thô sơ (dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại, hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại…). Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo nhằm phục vụ cho cuộc sống con người (trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Người nào đã thực hiện hành vi khách quan của tội cướp tài sản và sử dụng “vũ khí” hoặc “phương tiện nguy hiểm” để phạm tội thì phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn so với hành vi trong cấu thành tội phạm cơ bản.

Trong những trường hợp này, do được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng nên việc xác định phương tiện phạm tội có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt.

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 52)