Thời gian phạm tội

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 56)

Thời gian phạm tội là một thời điểm hoặc một khoảng thời gian nhất định mà diễn ra hành vi phạm tội. Thời gian phạm tội không phải được biểu hiện bởi ngày, tháng, năm cụ thể mà phải được hiểu là thời kỳ cụ thể nhất định phản ánh bằng các sự kiện chính trị - xã hội [8, tr.375]. Trong luật hình sự Việt Nam, thời gian phạm tội được quy định là dấu hiệu định tội của một số tội phạm. Đó là trường hợp khoảng thời gian hành vi khách quan được thực hiện phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Hành vi nhất thiết phải xảy ra trong khoảng thời gian đó mới thỏa mãn là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm và vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội mới được đặt ra. Ví dụ: hành vi

chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm được thực hiện “trong chiến đấu hoặc

khi thu dọn chiến trường…” cấu thành tội chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi

phẩm (Điều 337 Bộ luật hình sự). Tội phạm chiến tranh (Điều 343 Bộ luật hình sự) quy định: “Người nào trong thời kỳ chiến tranh mà ra lệnh hoặc trực tiếp tiến hành việc giết hại dân thường, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản…”, tên của điều luật đã thể hiện thời gian là dấu hiệu bắt buộc để xem xét vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Nếu không được thực hiện trong khoảng thời gian này thì đó không phải là hành vi khách quan của tội phạm chiến tranh.

Ngoài ra, trong những trường hợp thời gian phạm tội được phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với hành vi phạm tội thông thường thì nó được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi trong khoảng thời gian này thì họ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn. Ví dụ: luật hình sự quy định “phạm tội trong chiến đấu” là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng đối với hành vi vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban (khoản 2, Điều 330 Bộ luật hình sự) và hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ (khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự). Trong chiến đấu là khoảng thời gian mà các chế độ về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban, bảo vệ trong quân đội có vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng tới trật tự công tác do các chế độ đó xác lập nên. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, người nào có hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ trực chiến, trực chỉ huy, trực ban hoặc các quy định về bảo vệ (tuần tra, canh gác, áp tải, hộ tống) hoặc thực hiện các quy định, chế độ đó một cách lơ là, chậm trễ, không đến nơi đến chốn sẽ bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng được quy định trong luật hình sự.

Một phần của tài liệu Mặt khách quan của tội phạm với tư cách là một yếu tố cấu thành tội phạm (Trang 56)